TP - “Là đại biểu của dân thì phải đặt lợi ích của dân lên trên hết nhưng tôi thấy không ít đại biểu suốt nhiệm kỳ 5 năm gần như không có tiếng nói gì cả…”- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH khóa 8,9,10 chia sẻ với Tiền Phong.
Thưa ông, tham gia 3 khóa Quốc hội, theo ông phẩm chất quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là gì?
Đã là một ĐB của dân thì phải có tâm, làm việc phải luôn nghĩ đến dân, ăn cũng phải nghĩ đến dân, ngủ cũng phải nghĩ đến dân.
Là đại biểu của dân thì phải đặt lợi ích của dân lên trên hết, nhưng tôi thấy không ít đại biểu suốt nhiệm kỳ 5 năm gần như không có tiếng nói gì cả. Ôm chức danh là một ĐBQH mà không phục vụ được dân thì chức danh đó chỉ là hư danh. ĐBQH phải có bản lĩnh, có dũng khí giống như chiến sĩ ở ngoài mặt trận.
Khi còn là ĐBQH, ông thường chuẩn bị như thế nào trước mỗi phiên chất vấn hay thảo luận?
Tôi thường dành thời gian đọc tài liệu rất kỹ, tài liệu nào tôi cũng cố dành thời gian để đọc hết. Nếu đến họp QH mà không có chuẩn bị, không có thông tin thì làm sao mà hỏi được.
Ngày trước tôi trong quân đội, nhưng lĩnh vực khác tôi vẫn đóng góp được, tôi phải học. Không chỉ học sách vở mà phải nghe dân nói, nhìn dân làm cái gì, tâm tư dân thế nào. Không cần khẩu hiệu, mà điều quan trọng là anh làm được gì cho dân trong thực tế.
Muốn có thông tin về vấn đề nào thì tôi phải chủ động đi sâu tìm hiểu với sự giúp sức của các chuyên gia của ngành đó. Vì vậy trên hội trường, các bộ trưởng khó lòng “qua mặt” được tôi.
Khi người dân coi ĐBQH là người đại diện cho họ thì người dân sẽ tìm cách cung cấp tài liệu, thông tin cho. Thời kỳ tôi làm ĐBQH, dân thường xuyên gửi văn bản hoặc đến gặp trực tiếp ở nhà. Có nhiều chuyên gia và ngay cả thành viên trong bộ máy Nhà nước giúp sức tôi.
Vậy thời gian làm ĐBQH, ông phân chia thời gian thế nào, bao nhiêu cho hoạt động QH, bao nhiêu cho Quân đội, bao nhiêu cho gia đình…?
Thời gian làm việc của tôi phần lớn dành cho Quân đội nhưng hoạt động Quốc phòng khi nào cũng có cả an ninh, kinh tế, chính trị. Tôi đi xuống các cơ sở khi nào cũng phải tìm hiểu tình hình đời sống của dân, chính trị trong dân thế nào, lòng dân ra sao, đời sống của dân có tốt thì Quốc phòng nơi đó mới mạnh được.
Nếu lòng dân không yên thì tại sao không yên, đời sống của dân không tốt thì tại sao không tốt, tôi phải đi tìm câu trả lời và cách thức để góp phần giải quyết những câu hỏi đó.
Mỗi lần họp QH khi nào cũng có cả một tập tài liệu dày, tôi phải chịu khó thức đêm thức hôm để đọc hết. Thậm chí khi vợ tôi phải vào bệnh viện mổ, ban ngày họp QH, trưa về nuôi vợ ở bệnh viện, ngồi bên vợ vẫn tranh thủ giở tài liệu ra đọc, tối về vẫn đọc suốt đêm để chuẩn bị ngày mai phát biểu cái gì.
Trong các ĐBQH khóa XII, có vị đại biểu nào để lại cho ông ấn tượng?
Tôi thực sự ấn tượng với những đại biểu như GS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Lê Văn Cuông... Khóa này họ không làm nữa, tôi thấy rất tiếc vì họ có thể là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho các đại biểu mới tham gia QH.
Còn bây giờ, đâu là những trăn trở lớn nhất của ông?
Vấn đề lớn nhất mà tôi trăn trở hiện nay là phải bảo toàn lãnh thổ quốc gia, không gian sinh tồn của cả dân tộc. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là phải bao gồm cả đất liền, vùng biển và vùng trời.
Ngay từ đầu kỳ họp, tôi cũng đã bày tỏ mong muốn QH có một nghị quyết về biển Đông. Vì đây là vấn đề hết sức hệ trọng của đất nước.
QH là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nhân dân phải có ý kiến về vấn đề này.
Nhân dân chúng ta luôn có tinh thần dân tộc, phải làm sao thống nhất được ý chí của người dân và lãnh đạo đất nước thì khi đó mới đoàn kết được sức mạnh toàn dân tộc và chúng ta sẽ không sợ bất cứ đe dọa gây hấn nào từ bên ngoài.
Đó là với bên ngoài.Với bên trong, điều tôi trăn trở chính là nạn tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả và đang ngày càng làm xói mòn lòng tin của người dân. Đây thực sự là nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất mà chính lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nêu trong nhiều văn kiện.
Cảm ơn ông.
Cao Nhật thực hiện
No comments:
Post a Comment