Trở Về Trang chính

Thursday, September 1, 2011

Xét Giải thưởng Nhà nước: Cụm tác phẩm của ông Vũ Ngọc Liễn cần được cân nhắc

Hoàng Minh (TN&MT) - Ông Vũ Ngọc Liễn chỉ có công sưu tầm, ông có vài ba bài phân tích với số lượng trang rất khiêm tốn. Quy chế Giải thưởng Nhà nước không dành cho người sưu tầm... Về mặt bản quyền, sự cóp nhặt của nhiều tác giả thành của mình rồi khai báo xin giải thưởng là không trung thực, lấy quyển đã in nhiều tác giả thành sách của mình là vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức người cầm bút....

*

Tôi đọc website của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thấy có các quyển: Đào Tấn, thơ và từ; Đào Tấn, tuồng hát bội; Đào Tấn qua thư tịch là cụm công trình của ông Vũ Ngọc Liễn đã được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Giải thưởng Nhà nước.

Về quyển Đào Tấn thơ và từ, NXB Sân khấu 2003 ghi "Vũ Ngọc Liễn biên khảo" là phiên bản của cuốn Thơ và từ Đào Tấn, NXB Văn học 1987, của nhóm biên soạn gồm 7 người: Vũ Ngọc Liễn (chủ biên) Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỷ (hiệu đính), Xuân Diệu (giới thiệu), Hoàng Trung Thông (bạt). Về nội dung, quyển xuất bản 2003 ngoài lời bạt của Hoàng Trung Thông có thêm lời bạt của Thanh Thảo. Nhưng về tác giả bỏ bớt 6 người, chỉ ghi trang đầu Vũ Ngọc Liễn.

Vậy về mặt bản quyền, 2 quyển có vấn đề không minh bạch. Những người trong nhóm biên soạn là GS. Đỗ Văn Hỷ, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Hoàng Trung Thông, tác gia Tống Phước Phổ, ông Mạc Như Tòng đều đã mất từ trước 2003 nên không ai biết quyển NXB Sân khấu 2003 in tên một mình Vũ Ngọc Liễn.

Hơn nữa, đây là tuyển tập các tác phẩm của Đào Tấn, ông Vũ Ngọc Liễn chỉ có công sắp xếp lại. Nếu nói phần nghiên cứu thì là của Xuân Diệu, Đỗ Văn Hỷ, Hoàng Trung Thông - những người hiệu đính và viết tựa, bạt. Nếu nói dịch thuật thì của các nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Yến Lan, Mịch Quang, Hoàng Châu Ký...

PGS. Trần Nghĩa ở Viện nghiên cứu Hán Nôm, trong một bài khảo cứu in báo đã viết: "Đào Tấn thơ và từ, ở phần Phụ lục, đã in lại nguyên văn chữ Hán toàn bộ các bài thơ hiện có trong Tiên nghiêm Mộng Mai thi thảo (do Tịnh Ba chép bằng bút sắt vào năm 1964) và Mộng Mai thi tồn (do Nguyễn Tòng chép bằng bút lông) cùng với 4 bài thơ đến từ các nguồn khác (cũng do Nguyễn Tòng chép bằng bút lông)". Vậy thì Thơ và từ Đào Tấn có được hôm nay là do bản chép của Nguyễn Tòng và Tịnh Ba.

Trên website Văn hóa Nghệ An, có bài của Phạm Văn Ánh "Sự thực về Mộng mai từ lục của Đào Tấn": "Cũng như sáng tác của hàng loạt tác gia Trung đại khác, sáng tác từ của Đào Tấn hiện không còn bản thảo gốc do đích thân tác giả chấp bút, các tác phẩm được chép rải rác trong nhiều sách khác nhau, bản đầy đủ hơn cả và được coi là "đáng tin cậy hơn hết" do hai con gái của tác giả là Trúc Tiên và Chi Tiên kí lục, Tịnh Ba (hay Tĩnh Ba) phụng sao vào thượng tuần tháng Chạp năm Giáp thìn (1964)(1). Nhờ sự nỗ lực của một số dịch giả, nhà nghiên cứu, 24 bài từ của Đào Tấn đã được dịch, giới thiệu lần đầu vào năm 1987, qua sách Thơ và từ Đào Tấn (Nhà xuất bản Văn học, H, 1987), và được giới thiệu toàn bộ (60 bài) vào năm 2003, qua sách Đào Tấn thơ và từ (Nhà xuất bản Sân khấu, H, 2003)".

Như vậy sự việc này, các nhà học thuật đã phân tích rõ. Con gái cụ Đào Tấn đã gửi bản chép tay của Nguyễn Tòng và Tịnh Ba cho các nhà nghiên cứu làm tài liệu nghiên cứu chứ không hề gửi cho ông Vũ Ngọc Liễn ! Một vấn đề khác là một số bài từ trong cuốn này cũng chưa ai khẳng định chắc chắn là của Đào Tấn.

Tương tự như thế là quyển Đào Tấn, tuồng hát bội, ông Vũ Ngọc Liễn sưu tầm lại từ con cháu Đào Tấn chứ đâu phải quyển nghiên cứu tuồng của Vũ Ngọc Liễn. Rồi quyển Đào Tấn qua thư tịch là tập hợp những bài nghiên cứu và tham luận Hội thảo về Đào Tấn của khoảng 30 tác giả khác gồm Cường Để, Phan Bội Châu, Tự Đức, Quách Tấn, Sơn Tùng, Mịch Quang, Mạc Như Tòng, Nguyễn Khắc Phê, Trần Văn Thận, Hồ Đắc Bích, Huỳnh Lý, Nguyễn Thanh Mừng, Hoàng Châu Ký, Lê Xuân Lít, Từ Lương, Phan Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Nhung, Tất Thắng, Nguyễn Đức Lộc, Tống Phước Phổ, Lê Ngọc Cầu, Nguyễn Lai, Hoàng Chương, Nguyễn Văn Chương, Lưu Trọng Lư, Hồ Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Hà Xuân Trường... ông Vũ Ngọc Liễn sưu tầm, sắp xếp in thành sách và khai báo nhận thưởng.

Như vậy, các tác phẩm ông Vũ Ngọc Liễn đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước là các tác phẩm của Đào Tấn và nhiều tác giả nghiên cứu, dịch thuật, hiệu đính tác phẩm Đào Tấn. Ông Vũ Ngọc Liễn chỉ có công sưu tầm, ông có vài ba bài phân tích với số lượng trang rất khiêm tốn. Quy chế Giải thưởng Nhà nước không dành cho người sưu tầm. Có chăng là ở lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian, chứ không phải sưu tầm tác phẩm của đồng nghiệp.

Về mặt bản quyền, sự cóp nhặt của nhiều tác giả thành của mình rồi khai báo xin giải thưởng là không trung thực, lấy quyển đã in nhiều tác giả thành sách của mình là vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức người cầm bút.

Mặt khác, văn bản Thơ và từ Đào Tấn còn nhiều tồn nghi, lẫn lộn với các văn bản, cần có sự thẩm định về văn bản học.

Vì những lý do trên và cũng là để tránh những kiện cáo hậu giải thưởng đảm bảo uy tín cho Hội đồng cấp Nhà nước, việc xét Giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm của ông Vũ Ngọc Liễn cần được cân nhắc.


No comments:

Post a Comment