Báo chí trong nước đang khá ồn ĩ chuyện một quan chức nọ đăng nguyên chức danh của mình trên thiệp cưới con trai.
Số là ông Nguyễn Hùng Dũng, phó trưởng ban Phòng chống tham nhũng của tỉnh Cần Thơ khi tổ chức cưới cho con trai út của mình đã cho in chức danh trên thiệp mời. Nguyên văn là: “NGUYỄN HÙNG DŨNG – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TP Cần Thơ Về Phòng Chống Tham Nhũng”.
Theo báo chí trong nước, đám cưới của con trai ông Dũng diễn ra vào ngày 5/9/2011 tại Nhà hàng Cửu Long (đường Quang Trung, quận Ninh Kiều) cạnh trụ sở Thành ủy TP Cần Thơ. Một số người dân sống gần nhà hàng cho biết, đám cưới rất đông người tới dự, có rất nhiều xe ô tô đậu; khách ngồi chật kín cả nhà hàng, nơi có sức chứa cả trăm bàn (mỗi bàn 10 người).
Người dự tiệc nói riêng và dư luận xã hội nói chung đã dị ứng với cái chức danh phô ra không đúng lúc này của ông Dũng. Người ta có cảm giác ông dùng cái chức danh này để ép những người được mời, nhất là các doanh nghiệp, các tổ chức, các đối tác phải tới dự đám cưới của con mình, và tất nhiên phải tới với một phong bì kha khá một chút.
“Phòng chống tham nhũng” trong xã hội Việt Nam là một cơ quan mang tính nhạy cảm, nó có thể làm mọi doanh nghiệp, mọi quan chức phải giật mình khi nhận thiệp và đương nhiên phải suy nghĩ trước một thiệp mời mang tính “gợi ý” như vậy.
Khi báo chí đưa sự việc ra công luận, ông Dũng thanh minh rằng, ông chỉ muốn ghi vậy cho người nhận khỏi quên tới dự đám cưới của con ông, chứ “không có ý gì khác”.
Phát biểu trên báo ngay sau đó, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng nói, ông không hài lòng về chuyện này và sẽ chờ kết luận kiểm điểm của chi bộ Đảng nơi ông Dũng công tác, sau đó mới xem xét xử lý kỷ luật.
Chức danh là một hình thức trong phân cấp quản lý hành chính. Ở Việt Nam trong những năm gần đây nó đã bị lạm dụng một cách tràn làn, sử dụng không đúng chỗ, đúng lúc, gây phản cảm. Việc trưng chức danh ra không đúng nơi, đúng đối tượng như trong trường hợp kể trên nó cho thấy văn hóa ở tầm thấp của chính đương sự và tạo cảm giác khó chịu cho những người được giới thiệu, đồng thời gây phản ứng ngược của dư luận.
Ở đây, nhân tiện xin giới thiệu một trường hợp phô danh không đúng chỗ nữa, ở ngay trong một xã hội văn minh là Ba Lan.
Trên tờ báo cộng đồng của hội “Người Việt tại Ba Lan” (trước kia là “Hội Người Việt tại Ba Lan Đoàn Kết và Hữu nghị”), xuất hiện một bản dịch. Bản thân bài dịch đó không có gì đáng phàn nàn. Câu chuyện đề cập ở đó như sau.
Đại loại, một ông Tây (Ba Lan) nguyên là lính lê dương trong quân đội Pháp tới Việt Nam những năm 40 của thế kỷ trước nhưng ông đã “đảo ngũ” và gia nhập Việt Minh, tham gia nhiều trận chiến trong đó có trận Điện Biên Phủ lừng danh. Ông lập nhiều chiến công, từng bị thương nhiều lần. Sau này, ông được tuyên dương và được chính Hồ Chí Minh đặt cho cái tên là Hồ Chí Toán (mang họ bác Hồ). Ông lấy vợ Việt là bà Nguyễn Thị Phượng và có 2 con trai là Hồ Chí Thắng và Hồ Chí Dũng.
Ông mất vì bệnh vào năm 1963, hai năm sau đó, vợ con ông quay lại Ba Lan sinh sống. Câu chuyện đăng trên báo do chính người con là Hồ Chí Dũng viết lại bằng tiếng Ba Lan được chuyển qua Việt ngữ.
Kể ra cũng là khá độc đáo, khi hàng (chục) ngàn người Việt tìm thấy quê hương thứ 2 trên mảnh đất Sô- Panh, nếu nói chung trên cả thế giới thì hàng triệu người tìm thấy quê hương thứ 2 ở mảnh đất ngoài ‘hình chữ S” thì có một ông Tây “lội ngược dòng” tìm thấy quê hương thứ 2 tại Việt Nam.
Tôi- tất nhiên- hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của ông Stefan Kubiak (Hồ Chí Toán) cũng như tình cảm của con trai ông dành cho cha mình nhưng lại thấy thấy thất vọng với người dịch và giới thiệu câu chuyện này.
Lý do là cái chức danh (to tổ bố) mà người dịch phô trương rất không đúng lúc ở đây, ghi chú dưới bản dịch: “* Người dịch: Nguyễn Văn Thái, UV Ủy ban TW Mặt trận TQVN, Phó Chủ tịch Hội NVN tại Ba Lan “Đoàn kết-Hữu nghị”, dịch giả tác phẩm “Chàng Tadeusz” của Đại thi hào Adam Mickiewicz, Ba Lan“.(1)
Thứ nhất, “Ủy viên Ủy ban TW Mặt trận TQVN, Phó Chủ tịch Hội NVN tại Ba Lan “Đoàn kết-Hữu nghị”, đơn thuần là chức danh hành chính, nó chẳng liên quan (đếch gì) đến việc ông dịch một đoạn văn hay một bài báo cả. Không phải vì thấy thế mà người đọc quan tâm hơn, mà ngược lại chỉ thấy chướng, thấy chối tỉ.
Thứ hai, chức danh của người dịch tự nhiên làm giảm giá trị, làm mất khách quan của câu chuyện mà ông Hồ Chí Thắng kể về cha. Người ta dễ nghĩ rằng, ừ, ông này là Ủy viên TW Mặt trận Tổ Quốc VN nên giới thiệu về một ông Tây “Việt Cộng” đây mà.
Thiết nghĩ, chức danh là cần thiết khi xử lý những công việc liên quan, nhưng khi bứt ra khỏi nhiệm vụ “cách màng giao cho”(2) để trở về với cuộc sống gia đình, với bạn bè, hay khi tham gia các hoạt động không liên quan gì thì xin quý vị cất cái chức danh to lớn của mình đi cho dân nhờ.
© Đàn Chim Việt
————————————-
Ghi chú:
(1) Người viết không chịu trách nhiệm nếu sau đó đoạn trích dẫn này bị xóa bỏ khỏi trang web có liên quan.
(2) Trích thơ Bút Tre: “Nay về phụ trách bảo tàng/ Cũng là nhiệm vụ cách màng giao cho“.
Ông Bút Tre làm 2 câu thơ trên khi ông bị giáng cấp từ Trưởng ty văn hóa tỉnh Phú Thọ về phụ trách bảo tàng sau loạt thơ ca ‘nhạy cảm’ mà ông là tác giả.
No comments:
Post a Comment