Trở Về Trang chính

Saturday, September 10, 2011

Thông điệp nào từ Libya?

Quân nổi dậy Libya đã làm chủ thủ đô Tripoli

Gaddafi còn đang lẩn trốn nhưng chế độ của ông ta đã cáo chung và chẳng bao lâu nữa chính ông ta cũng sẽ phải đền tội. Ngày tàn của các bạo chúa bao giờ cũng rất thảm khốc.

Gaddafi đã có thể có một sự nghiệp khác hẳn. Năm 1969, khi lật đổ chế độ quân chủ và lên cầm quyền ở tuổi 27, Gaddafi được cả thế giới nhìn như là biểu tượng của một nước Libya mới và có tất cả mọi điều kiện để thành công: thế giới ngưỡng mộ, nhân dân ủng hộ nồng nhiệt, quân đội phục tùng và nguồn dầu lửa phong phú. Gaddafi đã có thể biến Libya thành một nước dân chủ giầu mạnh và để tên lại trong lịch sử Libya và thế giới như một vĩ nhân. Nhưng Gaddafi đã nhanh chóng trở thành một bạo chúa điên khùng thách thức thế giới văn minh và mọi giá trị nhân bản, để rồi sau cùng bị đánh đổ và chờ đền tội.

Libya đã gửi cho thế giới những thông điệp nào?

Trước hết, sự kết liễu của chế độ Gaddafi sau những thắng lợi gần đây của dân chủ trong vùng có nghĩa là làn sóng dân chủ tại các nước Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông không thể đảo ngược được nữa. Trong nhiều thập niên, nhiều quan sát viên đã nói tới một "ngoại lệ Ả Rập" theo đó – do di sản lịch sử và văn hóa – các nước Ả Rập không phù hợp với dân chủ. Ngày nay ngoại lệ đó, nếu có, cũng đã chấm dứt. Và nếu ngay cả các nước Ả Rập cũng trở thành dân chủ thì trên thế giới không còn một nước nào có thể viện dẫn bất cứ lý do nào để từ chối dân chủ.

Chọn lựa của các chế độ độc tài vì vậy chỉ giản dị là thích nghi hay chết thảm, như các chế độ Ben Ali, Mubarak vừa rồi, Gaddafi trong lúc này, Saleh và al-Assad sắp tới.

Sau đó là một thông điệp về nhận thức của thế giới. Việc các cường quốc trong khối NATO can thiệp bằng quân sự để giúp đánh đổ chế độ bạo ngược Gaddafi đã không gặp một phản đối nào, nhân quyền đã thực sự trở thành một giá trị phổ cập. Các chế độ độc tài còn lại từ nay sẽ bị nhìn như những rác rưởi dơ bẩn. Các cấp lãnh đạo của chúng ra nước ngoài nếu may mắn được tiếp đón thì cũng chỉ như những người bệnh hoạn cần được giúp đỡ để chữa trị. Cái nhìn này, song song với một trật tự kinh tế mới đang hình thành, mà chủ trương nền tảng là giảm nhập khẩu và giảm chi để thăng bằng cán cân mậu dịch và giảm nợ công, sẽ khiến các nguồn viện trợ và đầu tư vào các nước không chứng tỏ thiện chí dân chủ hóa bị sút giảm nặng, thậm chí có thể mất hết, ngay cả xuất khẩu cũng sẽ rất khó khăn. Thời gian dễ dãi của các chế độ độc tài đã chấm dứt.

Các chế độ Ben Ali, Mubarak, Gaddafi, Saleh, al-Assad đã có thể kéo dài vài thập niên, nhưng các chế độ độc tài còn lại sẽ chết rất nhanh chóng vì bối cảnh thế giới đã thay đổi. Điều này, các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam và đặc biệt ông Nguyễn Tấn Dũng, phải hiểu rõ vì các chế độ bạo ngược ngoan cố thường kết thúc một cách rất bi đát.

Nhưng tại sao nước ta lại cứ lỡ hẹn với lịch sử? Năm 1975, khi làn sóng dân chủ thứ ba đã bắt đầu và sự nhảm nhí của chủ nghĩa Mác-Lênin đã rõ ràng, đảng cộng sản đã huênh hoang áp đặt chế độ toàn trị trên cả nước. Năm 2011 khi các chế độ độc tài cá nhân theo nhau sụp đổ chúng ta bắt đầu chế độ độc tài Nguyễn Tấn Dũng. Tại sao chúng ta luôn luôn hụt hẫng? Trí thức Việt Nam cần xét lại mình một cách rất khiêm tốn.

Ban biên tập Tổ Quốc

No comments:

Post a Comment