Giữa lúc cả xã hội đang “sốt” bừng bừng vì giá vàng tăng chóng mặt, kéo theo giá USD bắt đầu chạy theo, chiều 5/8/2011, cuộc thảo luận ở nghị trường QH xoay quanh chủ đề lạm phát- một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.
Con bệnh lạm phát từ lâu đã là nỗi lo thường trực của cả xã hội. Và đang ở top… tiên phong so với các con bệnh khác. Những người cảm nhận rõ nhất, trực quan nhất về nó chắc chắn không phải là quan chức, cán bộ Nhà nước, mà là các bà nội trợ, khi họ đi chợ mà “như bị móc túi”, bị “mất cắp”.
Ngay cả tân Phó TT Vũ Văn Ninh, khi còn là Bộ trưởng Tài chính, mới đây khi trả lời báo chí, cũng phải thốt lên: “Vợ tôi đi chợ về cũng kêu ghê lắm”.
Các bà nội trợ kêu ghê lắm. Và nay đến lượt các đại biểu QH.
Dự báo của Nhà nước chỉ 1 con số- 7%, trong thực tế lạm phát đã vượt gấp đôi với 2 con số đầy thách thức – khoảng 17%. Không hiểu nó còn tiếp tục phi mã nữa không?
Chính vì thế, cuộc thảo luận, tranh luận – giải phẫu cái gốc của con bệnh khó kiểm soát, có tính khí thất thường cùng hệ lụy của nó diễn ra mới đây cực kỳ sôi động.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét, chính những khiếm khuyết trong cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng, cộng với khả năng quản lý, điều hành còn yếu kém đã đẩy lạm phát ngày càng lên cao. Gói kích cầu không phải là tác nhân chính bên trong gây lạm phát cao.
Đại biểu- doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến thì nói chắc như đinh đóng cột: “Quan điểm cá nhân tôi cho rằng chính nhập siêu là nguyên nhân gốc tạo ra lạm phát”.
Không đồng ý với ý kiến này, đại biểu- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, 1 trong những nguyên nhân khiến nhập siêu cao là do tâm lý chuộng hàng ngoại, khi ở Việt Nam, nước thì nghèo mà ôtô, điện thoại thuộc hàng sang nhất đều có cả.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) không nhất trí với ý kiến nhận định lạm phát cao có yếu tố tăng lương cho cán bộ công chức. Vì “Trên thực tế tăng lương luôn đi sau việc tăng giá, tăng lương không đủ bù đắp việc trượt giá, đồng lương thực tế của người ăn lương đã giảm đi rất nhiều so với trước đây“. v…v… và .v…v..
Giữa cái nóng bỏng vì tranh luận và chẩn bệnh lạm phát, duy nhất có 1 đại biểu, đó là Đỗ Văn Đương (T/p HCM) tưới mát không khí bằng những phát ngôn ấn tượng và rất ngộ: “Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn….
…Nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất” (?)
Chợt thấy, sao phát ngôn của đại biểu Đỗ Văn Đương giống phát ngôn của đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) khóa trước thế: “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm… Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây“.
Mọi sự so sánh kiểu “tôi đi các nước” hay “ra nước ngoài, tôi đi thử tàu cao tốc rồi”… đều luôn khập khiễng. Bởi khi so giá của đĩa rau muống xào ở Thượng Hải (Trung Quốc) với giá một đĩa rau muống xào ở Việt Nam chênh nhau, thì đại biểu Đỗ Văn Đương lại quên không so sánh thu nhập bình quân đầu người của Thượng Hải (luôn thuộc mức cao nhất của Trung Quốc), với thu nhập bình quân của người Việt Nam là bao nhiêu?
Có một bạn đọc ngay lập tức chép miệng: “… có lẽ chưa học qua mấy lớp kinh tế vi mô, vĩ mô nên không thể phân biệt giữa giá cả (Price) với chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index – CPI) dùng để tính lạm phát, khác nhau ở chỗ nào”.
Ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương khiến cả nghị trường cười rộn. Tiếng cười của các đại biểu cũng là một câu trả lời.
Và con bệnh lạm phát chắc chắn cũng… nhoẻn cười theo. Nụ cười hiểu biết và…bí hiểm.
Chỉ người đọc, nhất là những cử tri từng bỏ phiếu cho ông thì nhăn mặt, khó mà cười nổi.
Có phải ông chưa bao giờ phải đi chợ? Hay ông quá xa lạ với đời sống nhân dân? Nếu quá xa lạ, thì làm sao thấu hiểu được dân để cất tiếng nói đại diện?
Theo Dỳ Duyên (Quechoa.info)
No comments:
Post a Comment