Trở Về Trang chính

Friday, September 9, 2011

Lạm phát tại Việt Nam cao nhất Á Châu

HÀ NỘI (TH) – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khuyến cáo Việt Nam không nên vội vã giảm lãi suất khi mà lạm phát còn rất cao và niềm tin vào trị giá đồng bạc vẫn ngày một tệ hại hơn.

Các cục tiền như những cục gạch nhưng giá trị rất thấp được chuyển qua cửa sổ của một ngân hàng tại Việt Nam trong một phiên giao dịch thường lệ hàng ngày. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Sự vội vã giảm lãi suất báo động cho người ta thấy nhà cầm quyền Hà Nội nói một đàng làm một nẻo khi đưa ra các tuyên bố đặt ưu tiên vào việc đối phó với lạm phát.

“Ðiều quan trọng là chính sách tiền tệ không nên hạ lãi suất quá sớm vì những gia tăng sự tin tưởng gần đây đối với trị giá đồng bạc vẫn còn rất mong manh.”

Benedict Bingham, đại biểu cao cấp của IMF tại Việt Nam phát biểu qua một e-mail gửi tới hãng tin tài chính Blomberg hôm Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011.

Lời khuyến cáo của ông trong điện thư được tóm tắt lại những gì ông đã phát biểu trong cuộc họp với nhiều viên chức kinh tế tài chính của Việt Nam ngày 6 tháng 9, 2011 tổ chức ở Hà Nội, gồm cả ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Gần đây, báo chí loan tin Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình đã họp với một số ngân hàng thương mại và có thể loan báo hạ lãi suất ngay trong tháng này. Tuy nhiên, theo bản tin Bloomberg, có thể Ngân Hàng Nhà Nước CSVN vẫn giữ nguyên mức lãi suất hiện nay vào thời điểm này và có thể cho giảm lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt.

Lạm phát tại Việt Nam trong tháng 8 lên đến 23.20%, mức cao nhất trong suốt 33 tháng qua. Lạm phát tại Việt Nam cao thứ nhì thế giới nhưng cao nhất Á Châu.

“Ðể giúp lạm phát hạ nhiệt, Việt Nam cần giải quyết những yếu tố đóng góp cho lạm phát gia tăng và cũng phải giữ cho niềm tin vào trị giá đồng bạc đừng tuột dốc.” Ông Bingham nói. “Chính sách tiền tệ phải được giữ vững đều cho những tháng tới đây.”

Trị giá đồng bạc của việt Nam đã mất thêm 1% so với trị giá đồng Mỹ kim trong tháng 8, theo các dữ kiện thống kê của Bloomberg. Ngày 11 tháng 2, 2011, lần thứ tư chỉ trong 15 tháng, nhà cầm quyền CSVN đã phá giá đồng nội tệ thêm 7% với lý do cần đối phó với thâm thủng mậu dịch.

Nhưng liệu Hà Nội có nghe theo lời khuyến cáo của IMF hay không? Có một dấu hiệu rất rõ rệt là những lời khuyến cáo đó bị bỏ ngoài tai dù ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong phiên họp nói trên với IMF, WB, ADB và đại diện các nước viện trợ cho Việt Nam là Hà Nội “không dao động với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.”

Theo bản tin của NDHMoney.vn, một bộ phận của tạp chí Nhịp Sống Số, “Theo dữ liệu của Reuters và tính toán của NDHMoney, trong 4 phiên từ ngày 5 – 8 tháng 9, 2011, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN bơm ra 24,000 tỷ đồng với lãi suất 14% và hút về 4,000 tỷ đồng, đưa mức vốn bơm ròng trên thị trường mở (OMO) lên 20,000 tỷ đồng. Ðộng thái này của Ngân Hàng Nhà Nước chấm dứt trạng thái bơm 1,000 tỷ đồng và hút về lượng tiền đương đương kéo dài từ ngày 13 tháng 7-1 tháng 9/2011.”

Theo NDHMoney.vn, hành động bơm vốn tới tấp của Ngân Hàng Nhà Nước vào thị trường mở (OMO) có dấu hiệu như những “đòn đánh đầu tiên để giảm lãi suất.”

Ngân Hàng Nhà Nước CSVN hạ lãi suất tái cấp vốn (chu kỳ 7 ngày) từ 15% xuống còn 14% ngày 4 tháng 7, 2011 vừa qua sau khi đã từ từ đẩy lên từ 7% từ tháng 11, 2010. Ngân Hàng Nhà Nước Hà Nội ngày Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011 cũng ra lệnh cho các ngân hàng thương mại báo cáo về các tiến bộ liên quan hạ lãi suất, theo tờ Thời Báo Ngân Hàng.

“Lãi suất liên ngân hàng giảm những tháng gần đây và hành động cắt lãi suất trên thị trường mở từ 15% xuống còn 14% có thể được xem là những dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ” để chống lạm phát mà nhà cầm quyền CSVN đã nói rất mạnh mẽ khi đưa ra nghị quyết số 11 hồi tháng 2, 2011. Nhờ cái nghị quyết đó, một số niềm tin vào đồng bạc lấy lại được nên dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên thành $15.1 tỉ USD hồi cuối tháng 6. Một tháng trước đó chỉ đạt $13.5 tỉ USD.”

IMF chỉ ra trong cuộc họp nói trên về những gì đã xảy ra tại Việt Nam 4 năm qua khi mà nhà cầm quyền Hà Nội bơm tín dụng ào ạt cho đám công ty kinh tài đảng đoàn đã làm cho đám ngân hàng thương mại quốc doanh bị giật nợ rất nhiều. Những bằng chứng hiển nhiên có thể thấy qua vụ Vinashin hay một số công ty nhà máy xi măng, công ty vận tải biển Vinalines, tổng công ty than khoáng sản TKV,…

Ngân Hàng Nhà Nước CSVN trong tuần này cho hay đang cân nhắc một số đề nghị để giúp cho một số ngân hàng nhỏ có thêm vốn để chống đỡ các nguy cơ lỗ lớn không gượng lại được, theo bản tin Moody’s Investors Service.

Dịp này, ông Bingham khuyến cáo Việt Nam cần phải cải tổ nhanh chóng hệ thống ngân hàng, dự trữ của các ngân hàng cần phải gia tăng cũng như những khó khăn của các ngân hàng nhỏ cần phải giải quyết.

Cho tới nay, tổ chức tham vấn đầu tư Moody’s Investors Service vẫn đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng của Việt Nam rất thấp (negative outlook). Kinh tế nội địa của Việt Nam mất thăng bằng tạo nguy hiểm cho tài sản của ngân hàng và làm cho vấn đề cấp tín dụng khó khăn hơn, Moody’s nhận định. (TN)

No comments:

Post a Comment