Mẹ Nấm - Khu du lịch Suối Lương dưới chân đèo Hải Vân đón chúng tôi vào chiều ngày 2/9. Không chỉ là “đến để biết” một địa điểm du lịch khá lý tưởng. Chúng tôi đến đây với mục đích khác hơn.
Đó là tham dự một chương trình của các bạn Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (HoangSa.Org) tổ chức.
Một chương trình với cái tên thật ý nghĩa, “Vòng tròn bất tử”.
Và “sự kiện suối Lương” là một trong những sự kiện nằm trong chương trình đó.
Tại đây, các cựu binh đã từng chiến đấu trên con tàu HQ 604 trong chiến dịch CQ88 tại Trường Sa năm 1988 được mời họp mặt.
Một cơ hội hiếm hoi cho tôi, bỏ qua thì …
Trước đó, tôi và ba người bạn đã không biết cụ thể thông tin chính thức nên chưa đăng ký.
Và chiều ngày 2/9, tôi cùng họ đã đăng ký tham dự với ban tổ chức tại Suối Lương.
Sau khi đồng ý tuân thủ tuyệt đối các “quy định an toàn” do ban tổ chức đề ra như: không trực tiếp gặp các nhân chứng, không chủ động tiếp cận, không đề nghị phỏng vấn riêng, không ăn trưa (do ban tổ chức không sắp xếp kịp)… thì chúng tôi nhận được sự đồng ý cho tham gia hội thảo sáng ngày 3 tháng 9.
Những người bạn đi cùng tôi rất hào hứng với cuộc gặp gỡ này, một anh bạn của tôi tận Hà Nội, đã thu xếp tất cả để vào Đà Nẵng, chỉ để gặp mặt những nhân vật huyền thoại có thật trong trận chiến lịch sử tại Gạc Ma năm 1988 ở Trường Sa.
Và dĩ nhiên tôi cũng vậy.
Nhưng rồi bất ngờ đã đến với tôi.
Sáng sớm ngày 3 tháng 9, anh bạn tôi gọi báo rằng, một người bên ban tổ chức đã liên lạc với anh và họ muốn nói chuyện với tôi.
Tôi gọi lại để gặp Huy – thành viên HoangSa.Org, và em cho tôi biết: “Tối hôm qua, khi rà soát lại danh sách khách mời và người tham dự buổi hội thảo hôm nay, bên phía an ninh có đề nghị không để chị tham dự…. Chị thông cảm, vì lý do…..”
Và cũng không có gì bất ngờ…
Tôi trả lời em rất nhẹ nhàng: “Chị hiểu, chị vẫn sẽ đến Suối Lương, nhưng không vào tham dự hội thảo. Em không cần phải giải thích gì nhiều”.
Đến Suối Lương trong một tâm trạng không vui lắm, tôi gặp rất nhiều người trong khi ngồi đợi bạn bè mình bên ngoài. Và trong số những người lạ thì lại có cả “người quen”, dù tôi chưa gặp họ lần nào.
Vì không trực tiếp tham dự hội thảo, nên tôi không nhìn thấy được những giọt nước mắt của các anh, những người lính trên đảo Gạc Ma năm nào khi các anh xem lại đoạn clip mà hải quân Trung Quốc nã đạn vào những người trên đảo.
Những diễn biến của hội nghị , tôi không được biết vì phải “đứng ngoài”. Nhưng tôi cũng mường tượng được “tiến trình hội thảo” qua một vài chi tiết xảy ra trước đó. Đó là một vài nhân vật chủ chốt của hội thảo chỉ tham gia “hội nghị trù bị” đến ngày chính thức thì lại vắng mặt.
Vâng, nhưng vấn đề này tôi xin phép để “bên lề” và sẽ nói sau.
Vấn đề tôi quan tâm ở đây là hội thảo với một chủ đề, tiêu điểm và thông điệp lớn lao đến thế mà lại có vẻ như bí mật. Phải chăng sự thông tin về sự kiện (gọi tắt) Gạc Ma-Hoàng Sa chưa thể bạch hóa?
Và khi tôi được biết, khách tham dự hội thảo này có không ít người giữ trách nhiệm và chức vụ cao. Bằng chứng là có xe biển số xanh đến từ Quảng Ngãi.
Vậy thì, có điều gì khiến bên tổ chức sự kiện cũng như chính quyền cấp tỉnh thành và cao hơn, bộ ngành liên quan lại không muốn quảng bá cho sự kiện này?
Tôi hoàn toàn chưa đề cập nội dung có trong chương trình hội nghị.
Cho đến nay, thử hỏi có bao nhiêu người biết đến sự kiện Gạc Ma 1988? Và sự kiện này ảnh hưởng như thế nào tới “mối quan hệ 4 tốt, 16 chữ vàng”?
Viết đến đây tự nhiên tôi nhớ đến giọt nước mắt của anh Lã Việt Dũng – một người Hà Nội tham gia biểu tình chống Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua – khi anh “đối thoại” với những người công an bắt giam người biểu tình tại đồn công an Mỹ Đình hôm 21/08/2011 về sự kiện lịch sử Gạc Ma.
Có lẽ lúc đó, anh Dũng cũng có cùng câu hỏi với tôi bây giờ: “Tại sao – Gạc Ma?”
Câu hỏi vẫn chỉ là câu hỏi, đối với tôi hay đối với bao nhiêu người? Và, nhà nước có thể “khái niệm lại” thế nào là lịch sử hào hùng được không? Khi những sự kiện với tầm vóc như thế lại chỉ “lưu hành nội bộ”?
Và, dĩ nhiên lịch sử dân tộc là do người dân viết nên, chứ không thể ai khác. Họ là chứng nhân, chủ nhân của áng sử hào hùng hay trang sử đau thương. Họ có quyền sở hữu và bất khả xâm phạm như chính chủ quyền đất nước họ-những người dân làm nên lịch sử.
Nhân đây, như đã nói ở trên là chuyện “bên lề”.
Việc các bạn trẻ trong nhóm HoangSa.Org tổ chức sự kiện hẳn có một ý tưởng gì chứ? Và để được chấp thuận tổ chức, các bạn phải gặp (chắc chắn thế) một vài khó khăn. Một bạn trẻ trong nhóm HoangSa.Org đã nói với chúng tôi vào buổi chiều chúng tôi đăng ký tham dự chương trình “Vòng tròn bất tử” rằng: “Đôi khi phải thỏa hiệp để làm được điều mình muốn”.
Tôi đã định nói lại với bạn ý kiến của mình rằng: “Thỏa hiệp là điều cần làm để đạt được mục đích. Nhưng với những mục đích tốt đẹp thì phải biết cách đấu tranh để giành được nó, có như vậy mới có ý nghĩa”.
Cuộc gặp mặt của những người anh hùng ở Gạc Ma, không cần bất kỳ sự thỏa hiệp nào để được công khai về nó. Nếu phải thỏa hiệp để những nhân vật hy sinh một phần xương máu mình cho biển đảo của Tổ quốc gặp nhau, phải chăng, tự chúng ta coi thường ý nghĩa cao đẹp trong sự hy sinh của họ?
Sao phải âm thầm tôn vinh họ như thế hôm nay, khi họ là những bằng chứng sống động của lịch sử?
Phải chăng, vì phải phục vụ một lợi ích nào đó, được giải thích là “rất cao cả” mà những hy sinh của những người hùng nói trên chưa được kể đến?
Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh. Có những người không trở về làm nhân chứng. Họ đã chết mà vẫn phải hy sinh lần nữa sao?
Xương máu của họ có thể nhuộm đỏ biển quê hương nhưng không thể rẻ như thế được.
Từ Đà Nẵng đi Quãng Ngãi để tiếp tục chương trình của cá nhân. Tôi nặng lòng với bao nhiêu câu hỏi. Chợt nghẹn ngào khi nhớ đến những người bạn bị bắt ở Hà Nội tháng trước vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Chắc họ cũng như tôi, không gì ngoài tấm lòng yêu nước và sự băn khoăn, lịch sử sẽ nguôi cơn đau vào lúc nào? Áng hào hùng và trang bi thương phải đặt cạnh nhau bởi cùng trong một “tầm vóc dân tộc”.
Bao giờ lịch sử sẽ thôi đau?
Ảnh chụp tại Khu Du Lịch Suối Lương – Đà Nẵng, nơi tổ chức cuộc gặp mặt giữa các anh hùng tại Hoàng Sa – Trường Sa năm xưa trong chương trình “Vòng tròn bất tử” do nhóm HoangSa.Org tổ chức.
Anh Chinh – người đứng bên tay phải mình – (theo anh Lê Hải cho biết là người của PA25 Đà Nẵng) nói rằng: “Chắc có sự nhầm lẫn nào đó, chứ không có ai cấm chị vào cả!”
No comments:
Post a Comment