Trở Về Trang chính

Tuesday, August 9, 2011

Đức Dalai Lama – Uy lực của tư tưởng

datlai-lama

Đinh Yên Thảo

Đôi ngày sau khi Đức Daila Lama đến Hoa Kỳ hồi đầu tháng 7 vừa qua, giới lãnh đạo Quốc Hội Hoa Kỳ đã trịnh trọng đón tiếp ngài tại Điện Capitol. Những nhà lập pháp HK, với Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner và Chủ Tịch Phe Thiểu Số là bà Nancy Pelosi đều tỏ ra vui mừng trong cuộc gặp gỡ và không ngần ngại phát biểu những ủng hộ về các quyền tự do và dân chủ cho Tây Tạng. Và dù dè dặt hơn, TT Obama cũng không thể làm khác hơn các vị Tổng Thống tiền nhiệm, khi tiếp kiến riêng vị lãnh tụ tinh thần tối cao của Phật giáo Tây Tạng, nhà đấu tranh nhân quyền đã từng đạt giải Nobel Hoà Bình năm 1989. Như một anh hề với duy nhất một tấn tuồng, Trung Cộng ra tuyên bố rằng “đây là hành động can thiệp trắng trợn vào nội bộ Trung Quốc” (!?), trong khi rõ ràng việc đón tiếp ai, người nào, ra sao… mới thật sự là vấn đề nội tình của bất cứ quốc gia nào.

Hơn nửa thế kỷ, trải qua vài đời lãnh tụ, Trung Cộng dường như vẫn xem Đức Dalai Lama là một mối đe doạ đến họ để có những phản ứng như vậy. Không hẳn từ những ảnh hưởng chính trị, mà chính những tư tưởng cổ suý hoà bình, sự dân chủ và nhân quyền của một vị lãnh tụ tôn giáo uy tín đã gây nên sự bấn loạn này cho Trung Cộng, một thể chế đi ngược lại những giá trị như vậy.

Sinh năm 1935, Đức Dalai Lama vừa chào đón sinh nhật lần thứ 76 tại Hoa Kỳ, ngay trong chuyến thuyết giảng lần này. Sinh ra trong một gia đình nông dân tại một làng nhỏ vùng Đông Bắc Tây Tạng, năm 2 tuổi, ngài chính thức được thừa nhận là hậu duệ Dalai Lama đời thứ 14, theo các truyền thống và nghi thức chọn tìm các hậu duệ các vị Dalai Lama. Bắt đầu tu tập từ năm 5 tuổi, đến năm 15 tuổi ngài chính thức được coi là lãnh tụ tối cao của Giáo Hội Phật Giáo và chính phủ Tây Tạng, trong khi tiếp tục tu học tại các viện đại học. Năm 24 tuổi, ngài hoàn tất chương trình Tiến sĩ về Triết Học và Phật Học và nắm quyền quyết định hầu hết các vấn đề Tây Tạng.

Năm 1950, Trung Cộng đưa 80 ngàn vệ binh đỏ sang chiếm đóng Tây Tạng và chỉ một năm sau, ngang ngược đưa ra một hiệp ước bắt buộc chính phủ Tây Tạng thừa nhận rằng, Tây Tạng là một lãnh thổ tự trị trực thuộc “đại quốc” Trung Hoa cộng sản. Với tư cách một người đứng đầu Tây Tạng, Đức Dalai Lama lúc bấy giờ còn là một tu sĩ trẻ đã nhiều lần sang hội kiến và đàm luận cùng các lãnh tụ cao cấp của “đại quốc” lúc bấy giờ như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình… Nhưng tình hình dường như không thay đổi, kể cả việc thông qua sự ảnh hưởng của ngài với Thủ tướng Ấn độ lúc bấy giờ là Jawaharlal Nehru để bàn luận riêng với Thủ Tướng Chu Ân Lai về vấn đề Tây Tạng vào năm 1958.

Năm 1959, tình hình bắt đầu tồi tệ và xung đột bùng nổ khi người Tây Tạng đứng dậy, biểu tình đòi Trung Cộng rút khỏi Tây Tạng. Các hồng vệ binh Trung cộng được lịnh đàn áp dân Tây Tạng cũng như tìm cách bắt giữ Đức Dalai Lama. Cùng một nhóm tùy tùng nhỏ, Đức Dalai Lama đã được các cảm tử quân Tây Tạng mở đường máu, băng dãy Hy Mã Lạp sơn để vượt thoát sang Ấn độ. Thủ tướng Nehru đã chấp nhận cho Đức Dalai Lama cùng nội các của ông lưu vong tại Dharamsala, Ấn độ. Khá nhiều người dân Tây Tạng sau đó đã đào tẩu theo chân Đức Dalai Lama và một chính phủ Tây Tạng lưu vong ra đời từ năm 1959 cho đến nay. Tổ chức có khoảng 120 ngàn người luôn hướng về Tây Tạng và đấu tranh cho một Tây Tạng tự trị dưới sự lãnh đạo tinh thần và chính trị của Đức Dalai Lama trong nửa thế kỷ qua. Đầu tháng 3 năm nay, Ngài đề nghị thay đổi hiến pháp của chính phủ Tây Tạng lưu vong để vị Dalai Lama không còn kiêm nhiệm cả chức vụ Quốc Trưởng, thay vào đó là một Quốc Trưởng được chọn thông qua bầu cử, trẻ trung và có khả năng đem lại những thay đổi thật sự cho Tây Tạng. Với đề nghị và thay đổi này, ngài đã từ nhiệm vai trò lãnh tụ chính trị dù vẫn là lãnh tụ tôn giáo tối cao của Tây Tạng.

Cả một lịch sử bi hùng của vị lãnh tụ Phật Giáo và những người Phật Giáo Tây Tạng can đảm. Với chủ trương đấu tranh bất bạo động qua những triết lý Phật giáo để giành lại quyền tự trị, đem lại dân chủ, nhân quyền cho đất nước và người dân Tây Tạng, Đức Dalai Lama đã tạo được uy tín to lớn trên toàn thế giới. Ngài chu du không mệt mỏi đến nhiều quốc gia, gặp nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới để vận động sự ủng hộ cho Tây Tạng trước sự giận dữ của Trung cộng, khi coi ngài là một người ly khai.

Một vài tài tử tên tuổi của Hollywood như Richard Gere, Steven Seagal là những Phật tử thuần thành và đồ đệ hết mực ủng hộ Đức Dalai Lama, vẫn thường phản đối các chính sách đàn áp của Trung cộng với Tây Tạng và Đức Dalai Lama một cách mạnh mẽ. Hồi tuần qua, Richard Gere nhân cuộc trưng bày ảnh nghệ thuật tại Seoul, Nam Hàn, nơi ông triển lãm các tác phẩm nghệ thuật trong một lần duy nhất đến được Tây Tạng hồi năm 1993, lại một lần nữa lại lên tiếng chỉ trích Trung Cộng. Richard Gere bị Trung cộng ra lịnh cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào lãnh thổ Trung cộng, bao gồm cả Tây Tạng. Nhưng những việc như vậy chẳng hề mang giá trị hay chút ảnh hưởng nào với cá nhân Richard Gere hay hàng triệu người khắp nơi trên thế giới luôn bày tỏ sự kính mến và ủng hộ Đức Dalai Lama.

Chuyến diễn thuyết tại Hoa Kỳ lần này của Ngài đã thu hút hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trong nước Mỹ và trên thế giới về tham dự. Không chỉ với sự ngưỡng mộ riêng mà có lẽ cả những người tham dự, bộc bạch trên báo chí rằng, họ tìm được sự bình yên và sự yêu thương tận sâu trong tâm thức của họ từ những triết lý Đức Dalai Lama thuyết giảng.

Những trích giảng về các bài nói chuyện của Đức Dalai Lama mà chúng ta đọc được, không hề mang sự truyền bá tư tưởng tôn giáo, mà về ý nghĩa của yêu thương và hy vọng, về những giá trị nhân bản chung cho con người. Và vì đó đã được đón nhận từ nhiều tầng giới xã hội. Những tư tưởng này càng được đón nhận và cần thiết trong một thế giới khủng bố, bạo lực đang xảy ra mỗi giây phút khắp mọi nơi. Và hơn thế nữa, những tư tưởng này tạo ra một uy lực nội tại có khả năng làm khiếp đảm những thể chế độc tài còn sót lại trên thế giới.

ĐYT

No comments:

Post a Comment