Trở Về Trang chính

Sunday, September 4, 2011

Trung Quốc loan báo kế hoạch đẩy mạnh quyền giam giữ kín

Bắc Kinh – Trung Quốc muốn đưa thành luật về quyền hạn của cảnh sát, cho phép giam giữ các nhà bất đồng chính kiến và những người tình nghi về tội phạm an ninh quốc gia khác, tại các địa điểm bí mật mà không cần phải báo cho gia đình của những người đó biết. Một dự luật được công bố như vậy hôm thứ Ba vừa qua, nhưng đã bị những người cổ vũ nhân quyền lên án.

Những người chỉ trích nói rằng các đề nghị bổ sung Luật Tố tụng Hình sự của Trung Quốc có thể sẽ khuyến khích các nhà chức trách đi quá xa, với các kiểu giam giữ bí mật đã từng được sử dụng để bắt bớ các luật sư nhân quyền, những người đã từng biểu tình và họa sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị hồi đầu năm naỵ.

Nếu dự luật đó trở thành luật rồi thì những người như tôi, Ngải Vị Vị và bao nhiêu người khác nữa có thể bị giam giữ, thậm chí sẽ có ít vấn đề và trở ngại hơn [đối với việc giam giữ người trái phép đó], và với một cơ sở luật pháp cứng rắn hơn“, ông Giang Thiên Dũng, một luật sư ở Bắc Kinh nói.

Hồi đầu năm nay, ông Giang đã bị giam hai tháng mà không có một sự liên lạc nào với gia đình, khi chính quyền đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, sợ rằng cuộc các nổi loạn ở thế giới Ả Rập có thể tràn sang Trung Quốc.

Ông Giang nói thêm: “Ðây có thể là một bước thụt lùi lớn, nhưng tôi không thể coi thường khả năng, đó là dự luật này sẽ trở thành luật. Thêm nhiều người sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị mất tích“.

Ông Ngải Vị Vị đã bị giam giữ và việc giam giữ ông ấy đã dấy lên một sự phản đối dữ dội từ [cộng đồng] quốc tế. Ông nói trong một bài công bố hôm Chủ Nhật rằng: “Điều tồi tệ nhất về Bắc Kinh là, anh không bao giờ tin được hệ thống tư pháp“.

Những người bị tình nghi phạm tội và các bị cáo bị giam giữ dưới dạng “giám sát tại gia“ thường sẽ bị giam giữ tại nhà của họ, theo dự luật được công bố bởi Quốc hội Trung Quốc, là quốc hội do Ðảng Cộng sản kiểm soát. Nhưng các tội phạm nhạy cảm về chính trị có thể bị đối xử khác.

Ðối với những người phạm tội về an ninh quốc gia, các tội khủng bố và các tội hối lộ nghiêm trọng” có thể bị giam giữ tại các địa điểm bên ngoài các trung tâm giam giữ thông thường, bản dự thảo được công bố trên website của quốc hội cho biết như vậy (www.npc.gov.cn).

Tương tự, khi gia đình của các nghi can loại tội phạm thông thường và các bị cáo bị giam giữ dưới hình thức “giám sát tại gia” sẽ được thông báo về tình trạng của các nghi can trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhưng trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia và các vụ án nhạy cảm khác, cảnh sát không cần phải báo cho gia đình của họ “nếu sự thông báo đó có thể gây trở ngại cho việc điều tra,” bản dự thảo cho biết.

Ở Trung Quốc, “các tội về an ninh quốc gia” bao gồm tội lật đổ và các cáo buộc khác, thường được dùng để trừng trị các nhà bất đồng chính kiến, là những người thách thức sự cai trị của Ðảng Cộng sản.

Cảnh sát Trung Quốc đã có khá nhiều quyền hành để giam giữ người và toà án do đảng điều khiển, hiếm khi chất vấn các quyền hành đó được thực thi như thế nào. Nhưng những người chỉ trích nói rằng, điều bổ sung đó có thể thêm vào một lớp vỏ hợp pháp cho các quyền hành tùy tiện.

Ðiều này hoàn toàn vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế là, sự tước đoạt tự do chỉ có thể xảy ra nếu điều đó đã được tòa án quyết định“, Nicholas Bequelin nói. Ông Nicholas là nhà nghiên cứu về Trung Quốc của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, một tổ chức cổ vũ nhân quyền, có trụ sở tại New York.

Chính quyền Trung Quốc đã tỏ ra giận giữ vì sự chỉ trích rầm rộ, do chính quyền bí mật giam giữ ông Ngải Vị Vị và những người bất đồng chính kiến khác, ông Bequelin trả lời phỏng vấn trước khi dự thảo bổ sung luật được phổ biến.

Sự phản ứng lại [các chỉ trích nói trên] càng không tôn trọng luật pháp, mà còn thay đổi luật pháp và tước bỏ các điều khoản bảo vệ [các quyền của người bị bắt giữ] vốn đã có“, ông nói.

Quốc hội Trung Quốc nói, công dân sẽ được hoan nghênh đóng góp ý kiến về dự thảo bổ sung điều khoản của Luật Tố tụng Hình sự cho đến cuối tháng Chín, trước khi các nhà làm luật đem ra bàn thảo. Cơ quan thông tấn nhà nước nói rằng, các điều lệ về “giám sát tại gia” đã được làm sáng tỏ hơn.

Dự thảo bổ sung “sẽ giúp bảo vệ nhân quyền hơn và phù hợp với công ước quốc tế hơn,” Tân Hoa xã cho biết khi dẫn lời của một số học giả luật Trung Quốc.

Các điều khoản cho phép cảnh sát không báo cho gia đình nơi giam giữ những người bị bắt “là trường hợp ngoại lệ, và sẽ không thường xuyên,” ông Song Yinghui, giáo sư luật tại Ðại học Chuẩn của Bắc Kinh (Beijing Normal University) nói với Tân Hoa xã.

Nhưng những người độc lập cổ vũ cho nhân quyền ở Trung Quốc nói rằng, phần bổ sung sẽ đánh dấu một sự thụt lùi lớn đối với các quyền hợp pháp, nếu nó được thông qua, trở thành luật, với sự chấp thuận của quốc hội.

Về mặt nguyên tắc, giám sát tại gia là một kiểu quản thúc nhân bản hơn, cho phép các nghi can và các bị cáo ở với gia đình của họ, theo ông Lý Phương Bình, một luật sư ở Bắc Kinh đã bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến và những người biểu tình.

Ông Lý và những người chỉ trích khác nói rằng, thực tế, nó được sử dụng như một lý do để đưa những người bị bắt tới các địa điểm giam giữ không chính thức, kể cả khách sạn, mà không báo cho gia đình hoặc luật sư của họ biết.

Nếu anh có thể cầm giữ ai đó, ở chỗ nào đó mà không có các phương tiện hữu hiệu giám sát, không cho phép những người bị bắt gặp luật sư, thì khi đó các bảo đảm về quyền lợi của họ đối mặt với những viễn cảnh khủng khiếp,” ông Lý nói.

Một số luật sư nói, dự thảo bổ sung này rất có khả năng trở thành luật, mặc dù có sự tranh cãi tràn ngập trên mạng internet ở Trung Quốc; những người khác cho rằng, điều khoản bổ sung có thể sẽ được giảm bớt, hoặc thậm chí có thể bị bỏ đi. Mọi chuyện đều không rõ cho đến khi quốc hội xem xét các điều khoản bổ sung sắp tới.

Ông Lý nói: “Ðiều này sẽ trở thành [vấn đề] tranh cãi, bởi vì nó đánh dấu quyền hạn của cảnh sát được bành trướng quá đáng. Tôi không biết việc chống đối [điều khoản bổ sung] này có thành công hay không, nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ cố gắng“.

Nguyễn Trùng Dương dịch từ Reuters

No comments:

Post a Comment