Hà Nội ngày càng sôi động và đa dạng hơn qua các cuộc biểu tình yêu nước. Đến lần biểu tình thứ 10, người ta nhìn các nhân tố mới, cũng như nhiều tư duy đáng ngưỡng mộ của người xuống đường như phản đối sự xâm nhập trái phép của lao động Trung Quốc, vinh danh những tử sĩ ở Hoàng sa 1974 và 1988... Nhưng Sài Gòn, thì vẫn im lặng.
Mỗi buổi sáng chủ nhật, giới an ninh mật vụ vẫn kiên trì giăng bẫy, vẫn hậm hực rà soát quanh Nhà thờ Đức Bà, công viên 23-9.., nhưng gần như không có kết quả gì từ nhiều tuần. Người Sài Gòn đã mệt mỏi với lòng yêu nước bị chà đạp hay sự im lặng đó là một ẩn số đáng chờ đợi?
Courtesy Nuvuongcongly - Công an và rào chắn tại công viên Thống Nhất, TPHCM, ảnh chụp sáng ngày 14-07-2011.
Đối phó với an ninh
Có thể nói rằng, im lặng và chờ đợi là một trong những phương thức đấu tranh quan trọng mà chính các cán bộ “lão thành” của giới sinh viên xuống đường trước năm 1975 cũng nhìn nhận khi quan sát tình hình. “Sài Gòn như trái bom hẹn giờ, rất khó đoán, đó là lý do vì sao công an luôn thấp thỏm và chưa bao giờ an tâm vì sự yên ắng tạm thời này”, một cựu cán bộ dân vận trước năm 1975, giấu tên, bình luận như vậy.
Im lặng và nhẫn nại không lộ diện lúc này, được coi là một trrong những đối sách của người yêu nước ở Sài Gòn để tránh các phương thức bắt nóng, bắt nguội và chụp mũ của công an. Cảm nhận được sức nóng của những đợt trấn áp mới, từ trước và sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái nhận chức, người Sài Gòn như lùi lại quan sát để nghe ngóng thêm tình hình. Sài Gòn được coi là điểm nóng quan trọng, chứa đựng nhiều thành phần hết sức có kinh nghiệm dân vận, đấu tranh, biểu tình, tổ chức...v.v từ những năm 50-60. Do đó, để yên tâm triệt tiêu mọi tiếng nói và làn sóng tư tưởng khác biệt, Sài Gòn sẽ là nơi dễ bị ngành an ninh dày xéo nhất.
“Lịch sử xuống đường của Sài Gòn luôn là sự chọn đúng thời điểm và là điểm nhấn lớn, kéo theo mọi nơi khác tham gia”, người cựu cán bộ dân vận nói trên bình luận. Mượn một câu nói của Hồ Chí Minh, nhân vật này nói một cách hóm hỉnh “Sài Gòn đi trước, về sau”.
Phương thức trấn áp người yêu nước của giới an ninh mật vụ tại Sài Gòn như lôi kéo, bắt cóc mang đi công khai giữa đường phố... để làm hài lòng các bản báo cáo từ Tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc, đã chựng lại trước sự phản ứng mạnh mẽ từ Hà Nội sau vụ công an Minh đạp vào mặt anh Nguyễn Trí Đức. Đổi vào đó, theo các cuộc họp phổ biến nghiệp vụ của công an ở Sài Gòn, 3 phương pháp chủ yếu sẽ là bắt nóng, bắt nguội và chụp mũ.
Bắt nóng, tức là công an mật vụ quan sát tìm những hạt nhân trong đoàn biểu tình, hoặc khiêu khích, hoặc chờ thời cơ đứng xa đám đông sẽ bắt đi, thẩm vấn và kết tội lãnh đạo biểu tình, sách động.
Bắt nguội, là tìm đến từng gia đình, từng nơi cư trú của người biểu tình bị nhận diện. Sách nhiễu, hành hạ bằng cách mời, triệu tập liên tục, tìm cớ để họ không sống yên ổn để từ đó mệt mỏi không tham gia biểu tình.
Chụp mũ, là kết tội đi biểu tình do nhận tiền nước ngoài. Hoặc do là thành viên Đảng Việt Tân hoặc phản động nói chung. Bất kỳ ai khi bị bắt, nếu có liên lạc với người thân hay bạn bè ở nước ngoài đều bị chụp mũ nhận tiền để biểu tình phá hoại. Nếu có liên lạc hay trò chuyện với ai trên mạng, cũng sẽ bị kết tội là Việt Tân hoặc là cảm tình viên của Việt Tân. Ngay trong khi có biểu tình, công an cũng cài người luôn hô to hoặc chụp mũ những người bị bắt là “phản động” khi có ai lên tiếng bênh vực hay hỏi han.
Tại các ngã tư đường, đặc biệt tại trước Nhà Văn hóa Thanh niên, rất đông công an vào mỗi sáng chủ nhật, ảnh chụp sáng ngày 14-07-2011. Courtesy Nuvuongcongly.
Công an sợ gì?
Điều làm giới an ninh luôn lo âu, là sự xuất hiện của những nhân tố có uy tín có thể dẫn đầu đoàn biểu tình hay hướng dẫn hành động. Trong cuộc biểu tình ngày 5-6-2011 ở Sài Gòn, sự có mặt của những nhân vật quan trọng như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập... đã mở ra một không khí hoàn toàn khác mà chính giới an ninh cũng bối rối.
Giới trẻ luôn cần những nhân tố như vậy dẫn đường cho tinh thần của họ. Và cũng vì vậy mà hầu hết những nhân tố có thể tạo được sinh khí cho các cuộc xuống đường yêu nước, chống Trung Quốc đều bị công an chiếu cố hết sức tận tình.
Những nhân vật gần đây xuống đường như các ông Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đình Đầu, Đinh Kim Phúc, Nguyễn Viện... đều bị mời lên, hăm dọa, sách nhiễu theo những kiểu khác nhau. Có thể nói phía Hà Nội, khi các giới nhân sĩ chọn cách phản ứng quyết liệt với các sự theo dõi, đàn áp, bắt bớ... thì Sài Gòn chọn cách mềm dẻo để bảo đảm một khoảng tự do, dành lại cho cơ hội chín muồi cần thiết.
Nhưng còn một điều mà giới công an sợ hơn nữa. Họ luôn luôn tìm kiếm sục sạo xem giới nhân sĩ, trí thức, người yêu nước... có một đường dây liên kết bí mật nào với nhau hay không? Có hay không, quả thật không ai biết, nhưng rất lạ là khi giờ G đến, đột nhiên giới nhân sĩ, trí thức, đấu tranh của Sài Gòn xuất hiện, và khi thì truy xét không ra một ai.
Hơn nữa, phương thức đấu tranh của Sài Gòn cũng đa dạng, không nhất thiết là chỉ biểu tình. Buổi tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở đảo Hoàng Sa ngày 27-7 tại số 43 Nguyễn Thông, Sài Gòn vừa qua, cũng là một ví dụ. Hoặc việc hợp thức hóa khẩu hiệu chống đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc qua việc in lên áo công khai lên áo phông cũng từ Sài Gòn lan đi khắp nơi.
Công an sợ những cuộc xuống đường sôi sục của Sài Gòn nên trấn áp tàn bạo. Nhưng họ cũng sợ hãi sự im lặng của Sài Gòn. Mọi thứ như một sức ép lặng lẽ tăng dần theo thời gian và các sự kiện của tổ quốc. Những ngày này, giới công an đang kiệt sức tìm kiếm xem ai liên kết với ai, ai có thể cùng ai xuống đường, và ai là người có thể là hạt nhân của các cuộc biểu tình sắp tới.
Có ý kiến cho rằng Sài Gòn đã sợ hãi dừng bước trong cuộc bày tỏ lòng yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược. Nhưng thật sự thì không, chính công an mới đang lo sợ vì sự im lặng đáng ngờ này. Sài Gòn im lặng cám ơn Hà Nội giữ lửa nhưng Sài Gòn chắc chắn cũng sẽ không bao giờ để Hà Nội một mình với ngọn cờ yêu nước, khi đến lúc.
2011-08-16
Phan Nguyễn Việt Đăng (Sài Gòn)
viết riêng cho RFA từ Sài Gòn
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment