Trở Về Trang chính

Wednesday, September 7, 2011

Tản mạn về Vương Thuý Kiều

1* Kiều phải sống

Chuyên Kiều là một tác phẩm văn học nổi tiếng Việt Nam đã đưa tên tuổi tác giả Nguyễn Du lên thành một đại văn hào và là một danh nhân thế giới. Giá trị của Chuyện Kiều là tài xử dụng ngôn ngữ phong phú, trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình, tả người, làm nổi bật từng nhân vật của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Câu chuyện được viết bằng văn nôm dưới cái tựa là Đoạn Trường Tân Thanh, gồm có 3,254 câu thơ lục bát. Cốt chuyện phỏng theo một tác phẩm Trung Hoa. Nhân vật chính là Vương Thúy Kiều, được Nguyễn Du trình bày để nói lên thuyết “tài mệnh tương đố”, hồng nhan bạc phận, hồng nhan đa truân, trời già quen thói má hồng đánh ghen hoặc chữ tài liền với chữ tai một vần.

Chuyện Kiều được đưa vào chương trình giáo dục là do giá trị nghệ thuật xử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du. Nhưng dưới nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa, mọi giá trị đều được thẩm định và đánh giá trên quan điểm và lập trường giai cấp của Chủ nghĩa Mác Lênin. Phải mang tính đảng và phải phục vụ cho cuộc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa, đang xảy ra quyết liệt chống Tư bản, để xem “ai thắng ai”.

Cái lối giáo dục nhồi sọ đó tạo ra một thế hệ học sinh suy nghĩ và nói một chiều đúng hệch một khuôn khổ quy định. Đại ý như, luôn luôn nêu quyết tâm dưới mỗi bài viết như nhau “Em quyết tâm học tập tốt, lao động tốt, làm tốt 5 điều bác Hồ dạy, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, theo gương anh Phan Đình Giót lấy thân mình chèn pháo, anh La Văn Cầu lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh Lê Anh Xuân nhắm thẳng quân thù mà bắn, anh Nguyễn Văn Trỗi, trước khi chết còn hô vang Bác Hồ muôn năm, chị Đặng Thùy Trâm cũng hô bác Hồ muôn năm khi bị đạn M-16 bắn vào đầu, chị Út Tịch thì đánh còn cái lai quần cũng đánh, chị Tạ Thị Kiều tay không lấy đồn giặc. Đa số học sinh đều chọn cái chết để đưa nước VN phồn vinh cùng bè bạn XHCN năm châu.

Dưới đây là bài kiểm tra của một học sinh đã được báo chí trong và ngoài nước đăng tải, do một tác giả tên Bồ Đào Công Tử đưa lên trang mạng.

Đầu đề bài thi học kỳ:

"Bằng kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tế, em hãy phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều và liên hệ với hoàn cảnh hiện đại".

Bài kiểm tra của em học sinh mang tựa đề “Kiều Phải Sống!” và có nguyên văn như sau:

"Nguyễn Du là một đại văn hào của đất nước, và tác phẩm Kiều là một kiệt tác bất hủ của văn học Việt Nam đã liên tục nhiều thế kỷ lọt vào top ten những tiểu thuyết được yêu thích nhất trong tuần của MTV. Chỉ tính riêng trong tháng mười một, nhân vật Kiều cũng như Sở Khanh đã được lên trang bìa và trang giữa của nhiều báo với số lượng hơn hẳn các diễn viên Hàn Quốc trong phim “Anh em nhà bác sỹ.” Hằng ngày hiện nay Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Từ Hải và Thúy Vân... đều dành hết thời gian trả lời thư ái mộ của bạn đọc mà cũng không đủ. Riêng các áo in hình Vương ông và Hoạn thư trong dịp Noel vừa qua đã bán được với số lượng kỷ lục với giá rất nhiều dollars, có khuyến mãi cho người mua số lượng lớn.

Bản thân em rất quý mến Kiều vì cô ấy dễ thương, sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống gặp nhiều éo le, trắc trở, nhưng Kiều vẫn phấn đấu vươn lên. Chỉ tiếc khi Kiều bán mình chuộc cha không chịu coi kỹ giá cả, đúng vào lúc thị trường nhiều biến động nên bị lừa đảo, tư thương ép giá quá trời.

Riêng về vấn đề Kiều nhảy xuống sông tìm đường *(Tiền Đường) tự vẫn thì đó là một hành động nông nỗi, thiếu suy nghĩ và cũng chứng tỏ thời kỳ này còn lạc hậu về kỹ thuật, không có nhiều phương án để chọn như chọn số điện thoại di động trong đợt giảm giá vừa qua. Với kinh nghiệm thực tế của em, vào lúc này nếu có xảy ra chuyện gì thì Kiều vẫn phải sống bởi các lý do chủ quan và khách quan như sau:

1- Nhảy xuống sông thì hiện nay nước ngập, lòng đường hoặc vỉa hè sau cơn mưa cũng có thể thành sông, nhưng độ sâu rất thất thường, Kiều mà không biết chỗ (mà làm gì có ai biết) nhảy bừa vào chỗ cạn thì có thể sứt trán hoặc trầy đầu gối chứ chết đuối là rất khó khăn.

2- Tất nhiên là Kiều có thể nhảy lầu. Nhưng hiện nay dưới các lầu đều có dây điện thoại hoặc dây phơi quần áo chằng chịt. Kiều gieo mình xuống mắc vào những sợi dây này sẽ bị phơi nắng, dẫn tới việc phải mua kem dưỡng da chứ không thể chết được. Đã có trường hợp nhảy lầu mười ngày sau mới tới đất.

3- Sau đó Kiều có thể chọn cách lao vào ô tô đang chạy. Cách này có lợi là có thể bẹp dí như bánh tráng trong thời hạn rất nhanh, không sợ bị cứu chữa ngoài ý muốn, và hình như Kiều đã áp dụng thí điểm ở một số ngã tư. Nhưng ôi chao, Kiều cứ thử chỗ nào thì chỗ ấy lại kẹt xe cả ngày trời.

4- Có cách tự vẫn hiện đại nhất là cho điện giật, nhưng Kiều bị lừa đảo đúng vào mùa khô, mực nước sông đều cạn kiệt ngoài dự đoán của Sở Điện lực nên Kiều cứ dùng dây điện châm vào người mấy lần mà điện vẫn bị cúp hoặc tệ hơn nữa, điện yếu khiến Kiều bị giật tê tê chứ toàn thân vẫn nguyên vẹn "rõ ràng trong ngọc trắng ngà".

5- Cuối cùng, Kiều áp dụng phương pháp phổ biến và rẻ tiền nhất là uống thuốc trừ sâu. Nhưng số Kiều quả là lận đận, nàng đã cẩn thận uống đến mười chai mà vẫn phây phây tăng trọng lượng. Về sau mới biết đó là loại thuốc trừ sâu dởm pha bằng nước đường.

Kết luận là trong bất kỳ hoàn cảnh nào em thấy Kiều cũng cần phải sống. Sống để nhìn thẳng vào sự thật, để lạc quan yêu đời và để xem cho hết các bộ phim nhiều tập rất hay đang được chiếu trên tivi. Kiều cũng cần bắt chước Củng Lợi, phải sống, phải sống và phải sống!"

***

Sau đây là nhận xét Bồ Đào công tử:


“Em đã sử dụng chủ nghĩa duy vật Mác Lê như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ Truyện Kiều, rồi phân tích đề tài một cách logic, có hệ thống và biện chứng:

Rằng: Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!


Tuy nhiên, em học sinh đã quên đề cập đến một biến cố trọng đại trong đời Kiều. Ấy là chuyện nàng từng bị bán sang Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, rồi Hàn Quốc; tiếng là làm vợ ngoại nhân nhưng trong thực tế, chỉ là nô lệ tình dục. Chuyện này đã được cụ Nguyễn Du ghi rõ trong tác phẩm:

Thoắt buôn về thoắt bán đi,
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!


Tại những nơi này, chốc chốc nàng lại phải cắn răng mà chịu đựng:

Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.


Là nô lệ tình dục, Kiều phải làm việc nhiều lắm, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ”. Nói nôm na là nàng bị chúng xoay, chúng vần đến nơi đến chốn:

Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.


Đau đớn, khổ não, và tủi nhục quá, đã vài lần Kiều đi trốn nhưng đều bị bắt lại. Mỗi lần như vậy, chúng đánh nàng thừa sống thiếu chết.

Có khi chúng dùng tay chân mà đấm đá:

Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Đang tay vùi liễu, dập hoa tơi bời.


Có khi chúng lấy gậy mà quật:

Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.


Tuy nhiên, may mắn thay, Kiều không đến nỗi bị tử vong như cô dâu Trần Thị Thu An, quê ở Cần Thơ, bị chồng Hàn Quốc đánh chết tại Daegu, gần thủ đô Hán Thành, ngày 25 tháng 4 năm 2007 vừa qua.

Khi thương tich chưa lành hẳn, Kiều lại bị chúng xoay, chúng vần. Chẳng bao lâu, nàng bị nhiễm bệnh SIDA, tức bệnh AIDS, coi như hết thuốc chữa:

Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?


Kiều lại còn mắc phải bịnh tiểu đường :

« Xè xè » nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh


Đến lúc ấy, chúng mới buông tha cho Kiều. Không một đồng dính túi, nàng phải làm “ô sin” cả năm trời tại xứ người để lấy tiền mua vé tầu bay trở về quê quán. Cụ Nguyễn Du đã thuật lại hoàn cảnh “ô sin” của Kiều qua những câu như “ra vào theo lũ thanh y, dãi dầu tóc rối da chì quản bao” và “sớm khuya khăn mặt lược đầu, phận con hầu giữ con hầu dám sai.”

Khi về đến quê nhà, vì không có hộ khẩu, Kiều bị các cán bộ địa phương hạch sách để vòi tiền. Điều này cũng được cụ Nguyễn Du ghi rõ trong truyện:

Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.


Ôi thôi, đến nỗi này thi sống làm chi nữa, tự tử quách cho xong một đời, Kiều đã nhủ với lòng như thế:

Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!


Viết đến đây, em học sinh mới nên kể đến chuyện Kiều nghĩ cách tự tử sao cho hiệu quả như đã trình bầy trong bài luận kiểm tra “Kiều Phải Sống” đăng ở trên. Tự tử mãi mà không chết vì đảng đã bố trí sẵn hồ cạn trên đường phố, dây điện chằng chịt ngang trời, xe cộ kẹt suốt ngày, điện lực thì bữa đực bữa cái, còn thuốc trừ sâu thì mười lọ đến chín rưỡi là thuốc rởm.

Cuối cùng, sau khi khẳng định Kiều cần phải sống, phải sống, và phải sống, em học sinh có thể chấm dứt bài bằng hai câu dưới đây để nội dung bài thêm phần “ấn tượng”:

Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn quyết... Đảng nào đã cho!!!


Khi đọc hai câu trên, ắt hẳn các cụ tự nhận thông thạo Truyện Kiều sẽ nhăn mặt mà rằng “nói bậy, nguyên văn câu này là ‘người dù muốn quyết Trời nào đã cho’ chứ làm gì có Đảng vào đây.” Các cụ nói thế là chỉ biết một chứ không biết hai. Kể từ ngày xô cả nuớc tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa, các bậc đỉnh cao trí tuệ đã dõng dạc tuyên bố:

Lão Trời hãy xích một bên,
Đảng nay nhất trí đứng lên làm Trời!


Vì thế, tại Việt Nam hiện nay, người dân phải hiểu Đảng Là Trời và Trời là Đảng mới gọi là giác ngộ Mác-Lê chủ nghĩa. Cụ Nguyễn Du có sống lại cũng phải sửa thơ như trên mà thôi.

Và hiểu Kiều như thế, nhất định em phải là phụ nữ. Phải chăng em đã mơ hồ thấy mình đang bước vào con đường định mệnh của Kiều thuở truớc, như hàng trăm ngàn chị em hiện sống ở Đài Loan, Tân Gia Ba, Trung Quốc, và Hàn Quốc:

Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cũng người một hội một thuyền đâu xa!


và:

Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.


Cuối cùng, hiểu Kiều đến thế thì chắc chắn em học sinh ấy phải đẹp như Kiều.

Khi thuật chuyện người ta mua đứt Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết: “cò kè bớt một thêm hai, giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.” Ấy là cụ nói khoác để giữ thể diện dân tộc. Thật ra, giá Kiều thời xã hội chủ nghĩa chỉ vài cây (vàng) là cùng.

Bán mình cho lũ ngoại nhân ấy không những chỉ khổ đến thân mà còn nhục quốc thể lắm. Chẳng hiểu tại sao đảng ta đỉnh cao trí tuệ như thế mà lại khuyến khích trò này? Ngay cả đại vương Nguyễn Minh Triết, khi sang bệ kiến hoàng đế Bút vào tháng 6 năm nay, đã công khai dụ dỗ các doanh gia xứ Cờ Hoa rằng con gái Việt Nam đẹp lắm, mại dzô, mại dzô !»

(Bồ Đào Công Tử *10/2007)

Cũng đề tài ấy, những học sinh khác viết như sau:

1. Một học sinh lớp 9 PTCS T.A, Huế đã viết như sau:

"Thúy Kiều là 1 người con gái tài sắc vẹn toàn, song nàng đã bị chế độ phong kiến vùi vào đống bùn nhơ. Đến nỗi, chịu không nổi, nàng đã nhảy xuống sông Tiền giang tự vẫn. May thay lúc đó có một bà đảng viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó, Kiều giác ngộ và đi theo con đường Cách Mạng."

2. Một học sinh lớp 11 PTTH Cái bè, đã viết: "... Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta. Mặc dù tiền bối đã sớm ra đi vào một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công "Vương Thúy Kiều" hay còn gọi là "Đoạn Trường Thất Thanh". Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm "thất điên bác đảo" cả giới "hậu bối" chúng ta.

3. Đề : Em hãy phân tích trình tự diễn biến tâm trạng nàng Kiều trong đoạn trích "Những nỗi lòng tê tái".

Bài làm:

"Nay hoàng hôn lại mai hôn hoàng". Qua đó ta thấy tên khách họ Hoàng thật là tàn nhẫn, hắn hôn Thúy Kiều đã rồi, lại bắt Kiều hôn lại hắn, làm cho Kiều ngày càng biến thành gái lầu xanh chuyên nghiệp, muốn ngóc đầu lên cũng không nổi.

4. Tả Từ Hải:

Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.


“Nguyễn Du có thể nói là sư phụ trong nghệ thuật biến hoá. Ông tả Từ Hải hết chỗ nói, vai năm tấc, thân mười thuớc y như ông Thần Đèn trong Aladin với cây đèn thần. Ngoài đời làm sao có người thiệt như vậy. Độc đáo hơn là một nhân vật có tới 3 đại diện loài vật, hùm beo, chim và bướm. Thật tài quá xá!

5. Giải thích câu tục ngữ "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh"

"Câu tục ngữ nói lên sự dã man của bọn giặc cướp, khi đã tràn vào làng mạc, nhà cửa thì không cứ đàn ông, mà cả đàn bà, trẻ em chúng cũng đánh đập, hành hạ..." ---

6. Giải thích câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ"

"Câu tục ngữ cho thấy sự thông minh của loài ngựa, chúng thấy có một con bị đau là cả bọn bỏ ăn ngay, để đề phòng bệnh lây lan qua đường tiêu hoá"

7. Giải thích câu: “Gió đưa cành trúc la đà
Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương."

Cuồng phong lay ngọn trúc
Chiếu xuống tà vẹt đường

Vợ Trời giống một hồi chuông (Thiên mụ: Vợ Trời)
Canh gà húp vội mắc xương mấy lần. (Canh gà: Chicken soup)

2* Thúy Kiều ngoài đời

Vương Thúy Kiều (1524-1556) người Lâm Truy tỉnh Sơn Đông. Do phải trả nợ cho cha mẹ, Kiều phải vào kỹ viện Lâm Truy với biệt hiệu danh kỹ Tần Hoài. Sau gặp Từ Hải và trở thành vợ của tướng cướp biển nầy. Sau đó, Kiều nghe lời dụ dỗ của Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải ra hàng triều đình nhà Minh vào năm 1556. Từ Hải bị Trần Đông bức bách, phải nhảy xuống sông tự tử. Vương Thúy Kiều bị quan binh nhà Minh giải về, đến sông Tiền Đường đã nhảy xuống tự tử. Sông Tiền Đường là con sông lớn của tỉnh Chiết Giang, chảy ra Vịnh Hàng Châu.

2.1. Thúy Kiều trong văn học

Trong văn học Việt Nam, Nguyễn Du mô tả Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, cầm kỳ thi họa.

Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh …
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đức một toà thiên nhiên.


Về tài năng thì:

Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.

2.2. Hồ Tôn Hiến

Hồ Tôn Hiến (1512-1565) là một nhân vật chính trị quân sự đời nhà Minh, người tỉnh An Huy. Trong truyện Kiều, Hồ Tôn Hiến dùng mưu kế đánh dẹp hải tặc Từ Hải, mang vàng bạc đến mua chuộc ái thiếp của Từ Hải là Thúy Kiều, thuyết phục Từ Hải ra đầu hàng. Hồ Tôn Hiến dùng phục binh giết chết Từ Hải. Trong bữa tiệc, Hồ làm nhục Thúy Kiều, rồi gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Khi đi ngang qua sông Tiền Đường, Kiều nhảy xuống sông tự vận.

2.3. Đời nhà Minh

“Đầu năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”

Người lập nên nhà Minh là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (21-10-1328 - 24-6-1398) thọ 70 tuổi. Cai trị 31 năm. Gia đình nghèo, nguyên quán tỉnh Giang Tô (Trung Hoa), phải đi ở đợ cho phú hộ, chăn dê chăn bò.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, Thường Ngộ Xuân phò tá Chu Nguyên Chương, nổi lên lật đổ quân Mông Cổ của dòng họ Triệu Minh, cô nầy sau làm vợ của Trương Vô Kỵ.

Chu Nguyên Chương và Thường Ngộ Xuân tham gia Minh Giáo do Tả sứ Dương Tiêu lãnh đạo. Trương Vô Kỵ sau đó được đưa lên làm Giáo chủ Minh Giáo.

Thường Ngộ Xuân là người dẫn Trương Vô Kỵ đến Hồ Điệp Cốc để được thần y Hồ Thanh Ngưu chữa trị hàn độc trong người.

3* Thanh lâu

3.1. Lịch sử thanh lâu

Tào Thực đời Tam Quốc có viết:

“Thanh lâu lâm đại lộ
Cao môn kết trùng quan”


Nghĩa là:

Lầu xanh bên đường lớn
Cửa cao mấy lần then”


Ngày xưa, lầu xanh là nơi ở của các gia đình quyền quí cao sang, các thiếu nữ khuê các.

Vua Vũ Đế nhà Tề bắt dân phu xây những nhà cao thật đẹp, cửa sổ đều sơn xanh, để nhà vua đến ở với các mỹ nữ, phi tần.

Từ đó, các quan đại thần cũng bắt chước sơn cửa nhà màu xanh. Dân chúng xem những nhà màu xanh đó là chỗ ở của những người có quyền thế, danh gia vọng tộc và đó cũng là nơi mà các vương tôn công tử nhắm vào.

Lúc ấy, bọn bán phấn buôn son cũng đem gái đẹp mở nhà tiếp khách sơn màu xanh. Thanh lâu trở thành kỹ viện, một thứ động mãi dâm thời xưa.

Nguyễn Du viết:

Lầu xanh có mụ Tú Bà
Làng chơi nổi tiếng về già hết duyên

Khi nói về Thúy Kiều thì:

Hết nạn nọ đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.


Thanh lâu là gái mại dâm. Thanh y là người hầu, tôi tớ.

3.2. Thần Bạch Mi

Ở các lầu xanh, Tú Bà thường dựng những bàn hương án ở giữa nhà, có treo hình Thần Bạch Mi (Chân mày trắng) để thờ như “Tổ nghiệp” của nghề bán dâm. Thần Bạch Mi mặt to, râu dài, cởi ngựa cầm đao, giống như Quan Công, nhưng lông mày trắng, mắt đỏ.

Những cô gái lầu xanh nào ế khách, cho rằng bị xui xẻo, bèn trút bỏ hết quần áo vào lúc nửa đêm, đến trước bàn thờ Tổ mà khấn váy, cầu xin. Lấy bông hoa mới thay vào bình, rồi lấy hoa đã cúng đem lót dưới chiếu nằm, như thế sẽ được bướm ong bay đến vù vù.

Nguyễn Du có những câu

Giữa thì hương án hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày
Lầu xanh quen thói xưa nay
Nghề nầy thì lấy ông nầy tiên sư
Hương hoa hôm sớm phụng thờ
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng
Cởi xiêm trút áo sỗ sàng
Trước thần sẽ nguyện, mảnh hương lầm rầm
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm
Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi.

4* Mại dâm hay bán dâm

Mại dâm là bán dâm, trái ngược với mãi dâm là mua dâm. Nhưng nhiều tự điển định nghĩa mãi dâm là bán dâm và người đời cũng quen dung theo nghĩa của một số tự điển như thế. Thật ra, trong chữ Hán thì Mại nghĩa là bán. Mãi, có nghĩa là mua.

Mại dâm là một hoạt động dùng các dịch vụ tình dục ngoài hôn nhân, trên cơ sở bán và mua, trao đổi bằng tiền bạc, vật chất hay quyền lợi.

Tại một số quốc gia Hồi giáo, bán dâm thì bị tội tử hình. Trái lại, ở một số nước như Hoà Lan, Đức, New Zealand… thì hoạt động bán dâm là hợp pháp.

Mại dâm đã có ở khắp nơi từ ngàn xưa, nhưng “nghể” nầy nở rộ đến cao điểm trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Con số nhà nước CSVN đã cắt xén, thì trong thời gian từ 2006 đến 2010, trên cả nước có 31,000 phụ nữ bán dâm bị bắt. Gái bán dâm ngày càng “trẻ hoá”, số tuổi từ 16 đến 18 bị bắt khi hành nghề chiếm 15.3 % trên tổng số 31 ngàn.

Từ 25 đến 35 tuổi: 35%
Từ 18 đến 25: chiếm đa số.
51% có liên quan đến ma túy
27% bị nhiễm HIV/AIDS

Gái bán dâm còn gọi là gái giang hồ, gái bán hoa, gái làng chơi, đĩ, gái lầu xanh, gái bao, gái gọi, gái làm tiền, “chị em ta”, “gái”. “Sống làm vợ khắp người ta, đến khi chết xuống làm ma không chồng”

4.1. Gái bao

Gái bao là hiện tượng xã hội hiện đại. Những cô gái có nhan sắc chấp nhận làm tình nhân cho một người, đa số là có nhiều tiền, có địa vị như những cán bộ viên chức cao cấp lớn tuổi mà còn nhiều máu dê, đã chán mụ vợ nái sề đã cưới nhau trong thời kỳ công tác cách mạng xa xưa. Già dịch ham của lạ, dê xồm thích gậm cỏ non.

Nhiền quan chức bị thân bại danh liệt như trường hợp của một Trung tướng Trung Cộng tên Vương Thủ Nghiệp.

Trung tướng Vương Thủ Nghiệp, Tư Lệnh Phó Hải Quân Trung Cộng, bị kết án tử hình về tội tham ô 160 triệu Tệ, đạo đức bại hoại, nếp sống sa đoạ, nuôi 5 gái bao.

Ngày 29-6-2006, Quốc Hội Trung Cộng ra QĐ bãi miễn tư cách Đại biểu QH của đương sự.

Vương Thủ Nghiệp sinh năm 1943, trong 5 năm từ 1997 đến 2001, họ Vương đã tham ô 160 triệu Tệ. Điểm độc đáo của hắn là không nuôi vợ con, không chuyển tiền ra nước ngoài, mà quyết định lấy tiền của nhân dân nuôi nhân dân. Nhân dân ở đây là 5 thiếu nữ hoa khôi, tuyệt đẹp là diễn viên văn công, hoặc nhân viên phòng cơ yếu. Cán bộ dê xồm nầy lấy 12 triệu để nuôi 5 cô bồ nhí.

Bị phát giác, có 4 thiếu tướng và 7 đại tá lien hệ bị tù và cách chức. Cho thấy tham nhũng và bại hoại có hệ thống đại trà và tập thể.

Khám xét 2 dinh thự ở Bắc Kinh và Nam Kinh, phát hiện 52 triệu Tệ dấu trong tủ lạnh. 3 triệu đôla trong máy giặt và 50 triệu cùng với thuốc Viagra của Hoa Kỳ ở văn phòng.

Bị ép buộc, 5 cô bồ nhí đồng ký tên xác nhận đã có quan hệ tình dục 57 lần trong suốt 2 năm.

4.2. Bia ôm

Có lẻ bia ôm là một “đặc sản” của Việt Nam. Bia ôm được xem như là một hình thức của tệ nạn xã hội, vì có chữ ôm, cho nên có biên giới mong manh với mại dâm. Đó là hình thức núp bóng kinh doanh hợp pháp để thực hiện việc bán dâm. Đồng dạng với bia ôm là cà phê ôm, cà phê đèn mờ…Những cô gái xinh đẹp được huấn luyện nghệ thuật câu khách, thường chủ động gợi ý bằng cách ăn mặc mát mẻ, hở hang, khêu gợi, cọ quẹt.

Những biệt ngữ:

Bia tay quơ : Bia Tiger
Em út, “đi”, đi du lịch, đi khách: là quan hệ tình dục.
Mò cua bắt ốc: sờ mó.
Một chai: 1 triệu đồng.
Một xị: 1 trăm ngàn.
Ôm đứng, ôm cơ động, ôm thoát y, ôm nhẹ nhàng, ôn quằn quại…

Ôm văn chương: là các tiếp viên được huấn luyện, mặc đồng phục học sinh, giả làm sinh viên, học sinh…đọc lên một câu lấy trong ca dao, tục ngữ, chuyện Kiều, Lục Vân Tiên… ra câu đố. Nếu khách đáp trúng thì thưởng bằng một cái hôn hoặc cho cọ quẹt, mò cua bắt ốc. Nếu đáp sai thì bị phạt, phải uống dzô, dzô 100%, uống hết rồi phạt kêu thêm chai khác.

Đáp đúng hay đáp sai gì, thì mấy tay dê xồm cũng chết. Sai thì phải trả tiền bia vừa uống vừa đổ. Đúng thì bị kích dục đến độ “tẩu hoả nhập ma” phải đi khách, không còn tiền nuôi vợ con.

Nhiều phường ở thành phố mang tên Bác có tới trên 50 quán bia có ôm.

5* Những mại dâm nổi tiếng

Ngoài Thúy Kiều ra còn có:

Marie Duplessis đưa vào tiểu thuyết Trà Hoa Nữ (Pháp)

Trần Viên Viên (Trung Hoa) * Lý Sự Sự (Trung Hoa) * Lâm Uyển Nhi (Nha Trang)* Trong điện ảnh, Pretty Woman thì có cô gái đứng đường do Julia Roberts thủ vai với triệu phú Richard Geer, được nhiều khán giả ưa thích.

5.1. Trần Viên Viên

Trần Viên Viên (1624-1681), tự là Uyễn Phân, xuất thân từ một gia đình nghèo ở tỉnh Giang Tô (Trung Hoa).

Viên viên đến Tô Châu làm kỹ nữ. Với tài năng và nhan sắc đã nổi tiếng vang lừng trong giới vương tôn công tử, được gọi là Đệ nhất Giang Nam bát diễm.

Khi đó, vua Sùng Chính nhà Minh đang sủng ái Điền Quý Phi, cho nên Chu hoàng hậu ghen tức. Cha của bà biết chuyện, bèn đến kỹ viện bỏ tiền ra chuộc Viên Viên, đưa vào cung phục vụ cho Sùng Chính. Từ đó, Sùng Chính mê mệt Viên Viên nên ở miết trong cung, không thiết triều nữa.

Khoảng thời gian đó, nhiều nhóm nổi dậy chống triều đình nhà Minh do Chu Nguyên Chương lập nên. Trong đó, lực lượng của Lý Đạo Thành là mạnh nhất.

Sau khi biết quân nổi dậy đã chiếm lấy 3 thành trì quan trọng, và cùng với những lời can gián của các đại thần, vua Sùng Chính mới cho Trần Viên Viên ra ở ngoài phủ Chu quốc trượng.

Trong một bữa tiệc, Viên Viên ra múa hát, tài năng và nhan sắc của nàng đã thu hết hồn vía tướng quân Ngô Tam Quế.

Khi Ngô Tam Quế được cử ra trấn giữ Sơn Hải Quan ở Vạn Lý Trường Thành, để ngăn chận quân Mãn Châu, để khích lệ Ngô Tam Quế, Sùng Chính tặng Viên Viên cho tướng quân.

Viên Viên được Ngô Tam Quế sủng ái, nhưng nàng không theo ra biên ải, mà ở lại Bắc Kinh.

Ngày 26-5-1644, Lý Tự Thành tự xưng là Sấm Vương, vào chiếm lấy Bắc Kinh, lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đại Thuận.

Trong tiểu thuyết của Kim Dung, thì vua Sùng Chính thua chạy, trước khi tự tử thì chém cụt tay con gái là Trường Bình công chúa. Bà nầy sau làm sư phụ của Trần A Kha và cũng là sư phụ của Vi Tiểu Bảo. Về sau, A Kha là một trong 7 vợ của Vi Tiểu Bảo. A Kha là con gái của Trần Viên Viên và Lý Tự Thành.

Khi Lý Tự Thành vào chiếm kinh đô, thì Ngô Tam Quế đem quân về cứu giá, nhưng trên đường đi, biết được Sùng Chính đã chết và do Lý Tự Thành thuyết phục đầu hàng. Ngô Tam Quế ưng thuận, nhưng khi biết được ái thiếp Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt, cho nên vô cùng tức giận và hợp tác với quân Mãn Thanh do Đa Nhĩ Cổn chỉ huy, mở cửa Sơn Hải Quan cho quân Thanh vào Trung Nguyên.

Lý Tự Thành bị đánh bại và bị dân chúng giết chết. Trong tiểu thuyết Kim Dung thì Lý Tự Thành đi tu.

Ngô Tam Quế “thu hồi” Viên Viên, nhưng khi nghe tin sắp được phong vương, ông không dám đưa Viên Viên ra trình với vua Thuận Trị nhà Mãn Thanh, và cho Viên Viên vào tu ở một ngôi chùa nhỏ ngoại thành Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam.

Cuộc chiến giữa Ngô Tam Quế và Lý Tự Thành làm chết hàng vạn người, cho nên dư luận đổ tội cho Trần Viên Viên, là người đã gián tiếp gây ra thảm họa đó.

Có lẻ trong tiểu thuyết Kim Dung, Trần Viên Viên là người đẹp nổi trội hơn hết. Những Tiểu Long Nữ, Nhậm Doanh Doanh, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu, Hân Tố Tố, Vương Ngọc Yến…chỉ là những người đẹp ở lứa tuổi 18, 20. Chỉ làm say mê một vài người. Trái lại, Viên Viên ở tuổi 40, từ tay của những phong lưu công tử ở kỹ viện, đến vua Sùng Chính, đến Lý Tự Thành, Ngô Tam Quế là những bậc vua chúa, tướng quân.

5.2. Bán dâm ở trường học

Ngày 10-3-2011, toà án tỉnh Hà Giang kêu án Sầm Đức Xương, hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, 9 năm tù về tội mua dâm người chưa thành niên, từ 13 đến 18 tuổi trong thời gian từ tháng 7 năm 2008 đến tháng 8 năm 2009.

Bị can Nguyễn Thúy Hằng sinh năm 1992, học sinh trường Việt Lâm do Sầm Đức Xương làm hiệu trưởng, 6 năm tù về tội môi giới mại dâm.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1991, học sinh Việt Lâm, 5 năm tù về tội môi giới mại dâm.

Hai bị can Hằng và Thúy đã tiếp tay với hiệu trưởng dâm dục, lôi kéo, làm hại cuộc đời của nhiều bé gái vị thành niên còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trường Việt Lâm trở thành một cơ sở mua bán dâm giữa hiệu trưởng, thầy giáo và học trò trong trường. Ngoài ra còn là đường dây gái gọi của 16 cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Hàng chục nữ sinh tham gia vào đường dây gái gọi nầy. Mỗi lần bán dâm và bán trinh được trả từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng.

5.2.1. Sầm Đức Xương ép buộc học sinh như thế nào?

Ở chức vụ hiệu trưởng, Sầm sư phụ đã dùng quyền lực đe dọa các học sinh học kém, nhà nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cho điểm hạnh kiểm xấu, đánh rớt kỳ thi nên phải bị ở lại lớp nếu không ưng thuận. Trái lại, chịu bán dâm và bán trinh thì được nhiều tiền, được giúp đở học hành. Đồng ý bán trinh được trả 3 triệu đồng. Mai mối dẫn gái mỗi lần được từ 100 ngàn đến 500 ngàn.

5.2.2. Sầm Đức Xương mua sự im lặng

Vụ mua bán dâm giữa thầy trò ở Vị Xuyên đổ bể, lòi ra 3 nữ sinh vị thành niên 13 tuổi, mà cha mẹ các em không hay biết.

Sầm dê xồm cho người nhà mang đến cho mẹ của em N.T.N (13 tuổi) số tiền 25 triệu và mang đến cho cha mẹ của em NTTK số tiền 35 triệu để yêu cầu không làm đơn tố cáo.

5.2.3. Lọt lưới danh sách đen 16 cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang

Báo chí trong nước loan tin. Hai bị can Thúy Hằng và Thanh Thúy khai huỵch tẹt trước toà là đã tự bán dâm và dẫn mối bán trinh cho cán bộ Nguyển Trường Tô, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Hà Giang, ông H. Giám đốc Ngân hàng và những cán bộ lãnh đạo khác của tỉnh, tổng cộ 16 người có tên tuổi và chức vụ rõ ràng. Hai bị can còn thuộc làu làu số điện thoại di động của họ nữa.

Toà án Hà Giang ra lịnh điều tra và sau đó xử kín. Bí mật bao trùm.

Tóm lại, báo chí điều tra và kết luận, Sầm sư phụ là một thầy giáo bại hoại, hoang dâm phóng túng, luôn luôn chi tiền hậu hĩ. Hiệu trưởng dâm tặc đã quan hệ tình dục với học sinh Nguyễn Thúy Hằng 6 lần, trong đó 2 lần tại văn phòng hiệu trưởng. Đã chi cho Hằng tất cả là 4 triệu rưỡi.

Thông qua Hằng, Sầm “ nọc trư” quan hệ tình dục với Nguyễn Thị Thanh Thúy 3 lần, đã trả 650 ngàn đồng.

Thông qua Thúy và Hằng, sư tổ dâm đãng nầy còn quan hệ tình dục với cả chục học sinh, trong đó có bé gái 13 tuổi.

Vì lợi ích 10 năm, trồng cây. Lợi ích trăm năm, trồng người. Vậy con người Xã hội Chủ nghĩa của thế hệ nầy là như thế đó. Thật là hết nước nói. Tiếng Tây gọi là Phi nỉ lô đia. Có nghĩa là “tuyệt hảo, hết chỗ chê”.

6* Kết

Việc mua bán dâm đã có khắp nơi trên thế giới từ ngàn năm về trước, thế nhưng trong lịch sử Việt Nam chưa có thời kỳ nào mà phong trào “cách mạng” nầy đã dâng cao tột đỉnh như thế. Nó đã phát triển đại trà và tổng hợp, đầy ấn tượng, theo đà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc của cuộc cách mạng XHCN do đảng lãnh đạo.

Việc bán dâm được thực hiện bởi nhiều tầng lớp xã hội, từ sinh viên, học sinh, tài tử điện ảnh thông qua nhiều hình thức từ đường dây gái gọi xuyên Việt từ thành phố Sàigòn đến Hà Nội. Đường dây bán trinh qua Singapore và các nước ngoài.

Nhức nhối nhất là trường học XHCN đã trở thành lầu xanh hiện đại.

Một chế độ như thế có chi mà hãnh diện, hỉ?


Trúc Giang

No comments:

Post a Comment