Hà Giang/Người Việt (lược dịch)
LTS: Tờ International Herald Leader, thuộc Tân Hoa Xã của Trung Quốc mới cho công bố bản tường trình độc quyền về buổi hội thảo có tên “Trách Nhiệm của Truyền Thông Trước Tình Hình Biển Ðông”, do đài truyền hình Vân Nam và Viện Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương (thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc) đồng tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, giữa lúc những tranh chấp ở vùng biển này đang căng thẳng nhất.
Những học giả Trung Quốc được mời tham dự đưa ra một loạt biện pháp mà Trung Quốc nên dùng để đối phó với các nước trong vùng, chẳng hạn như hướng dư luận thế giới đến cái nhìn thiện cảm hơn với Trung Quốc, nhưng vẫn có một chính sách ngoại giao cứng rắn, cộng với sự hậu thuẫn chuẩn bị của quân đội, và đáng chú ý nhất là ý kiến nại cớ truy lùng hải tặc để tiến vào những vùng biển đang tranh chấp.
Dưới đây là những quan điểm tiêu biểu của các học giả được đăng trong bài tường trình của International Herald Leader.
1. Nhượng bộ để giảm thiểu tranh chấp là không nên
Ðó là quan điểm của ông Zhou Fangyin, tổng biên tập của tờ Contemporary Asia-Pacific Studies, một ấn bản của Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, cơ quan đồng tổ chức buổi hội thảo.
Ðề Ðốc Hải Quân Trung Quốc Yin Zhuo, người phát biểu trong cuộc hội thảo “Trách Nhiệm của Truyền Thông Trước Tình Hình Biển Ðông” rằng Trung Quốc phải “Tránh đưa tranh chấp biển Ðông ra tòa án quốc tế”. (Hình: www.cnr.cn)
Ông Fangyin nói, “Chúng ta tuyệt đối không tạo cho Việt Nam và Phi Luật Tân cái cảm tưởng là mỗi khi lên tiếng kêu ca họ sẽ có lợi. Chúng ta không thể mơ hồ mà phải khẳng định rõ lập trường của Trung Quốc. Nếu giữ vững lập trường, chúng ta có thể bị chỉ trích và một số tổn hại trước mắt, nhưng về lâu về dài, thái độ cứng rắn vẫn có lợi hơn. Vì thế không nên nhượng bộ để giảm thiểu tranh chấp.”
2. Bảo vệ quyền lợi trên biển một cách trường kỳ
Ðồng quan điểm với Fangyin, ông Li Jinning, giáo sư của South Pacific Studies, thuộc Viện Nghiên Cứu Bang Giao Quốc Tế của đại học Xiamen University, cho rằng trước tiên Trung Quốc phải tăng mức tuyên truyền về vấn đề biển Ðông, và gửi càng nhiều bài viết cho các tạp chí nước ngoài để quảng bá lập trường của Trung Quốc càng tốt.
“Ngoài ra, vào thời điểm thích hợp, phải tổ chức các hội nghị quốc tế trong giới hàn lâm để tranh thủ dư luận quốc tế, Việt Nam đã có hai buổi hội thảo như thế rồi.”
Ông Jinning nói.
Quan trọng hơn, ông Jinning khuyến cáo là phải tiếp tục cho tàu thường xuyên tuần tra trong vùng biển Ðông, và “mạnh mẽ chống lại việc quốc tế hóa tranh chấp biển Ðông, và bác bỏ giải pháp đa phương”, vì theo ông “tương quan giữa các nước trong khối ASEAN không thuần nhất”, cho nên Trung Quốc “cần phải đối phó với từng nước một và làm sao cho các thành viên ASEAN không kết thành một khối chống lại Trung Quốc”.
3. Chuẩn bị về mặt quân sự
Ông Li Quoqiang, phó giám đốc của Borderland History and Geography Research Center, cũng thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc còn tiến một bước xa hơn khi đề nghị Trung Quốc phải có những chuẩn bị thích hợp về mặt quân sự.
Ông Quoqiang nhận định rằng có ba hướng giải quyết tranh chấp gồm ngoại giao, quân sự và luật pháp. Tuy nhiên, theo ông, ngoại giao không chưa đủ, vì thế cần phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra trong vùng, và dùng vũ lực nếu cần để đoạt lại những quần đảo thuộc về Trung Quốc.
Quan trọng hơn, ông Quoqiang đề nghị phải tìm mọi cách để giới hạn can thiệp của Hoa Kỳ, chẳng hạn như tạo nhiều tổn thất tài chánh cho bất cứ nước nào muốn khai thác dầu trong vùng biển Ðông.
4. Tránh đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế
Ðô Ðốc Hải Quân Yin Zhuo thì đề nghị không nên mang tranh chấp biển Ðông ra trước tòa án quốc tế, nơi ông cho rằng sẽ dựa đa số nhưng phán quyết trên luật biển thường gọi là UNCLOS (United Nation Convention on the Law of the Seas) vì như thế không có lợi cho Trung Quốc.
5. Chủ động hơn trong việc tranh thủ công luận
Trong khi đó ông Ye Hailin, bình luận gia kiêm tổng biên tập của tờ South Asian Studies, ấn bản của Viện Nghiên Cứu Á Châu Thái Bình Dương (thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc) cổ vũ giới truyền thông tích cực tham gia vào việc phổ biến những bước kế tiếp của Trung Quốc để giải quyết tình hình căng thẳng trong biển Ðông.
Ông cho rằng truyền thông “không thể chỉ tham gia vào những cuộc thảo luận” mà còn phải “chuẩn bị tâm lý quần chúng, vận động quần chúng ủng hộ hướng giải quyết của chính quyền”.
“Tiếc thay trong tranh chấp biển Ðông không có giải pháp nào mà không gây tổn thất. Một giải pháp hòa hoãn không có lợi cho đất nước, trong khi đó, hoàn toàn cứng rắn sẽ mang 100% thắng lợi cho Trung Quốc, nhưng lại gây tổn thất về mặt ngoại giao. Bất cứ giải pháp nào cũng sẽ gây phản ứng tiêu cực nếu tâm lý quần chúng không sẵn sàng.” Ông Hailin nhận định.
6. Nại cớ hải tặc để xâm nhập biển Ðông
Sáng kiến độc đáo nhất định phải là của Giáo Sư Xu Ke, thuộc Viện Nghiên Cứu Bang Giao Quốc Tế, đại học Xiamen University.
Giáo Sư Xu Ke thản nhiên vạch ra rằng hải tặc hay hoành hành ở vùng biển Ðông, vì thế Trung Quốc có thể nại cớ truy lùng hải tặc để làm mũi xâm nhập sâu vào vùng biển này.
Ông nói: “Dùng cớ đối phó với hải tặc chúng ta có thể lãnh đạo phong trào truy lùng hải tặc tại vùng Châu Á, và cùng lúc đó, tạo sự có mặt thường xuyên ở đây, rồi từ đó kiểm soát vùng hết vùng biển Ðông.”
Ðó là một số mưu đồ tiêu biểu mà các học giả Trung Quốc đã thản nhiên và mạnh dạn hiến kế cho lãnh đạo Trung Quốc giành phần thắng cho quốc gia họ, mà không sợ gặp khó khăn với chính quyền, ngược lại kết cuộc hội thảo còn được cơ quan truyền thông nhà nước cho công bố, với mục đích tranh thủ tâm lý dân chúng.
Trước sự kiện này, giới quan tâm không thể không nghĩ đến một tình trạng hoàn toàn tương phản tại Việt Nam, nơi mà giới trí thức vô cùng e ngại khi bầy tỏ quan điểm về chủ quyền quốc gia.
Trước sự kiện này, giới quan tâm không thể không nghĩ đến một tình trạng hoàn toàn tương phản tại Việt Nam, nơi mà giới trí thức vô cùng e ngại khi bầy tỏ quan điểm về chủ quyền quốc gia.
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment