Nguyễn Tiến Nam: ‘Thế lực’ duy nhất xúi giục chúng tôi là con tim, khối óc, và dòng máu 4 ngàn năm lịch sử chúng tôi chưa bao giờ khuất phục ngoại xâm. Họ muốn bắt những ‘thế lực’ đó thì họ có thể lấy hết khối óc, con tim, và dòng máu của tôi đi
Cuộc tuần hành chống Trung Quốc lần thứ 11 tại Hà Nội hôm 21/8 đã bị trấn dẹp và bằng võ lực với tổng cộng trên dưới năm chục người bị bắt đưa về nhiều đồn công an khác nhau, khiến công luận trong và ngoài nước quan tâm. Vụ bắt bớ diễn ra sau thông báo của Ủy ban Nhân dân Hà Nội cấm tiếp tục biểu tình, dù trước đó không lâu, chính giám đốc công an thành phố, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, đã thừa nhận đây là các cuộc tuần hành yêu nước đồng thời tuyên bố là chính quyền không chủ trương đàn áp người biểu tình. Trong cuộc gặp gỡ hôm nay với 3 bạn trẻ trong số những người bị bắt vì đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Việt Nam, chúng ta sẽ nghe họ kể về những gì đã xảy ra và cùng chia sẻ tâm tình với những trái tim sôi sục lòng yêu nước.
Trà Mi-VOA | Washington DC
Tiến Nam: Tôi là Nguyễn Tiến Nam đã bị giam giữ trái phép 36 tiếng đồng hồ vào ngày 21/8 khi chúng tôi biểu tình chống Trung Quốc tại khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Duy Quyền: Tôi là Ngô Duy Quyền, góp tiếng nói từ Hà Nội. Tôi cũng là một trong những người tham gia biểu tình bị bắt về đồn công an Mỹ Đình, sau đó bị đưa về đồn công an quận Hoàn Kiếm.
Quang Dũng: Tôi là Vũ Quang Dũng ở Nghệ An. Tôi tham gia cuộc biểu tình ngày 21/8. Lúc đó tôi không bị bắt, nhưng khi tôi thấy mọi người bị bắt, tôi đã nhạy lên xe cùng với mọi người. Tôi bị bắt lúc 9 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều mới được thả ra sau khi để họ lăn dấu vân tay. Họ bắt cái tội ‘biểu tình không xin phép’ và nói là phạt hành chính.
Trà Mi: Trong vụ việc hôm 21/8, ba người bạn ở đây là những người trong cuộc bị bắt giữ. Dũng bị giữ từ sáng tới chiều, còn Nam và Quyền bị giữ lại 36 tiếng đồng hồ. Xin hỏi Dũng trước. Bạn có biết lý do vì sao bạn cùng với một số người khác được thả sớm hơn nhóm của Quyền và Nam không?
Quang Dũng: Sau khi ký vào biên bản, lăn tay, và chụp ảnh thì họ thả.
Trà Mi: Có thể hiểu ý bạn là vì bạn đã đồng ý ký vào biên bản nên được thả sớm?
Quang Dũng: Vâng ạ.
Trà Mi: Thế còn Quyền và Nam thì sao?
Tiến Nam: Sáng 21/8, tôi đứng cách xa đoàn biểu tình 100 mét với mục đích quan sát để xem sau bản thông báo trái pháp luật của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội thì họ sẽ làm gì đối với người biểu tình. Lúc đó, tôi chưa tham gia đoàn biểu tình. Tôi đứng từ xa chụp ảnh. Sau khi họ xô đẩy mọi người lên xe buýt, có một người an ninh chỉ tôi rồi bảo: “Trong ba lô của thằng kia có băng rôn đấy. Bắt lấy nó.” Thế là họ bắt tôi. Thật sự lúc đó tôi chưa tham gia vào đoàn biểu tình mà họ cố tình bắt tôi. Đó là một sự vi phạm trắng trợn. Sau đó, họ đưa thẳng tôi từ công an Mỹ Đình lên công an quận Hoàn Kiếm và thẩm vấn tôi ở đó tới 20:05 phút ngày 22/8 mới thả. Họ ra ba lệnh tạm giữ trong 3 ngày đối với chị Bùi Minh Hằng, Đặng Phương Bích, và Lê Văn Dũng. Họ kiểm tra máy laptop của tôi, thu giữ 2 ảnh trong máy ảnh của tôi và một số bài viết tôi đã công khai trên mạng như ‘Chuyện lạ sau biểu tình’, ‘Ám ảnh tình yêu nước mỗi sáng chủ nhật’. Họ đưa cho tôi cũng như tất cả những người được tạm tha quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo vì vi phạm nghị định 73, điều 7 ‘gây rối trật tự nơi công cộng’. Tôi sẽ khiếu nại về việc này là vi hiến và vi phạm trắng trợn.
Trà Mi: Bây giờ xin mời anh Quyền. Anh vui lòng chia sẻ những gì tận mắt chứng kiến trong thời gian anh bị đưa về đồn công an.
Duy Quyền: Tôi bị đưa về đồn công an quận Hoàn Kiếm. Tại đây diễn ra rất nhiều việc kinh khủng. Công an đối xử với dân vô cùng thô bạo. Một ví dụ là họ ép chị Hằng lăn vân tay. Mười bốn, mười lăm công an xúm lại vặn tay, bẻ quặt tay, làm đủ trò để cưỡng ép chị lăn vân tay trong tiếng kêu la phản đối của chị. Họ ngang nhiên làm như vậy rất nhiều lần với chị Hằng.
Trà Mi: Xin hỏi thăm Dũng. Lúc nãy bạn cho biết bạn không bị bắt, nhưng đã tự nguyện leo lên xe buýt cùng với những người bị bắt. Lý do vì sao bạn làm vậy?
Quang Dũng: Bởi vì Dũng thấy đó là những người yêu nước, nên Dũng lên xe để tiếp tục hô khẩu hiệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam để mọi người cùng hô theo.
Trà Mi: Sau những gì diễn ra, cuộc tuần hành bị trấn dẹp và các bạn bị bắt, cảm nghĩ đầu tiên trong lòng các bạn khi nghĩ về vụ việc này là gì?
Tiến Nam: Sau cuộc tuần hành này, lực lượng an ninh họ đã mở mắt cho Tiến Nam rất nhiều vì họ để cho Nam cùng mọi người bị bắt giữ hôm đó được nhìn thấy rằng công an nhân dân Việt Nam không phải để bảo vệ dân. Họ hành dân. Họ làm bất kỳ điều gì với người dân vô tội và những người dân yêu nước. Họ đã hành xử theo kiểu mafia. Mình cảm thấy rất bức xúc.
Trà Mi: Nam vừa chia sẻ những bức xúc vì bạn là một trong những người bị bắt giữ. Tuy nhiên, phía chính quyền cho rằng vì họ đã có thông báo yêu cầu không tuần hành nữa và cấm tập trung đông người, nhưng các bạn cố tình vi phạm, nên các bạn mới bị giải tán và bị cưỡng ép như thế. Với lập luận đó của chính quyền, các bạn có phản hồi thế nào?
Duy Quyền: Khi họ làm việc với tôi, họ có nói tới điều này. Tôi đã trả lời thẳng với họ rằng thông báo của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội là vi hiến, không có hiệu lực và giá trị pháp lý. Bản thân tôi là một trong số những người đã ký kiến nghị phản đối và yêu cầu hủy bỏ thông báo này.
Trà Mi: Đó là nói về tính pháp lý của thông báo đó. Còn nói về hành động đi tuần hành, một số người cho rằng có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước, không nhất thiết phải xuống đường gây mất trật tự xã hội, gây rối an ninh, cản trở lưu thông mới gọi là yêu nước. Theo họ, một công dân tốt là công dân chấp hành đúng chủ trương của nhà nước và các bạn bị bắt bớ như thế không phải là do các bạn thể hiện lòng yêu nước mà do các bạn vi phạm quy định của nhà nước. Ý kiến Dũng thế nào?
Quang Dũng: Người dân thấy mất quyền lợi và bức xúc trước hoàn cảnh đất nước đang lâm nguy mới đứng lên thể hiện lòng yêu nước và yêu cầu nhà nước có quan điểm rõ ràng. Hiện nay, nhà nước Việt Nam cứ úp úp mở mở, không dám nói thẳng ra là phản đối Trung Quốc. Dũng không thấy Thủ tướng hay một ai đứng ra phản đối mãnh liệt. Và khi mình đi thể hiện lòng yêu nước thì bị công an bắt giữ. Mình cảm thấy rất buồn. ‘Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ’, nhưng bây giờ mình thấy công an toàn là ‘vì thân, quên dân’. Rất nhiều bạn bè của mình cũng nói như vậy.
Trà Mi: Xin được hỏi Nam. Với lập luận cho rằng yêu nước phải thể hiện trách nhiệm công dân của mình trước tiên, tức tuân hành pháp luật, tuân thủ nội quy của nhà nước. Những hành động của Nam, Nam lý giải thế nào?
Tiến Nam: Tiến Nam đang thực hiện đúng theo hiến pháp, pháp luật của nước Việt Nam. Hiến pháp của Việt Nam và tất cả các nghị định của chính phủ, không có bất kỳ một quy định nào về biểu tình. Điều 69 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định công dân có quyền tự do hội họp, tụ tập theo quy định của pháp luật. Trong khi quy định của pháp luật chưa có một quy định nào về biểu tình, cấm hoặc cho phép, thì mình vẫn có quyền đi biểu tình để thể hiện lòng yêu nước. Nhà nước hãy ra một quy định hay văn bản luật cấm người dân biểu tình đi, chúng tôi sẽ không đi biểu tình nữa. Còn văn bản của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội là một văn bản vi hiến. Tụ tập phải xin phép, chứ chưa có quy định nào của Việt Nam nói là biểu tình phải xin phép cả.
Trà Mi: Với quan điểm tụ tập đông người phải xin phép, thì những gì các bạn đã tham gia, các bạn có nghĩ là trái với quy định đó không?
Tiến Nam: Trong các cuộc biểu tình đó, chúng tôi đi biểu tình, chứ không tụ tập. Biểu tình định nghĩa là biểu hiện cảm xúc đồng tình của một đoàn người. Đoàn người chúng tôi biểu hiện cảm xúc đồng tình của chúng tôi. Đó là đồng tình khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, khẳng định chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của chúng tôi. Đó là chúng tôi biểu tình, chứ không phải chúng tôi tụ tập. Tụ tập thì ở Việt Nam rất nhiều cuộc tụ tập đông người. Mấy chục người tụ tập ngồi uống cà phê, đâu cần xin phép ai. Từ “tụ tập” khác với từ “biểu tình”.
Trà Mi: Nhưng có ý kiến cho rằng những cuộc biểu tình đó có sự tập trung đông người gây rắc rối an ninh trật tự, cản trở giao thông nên họ phải trấn dẹp. Các bạn thấy thế nào?
Tiến Nam: Chúng tôi biểu tình để thể hiện lòng yêu nước và chúng tôi đi trên vỉa hè. Đến những vệ cỏ bên đường chúng tôi còn không giẫm vào thì làm sao nói chúng tôi gây rối trật tự công cộng được? Chúng tôi không cản trở giao thông, không đi dưới lòng đường. Còn lực lượng an ninh phải có trách nhiệm điều hành giao thông.
Trà Mi: Tuy chính quyền cũng thừa nhận là các cuộc biểu tình này xuất phát từ lòng yêu nước, nhưng cho rằng nó bị ‘các thế lực thù địch kích động, lợi dụng’ nên cần phải dập tắt ngay để phòng những rủi ro về sau. Ý kiến anh Quyền thế nào?
Tiến Nam: Những câu nói đó của chính quyền, chúng tôi quá quen bao nhiêu năm nay rồi. Bất kỳ việc gì chúng tôi làm thể hiện cảm xúc cá nhân, những tâm tư suy nghĩ của mình muốn đất nước tốt đẹp hơn nhưng không đồng tình với nhà nước cộng sản Việt Nam, không đồng tình với ý kiến của đảng cộng sản thì họ đều quy cho là ‘thế lực thù địch’ đang điều khiển, xúi giục chúng tôi. Không có một ‘thế lực thù địch’ nào có thể lợi dụng hay xúi giục chúng tôi xuống đường vì lòng yêu nước được cả. ‘Thế lực’ duy nhất xúi giục chúng tôi là con tim, khối óc, và dòng máu 4 ngàn năm lịch sử chúng tôi chưa bao giờ khuất phục ngoại xâm. Họ muốn bắt những ‘thế lực’ đó thì họ có thể lấy hết khối óc, con tim, và dòng máu của tôi đi.Hà Nội trấn dẹp và bắt bớ những người tham gia cuộc tuần hành chống Trung Quốc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của chính quyền. Trong ánh mắt người trẻ, cách ứng phó của nhà nước có ý nghĩa và tác động như thế nào và nguyên nhân sâu xa của hành động này là gì? Chúng ta sẽ nghe ý kiến của chính những người trong cuộc là Nguyễn Tiến Nam, Ngô Duy Quyền, và Vũ Quang Dũng, 3 bạn trẻ trong số những người biểu tình bị bắt hôm 21/8 tại Hà Nội.
Trà Mi – VOA | Washington DC
Trà Mi: Các bạn khẳng định động cơ chính yếu thúc đẩy các bạn tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc là từ khối óc, con tim yêu nước chứ không một ‘thế lực thù địch’ nào có thể kích động hay giật dây, nhưng các bạn có sợ rằng những cuộc tuần hành này rồi sẽ bị lợi dụng và mình sẽ trở thành những con tốt bị lợi dụng cho những ‘thế lực xấu’ đó không?
Tiến Nam: Không bao giờ.
Duy Quyền: Nếu người ta tự tin vào chính mình thì không bao giờ đi vu cho người khác là bị người nọ người kia xúi giục. Tôi không phản đối ý kiến cho rằng yêu nước phải tuân thủ chính sách, chủ trương của nhà nước. Thế nhưng có nhiều cách để yêu nước. Ai có cách thế nào thì cứ tự do thể hiện thôi, chứ không phải hễ cách của mình khác cách của người ta thì mình cấm đoán. Còn chủ trương chính sách nhà nước thì phải thể hiện bằng các văn bản quy phạm pháp luật một cách minh bạch để người dân tuân theo, chứ không phải là lệnh của bất kỳ một kẻ nào trong hệ thống cầm quyền.
Trà Mi: Theo các bạn, các cuộc tuần hành chống Trung Quốc bị trấn dẹp không phải là vì lý do ‘gây rối trật tự’, cũng không phải vì lý do ‘bị kẻ xấu lợi dụng’. Vậy nguyên do vì sao chính quyền lại nhất quyết phải trấn dẹp các cuộc tuần hành này?
Tiến Nam: Sở dĩ nhà nước đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước của chúng tôi là vì họ đang sợ hãi. Họ sợ rằng khi chúng tôi hiểu ra được bản chất của sự việc, hiểu tại sao chúng tôi mất đất, mất đảo, hiểu rõ cách hành xử của chính quyền, thì những cuộc biểu tình chống Trung Quốc sẽ trở thành những cuộc biểu tình phản đối chính họ, bởi vì họ đã làm sai trái quá nhiều điều. Họ sợ điều đó.
Trà Mi: Nam có cơ sở nào chứng minh những điều sai trái mà bạn nhận thấy đó là gì mà phải che lấp bằng những hành động mạnh tay như vậy?
Tiến Nam: Chẳng hạn như tại sao họ không công khai cho biết họ đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông như thế nào, tại sao họ không ra những nghị quyết mạnh mẽ hơn về Biển Đông. Trong nội tình của sự ngoại giao đó có cái gì mà họ không dám công khai ra? Rất nhiều nhân sĩ-trí thức đã lên tiếng về điều đó, sao họ không dám công khai trả lời? Nhà nước Việt Nam có câu ‘Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra’, sao họ không cho ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra’?
Trà Mi: Thế còn Quyền và Dũng, các bạn không đồng ý với lý do nhà nước nêu ra rằng dẹp biểu tình để vãn hồi trật tự, ngăn chặn ‘các thế lực thù địch’, vậy theo các bạn, nguyên do sâu xa là gì?
Duy Quyền: Tôi cũng đồng tình với ý kiến của anh Tiến Nam. Ngoài lý do như anh Nam vừa đề cập, tôi cho rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất lo ngại rằng những cuộc biểu tình yêu nước, phản đối Trung cộng xâm lược có thể phát triển thành những cuộc tuần hành đòi tự do dân chủ như ở Bắc Phi hiện nay. Đó là lý do mà tôi nghĩ là họ rất sợ.
Trà Mi: Dũng có ý kiến nào khác không?
Quang Dũng: Mình cảm nhận được một điều là người dân rất bức xúc với sự lãnh đạo của đảng và nhà nước hiện nay với giá cả lương thực tăng cao và nạn tham ô.
Trà Mi: Thế nhưng nhà nước nói họ đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng muốn giữ môi trường hòa bình-hữu nghị để xây dựng phát triển đất nước, duy trì giao hảo với Trung Quốc vì an ninh, hòa bình đất nước và khu vực. Cho nên họ mới có động thái trấn dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc để tránh gây bất lợi cho ngoại giao song phương. Ý kiến các bạn thế nào?
Duy Quyền: Mình không thể hợp tác với kẻ luôn lăm le xâm hại, lừa đảo, cướp bóc đất nước và nhân dân mình. Làm sao có thể hợp tác được với những kẻ như thế? Đó cũng chỉ là lý do họ ngụy biện thôi. Bất kỳ điều gì gây nguy hiểm cho sự thống trị của nhà cầm quyền hiện nay thì họ bất chấp nhân quyền, luật pháp mà thẳng tay đàn áp.
Tiến Nam: Tôi có ý kiến tiếp nối ý của anh Quyền. Tôi nghĩ rằng chính quyền họ đang sợ hãi. Cuộc biểu tình của chúng tôi không làm phương hại đến ngoại giao Việt-Trung. Chúng tôi phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh lấn chiếm biển đảo của chúng ta.
Trà Mi: Nhưng bạn có nghĩ rằng các cuộc tuần hành rầm rộ, ồn ào như thế sẽ gây bất lợi cho an ninh, hòa bình của đất nước trước người anh em khổng lồ Trung Quốc?
Tiến Nam: Tôi nghĩ rằng những điều đó không thể xảy ra vì cuộc tuần hành của chúng tôi thể hiện lòng yêu nước, làm cho tinh thần dân tộc càng mạnh mẽ. Chúng tôi làm trỗi dậy lòng yêu nước của từng người dân. Chúng tôi muốn xây dựng và làm cho đất nước tốt đẹp hơn. Các cuộc biểu tình này cho dân Trung Quốc thấy rằng dân Việt Nam lúc nào cũng đoàn kết. Trong lịch sử, Trung Quốc không thể đồng hóa được chúng tôi thì bây giờ họ cũng không thể lấn chiếm được biển đảo của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng đứng lên để đòi lại biển đảo của mình.
Trà Mi: Nam vừa chia sẻ ý kiến về tác dụng của các cuộc tuần hành chống Trung Quốc. Còn nói về tác dụng của hành động trấn dẹp các cuộc biểu tình này, các bạn ghi nhận ra sao?
Duy Quyền: Cách cư xử của chính quyền trong việc đàn áp những cuộc biểu tình vừa rồi sẽ gây tác dụng ngược. Có thể một số người không hề biết có chuyện biểu tình ở Việt Nam, nhưng bây giờ, tôi tin rằng đã có rất nhiều người biết đến việc này. Khi người ta biết, người ta sẽ tìm hiểu và sẽ thấy cách hành xử của chính quyền vừa qua là phi pháp.
Trà Mi: Nói về tác động của việc trấn dẹp biểu tình, Dũng có suy nghĩ nào muốn chia sẻ?
Quang Dũng: Mình nghĩ nó sẽ càng khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân. Gần 20 năm nay Dũng mới thấy biểu tình bùng nổ tại Việt Nam như hiện nay.
Trà Mi: Theo bạn, nó có ý nghĩa như thế nào?
Quang Dũng: Người dân đang bức xúc và họ sẽ đứng dậy để thể hiện lòng yêu nước cũng như thức tỉnh lòng yêu nước trong tất cả mọi người.
Trà Mi: Là những người trực tiếp tham gia, sau những cuộc tuần hành đó và sau những gì diễn ra, trong lòng các bạn đọng lại những gì?
Duy Quyền: Tôi có niềm tin là nhất định Việt Nam sẽ phải có sự thay đổi.
Trà Mi: Các bạn cho rằng trấn dẹp các cuộc biểu tình này chỉ mang lại tác dụng ngược. Như vậy liệu sẽ có các cuộc tuần hành tương tự diễn ra nữa hay chăng? Từ sau hành động trấn áp này, các bạn mường tượng những gì sắp xảy ra?
Duy Quyền: Tuy mức độ thăng trầm có thể khác nhau nhưng tôi tin rằng những cuộc tuần hành sẽ diễn ra chứ không chấm dứt ở đây.
Trà Mi: Mời ý kiến của Nam.
Tiến Nam: Sau cuộc tuần hành bị trấn áp vừa rồi, có thể diễn ra cũng có thể không diễn ra những cuộc tuần hành tiếp theo. Nhưng riêng đối với tôi, hằng ngày và mỗi sáng chủ nhật, nếu có điều kiện, tôi vẫn đi ra khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm. Tôi muốn thể hiện lòng yêu nước và dõi ánh mắt căm hờn vào đại sứ quán Trung Quốc khi đi qua khu vực đại sứ quán. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bắn chết và xâm chiếm biển đảo của đất nước chúng tôi. Tôi muốn thể hiện cho họ thấy rằng dân tộc Việt Nam 4 ngàn năm lịch sử này có những Trần Ích Tắc, nhưng cũng có những Quang Trung, những Lê Lợi. Không một thế lực hay tổ chức nào có thể làm cho tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam nhục chí đi được.
Ngày 9 và 16 tháng 12 năm 2007, Tiến Nam đã tham gia các biểu tình chống Trung Quốc. Trong buổi cuối cùng của cao trào tuần hành đó, vào ngày 23/12/2007, Tiến Nam bị bắt cùng anh Nguyễn Chí Đức khi chúng tôi đang tuần hành. Trong đoàn người có tôi, anh Đức, 5 bạn trẻ, và đằng sau là một đoàn dân oan gồm các cụ già và những người nông dân. Hôm đó, chúng tôi đã bị bắt và bị theo dõi rất gắt gao gần hơn 1 tháng trời. Sau lần đó, đến ngày 29/4/2008, tôi đi biểu tình chống rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua đất nước Việt Nam. Khi đó, tôi cùng anh Ngô Quỳnh đã bị bắt và bị đánh đập rất dã man tại công an phường Đồng Xuân. Lúc nào tôi cũng mong muốn xây dựng đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn và tới bây giờ tôi đi biểu tình chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, chống lại sự xâm chiếm biển đảo của quê hương chúng tôi, bắn giết nhân dân chúng tôi. Lúc nào tôi cũng muốn thể hiện lòng yêu nước của tôi và tôi không lo ngại một điều gì vì chúng tôi có chính nghĩa. Lòng yêu nước của chúng tôi trong sáng. Tôi không làm gì sai trái pháp luật, chỉ muốn thể hiện lòng yêu nước chân chính và sự đoàn kết của người dân Việt Nam. Tôi sẵn sàng chấp nhận những gì xảy ra với tôi, bất kỳ sự đàn áp hay bắt bớ nào của chính quyền đối với những người yêu nước. Việc làm sai trái của chính quyền, lịch sử sẽ phán xét họ, nhân dân sẽ phán xét họ.
Trà Mi: Sau các cuộc tuần hành này, sau những gì diễn ra, Dũng rút ra cho mình điều gì?
Quang Dũng: Mình nghiệm ra rằng mình cần đi và kêu gọi mọi người nhận thức, hãy đứng dậy thể hiện lòng yêu nước vì chủ quyền biển đảo của đất nước mình. Mình mới tham gia biểu tình từ tháng 6 tới nay, mình đã khâm phục chị Bùi Minh Hằng, một người rất mạnh mẽ, cũng như anh Tiến Nam và anh Chí Đức. Nếu có điều kiện, có lẽ tuần nào Dũng cũng ra Hà Nội để thể hiện lòng yêu nước của mình.
Duy Quyền: Chúng tôi tham gia đoàn biểu tình thể hiện thái độ với Trung Quốc thật ra là thể hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình. Đọng lại lớn nhất trong tôi là tình cảm của những người tuần hành, những tình cảm trong sáng, đoàn kết, rất thiêng liêng, thật sự đã để lại trong tôi một dấu ấn rất lớn.
Trà Mi: Để chia sẻ nguyện vọng của mình đối với những người hữu trách và với những người thanh niên, thế hệ đồng trang lứa với mình, các bạn sẽ nói điều gì?
Duy Quyền: Chúng tôi không đòi hỏi yêu cầu gì hơn là nhà chức trách đã đưa luật thì hãy tôn trọng luật pháp, tôn trọng người dân. Chính quyền hãy đặt lợi ích của tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, đừng đặt lợi ích phe nhóm hay đảng phái lên trên. Với các bạn thanh niên, tôi mong muốn ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ quan tâm hơn đến cộng đồng, đến hiện tình và vận mệnh của đất nước và đưa ra các lựa chọn, quyết định cho riêng mình.
No comments:
Post a Comment