Trở Về Trang chính

Tuesday, August 2, 2011

Thỉnh nguyện thư công dân của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức


Thư gửi Dân Làm Báo
Tôi tên là Trần Văn Huỳnh, là thân phụ của Trần Huỳnh Duy Thức, người đã bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/01/2010 và phiên tòa phúc thẩm ngày 11/05/2010 tại Tp. HCM.

Gia đình tôi nhận thấy rằng con tôi không có tội và là một người có lòng yêu nước sâu sắc nên tôi đã nhiều lần gửi đơn các cấp thẩm quyền để kêu oan và yêu cầu giám đốc thẩm cho con tôi.

Ngày 27/7 vừa qua, tôi đã tiếp tục gửi Thỉnh nguyện thư công dân đến tất cả 500 đại biểu Quốc hội toàn quốc để đề nghị Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội sử dụng quyền giám sát tối cao của mình để yêu cầu các cơ quan tư pháp có trách nhiệm xem xét lại các Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã kết án con tôi - Trần Huỳnh Duy Thức và anh Lê Thăng Long, anh Lê Công Định và anh Nguyễn Tiến Trung, cũng như cần xem xét những vụ án tương tự đã và đang diễn ra như trường hợp của luật sư Cù Huy Hà Vũ một cách đúng với bản chất của pháp luật và bản chất của sự việc khách quan.

Tôi xin gửi đến Quý Dân Làm Báo toàn bộ nội dung Thỉnh nguyện thư nêu trên và các tài liệu đính kèm để biết và thông tin nhằm giúp gia đình tôi giải oan cho con Trần Huỳnh Duy Thức của tôi.

Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào.

Trần Văn Huỳnh

Điện thoại: +84-90-3350117

*

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--*--

THỈNH NGUYỆN THƯ CÔNG DÂN

Kính gửi:
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
- Tất cả Đại biểu Quốc hội toàn quốc


Đồng kính gửi:
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tôi tên Trần Văn Huỳnh, 74 tuổi, nguyên là giáo viên Anh văn thuộc Sở Giáo dục Tp.HCM, được chuyển về Sở Văn hóa Thông tin Tp.HCM công tác tại Phòng Văn hóa Đối ngoại từ 1989 đến 2001 nghỉ hưu. Tôi là thân phụ của anh Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966 (dưới đây gọi là con tôi) - người đã bị kết án 16 năm tù và 5 năm quản chế vì tội ''hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'' theo điều 79 bộ luật hình sự (dưới đây gọi là BLHS) vào năm 2010 bởi Toà án nhân dân Tp.HCM (bản án sơ thẩm số 19/2010/HSST tuyên ngày 20/1/2010, dưới đây gọi tắt là Bản án sơ thẩm) và Tòa Phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân Tối cao tại Tp.HCM (bản án phúc thẩm số 254/2010/HSPT tuyên ngày 11/5/2010, dưới đây gọi tắt là Bản án phúc thẩm).

Thưa các vị Đại biểu Quốc hội, tôi viết thư này đầu tiên xuất phát từ lòng tin và tình yêu thương tôi dành cho con tôi. Nhưng sau đó nó được dẫn dắt bởi động lực của một công dân chủ động sử dụng một cách có ý thức tất cả các quyền làm chủ của người dân được pháp luật bảo vệ. Và cuối cùng nó được kết thúc bằng một niềm tin và mong muốn sự tốt đẹp cho cả đất nước, trong đó có Nhà nước, Đảng cầm quyền và có cả cho con tôi và những người có hoàn cảnh tương tự.

Nó cũng bắt đầu từ sự rụt rè, lo sợ vốn là tâm lý chung của đa số người dân Việt Nam hiện nay khi đề cập đến các vấn đề chính trị của đất nước. Nhưng nhờ động lực nói trên tôi dần hiểu ra rằng nó là một việc làm không có gì sai trái hay vi phạm pháp luật cả, ngược lại nó còn được pháp luật bảo hộ và khuyến khích vì đó chính là tinh thần cốt lõi của Hiến pháp nước ta nhằm bảo vệ quyền làm chủ tối thượng của người dân, nhờ đó mới có thể xây dựng được một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy tôi đã đặt bút ký lên thỉnh nguyện thư này với một sự tự tin tràn ngập vào tương lai tốt đẹp của đất nước, vào lý tưởng và mục đích của Nhà nước ta và của Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền; và vào sự chính đáng và hợp pháp của những việc làm của con tôi, cũng như của những người đồng chí hướng, đều hướng đến những ước nguyện vì sự tốt đẹp cho đất nước không khác gì lý tưởng và mục đích của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng những điều tốt đẹp như vậy sẽ không đến được nếu như tôi - với tư cách là một công dân bình thường như hàng chục triệu công dân khác - không dám mạnh dạn sử dụng đúng quyền làm chủ của mình một cách chủ động và có ý thức để nói lên nguyện vọng của mình đến cơ quan quyền lực tối cao đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân một cách công khai mà pháp luật cho phép. Và những điều tốt đẹp đó cũng sẽ không đến được nếu như tôi - với tư cách là một người cha, một cá nhân trong một xã hội được khẳng định là tôn trọng trên hết những quyền căn bản của con người theo chuẩn mực quốc tế được công ước Liên hiệp quốc về quyền con người mà Việt Nam đã ký vào - không quyết liệt đòi hỏi các cơ quan quyền lực nhà nước phải đảm bảo thực thi đúng trên thực tế những quyền đó của người dân được pháp luật qui định nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và của con mình mà tôi tin rằng đã bị kết án oan sai.

Tôi không phải là người bàng quan mà là người có nhiều suy nghĩ đến sự nghiệp phát triển của đất nước. Nhưng đã từ rất lâu rồi những suy nghĩ đó chỉ dừng lại ở chính tôi hoặc cùng lắm là trao đổi với một vài người bạn thân. Cũng không biết tự bao giờ trong tôi hình thành một suy nghĩ thụ động rằng những vấn đề tôi và bạn bè tôi nghĩ đến thì chắc hẳn các vị đứng đầu đất nước cũng đã phải biết rõ rồi, mà không chịu nhìn nhận thực tế rằng những vấn đề đó ngày một trầm trọng. Nguyên nhân có lẽ một phần vì hiện tượng tăng trưởng kinh tế liên tục của đất nước, và một phần vì chưa thấy những vấn đề đó tác hại đến chính mình và gia đình mình. Nhưng giờ đây tôi đã thấy rất rõ rằng nếu mình không quan tâm đúng mức đến những vấn đề chung của xã hội thì tác hại của nó sẽ không chỉ xảy ra ở đâu đó mà còn đến với chính mình một cách nặng nề như tôi và gia đình đang gặp phải. Và đồng thời, lợi ích chung của xã hội sẽ không thể tốt đẹp nếu quyền lợi của mỗi cá nhân không được xã hội đó đảm bảo một cách công bằng và trên hết. Mọi sự nhân danh lợi ích chung nhưng xâm phạm đến quyền lợi của các cá nhân không những không hợp hiến mà còn làm mất đi động lực lành mạnh của toàn xã hội được hình thành bởi động cơ của mỗi cá nhân vì mưu cầu lợi ích chính đáng của mình mà tạo ra giá trị chung cho toàn xã hội.

Vì vậy tôi đã dằn vặt vì từng la trách con tôi gay gắt do đã bày tỏ sự phê phán về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Nhưng giờ đây tôi thấy quý trọng và yêu thương con tôi vô hạn, phải chịu cảnh tù tội oan sai chỉ vì đã nặng lòng vì đất nước mà cảnh báo trước những nguy cơ mà bây giờ đã trở thành hiện thực. Không chỉ cảnh báo, con tôi còn dành trọn tâm huyết nghiên cứu, tìm ra và kiến nghị một con đường để Đảng và Nhà nước phát triển đất nước tốt đẹp theo đúng lý tưởng mà xã hội XHCN nước ta hướng đến - mà con tôi gọi là Con đường Việt Nam với những chiến lược vận dụng quy luật khách quan để nhanh chóng đưa thực tế của cuộc sống tiến dần đến danh nghĩa tốt đẹp mà lý tưởng trên mong muốn. Chính thực tế trong việc thực thi pháp luật hiện nay đã và đang làm cho khoảng cách giữa thực tế và danh nghĩa này ngày càng dãn rộng ra và càng gây bất ổn cho đất nước.

Điều này đặt ra một yêu cầu, mà tôi thấy cấp thiết hơn bao giờ hết, là Quốc hội cần tập trung vào việc thực hiện quyền giám sát tối cao của mình nhằm chấn chỉnh để đảm bảo những quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được Hiến pháp bảo vệ và các bộ luật của Quốc hội qui định phải được tôn trọng và thực thi trong thực tế. Tôi đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội, với tư cách là người đại diện cho quyền và lợi ích của người dân trong tổ chức của bộ máy Nhà nước, hãy thẳng thắn nhìn nhận một cách thực tế sự nghiêm trọng của vấn đề này đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, và hãy sử dụng đầy đủ quyền lực tối cao của mình để làm sao cho những giá trị tốt đẹp của luật pháp nước ta không chỉ nằm trên danh nghĩa mà phải đi được vào thực tế của cuộc sống. Khi đó thì Việt Nam mới có thể trở thành một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh được.

Tôi tin vào sự cần thiết của đòi hỏi trên, còn con tôi, trong Con đường Việt Nam, đã cho thấy đó là sự đòi hỏi tất yếu theo quy luật khách quan mà nếu được đáp ứng tốt thì sẽ chắc chắn có sự phát triển ổn định, bền vững cho đất nước. Tôi xin các vị Đại biểu Quốc hội dành chút thời gian đọc phần giới thiệu Con đường Việt Nam (được đính kèm) mà con tôi viết trước khi bị bắt để thấy được tâm huyết và trách nhiệm công dân của con tôi là đáng trân trọng như thế nào. Nó thể hiện không chỉ thái độ khoa học nghiêm túc của con tôi mà còn là ý thức công dân rất quan trọng và cần thiết cho xã hội nhưng lại đang thiếu vắng trầm trọng ở nước ta. Thế nhưng nó đã bị quy kết là ''một kế hoạch tổng thể nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'' để kết tội con tôi ''hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'' theo điều 79 bộ luật hình sự (BLHS).

Tôi kính mong các vị Đại biểu Quốc hội dành thời gian đọc lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm (đính kèm) kết án con tôi để thấy sự chủ quan và tùy tiện trong việc áp dụng luật như thế nào trong các hoạt động tư pháp. Nó cho thấy không chỉ sự bất chấp trước những sự thật khách quan và tính logic biện chứng của sự việc, mà còn là sự không tôn trọng những bộ luật được Quốc hội cân nhắc ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Điều đáng lo lắng là nó không còn là vấn đề cá biệt mà đã trở thành hiện tượng phổ biến đến mức hầu hết người dân tưởng rằng đó là bản chất của hệ thống luật mà Quốc hội xây dựng. Đó là một thực tế mà tôi rất mong các vị Đại biểu Quốc hội dũng cảm thừa nhận để có được những giải pháp đúng đắn trước những vấn đề sống còn của đất nước.

Quốc hội khóa XIII đang nhóm họp kỳ đầu tiên với chương trình nghị sự có xem xét việc thay đổi bổ sung Hiến pháp theo đề xuất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những gì được đề cập liên quan đến đề tài này trong thông báo của hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa rồi chưa cho thấy được những mấu chốt thay đổi căn bản. Nhưng tôi hy vọng rằng Đảng sẽ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống của người dân. Đồng thời tôi cũng mong muốn Quốc hội xem xét việc này trên tinh thần làm sao để đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân hơn nữa trong thực tế, và phải hết sức lưu ý để tránh được nguy cơ mà con tôi đã cảnh báo là sẽ có những mong muốn thay đổi Hiến pháp để kéo những giá trị danh nghĩa xuống gần với thực tế tồi tệ của sự quan liêu - tham nhũng - cơ hội vốn đang khá phổ biến hiện nay trong cuộc sống nhằm hợp pháp hóa chúng để bảo vệ cho cái xấu. Và nếu vì phải tập trung cho việc sửa đổi Hiến pháp mà xao lãng trách nhiệm giám sát tối cao của Quốc hội để đảm bảo quyền lợi của người dân trong thực tế vận dụng và thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền, thì thật là tai hại.

Thưa các vị Đại biểu Quốc hội, qua sự việc sửa đổi Hiến pháp lần này, tôi yêu cầu quý vị cũng cần làm rõ một vấn đề quan trọng. Đó chính là: liệu một công dân bình thường có quyền mong muốn và đưa ra những kiến nghị thay đổi những lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp hay không? Nếu không thì ai có quyền đó và nó được qui định ở đâu? Và những điều luật nào nói rằng những mong muốn nhằm thay đổi những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp là vi phạm pháp luật và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tôi đã nghiên cứu và thấy rõ rằng Hiến pháp cho phép và bảo vệ quyền của bất kỳ công dân nào cũng được đưa ra các ý kiến của mình đối với các vấn đề của đất nước, trong đó có những lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp. Hiến pháp không giao cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được độc quyền trong việc đưa ra ý kiến thay đổi hay điều chỉnh Hiến pháp cả. Và không có một điều luật nào của BLHS qui định rằng những mong muốn nhằm thay đổi các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp là xâm phạm đến khách thể mà điều luật đó hướng đến bảo vệ cả.

Thế nhưng con tôi và những người bạn trong cùng vụ án đã bị kết án chính vì những mong muốn như vậy. Điều này đang ngày càng phổ biến đối với nhiều vụ án bị cho là xâm phạm an ninh quốc gia đã và đang diễn ra. Và điều này không chỉ xâm phạm đến những quyền lợi chính đáng và hợp pháp của công dân, gây ra oan sai, mà còn đánh mất đi những động lực lành mạnh thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp cho xã hội, và còn làm cho những giá trị tốt đẹp trên danh nghĩa của pháp luật ngày càng xa rời so với thực tế của cuộc sống.

Thưa Chủ tịch Quốc hội,
Thưa các vị Đại biểu Quốc hội,

Bằng bức thỉnh nguyện thư công dân này, với sự ý thức về trách nhiệm của một công dân đối với đất nước cũng như sự đòi hỏi chính đáng về quyền lợi hợp pháp mà đất nước phải đảm bảo cho công dân, cùng với những lý lẽ được trình bày như trên, tôi xin được chính thức đề nghị Quốc hội và từng Đại biểu Quốc hội 2 vấn đề:

1) Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội cần quan tâm, tập trung và có giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng quyền giám sát tối cao của mình để đảm bảo những giá trị tốt đẹp được Hiến pháp và Pháp luật qui định phải tạo ra được những giá trị tốt đẹp trong thực tế của cuộc sống của người dân, đặc biệt là phải đảm bảo để làm sao người dân có thể tự tin, chủ động và ý thức sử dụng hết những quyền của mình mà Hiến pháp và Pháp luật bảo vệ. Nhân đây tôi cũng xin biểu lộ sự đồng tình với ''Kiến nghị bảo vệ và phát triển đất nước'' (ký ngày 10/7/2011) của một nhóm nhân sĩ trí thức gửi đến Quốc hội và Bộ chính trị đề nghị: ''Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp qui định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc...''

2) Kính đề nghị Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội sử dụng quyền giám sát tối cao của mình để yêu cầu các cơ quan tư pháp có trách nhiệm xem xét lại các Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã kết án con tôi - Trần Huỳnh Duy Thức và anh Lê Thăng Long, anh Lê Công Định và anh Nguyễn Tiến Trung; cũng như cần xem xét những vụ án tương tự đã và đang diễn ra như trường hợp của luật sư Cù Huy Hà Vũ một cách đúng với bản chất của pháp luật và bản chất của sự việc khách quan. Tôi tin rằng điều này không chỉ là những việc cụ thể cần giải quyết theo tinh thần đòi hỏi của kiến nghị số 1 ở trên, mà còn là một việc chiến lược để tạo ra niềm tin và những động lực lành mạnh mới cho xã hội, để tránh sự rạn nứt và chia rẽ.

Kính mong Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội quan tâm đến thỉnh nguyện thư công dân này của tôi với một tinh thần trách nhiệm cao nhất của một cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi xin cảm ơn và kính chào trân trọng.

Ngày 27 tháng 7 năm 2011
Kính đơn,

Trần Văn Huỳnh


Đính kèm:


Ghi chú:

Địa chỉ liên lạc của tôi: 439F8 Phan Văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh; điện thoại: 0903350117.

*

Phần giới thiệu Con đường Việt Nam:

Phần I – Giới thiệu

Làm sao để Việt Nam phát triển bền vững, nhanh chóng thành một nước dân chủ thịnh vượng? Làm sao lý tưởng “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” trở thành thực tế? Làm sao để Việt Nam không bị biến thành một dạng nô lệ kiểu mới trong thời đại toàn cầu hóa? Đây là những trăn trở từ 5 năm trước dẫn đến sự ra đời của quyển sách Con đường Việt Nam này.

Việt Nam sẽ là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trở thành nước dân chủ và thịnh vượng trên thế giới là mục đích mà Con đường Việt Nam hướng đến.

Tinh thần giải quyết vấn đề của Con đường Việt Nam là nhìn nhận một cách khách quan và khoa học những yếu kém cốt tử cũng như những thế mạnh tiềm năng của đất nước để phân tích và đưa ra những giải pháp dựa trên những qui luật khách quan nhằm đạt được những mục tiêu theo nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Các giải pháp này sẽ đưa ra những chiến lược cho đất nước nhằm không những tránh được nguy cơ nô lệ kiểu mới mà còn nhanh chóng vượt lên thành một nước xã hội chủ nghĩa dân chủ và thịnh vượng.

Con đường Việt Nam kiến nghị một cách thức quản trị đất nước để xây dựng một nền tảng chính trị cho Việt Nam trên những nguyên lý vận hành thuận theo các qui luật khách quan. Do đó nền tảng chính trị này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các chiến lược được khuyến nghị nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế, xã hội mà chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hướng tới một cách thực tế, nhanh chóng và ít tốn kém nguồn lực.

Vì sao Việt Nam đã đổi mới và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong hơn 23 năm qua nhưng vẫn còn là nước nghèo? Vì sao rất nhiều nước đã có thể chế chính trị đa đảng hơn nữa thế kỷ rồi mà vẫn dậm chân ở mức thu nhập trung bình trong hơn 20 năm qua, thậm chí nhiều nước vẫn còn nghèo đói và đầy rẫy các vấn nạn tham nhũng cường quyền? Tại sao Trung Quốc chỉ có một đảng cầm quyền lại có thể tạo ra sự phát triển nhanh chóng liên tục hơn 30 năm qua, nhưng phải đến hơn 40 năm nữa (2050) mới chỉ tới được giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội? Liệu nước này có tránh được cái bẫy thu nhập trung bình nhiều nước đã bị mắc vào để tiếp tục phát triển đạt được sự dân chủ và thịnh vượng, hay sẽ sụp đổ bất ngờ như Liên Xô trong giai đoạn đầu phát triển đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và những thành tựu lớn hơn nhiều những gì Trung Quốc làm được 30 năm qua? Làm sao mà đảng Dân chủ tự do (LDP) tại Nhật và Hành động nhân dân (PAP) tại Singapore là đảng duy nhất cầm quyền liên tục trong một thời gian dài ở các nước này lại đưa đất nước họ phát triển bền vững, nhanh chóng trở thành các nước thuộc thế giới thứ nhất trong thời gian cầm quyền của những đảng đó? Vì sao mà nghèo đói, tham nhũng, cường quyền có thể tồn tại phổ biến và hoành hành tại bất kỳ nước nào dù ở đó có một hay nhiều đảng chính trị, bất chấp ý thức hệ chính trị khác nhau dù ý thức hệ nào cũng đều hướng tới những mục đích tốt đẹp vì con người và được khẳng định, bảo vệ bằng hiến pháp?

Một nền dân chủ được hình thành chỉ bởi ý muốn chủ quan của con người hay tồn tại những qui luật khách quan chi phối sự vận hành của xã hội loài người trong quá trình vận động của nó để đạt đến một nền dân chủ? Và liệu một xã hội dân chủ có tất yếu dẫn đến một xã hội thịnh vượng không? Có hay không những qui luật khách quan chi phối sự vận hành của một thế giới toàn cầu hóa tương tự như qui luật kinh tế thị trường đối với các hoạt động kinh tế? Những đặc tính căn bản của toàn cầu hóa là gì, và có những đặc tính nào từ bản sắc và văn hóa của dân tộc Việt Nam phát huy được thế mạnh do phù hợp với đặc tính của toàn cầu hóa này hay không? Liệu sự hình thành và phát triển của các hình thái xã hội loài người từ lúc nguyên thủy đến phong kiến, tư bản,… là tất yếu theo một qui luật khách quan nào đó bất chấp ý muốn chủ quan của con người, hay các hình thái này chỉ là sản phẩm của nhân sinh quan? Mức độ tồn tại và ảnh hưởng của các tính chất đối ngược nhau trong một xã hội (như lạc hậu và văn minh, cường quyền và dân chủ, tham nhũng và công bằng) có tuân theo những qui luật khách quan nào đó mà con người cần hiểu biết nếu muốn thiết lập những cơ chế hiểu quả để giảm thiểu cái xấu và phát huuy cái tốt không? Có những chỉ dấu nào của một xã hội mà có thể đo lường được dễ dàng nhưng lại cho thấy và dự báo tốt mức độ ổn định/bất ổn, phát triển bền vững/khủng hoảng sụp đổ của xã hội đó không?

Vì sao chủ nghĩa Mác bị mất tính hấp dẫn trong khi lý tưởng mà chủ nghĩa này hướng đến là rất cao đẹp, và Mác lại là người đầu tiên dự báo chính xác được hình thái và bản chất của thế giới toàn cầu hóa ngày nay? Diễn biến hòa bình là gì và vì sao Liên xô sụp đổ? Và đây là minh chứng cho sự sai lầm của chủ nghĩa Mác hay đó là bài học quý giá để tránh sự giáo điều, duy ý chí, áp đặt quan điểm chủ quan (của những người vận dụng chủ nghĩa Mác) trở thành qui luật khách quan mà không hề đảm bảo tính logic biện chứng của chính Mác đưa ra? Vì sao khá nhiều nước liên tục thay đổi hiến pháp theo hướng tốt hơn nhưng vẫn bất ổn hoặc càng bất ổn, không phát triển được nữa? Những động lực gì sẽ dẫn đến sự thay đổi và phát triển xã hội một cách tốt đẹp và ngược lại? Làm sao để nghững động lực này thuần túy kinh tế có thể thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển xã hội một cách cân bằng và công bằng?

Những câu hỏi trên là những vấn đề phải được phân tích sâu sắc vào bản chất để giải đáp trong quá trình tìm lời giải của Con đường Việt Nam nhằm rút ra được những nguyên lý, qui luật liên quan của chúng. Một phần của kết quả nghiên cứu này cũng sẽ được trình bày trong Con đường Việt Nam.

Ngoài phần giới thiệu, Con đường Việt Nam còn 4 phần:

Phần II – Những nhận thức tiền đề – sẽ trình bày những nguyên lý vận hành của các qui luật khách quan trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của con người, bao gồm những qui luật đã được thừa nhận rộng rãi, những qui luật được rút ra từ các học thuyết của Mác và cả những qui luật mới được phát hiện trong quá trình nghiên cứu tìm lời giải cho Con đường Việt Nam. Trong số những cái mới này có cái được thực chứng thông qua số liệu thực ở nhiều nơi trên thế giới nhưng có nhiều cái được phát biểu ở dạng tiền đề (không thể chứng minh được) để làm nền tảng lý thuyết cho việc lý giải nhiều sự kiện phổ biến trên thế giới. Cũng giống như Adam Smith đưa ra nguyên lý bàn tay vô hình tự điều tiết nhu cầu và sản xuất trong một nền kinh tế tự do[1]thì ông không chứng minh được nguyên lý này. Nhưng sự chấp nhận nó đã dẫn đến sự ra đời một lý thuyết (kinh tế học còn gọi là mô hình) căn bản chỉ ra các nguyên lý của một nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường được vận hành thế nào, tác động hệ quả ra sao dưới những quan điểm chuẩn tắc khác nhau một cách khách quan theo qui luật. Lý thuyết của ông đã được thừa nhận rộng rãi và áp dụng để xây dựng nên kinh tế thị trường ở nhiều nước khác nhau với quan điểm xã hội khác nhau, chẳng hạn như nền kinh tế thị trường theo xu hướng dân chủ xã hội rất thành công ở Bắc Âu, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam gần đây. Các tiền đề dù không chứng minh được nhưng đó là kết quả của một quá trình quan sát kỹ các hiện tượng phổ biến trên thế giới, phân tích sâu vào bản chất của chúng và suy luận rộng mối quan hệ của các bản chất này thành những nguyên lý mang tính qui luật. Điều quan trọng là những nguyên lý này phải lý giải được các hiện tượng tương tự một cách logic biện chứng. Đây cũng là nguyên tắc nghiên cứu được Con đường Việt Nam áp dụng để phát hiện các qui luật khách quan nhằm giải đáp những câu hỏi nêu trên trong quá khứ và tìm lời giải cho những vấn đề của hiện tại và tương lai.

Từ những nguyên lý nền tảng như trên, phần II của Con Đường Việt Nam sẽ phân tích cho thấy tăng trưởng kinh tế mà không đi kèm với gia tăng năng suất lao động thì chỉ là sự vay mượn của quá khứ (như khai thác tài nguyên) và tương lai (như vay vốn đầu tư, phá hủy môi trường). Đây là nguyên nhân gốc của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Việt Nam và được dự đoán sẽ dẫn đến một sự khủng hoảng trầm trọng cả về kinh tế, xã hội lẫn chính trị trong những năm 2010, 2011, đặt đất nước vào rất nhiều nguy cơ. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ ở Liên xô vì đã giáo điều xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách phân phối công bằng tư liệu sản xuất thông qua biện pháp công hữu hóa mà không chịu nhìn nhận đánh giá thực chứng sực tác dụng gia tăng năng suất – một yếu tố then chốt mà Mác đã xác định là tiên quyết để có thể “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” – của nó. Bất kỳ sự phát triển nào không dựa vào gia tăng năng suất lao động đều không bền vững cho dù tài nguyên có lớn đến đâu đi nữa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc cần tập trung đạt được mục đích then chốt bằng những cách thức thuận theo qui luật khách quan và linh hoạt theo bối cảnh, chứ không phải là tập trung cứng nhắc vào các giải pháp được cho là đặc trưng của ý thức hệ.

Phần II cũng sẽ đưa ra nhận định và lý giải vì sao dân chủ vừa là sức mạnh vừa là cơ chế tự điều chỉnh theo qui luật khách quan đối với các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong một môi trường toàn cầu khác, tương tự như nguyên lý bàn tay vô hình tự điều chỉnh một nền kinh tế thị trường. Phần này cũng sẽ chứng minh rằng một nền kinh tế thị trường nhưng thiếu một cơ chế dân chủ để quyết định các quan điểm kinh tế chuẩn tắc thì chắc chắn sẽ dẫn đến một xã hội được gọi là chủ nghĩa tư bản thân hữu thường thấy ở các nước bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình và những nước nghèo.

Phần II sẽ giới thiệu một pháp hiện được gọi tên là qui luật danh nghĩa và thực tế, cho thấy sự cách biệt giữa những gì được qui định trên danh nghĩa với những gì tồn tại trên thực tế của tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội của một đất nước sẽ quyết định sự ổn định và phát triển bền vững hay là bất ổn, khủng hoảng và sụp đổ của đất nước đó. Nguyên lý này được phát triển thành lý thuyết cho việc xây dựng các chỉ số để đánh giá nhanh chóng các mức độ ổng định, bất ổn của một đất nước nhằm cung cấp cho một công cụ hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách vĩ mô chuẩn tắc phù hợp với những quan điểm xã hội tiến bộ, công bằng, vì số đông.

Phần II có một chương dành riêng để nghiên cứu về vấn đề động lực của con người và những qui luật khách quan liên quan đến nó tác động đến sự vận hành của xã hội như thế nào. Từ đó đưa ra các cơ chế đơn giản nhưng hiệu quả để giảm thiểu các tính xấu của xã hội mà thúc đẩy các cái tốt. Các cơ chế càng phức tạp thì càng cồng kềnh và kém hiệu quả vì đòi hỏi sự can thiệp nhiều của con người, nên càng là môi trường cho cái xấu phái triển. Điều này lý giải vì sao nhiều chế độ chính trị dù thực sự mong muốn những mục đích tốt đẹp cho xã hội nhưng lại gặt hái được kết quả ngược lại. Chương này cũng sẽ chứng minh rằng do động lực con người nên cuộc tấn công kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa là tự nhiên như nước đổ về trũng hay vi trùng tấn công bất kỳ cơ thể nào mất khả năng đề kháng. Tương tự như vậy, cường quyền dẫn đến tham nhũng, nghèo đói lạc hậu sẽ hình thành bất cứ nơi nào có môi trường thuận lợi cho nó bất chấp ý thức hệ, không gian và thời gian. Từ đó sẽ cho thấy muốn thực hiện được những lý tưởng tốt đẹp theo một quan điểm xã hội nào đó (tức nhân sinh quan) thì phải tuân thủ các qui luật khách quan (túc vũ trụ quan). Thứ không thể đi đến được lý tưởng bằng cách áp đặt các nhân sinh quan đó thành chân lý tất yếu sẽ tới.

Phần II sẽ dành 2 chương để nghiên cứu về dân chủ. Một chương tìm hiểu các tính chất cơ bản của dân chủ và những qui luật khách quan tác động đến sự vận động của nó. Một chương nghiên cứu tác động của dân chủ đến sự vận động của xã hội và sự hình thành nên các tính chất và hình thái xã hội. Từ đó cho thấy dân chủ chỉ có được một khi người dân ý thức được quyền làm chủ của họ và tự tin sử dụng tối đa các quyền đó một cách có ý thức và chủ động, mà đây chính là động lực lành mạnh và tự nhiên của con người. Mức độ thiếu vắng động lực này sẽ quyết định mức độ tồn tại và ảnh hưởng của cường quyền trong xã hội, vốn đối ngược với dân chủ và tạo ra sự sợ hãi thay vì động lực để kiểm soát và khi tính dân chủ đủ mạnh chi phối trong xã hội thì nó sẽ quyết định hình thức của xã hội theo quan điểm của số đông – tính chất quyết định hình thức chứ không phải ngược lại. Cho nên các hình thức như thể chế đa đảng hay lý tưởng dân chủ của một đảng không đủ để đảm bảo có được nền dân chủ thực sự. Hai chương này cũng sẽ cho thấy những con đường khác nhau để dẫn đến một nền dân chủ bền vững và những con đường khác nhau để dẫn đến một nền dân chủ bền vững và những mối liên hệ giữa dân chủ và thịnh vượng; đồng thời cũng cho thấy hoàn toàn có thể xây dựng những xã hội dân chủ và thịnh vượng theo những quan điểm và xã hội khác nhau như Dân chủ xã hội phổ biến ở Bắc Âu hay xã hội chủ nghĩa, v.v…

Phần II cũng sẽ dành một chương giới thiệu về một mô hình quản trị chiến lược cho Con đường Việt Nam đưa ra dựa trên việc tận dụng các quy luật khác quan làm sức mạnh. Nhờ vậy chỉ cần tập trung vào một số ít các mục tiêu then chốt (hay đích nhắm chiến lược) để đạt được rất nhiều những mục tiêu khác nhờ sự lan tỏa tất yếu theo quy luật. Điều này cho phép tiêu tốn ít nguồn lực nhưng hiệu quả. Chương này cũng sẽ lý giải vì sao những cách thức thuận theo qui luật như vậy sẽ đảm bảo hợp lòng dân.

Phần II còn có một chương bàn về Hiến Pháp và chủ nghĩa Mác. Quan điểm của Con đường Việt Nam là không nên cứng nhắc, giáo điều vào những giải pháp Mác đưa ra vì nó chỉ có thể đúng cho bối cảnh lúc sinh thời của Mác. Việc xem giải pháp này là đặc trưng của một hình thái xã hội XHCN sẽ dẫn đến sai lầm và bế tắc. Thay vào đó, cần nhìn nhận những học thuyết của Mác ở 3 giá trị cốt lõi: (i) phép biện chứng để lý giải thực tế khách quan nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp với qui luật khách quan theo từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau; (ii) các yếu tố then chốt mà Mác đã nhìn ra được và chỉ ra rằng phải tập trung đạt được chúng nhằm tạo ra sự thay đổi lớn tất yếu theo qui luật về bản chất cũng như hình thái xã hội (chẳng hạn như sự gia tăng năng suất lao động sẽ dẫn đến việc tạo ra lực lượng vật chất đủ mạnh để thay đổi các quan hệ xã hội…); (iii) lý tưởng “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” làm định hướng cho các quyết định chuẩn tắc thúc đẩy sự phát triển xã hội ngày càng cân bằng, công bằng và tiến gần đến lý tưởng đó. Về Hiến pháp, Con đường Việt Nam cho rằng cần nhìn nhận đúng để thực hiện nhiều điều Hiến pháp hiện hành của Việt Nam qui định thì sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi lớn có giá trị. Chẳng hạn như điều 15 Hiến pháp nói rằng thành phần kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế quốc gia. Nhưng trên thực tế thành phần kinh tế này không hề làm bệ đỡ hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác mà lại trở thành những đối thủ mạnh chén ép các thành phần này bằng những quan điểm như “giữ vai trò chủ đạo”. Ở chương này cũng sẽ lý giải và chứng minh về sự bất ổn vẫn tiếp diễn ở nhiều nước sau mỗi lần thay đổi hiến pháp theo hướng tốt hơn nhưng lại không có những biện pháp để thay đổi thực tế cuộc sống tốt lên được theo hướng đó. Nguyên nhân là khi đó sự cách biệt giữa danh nghĩa và thực tế càng lớn hơn nên sẽ càng bất ốn hơn theo qui luật danh nghĩa và thực tế. Đồng thời nó cũng cho thấy rằng nếu giữ nguyên cách nhìn và cách thực thi điều 4 Hiến pháp như hiện nay thì không những không thể đưa đất nước đạt được lý tưởng tốt đẹp của đảng Cộng sản Việt Nam như chủ nghĩa Mác mà còn sẽ không thể tránh được một sự sụp đổ như Liên xô trước đây.

Tìm ra sức mạnh và cơ hội từ những gốc nhìn mới là mục tiêu của phần II – những nhận thức tiền đề – này .

Phần III – Giải pháp và chiến lược – sẽ kiến nghị chi tiết một mô hình quản lý nhà nước của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phương thức lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo ra một cách thức quản trị đất nước thuận theo các qui luật khách quan nên sẽ hiệu quả và hợp lòng dân. Phần này sẽ lý giải và chứng minh cách thức như vậy sẽ tất yếu tạo ra một nền tảng chính trị dân chủ. Con đường Việt Nam cũng sẽ đề nghị sự thay đổi cho những người không phải đảng viện đảng Cộng sản Việt Nam tham gia điều hành, lãnh đạo đất nước, giống như cách mà Hồ Chủ tịch đã làm để tập hợp sức mạnh và đoàn kết dân tộc mà không phải phân biệt thành phần, đảng phải hay không đảng phải vào Chính phủ non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 để vượt qua được nhiều nguy cơ và thách thức lớn của đất nước đó. Phần này cũng sẽ kiến nghị một chiến lược phát triển được theo mô hình quản trị chiến lược thông qua việc xác định 2 đích nhắm chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả:


Phần III sẽ trình bày chi tiết mô hình chiến lược này. Tăng trường năng suất chắc chắn sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững, nhưng tăng trưởng kinh tế thì không chắc dẫn đến tăng trưởng năng suất. Mặt trái lớn nhất của các nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là các doanh nghiệp khổng lồ đi trước tìm mọi cách để cản trở sự tham gia thị trường của những doanh nghiệp mới. Phần này sẽ đề nghị một cách thức dùng các doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi lập. Khoa học quản trị và nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy việc hướng các hành động trực tiếp đến các mục tiêu tối thượng đều dẫn đến thất bại. Còn tồi tệ hơn nữa nếu chúng hướng thẳng đến lý tưởng.

Phần IV – Các sách lược tập trung – sẽ đề cập đến 5 lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, cải cách hành chính và tư pháp (gọi tắt là pháp luật), biển Đông và Tây Nguyên. Đây cũng là 5 vấn đề mà chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt căng thẳng một khi khủng hoảng nổ ra trầm trọng trong 2010 – 20111. Chúng được lựa chọn tập trung vì vừa mang tính cấp bách để đối phố với khủng hoảng, vừa mang tính lâu dài để phát triển đất nước bền vững. Dựa trên những nhận thức tiền đề ở phần II và giải pháp chiến lược ở phần III, phần IV này cũng sẽ đưa ra các sách lược cụ thể cho 5 lĩnh vực/vấn đề nêu trên nhằm không những để đất nước tránh được thảm họa mà còn nhanh chóng phát triển bền vững sau đó. Sách lược kinh tế sẽ giới thiệu một mô hình phát triển kinh tế dựa trên một chiến lược gọi là điểm cân bằng: tận dụng các lợi thế và sức mạnh từ bản sắc văn hóa, lịch sử của dân tộc và địa chính trị của đất nước để biến Việt Nam thành một trung tâm giao lưu kinh tế, giao thoa văn hóa giữa các xu thế đông và tây. Con đường Việt Nam sẽ lý giải vì sao những sự giao lưu và giao thoa như vậy sẽ tự động hướng tới và hỗ trợ tạo ra sự cân bằng giữa các xu thế đó, nhờ vậy mà Việt Nam hưởng lợi, đồng thời góp phần tạo ra sự ổn định, hòa bình cho thế giới. Bốn sách lược còn lại cũng được xây dựng trên quan điểm chung này.

Phần V – Tóm tắt các kiến nghị – sẽ hệ thống hóa lại tất cả những đề nghị đã nêu trong các phần II, III, IV, đồng thời cũng đưa ra lưu ý một số hành động cần thực hiện ngay để hãm phanh tình trạng trầm trọng đang càng xấu đi cũng như một số việc cần tránh vì có thể sẽ làm trầm trọng hơn tình hình trong lúc xảy ra khủng hoảng.

No comments:

Post a Comment