Trở Về Trang chính

Friday, August 26, 2011

Tính trung thực, ngay thẳng có còn tồn tại?

Khánh An, phóng viên RFA

Liệu tính trung thực, tính ngay thẳng có còn tồn tại ở trong xã hội Việt Nam hiện nay hay không và đặc biệt là đối với giới trẻ?

Báo Hà Nội Nới ngày 02 tháng 8 năm 2011 đăng tin về vụ việc liên quan chuyện Anh Nguyễn Chí Đức bị đạp vào mặt.
Khánh An: Khánh An chào đón tất cả mọi người đến với chương trình Cafe Wifi. Ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về một đề tài nhẹ nhàng thôi, (nhưng không biết có nhẹ lắm không nhỉ?! (mọi người cùng cười), chắc là phải để đánh giá lại sau) về tính trung thực, tính ngay thẳng. Liệu nó có còn tồn tại ở trong xã hội Việt Nam hiện nay hay không và đặc biệt là đối với giới trẻ hiện nay?
Bây giờ trước khi bắt đầu chương trình thì mình tự giới thiệu qua một chút để mọi người cùng biết nhau, dễ dàng nói chuyện hơn. Chắc là phải mời bác Phạm Toàn trước tiên, bác Phạm Toàn nhé.

Nhà giáo Phạm Toàn: Tên mình là Toàn, tức là nếu mà suy luận ra thì là một người toàn diện, cái gì cũng đầy đủ, nhưng mà kinh nghiệm những người tên là “Hiền” thì hay “dữ” (mọi người cùng cười), thế còn “Toàn” thì lắm khi là phiến diện, thí dụ như lười thổi cơm, lười giặt quần áo, mà 80 tuổi rồi vẫn lười tuyên bố là mình trẻ (mọi người lại cười).

Khánh An: Vâng. Nhưng mà có một điều là bác Phạm Toàn không lười tí nào, đó là bác Phạm Toàn cho đến bây giờ đã 80 tuổi nhưng rất say mê với những vấn đề của giáo dục và bác làm việc ngày đêm chỉ vì nền giáo dục của Việt Nam mà thôi.

Vâng, Khánh An cảm ơn bác Phạm Toàn nhé. Bây giờ thì Khánh An mời một bạn có cùng tên với bác ạ.

Minh Toàn: Mình tên là Nguyễn Hữu Minh Toàn. Mình đang làm kiến trúc ở ngoài Sài Gòn.

Hoàng: Mình là Hoàng đang học bên Pháp về ngành Toán.

Thục Vy: Dạ. Trước tiên bác Toàn cho con gửi lời kính chào bác. (Phạm Toàn: Cảm ơn chị.) Em chào chị Khánh An, chào anh Hoàng và anh Toàn. Em là Huỳnh Thục Vy từ Quảng Nam, Việt Nam ạ.

Nhà giáo Phạm Toàn: Cho hỏi một câu. (Vy : Dạ). Vy học ở đâu và làm gì?

Khánh An: Vy!

Thục Vy: Dạ. Con đang học Luật ở Đà Nẵng ạ.

Nhà giáo Phạm Toàn: À, học Luật.

Thục Vy: Mà theo chương trình từ xa thôi ạ.

Nhà giáo Phạm Toàn: Xa mà học giỏi thì cũng thành gần. (Mọi người cùng cười).

Ai là người không trung thực?

bieu-tinh-danap3-250.jpg
Một công an đứng trên xe buýt đạp liên tục vào mặt Anh Nguyễn Chí Đức trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội. Screen capture.

Khánh An: Vâng. Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu vào chương trình nhé. Khánh An rất vui và cảm ơn mọi người đã nhận lời tham gia vào chương trình ngày hôm nay. Để bắt đầu cho đề tài ngày hôm nay là đề tài về tính ngay thẳng và sự trung thực, Khánh An muốn mời các bạn trước tiên là những điều gì mà các bạn thấy là bức xúc nhất mà nó có liên quan đến vấn đề trung thực, tính ngay thẳng ở trong xã hội mà hiện nay các bạn gặp. Sự kiện gì gần đây nhất khiến cho các bạn thấy băn khoăn về điều này?

Ai là người không trung thực bây giờ? Ai là người thiếu lương thiện bây giờ? Chứ không thể nói cả xã hội không trung thực hoặc là cả xã hội thiếu lương thiện.

Nhà giáo Phạm Toàn

Nhà giáo Phạm Toàn: Có lẽ tôi nên phát biểu trước rồi các bạn phát biểu cũng được.

Khánh An: Vâng ạ. Xin mời bác Toàn.

Nhà giáo Phạm Toàn: Người già hay có tính hấp tấp đấy mà.

Khánh An: Vâng. Mời bác Phạm Toàn.

Nhà giáo Phạm Toàn: Khi mình nói đến tính trung thực, ngay thẳng, ngày xưa người ta quen dùng chữ “lương thiện”, thì ta phải hỏi một câu rằng cái không trung thực hay trung thực ấy có lợi, khi nó xảy ra thì lợi cho ai? Thế thì trong một thế giới bị tha hóa thì một người nông dân chẳng hạn chả bao giờ có cái sân “gôn” (golf) cả; họ có giỏi lắm là một mảnh đất nhỏ. Một người công nhân thì chả bao giờ có nổi cả một cái nhà chơi sòng bài casino cả; họ có giỏi lắm là một mảnh nhà con con, sống với vợ con bằng cái đồng lương chắc là phải rất khó khăn. Thế vậy nên ta phải hỏi ai là người không trung thực bây giờ? Ai là người thiếu lương thiện bây giờ? Đấy, câu hỏi phải đặt như thế, chứ không thể nói cả xã hội không trung thực hoặc là cả xã hội thiếu lương thiện. Ấy là tôi muốn nêu ý kiến trước để các bạn phát biểu.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn bác Phạm Toàn ạ. Câu hỏi rất hay và cũng rất dễ để cho các bạn bắt đầu. Có ai muốn bắt đầu trước không ạ?

Thục Vy: Dạ. Có em ạ.

Khánh An: Vâng. Mời Vy.

Con người biết được nhiệm vụ, vai trò, vị trí của mình trong xã hội, bởi vậy phải học tập làm sao, phải nói năng làm sao để cho xứng đáng với vị trí đó trong xã hội.

Bạn Thục Vy

Thục Vy: Em nghĩ rằng con người ai cũng đã hơn một lần nói dối và không ngay thật ạ. Đã là con người thì trong người có bản tính là nói dối để mà cầu mong cái lợi ích cho mình. Thế nhưng ngoài cái bản năng mưu cầu cái lợi ích cho bản thân mình, tức là tư lợi đó, thì con người còn có một bản năng là bản năng quần cư sống trong xã hội. Con người biết được nhiệm vụ, vai trò, vị trí của mình trong xã hội, bởi vậy phải học tập làm sao, phải nói năng làm sao để cho xứng đáng với vị trí đó trong xã hội. Thế nhưng mà em thấy xã hội Việt Nam ngày nay, cả sau thế kỷ 20 đầy rối loạn, đến ngày hôm nay cả xã hội rối loạn. Em thấy việc nói dối, việc không ngay thật, không lương thiện – như bác Toàn nói – là đầy dẫy khắp nơi, tại vì có điều thế này, người xưa nói “trên mà không chính thì dưới ắt là sẽ loạn (thượng bất chính, hạ tắc loạn), cho nên xã hội Việt Nam hiện nay đang được cầm quyền bởi một nhà cầm quyền muốn che giấu sự thật, sợ sự thật, bởi vậy việc ngay thật trong xã hội thì thật sự rất là khó ạ.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn ý kiến của bạn Vy. Thế còn hai bạn nam khác thì các bạn có ý kiến nào không?

Hoàng: Vy nói là ở trên không có trung thực thì ở dưới cũng khó trung thực, thì trong Kinh Thánh cũng có một câu ngược lại là “nếu người nào không trung thực trong chuyện nhỏ thì chuyện lớn cũng không trung thực”. Hoàng thấy là nó có thể đụng tới lãnh vực mà bác Phạm Toàn sống cả đời với nó là lãnh vực giáo dục. Đứa trẻ từ khi còn nhỏ xíu đã được dạy nói láo rồi, có khi nói láo vì điểm chác, có khi nói láo vì lời khen một chút thành tích, rồi dần dần sau đó, nhất là đi vào những cơ quan công quyền thì sự nói láo còn táo tợn hơn nữa. Khi mà họ có một chút quyền lực trong tay rồi đó thì trong một chuyện nhỏ xíu họ đã không trung thực thì chuyện lớn làm sao trung thực được?! Sự dối trá này đã được thai nghén từ trong nền giáo dục rồi, mặc dù bác Hồ có dạy rằng “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” nhưng mà cũng không phải nền giáo dục có thể làm được.

img_0372-250.jpg
Người dân biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, sáng Chủ nhật 07/08/2011. Courtesy NguyenXuanDien.

Nhưng mà phải hỏi tại sao cái xã hội nó lại dối trá như vậy? Hoàng nghĩ nguyên nhân sâu xa nhất là bởi vì thứ nhất là phẩm giá con người không được tôn trọng, bằng chứng là trong một số trường hợp, thật ra là trong khá nhiều trường hợp họ không được nói cái mà họ suy nghĩ, mà cứ phải nói để làm hài lòng người khác mà thôi. Cho nên để ý thì thấy ở Việt Nam cái gì cũng “lợi dụng” được hết, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng cái quyền tự do dân chủ, lợi dụng quyền công dân, cái gì người ta cũng nghĩ có thể “lợi dụng” được hết, cuối cùng thì còn đâu là chuẩn mực nữa? Đâu là sự thật ở đây nữa? Cho nên là nếu trả lời cho câu hỏi ai là người nói dối thì cả xã hội này đều nói dối hết. Cái chính là tại sao cả xã hội này đều nói dối, thì cái đó Hoàng nghĩ là cái đáng để thảo luận.
Khánh An: Vâng. Bạn Toàn? Bạn Toàn có ý kiến nào không, bạn Toàn?

Toàn: Riêng Toàn thì Toàn nghĩ giống như anh Hoàng nói đó, tức là nó phải có sự bắt nguồn, đúng không? Cái Toàn muốn nói là sau cái bắt nguồn đó thì cái gì mà nó nuôi dưỡng một xã hội quá nhiều người không thành thật như vậy? Tức là khi mọi người sống với nhau, rồi mối quan hệ, rồi cách tổ chức trong xã hội như thế nào mà làm cho người ta không muốn thành thật nữa, nó tạo thành một thói quen nói dối cho tất cả mội người trong xã hội đó.

Trên bất chính thì hạ tắc loạn

Khánh An: Bác Toàn ơi, khi mà bác Toàn nghe những điều mà các bạn đưa ra như thế thì bác là người hơn tuổi tụi con rất nhiều và bác cũng sống trong nhiều thời kỳ xã hội khác nhau thì bác nhận xét như thế nào về tính trung thực hiện nay trong xã hội Việt Nam? Nguyên nhân tại sao nó lại xảy ra như thế? Có bạn nói rằng ở trên bất chính thì hạ tắc loạn, điều này bác có cho là đúng với thực tế ở Việt Nam hay không?

Nhà giáo Phạm Toàn: Xin phép được nói vài lời về các điều mà các bạn vừa bàn nhé. À, “trên” là cái gì? Đấy, ta phải phân biệt. “Trên” là một quy luật, ta nhìn nó như một quy luật thì ta mới chữa được. Ta bàn ở đây không phải để cho nó xả “xú páp” đâu; ta bàn những vấn đề ở đây phải dẫn đến chỗ chữa nó như thế nào? Thế thì cái “trên”, thượng bất chính hạ tắc loạn, nếu mình nhìn bằng con mắt bình thường thì mình chỉ thấy đấy là cái người cấp trên, thế nhưng bây giờ lại có một quy luật nó chi phối những cấp trên ấy, thì cái đó về triết học nó gọi là quy luật về sự tha hóa, hoặc có lúc gọi là sự thoái hóa (tiếng Pháp là “aliénation”, tiếng Anh là “alienation”). Thế thì ta phải tìm là nó có 3 nguyên nhân của sự thoái hóa, bởi vì thế này: Thoạt kỳ thủy mọi sự đều đẹp cả. Một đưa bé ra đời thì trong trắng, thế tại sao về sau nó hư? Một người thanh niên lớn lên, nói thế thôi chứ thanh niên vẫn trong trắng, thế nhưng tại sao về sau nó lại hư? Kể cả một người công chức, có những người rất trong trắng, có những người học xong đại học rất muốn đi làm một việc gì đó để có thể đóng góp. Như vậy tại sao về sau nó lại thay đổi đi? Thế một người bác sĩ tại làm sao về sau lại thay đổi đi? Thế thì tôi cho là ta phải nhìn vào cái nguyên nhân.

Ở thế hệ bọn tôi thích độc lập lắm chứ, mà thế hệ các bạn bây giờ cũng thích độc lập chứ. Bây giờ mình bị thằng Hán nó nghênh ngang, nó bắt nạt mình ở giữa đường thì làm sao mình chịu được.

Nhà giáo Phạm Toàn

Nó có 3 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là anh thể chế hóa một cái gì đi thì cái đẹp cũng thành cái xấu. Tôi lấy thí dụ nhé! Thí dụ cái lúc mà người Pháp hãy còn cai trị Việt Nam đấy, chỉ cần nói đến ông Nguyễn Ái Quốc chẳng hạn thì anh có thể bị tù. Anh đọc quyển sách Nguyễn Ái Quốc (thì) chắc chắn anh bị tù. Thế nhưng về sau thể chế hóa nó đi, tức là anh phải thuộc bao nhiêu bài đấy, anh phải thuộc mấy câu đấy để anh được 10 điểm thì anh đỗ đại học. Thế thì chính đấy là nguyên nhân thứ nhất của việc là anh sẽ thoái hóa. Về sau người ta muốn có một cấp cao, người ta muốn có một vị trí để béo bở thì người ta cứ thuộc mấy điều quy định đấy. Đấy là tôi nói một thí dụ thì các bạn hãy xem tất cả những gì thuộc về thể chế thì các bạn sẽ thấy rằng nó làm cho con người thoái hóa. Con người tất cả các dạng đều bị thoái hóa.

Nguyên nhân thứ hai là khi nào anh tôn giáo hóa một điều tốt đẹp thì nó cũng lại sinh ra dối trá. Bây giờ cái điều tốt đẹp tôi thí dụ như là “độc lập”, ở thế hệ bọn tôi thích độc lập lắm chứ, mà thế hệ các bạn bây giờ cũng thích độc lập chứ. Bây giờ mình bị thằng Hán nó nghênh ngang, nó bắt nạt mình ở giữa đường thì làm sao mình chịu được. Hôm nay báo đăng tỉnh nào cũng có hàng nghìn công nhân Trung Quốc thì làm sao mình chịu được?! Báo đăng hôm nay nó vào nó làm cho gia đình người này ly tán, nó đưa tiền nó mua những người vợ, thế thì làm sao mình chịu được?! Nhưng mà khi độc lập lại chỉ thành một thứ tôn giáo hóa, anh biến nó thành ra chỉ có tụng niệm “Nam mô đọc lập! Nam mô độc lập!” “Nam mô độc lập!” thế thì khi đi thi chỉ thuộc mấy câu thuộc về độc lập, khi làm bài để thi công chức chỉ nhớ mấy câu về độc lập nhưng hành động thì không cần độc lập, bởi vì chỉ cần nói như một thứ tôn giáo nào đấy thì anh đã có quyền lợi rồi, thế là lúc đấy anh sẽ nói dối.

Nguyên nhân thứ ba là khi nào mà cái sự nói dối dẫn đến quyền lợi thì dứt khoát là anh nói dối. Nói dối mà có quyền lợi thì thế nào người ta cũng nói dối, chỉ trừ một số con người cá thể, một số gia đình có nề nếp thì người ta tránh cái sự nói dối đi. Nhưng mà anh tránh ở đây thì anh gặp ở chỗ khác, và anh không thể nào cứu vãn được tất cả họ hàng dòng giống nhà mình là bởi vì chắc bạn Hoàng học Toán thì bạn nhớ là trong không gian hình cầu chỉ có những đường cong thôi.

Khánh An: Quý vị vừa nghe ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn, một trong những trí thức tâm huyết với những vấn đề giáo dục và thời cuộc của Việt Nam.

Đã đến lúc Chương Trình Cafe Wifi phải chia tay quý vị rồi. Khánh An cùng với nhà giáo Phạm Toàn và các bạn trẻ hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới để tiếp tục mổ xẻ về những nguyên nhân gốc rể của tình trạng thiếu ngay thẳng, trung thực trong xã hội hiện nay.

Xin kính chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment