Cái lưỡi. Cái lưỡi nó mềm, nhưng mà có sức mạnh ghê gớm, có thể làm cho ba quân phải khiếp vía. Cái lưỡi của nhà hùng biện Cicero mấy lần làm cho địch thủ chính trị của mình là Anthony thất điên bát đảo trước nghị viện La Mã mặc dù Anthony là một mãnh tướng của Caesar. Khi Cicero bị giết rồi, vợ của Anthony lấy kẹp tóc đâm nát lưỡi của Cicero trả thù cho chồng.
Dịch giả Cưu-ma-la-thập suốt đời chuyên tâm dịch kinh từ tiếng Sanksrit sang chữ Hán, và sợ rằng những bản dịch của ngài sai bản ý của kinh nên ngài nguyện nếu sau khi ngài chết đi mà cái lưỡi của ngài cũng tiêu hoại thì đem hết kinh ngài dịch mà đốt hết đi. Sau khi ngài chết, nhục thân bị củi than thiêu trụi, chỉ còn lại cái lưỡi y nguyên và Phật tử lập tháp để tôn kính xá lợi đó của ngài.
Trong đối nhân xử thế họa hay phúc đều ở cái lưỡi rất nhiều. Điều này càng đúng trong chính giới vì những nhà nghề trong giới này thường buộc phải dùng nhiều lưỡi.
Thứ nhất là nghề phát ngôn. Trong cuộc họp báo hôm 25 tháng Tám vừa rồi, phát ngôn nhân của chính phủ Việt Nam chứng tỏ một lối dùng lưỡi thẳng như ruột ngựa. Không biết là mấy kí giả nước ngoài nhịn nhục hay xấu hổ tới đỏ mặt tía tai khi bà phát ngôn đáp mà làm như trách: “Bộ mấy ông không biết những quyền dân sự của người Việt trong Hiến Pháp và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc, không biết chính phủ Việt Nam nghị định 38/2005 NĐ-CP về trật tự công cộng ư?” Làm cho mấy kí giả nọ nổi xung nhất có lẽ là lúc bà đòi cấp cho họ thông báo của UBND Hà Nội về cấm biểu tình. Họ mà nổi nóng viết bậy làm mất thể diện quốc gia thì trách nhiệm thuộc về cái lưỡi ngựa của bà phát ngôn.
Trước đó, đáp lại EU và Mĩ chỉ trích chính phủ Việt Nam về án tù cho luật sư họ Cù, bà phát ngôn nói rằng Việt Nam không có tù nhân lương tâm, và tòa án Việt Nam xử ông Vũ là đã nghiêm minh rồi, đúng người, đúng tội không có gì phải bàn cãi nữa. Có tù nhân lương tâm không, xử có đúng luật không bàn sau, nhưng mà vì lời của bà nghe giống những lời phát biểu trên VTV1 của những người qua đường chỉ trích ông Vũ trong phim “tài liệu” về đời tư của ông thì người ta ngờ là bà dùng lưỡi vẹt.
Thỉnh thoảng trong lúc nói về biển Đông, nếu bà luôn nhất quán như khi bà đòi nhất thiết phải đưa Hoàng Sa vào cuộc tranh chấp thì cái lưỡi của bà phát ngôn sẽ đáng tin lắm. Và nhất là trong lúc ngư dân bị Trung Quốc phá phách và bắt cóc đòi tiền chuộc, bà đừng đi du ngoạn Bắc Kinh thì sẽ tránh cho bà lời đàm tiếu của miệng lưỡi thế gian, cho rằng bà tư thông với người của Bắc Kinh và lời của bà phản đối Trung Quốc chỉ là đầu môi chót lưỡi.
Nhưng mà thôi, ai cũng tin bà phát ngôn dùng lưỡi phải khéo léo như thế để tránh họa sát thân. Điêu luyện trong sự dùng lưỡi thì phải nói đến những người ở trên bà phát ngôn kia.
Đương kim thủ tướng vốn nổi tiếng nhờ vụ đấu trí với ông Cù Huy Hà Vũ có cái lưỡi hết sức nhất quán. Hồi mới nhậm chức lần đầu ông thủ tướng có hứa là sẽ trừ tham nhũng, không trừ được sẽ từ chức, vì ông có nói là rất ghét sự gian dối mà yêu sự ngay thẳng. Ông còn có lòng bao dung quảng đại nữa – ông tế nhị mà không nói đấy thôi, trong nhiệm kì đầu ông nói chưa kỉ luật đồng chí nào. Bằng chứng là dưới sự bảo lãnh của ông, Vinashin làm thất thoát tới hai năm lúa gạo của nông dân, và hai vị cố vấn tài chính của ông nhận hối lộ tới mấy chục triệu dollar của Securency và Securency đã bị chính phủ Úc truy tố hình sự mà ông chưa nọc ai ra đánh cho vài chục roi hết.
Ai đọc báo đều còn nhớ ông Giám đốc Công An Hà Nội tuyên bố là không có chủ trương đàn áp người biểu tình, vậy mà mấy tuần sau, UBND Thành Phố Hà Nội phạm pháp và ra một cái thông báo nặc danh cấm biểu tình thì không thấy ông giám đốc xử trí gì hết. Ông lại sai người của ông đi dẹp biểu tình. Ông nói không trấn áp biểu tình hay là ông vuốt ve để dụ người ta vào bẫy để gom cho nhanh? Nói ngọt lọt tới xương, ông là chính khách nhà nghề, cái lưỡi tất nhiên phải là một khóe chính trị rồi. Ngày xưa Hưng Đạo Vương mắng tướng sĩ là thờ ơ để cho bọn giặc khấu uốn lưỡi cú diều mà phỉ báng triều đình, ngày nay lưỡi cú diều của giặc chưa nghe thấy, chỉ thấy trong chính phủ có nhiều tướng sĩ lưỡi mạnh bạo nổi lên vu hãm dân chúng.
Cho đến thuật đối ngoại Ngoại giao cốt ở khôn khéo. Những vị minh quân nước Việt vì lòng thương dân, biết đánh nhau triền miên chỉ khổ dân, cho nên chủ trương hòa bình, chứ chưa ai có ý định xưng hùng xưng bá bao giờ. Nhưng tuyệt nhiên không phải là tỏ thái độ khiếp nhược cho ngoại bang khinh thường. Những nhà nước chân chính đại diện cho quốc dân chẳng bao giờ chịu nhục. Trần Nhân Tông mấy lần nhà Nguyên mời sang tiếp sắc phong, ngài chẳng đích thân đi, chỉ sai sứ sang tiếp là đủ. Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi đuổi quân Thanh về nước lập hòa ước với nhà Thanh, và Càn Long muốn phong vương cho Nguyễn Huệ mới phái sứ giả sang Đại Việt. Mừng thọ của Càn Long, Quang Trung cho người cải trang thành hoàng đế sang Thanh Triều dự lễ, quan quân nhà Thanh biết là hoàng đế giả vẫn im lặng để tránh bất hòa.
Chỉ có phường bán nước cầu vinh như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống mới sang Trung Hoa rước giặc về giày xéo quê hương. Những kẻ mại quốc lòng muốn vinh hoa mà làm những việc phản trắc và nhục quốc thể, cho dù làm vương ở xứ người cũng chỉ là hữu danh vô thực, rốt cục sống phải chịu nhục và chết làm bia cho đời sau cười chê. Ngày xưa quân nhà Nguyên, nhà Thanh mượn tiếng là giúp họ Trần, phò họ Lê dẹp loạn, nhưng thâm ý là chiếm đất Việt. Từ xưa tới nay, trong sự bang giao giữa các nước thậm chí là tử tế với nhau, ai chẳng biết bên ngoài tiếng là vị nghĩa, nhưng trong bụng là vị lợi. Dã tâm của nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc là lấn đất, chiếm biển của Việt Nam. Bản chất của những cuộc gọi là tranh chấp đó, ai biết đọc, biết nghe mà không cho là xâm lược.
Chính quyền Việt Nam Cộng Sản cử ông thứ trưởng ngoại giao qua Bắc Kinh để đàm phán – chấp nhận sự tranh chấp đặt điều như vậy – chẳng phải là một sự thỏa hiệp buôn bán đấy ư. Giả như có người hàng xóm thấy ruộng đất của mình màu mỡ, thèm thuồng, rồi cho người qua cắm dùi cày cấy, thì phải xua chó ra cắn cho bọn nó rách đít quần chứ. Cái đường lối thỏa hiệp với kẻ vừa ăn cướp vừa la làng thì một là nhu nhược mất cả phán đoán, hai là có chia chác với nó ở bên trong rồi.
Chính phủ ém nhẹm những thỏa hiệp ngầm về lãnh thổ với Bắc Kinh, rồi nói mọi chuyện đã có Đảng và nhà nước lo. Các vị sĩ phu và những người thật lòng yêu nước đứng ra tỏ rõ lập trường của quốc gia, thì bị đàn áp và vu là muốn làm loạn. Những vị trí thức tinh hoa, những khai quốc công thần như Nguyễn Trọng Vĩnh, những người trẻ có viễn kiến và nhiệt tâm như Cù Huy Hà Vũ bị vu khống không ngần ngại. Khắp nơi trên đất nước không có nơi nào là không diễn ra những cuộc bố ráp, những đợt khủng bố của chính quyền vào dân lành. Lê Quý Đôn bảo “phi trí bất hưng”, cứ cái đà tiêu diệt dân khí và đàn áp trí thức này thì nước Việt chẳng bao lâu sẽ bị phá tan tành tới mức mà tình trạng lạc hậu và hỗn độn như bây giờ vẫn còn tốt chán.
Quốc gia có nguy biến, người dân bị ức hiếp, ông Phó Thủ Tướng Hùng không tỏ rõ khí phách của một quốc gia độc lập, lại chủ trương hợp tác với Trung Quốc tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội và trùng tuyên mười mấy chữ vàng để trấn an dân. Trấn an dân hay là lấy lòng giặc ngoài? Thảo nào Trung Quốc lên mặt vu cho những người biểu tình là bị Mĩ giật dây.
Nước Việt nhục quốc thể tới đây là cực điểm rồi, không còn chỗ nào nhục hơn nữa. Chơi trò ú tim với người dân trong những vấn đề liên quan tới sự sống còn của quốc gia như thế, thì người dân còn trông cậy gì ở thiện chí của nhà cầm quyền nữa.
Quang Trung sau khi đánh thắng quân Thanh nói trước ba quân đại ý rằng, ‘nước ta nhỏ, bang giao với Trung Hoa cốt ở hòa hiếu, đợi chục năm nữa ta làm cho nước hùng cường thêm thì bất tất phải sợ nó.” Quả thật, ngày nay những nước nhỏ như nước Việt là Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Malaysia, cho đến đảo quốc Đài Loan có nước nào là sợ Trung Quốc. Chỉ tiếc là Quang Trung mất quá sớm, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày nay không được như nhà cầm quyền những nước lân cận kia, nên cái đường lối ngoại giao Việt- Trung dù có tô điểm bằng những chữ vàng, chữ hảo cũng chỉ là lối ngoại giao kiểu tư thông chính trị mà thôi. Nó báo hiệu một sự suy tàn vô phương cữu vãn không phải của chính quyền nước nhược tiểu, mà của cả hai bên.
Quốc gia cần một chính quyền biết chăm lo lợi ích của người dân và biết đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên mọi lợi ích bè phái, sự thay đổi đó nếu những người trong chính quyền không làm được thì chính người dân sẽ làm. Người dân đã làm tất sẽ làm được, nhân loại chưa bao giờ có một chế độ nào cai trị bằng bạo lực và ngu dân mà không bị lật đổ. Cứ nhìn sang những chế độ độc tài ở Ai Cập, Tunisia, Libya mà xem.
No comments:
Post a Comment