Viên CSGT đi xe tuần tra 73B-1627 chốt chặn tại km630 Bố Trạch, Quảng Bình chặn xe 79D11… vi phạm tốc độ, lấn tuyến rồi ra giá 400.000 đồng sẽ bỏ qua lỗi vi phạm (ảnh chụp lúc 15g40 ngày 25-7) – Ảnh: H.K. |
Một CSGT thuộc chốt đầu ngoài đường tránh TP Huế (Thừa Thiên – Huế) nhận 300.000 đồng của tài xế xe 47P12… để bỏ qua lỗi vi phạm chở quá tải, sai lốp vào lúc 4g20 ngày 31-7 – Ảnh: Hoàng Khương chụp từ camera |
20g ngày 31-7, chúng tôi lên chiếc xe chở gỗ đi từ Đắk Lắk ra Hà Nội. Đến km507 quốc lộ 1A, xã Tùng Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa gặp xe tuần tra 36B-1237 đang đậu cạnh cây xăng Tùng Lâm. Hai CSGT thay nhau chặn xe hai chiều để “thu phí”. Bên trong mái hiên có một chiếc bàn, ấm trà, một CSGT còn khá trẻ ngồi cạnh cái cặp căng phồng.
Không có 5 “củ”, cầm lại giấy tờ
Vừa giáp mặt tài xế, một CSGT cầm gậy chỉ lên thùng xe hỏi ngay “chở gì?”. Nghe tài xế nói “gỗ mít”, viên CSGT soi đèn pin kiểm tra. Tiếp đó, một người đàn ông luống tuổi (sau này chúng tôi mới biết tên Nguyễn Văn Đôi) cầm đèn pin leo lên soi rọi kỹ từng hộp gỗ.
Thấy khó “qua ải”, tài xế tên Tình (48 tuổi) kẹp hai “xị” (200.000 đồng) vào sổ đưa cho CSGT tên Hải đang ngồi trong nhà. Anh này mở sổ xem rồi quát: “Mày làm 200 á?”. Đúng lúc đó ông Đôi vào nói: “Gõ chứ mít gì” rồi quay qua tài xế: “Trong tụi mày gọi đây là mít á?”. CSGT Hải lạnh lùng: “Năm củ”. Anh Tình điếng người: “Năm củ là bao nhiêu?”. Giọng Hải rành rọt: “5 triệu ấy, nghe không rõ à?”. Anh Tình than thở: “5 triệu làm gì bọn em có”. Hải hù dọa: “Bây giờ muốn hô 5 hay muốn hô hơn nữa”? Tài xế phân bua: “Ý em muốn sếp bớt tí”. Hải vẫn không tha: “Năm củ là vừa nhất”. Tình mếu máo: “Năm củ thì còn gì tụi em sống, hóa đơn kiểm lâm phạt 20 triệu đồng đây nè”. Hải gằn giọng: “Mày mới chỉ bị hạt kiểm lâm phạt thôi. Mày đã được chi cục phạt chưa? Nếu thích tao đưa mày sang chi cục làm vụ điển hình luôn nhá”.
Tài xế móc hết các túi còn đúng 1,1 triệu đồng. Hải nói: “Thôi được, còn một cách nữa. Đợi tao ăn cơm rồi đưa xe về giao kiểm lâm, coi như hoàn thành nhiệm vụ”.
Anh Tình trở ra xe gom giấy đăng ký xe, bằng lái quay lại chốt CSGT xin “cắm”. Chưa kịp mở miệng, Hải nạt: “Hoàn cảnh cũng đã trình bày rồi, không nói thêm”. Tình nhỏ nhẹ: “Năm chai em chịu, anh cho em gửi lại giấy đăng ký, bằng lái, sáng mai vào sớm chuộc lại đầy đủ”. Hải nói: “Lấy năm chai là quá nhẹ rồi” và hướng dẫn vào gặp ông Đôi. Đôi quay sang Tình: “Cắm là lấy lãi 500.000 đồng/ngày, nhưng ngày mai có chưa?”.
Nói rồi ông Đôi chìa ra một tờ giấy và đọc nội dung vay tiền cho Tình viết. Để tạo lòng tin, Hải cho anh Tình số điện thoại để mỗi lần qua chốt “dễ nói chuyện”. Hải nói: “Ở đây chỉ có mình tao biết thôi, lần sau ra thì cứ làm (luật) bình thường”. Hỏi nếu ca khác thì sao, Hải hạ giọng: “Làm một thôi” (làm 1 triệu thôi). Hỏi trong đội có mấy Hải, anh này nói: “Ba, tao là trẻ nhất”.
21g30, xe chúng tôi tiếp tục đụng chốt CSGT thứ hai của Thanh Hóa đang chặn xe hai chiều tại Hà Trung, Thanh Hóa (còn gọi chốt ngoài). Một viên CSGT không đeo bảng tên đứng cạnh xe tuần tra 36B-1256 giở sổ kiểm tra thấy tờ 100.000 đồng càu nhàu: “Cả xe gỗ làm trăm bạc là cái gì?”. Bực mình vì vừa bị “xắt” quá đau, Tình xổ một tràng: “Anh Hải nhỏ ở đầu trong dặn ra ngoài này làm nhẹ thôi, anh Hải đã lấy năm “củ” rồi”. Tay CSGT trố mắt: “Năm trăm hay năm triệu?”. Tình đáp: “5 triệu, không thiếu một cắc”.
Thấy tay CSGT bán tín bán nghi, Tình nói: “Không tin anh gọi cho Hải đi, số điện thoại tứ quý tám đó”. Tay CSGT móc điện thoại gọi: “Mi hốt hết trong đó, để anh em tao kiếm tí chứ mi. Xe gỗ này mày mới làm 5 triệu chứ gì. M… mi, hắn làm bao nhiêu thì hắn làm chứ mi nói hắn ra đây không phải làm, cái loại mi… Bố tiên sư”. Chửi xong, CSGT miễn cưỡng lấy tờ 100.000 rồi cho đi.
“Hãy đợi đấy!”
Sau khi bỏ hàng xuống làng mộc Đông Anh (Hà Nội), chiều 1-8 tài xế Tình gọi điện cho Hải báo “hôm qua nợ tiền “làm luật”, phải cắm lại giấy tờ, hôm nay vào chuộc lại”. Hải nói: “Hôm nay nghỉ ca rồi, cứ gặp cái ông hôm qua ấy”. Tài xế cù nhầy: “Anh có bớt cho em chút xíu không?”, Hải nói: “Sao hôm qua không nói luôn đi để hôm nay lằng nhà lằng nhằng, cả tổ hôm qua đó, để hôm sau gặp nói chuyện sau”.
21g ngày 1-8, chúng tôi cùng Tình trở lại địa điểm hôm trước. Vẫn chiếc xe tuần tra 36B 1237 đậu sát hông nhà, ngoài đường hai CSGT đang chặn xe, bên trong một CSGT ngồi ở bàn. Thấy tài xế Tình và lơ xe xăm xăm bước vào nhà, một CSGT chặn lại: “Vào đây làm gì?”. Tình nói sự tình, một viên CSGT ra vẻ thông cảm: “Gì mà 5 triệu dữ vậy, xe gỗ qua đây làm 4-5 lít (400.000-500.000 đồng) chứ mấy”.
10 phút sau ông Đôi đội mũ cối đi ra. Anh Tình nhăn nhó: “Anh gọi điện cho Hải bớt chút đỉnh chứ lấy 5,5 triệu nhiều quá”. Đôi lầm bầm: “Tôi biết gì mà bớt”. Tình vặn: “Anh có quyền gì mà hôm qua anh leo lên xe tôi kiểm tra?”. Ông Đôi không vừa: “Tụi mày đừng giở trò nha. Tao soi (gỗ trên xe) mày làm gì được tao. Mày thích giở trò không? Tao đập mày ngay bây giờ. Hôm qua mày đồng ý chung cho thằng nào mà bây giờ trách tao?”. Thấy yếu thế, anh Tình móc túi đếm đủ 5,5 triệu đồng đưa cho ông Đôi và đòi lại giấy chế chấp.
Ông Đôi lầm bầm: “Xong rồi thì xé”. Tình quyết tâm: “Không có giấy là không đi”. Lúc này ông Đôi không còn giữ được bình tĩnh: “Mày thích không, tao đánh chết mẹ mày nhá”. Tình nhảy loi choi ra đường, miệng la lớn: “Trời ơi, làm gì mà một ngày lấy lãi tới 500.000 đồng”. Ông Đôi hung tợn: “ĐM, tao đập một cái nát mặt mày bây giờ, cái loại chó nhà mày”. Vừa dứt câu, ông Đôi nhào đến đánh vào lưng, đầu, giật rách áo anh Tình. Nhóm CSGT bình thản đứng nhìn chẳng có động thái gì.
Lên xe, Tình gọi điện méc Hải: “Ông Đôi vừa lấy tiền vừa đánh tụi tui nè”. Hải nói: “Tao đã nói mày rồi, mày còn đi, còn làm ăn, mày tự giác chứ nói gì”. Tình nói: “Tự giác cái gì, ông đòi tôi 5 triệu, tôi hết tiền phải cầm lại giấy tờ, thêm 500.000 đồng lãi nữa”. Hải cự lại: “Mẹ mày. Mày tự nguyện mà còn nói”. Tình nổi nóng: “Ông đòi tôi năm củ, bắt tôi phải thế chấp giấy tờ 5 triệu thành 5,5 triệu mà tự nguyện cái gì”. Hải gằn giọng: “Mày hãy đợi đấy!” rồi tắt máy.
“Không làm một chai ba là chết mi”
Sau chuyến đi “để đời” trên, chúng tôi nhiều lần trở lại Thanh Hóa trên nhiều chuyến xe khác nhau. Đúng như phản ảnh của tài xế, hầu hết các chốt CSGT ở Thanh Hóa đều “ăn dày” hơn các nơi khác. Đặc biệt, cung cách hành xử của CSGT với tài xế cũng không giống ai.
0g ngày 3-8, chúng tôi lên chiếc xe chở sắt cồng kềnh, quá tải từ Hà Nội vào TP.HCM. Đến km305 Hà Trung, Thanh Hóa, xe chúng tôi gặp lại chốt CSGT đi xe tuần tra 36B-1256. Mở sổ thấy tờ 50.000 đồng tài xế đưa, tay CSGT (không đeo bảng tên) lạnh lùng: “Không nói nhiều, làm đủ rồi đi, còn không thì đứng đó”.
Tiếp đó, 16g ngày 11-8, chúng tôi theo xe chở gỗ từ Tây nguyên đến Bình Định, ra Hà Nội. Tại km380, quốc lộ 1A, Trường Lâm, Tĩnh Gia, xe chúng tôi bị chốt CSGT thổi vào. CSGT tên Nguyễn Như Sáng đứng cạnh xe tuần tra 36B-1237 hỏi: “Chở gì đây?”. Tài xế đáp: “Gỗ chiêu liêu”. Ông Sáng ra giá: “1,2 triệu”. Tài xế xin bớt mấy đồng ăn cơm, ông Sáng: “Tao tát cho cái bây giờ, đúng 1,2 triệu chứ không bớt được đâu”. Kỳ kèo mãi, ông Sáng mới chịu “cho 100 ăn sáng”. Xong tài xế hỏi: “Chuyến sau có lô gõ làm luật bao nhiêu?’’. Ông Sáng: “Đúng 1,2 triệu, như chiêu liêu”.
Do bị kiểm lâm Thanh Hóa giữ xe gần một ngày, đến 17g20 ngày 12-8 xe chúng tôi đến địa phận Đại Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa (chốt đầu ngoài). Đến km305, xe chúng tôi bị chốt CSGT đi xe tuần tra 36B-1256 chặn lại. Nghe tài xế nói “gỗ chiêu liêu”, CSGT tên Trần Nhật Quỳnh mở sổ thấy 200.000 đồng nói: “Chiêu liêu mà làm như thế này?”. Tài xế than đầu trong đã chung 1,3 triệu đồng rồi, ra đây 200 là được. Ông Quỳnh tức giận: “Đừng có phét. Lần sau gặp tao ở đầu trong mi không làm 1 chai 3 là chết mi”.
Trước đó lúc 22g45 ngày 29-7, chúng tôi theo xe chở trái cây từ miền Trung ra Hà Nội. Đến chốt CSGT tại Tùng Lâm (xe tuần tra 36B-1237), xe chúng tôi bị thổi vào cùng bốn chiếc xe tải khác. Đón tờ giấy từ tay tài xế đưa có kẹp tờ 50.000 đồng, CSGT không đeo bảng tên vặn: “Chưa chở trái cây bao giờ hả?”. Tài xế lí nhí: “Làm bao nhiêu vậy sếp?”. CSGT ngắn gọn: “Một lô”. Tài xế hỏi lại: “Một lô là bao nhiêu vậy sếp?”, CSGT quát: “Làm một trăm”. Những chiếc xe khác bị thổi vào cũng cùng chung số phận…
HOÀNG KHƯƠNG
No comments:
Post a Comment