Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách

CAND online - Cù Huy Hà Vũ đã phản bội lại những tín điều thiêng liêng khi coi đó là phương tiện, đã phản bội lại gia đình khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, đã phản bội lại học thức khi hành xử bất chấp pháp luật. Và như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Vũ phản bội lại cả đất nước và dân tộc.


Không thể phủ nhận được rằng mỗi quốc gia đều cần những nhân cách lớn để tạo ra những động lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đó không thể trở thành áp lực để mỗi chúng ta và cả xã hội trở nên dễ dãi trong việc đánh giá một con người. Sự nhầm lẫn về nhân cách sẽ tạo ra những hệ lụy trầm trọng đối với những giá trị đạo đức chung cũng như đối với nhận thức của mỗi cá nhân. Nó tạo ra cơ hội cho những kẻ tầm thường và những kẻ vô đạo đức nhân danh những tín điều cao cả để phục vụ những mục đích ích kỷ, mặt khác, có người vô tình, có người hữu ý tạo nên sự hỗn loạn trong dư luận. Trong sự hỗn loạn đó, sự thật về nhân cách Cù Huy Hà Vũ đã bị làm ngơ.

Với những mục đích khác nhau, một số cá nhân đã muốn đặt Cù Huy Hà Vũ vào vị trí của một người hùng. Bằng việc kích động tâm lý thần tượng cá nhân, bằng việc khoác lên Vũ sự lấp lánh của lý tưởng và sự xả thân, bằng các xảo thuật để gọt đẽo một hình tượng, họ đã quên mất việc trả lời một câu hỏi cơ bản. Đó là câu hỏi về nhân cách thật sự của Cù Huy Hà Vũ.

Trước năm 2005, không nhiều người biết đến Vũ. Nhưng đối với phần lớn cán bộ Học viện Quan hệ quốc tế thời ấy, Vũ không phải là cái tên xa lạ. Con người này được biết tới bởi sự vô trách nhiệm và vô kỷ luật trong công việc. Sau một thời gian dài đi du học, dù đã báo cáo bảo vệ luận án tiến sỹ nhưng Vũ không hề có một đóng góp dù nhỏ trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy ở trong hay ngoài Học viện. Suốt 25 năm, từ 1979 đến 2004, Vũ không đi du học thì cũng chỉ đến cơ quan để lĩnh lương.

Bỗng nhiên năm 2005, người ta thấy Vũ xuất hiện trong dư luận với một bộ quần áo mới: một người bảo vệ những giá trị văn hóa nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trong vụ kiện đồi Vọng Cảnh. Từ một tiến sỹ không lao động, không cống hiến nhưng chưa bao giờ để sót một đồng lương thoắt đã mang bộ mặt của một người yêu nước. Từ đó trở đi, Vũ xuất hiện nhiều hơn trước công luận. Vũ tự ý bỏ việc và chăm chỉ đi kiện. Và những vụ kiện của Vũ hầu như đều đóng một vai là "bảo vệ văn hóa". Năm 2006, Vũ tiếp tục kiện album Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Dương Thụ vì cho rằng việc đặt tên và lời tiếng Việt cho các tác phẩm của các tác giả nhạc cổ điển trong album này đã "vi phạm quyền nhân thân" của họ.

Phải chăng mơ ước cống hiến vì đất nước, vì dân tộc đã đột ngột đến với Vũ sau 25 năm câm lặng? Nếu câu trả lời là có, tại sao Vũ không đến Học viện Ngoại giao làm việc mà chỉ ở nhà, mở văn phòng luật nhưng vẫn lĩnh lương đều? Lẽ nào một người đang cố gắng để cống hiến cho xã hội lại có thể vui vẻ nhận những đồng lương từ ngân sách nhà nước mà không hề lao động?

Mọi chuyện bỗng trở nên dễ hiểu khi sau những vụ kiện đó, năm 2006, Vũ đã nộp đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin. Vũ đi kiện về những vấn đề văn hóa không phải vì văn hóa hay vì đất nước. Đó chỉ là một sự chuẩn bị cho việc thực hiện một tính toán cá nhân: làm Bộ trưởng. Và tính toán cá nhân này càng trở nên rõ ràng hơn khi năm 2007, Vũ tiếp tục ứng cử đại biểu quốc hội. Như thế, văn hoá dân tộc, di sản của đất nước hay tinh hoa văn hoá nhân loại... đều bị Vũ biến thành con bài cho cuộc chơi vì những toan tính cá nhân.

Cho đến giai đoạn này, con đường Vũ đi chỉ là con đường của tham vọng về quyền lực và danh vọng. Những cố gắng hết mình của Vũ dường như chỉ nhằm mục đích tạo nên sức ép dư luận để tìm một chỗ đứng trong bộ máy. Nhưng khi không đạt được mục đích đó, Vũ trở thành kẻ chống phá chính bộ máy mà mình đã mơ ước được đứng vào. Từ đây, Vũ xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, nói năng về lý tưởng một cách hoa mỹ hơn và thực hiện những vụ kiện ầm ĩ hơn.

Và trước khi đi kiện, Vũ cũng từng là người bị kiện. Mà đặc biệt hơn, Vũ bị kiện bởi chính bác mình, em ruột mình, và bố đẻ mình. Ngày 28/10/2003, đích thân cố nhà thơ Cù Huy Cận đã có đơn gửi chính quyền UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên và các cơ quan báo chí- truyền thông kiện Vũ cấu kết với gia đình nhà vợ nhằm gây khó khăn cho chính gia đình mình.

Nguyên văn ông viết: "Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi được biết ông Nguyễn Bá Phụng (bố chị Nguyễn Thị Dương Hà) với sự giúp sức của vợ chồng anh Cù Huy Hà Vũ và chị Nguyễn Thị Dương Hà đứng tên ra kinh doanh giải khát trên miếng đất có cổng 24B Điện Biên Phủ (sát liền với số 26 Điện Biên Phủ nhìn ra đường Điện Biên Phủ) thuộc chủ quyền của tôi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 474/TTG ngày 16/7/1996. Mặc dù tôi đã bố trí cho vợ chồng anh Cù Huy Hà Vũ và chị Nguyễn Thị Dương Hà sử dụng làm chỗ ở căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 28m2 có khoảng không bên trên, mặt phố Trần Phú giáp với khu nhà 21 Trần Phú và nhà ông Vũ Quang Triệu và bảo ban, khuyên răn vợ chồng anh Hà Vũ không được cản trở, gây khó khăn cho tôi và gia đình trong việc sử dụng miếng đất có cổng 24B Điện Biên Phủ nói trên làm lối đi vào nhà nhưng vợ chồng anh Hà Vũ phối hợp với ông Nguyễn Bá Phụng vẫn cố tình chống đối, bất chấp".

Nực cười thay, và cũng chua xót thay, khi con người ấy với những toan tính ấy bỗng trở thành điển hình của lý tưởng và hy sinh trong những mỹ từ lấp lánh của một số cá nhân tự nhận mình "học theo Cù Huy Hà Vũ". Sau khi đặt mục đích cá nhân lên trên mọi hiểu biết và danh dự, Vũ trở thành Cù tiên sinh, trở thành vầng dương, trở thành trái tim Đankô…

Nhóm người đang tung hô Vũ thừa hiểu rằng một kẻ phản bội lại chính bố mình thì có gì mà không dám phản bội? Thế nhưng kẻ bỏ đi ấy vẫn có những giá trị để lợi dụng. Thứ nhất, Vũ là kẻ có đầy đủ bằng cấp. Thứ hai, Vũ là con của một nhà cách mạng lão thành. Thứ ba, Vũ là kẻ hoạt ngôn. Thứ tư, Vũ là kẻ điên cuồng vì tham vọng. Thứ năm, Vũ không có cơ hội để làm chính trị một cách tử tế. Trong bối cảnh ấy, không khó để nhận thấy rằng nếu bơm vào đầu Vũ những tham vọng và vuốt ve bởi những lời tung hô, Vũ sẽ trở thành kẻ bất chấp tất cả để thỏa mãn ảo tưởng vĩ cuồng của mình.

Theo một kịch bản được tính toán kỹ lưỡng dựa trên logique tâm lý Vũ, từ năm 2007, Vũ xuất hiện nhiều hơn trên các diễn đàn. Những vụ kiện và phát ngôn của Vũ vẫn dựa trên chiêu bài vì văn hóa, vì đất nước nhưng thực chất là chĩa thẳng mũi nhọn vào bộ máy lãnh đạo, nơi Vũ đã mơ ước được tham dự. Vào ngày 19/6/2010, trong bài phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, Vũ đã nêu ra yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA ngày 29/4/2010, Vũ đã bình luận về Chiến tranh Việt Nam. Trả lời phỏng vấn đài VOA về cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Vũ cho rằng đồng hành quân sự với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc là "mệnh lệnh của thời đại".

Sự chuyển biến trong nội dung, đối tượng đề cập và thông điệp của các phát ngôn qua miệng Cù Huy Hà Vũ cho thấy Vũ đã nhắm tới một mục tiêu lớn hơn cương vị Bộ trưởng. BBC tiếng Việt, Đài châu Á tự do và RFI chào đón Vũ với một mật độ thường xuyên và những lời bình trịnh trọng. Vũ đã chính thức trở thành một quân cờ trên bàn cờ chính trị mà mỗi nước đi được tính toán từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thừa hiểu rằng Vũ chẳng có tư cách gì về trí tuệ cũng như phẩm giá để nói về những vấn đề trọng đại của đất nước, những kẻ đứng sau Vũ cũng ráo riết chuẩn bị cho Vũ một nhân cách "vĩ đại" nhằm tạo ra một sự tương xứng "danh chính ngôn thuận". Sự "tụng ca" gây tiếng vang bằng những ngôn từ lấp lánh "Anh nguyện hiến dâng. Anh nguyện dấn thân. Anh nguyện làm bó đuốc soi đường. Anh là vầng dương, là bình minh sẽ xua tan bóng đêm lọc lừa. Anh ngời sáng hào quang công lý…". Cùng theo chiều hướng suy tư đó, Vũ đã trở thành "anh hùng dân tộc", "người phi thường", "kẻ sĩ Đông phương"…

Những ngôn từ càng cao cả thì chiêu bài nhân cách càng bộc lộ trơ tráo đến đau lòng. Trong những toan tính, những kẻ đứng sau Vũ đã bất chấp sự thật để sơn son thiếp vàng lên một cá nhân tầm thường và nhỏ mọn.

Điều nguy hiểm ở đây là nhân cách thật sự của một con người không còn được tôn trọng nữa. Bằng việc ngợi ca một kẻ lợi dụng những tín điều thiêng liêng để đạt tới tham vọng quyền lực, những kẻ ủng hộ Vũ đã chà đạp lên đạo đức và làm biến dạng tình yêu nước. Vì mục đích của mình, nhóm người này tiếp tục đồng lòng để một kẻ bại hoại về tư cách và danh dự rao giảng về những giá trị thiêng liêng của cuộc sống. Nhóm người này không chỉ biến Vũ thành một quân cờ mà thông qua Vũ biến cả những giá trị thiêng liêng của xã hội như độc lập, tự do, dân chủ và nhân quyền thành quân cờ để đạt được mục đích của mình. Vũ đã là một kẻ phản bội luân lý và đạo làm người. Nhưng những người lợi dụng Vũ, đau lòng thay, đã phản bội chính danh dự và trí tuệ của mình.

Trở lại với thực tế cuộc sống, trong tất cả những vụ kiện tụng và tranh chấp Vũ đã tham dự có một vụ tranh chấp dằng dai nhất, nhiều toan tính nhất. Đó là vụ tranh chấp căn biệt thự số 24 Điện Biên Phủ. Theo sự phân chia bằng văn bản công chứng của cố thi sĩ Huy Cận thì Cù Huy Hà Vũ chỉ được một phần của căn biệt thự. Tuy nhiên theo bà Trần Lệ Thu, vợ cố thi sĩ, Cù Huy Hà Vũ vẫn tiếp tục âm mưu chiếm đoạt cả căn biệt thự. Đây là sự bất chấp pháp luật của một kẻ luôn vỗ ngực là tiến sỹ luật học. Và đó là nguyên nhân sâu xa cho sự tranh chấp vẫn chưa đi đến hồi kết.

Cù Huy Hà Vũ đã phản bội lại những tín điều thiêng liêng khi coi đó là phương tiện, đã phản bội lại gia đình khi đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, đã phản bội lại học thức khi hành xử bất chấp pháp luật. Và như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Vũ phản bội lại cả đất nước và dân tộc. Việc áp dụng chiêu bài nhân cách cho một kẻ tầm thường nhỏ mọn như vậy chỉ cho thấy mưu đồ quyền lực của những kẻ vẫn tung hô và ủng hộ Vũ. Những mỹ từ đã trở thành công cụ lừa đảo cho phủ lên những dã tâm chiếm đoạt thay vì sự cống hiến và hy sinh thật sự cho đất nước và dân tộc.

Sự thật về nhân cách Cù Huy Hà Vũ là một sự thật mà những người thân của ông ta biết, những người hàng xóm của ông ta biết, những người đồng nghiệp của ông ta biết, và cả những người đang tôn vinh ông ta như biểu tượng của đất nước cũng đều biết. Nghĩ cho số phận của nhân dân, nghĩ cho những cái đầu non nớt với trái tim nhiệt huyết và ngây thơ của những người Việt trẻ tin và yêu những trí tuệ lớn đang ngày càng hiếm hoi của đất nước, có ai đặt câu hỏi về một sự thật đang cố tình bị làm ngơ?

Một phán quyết trong một phiên toà có thể quyết định số phận của một con người. Nhưng phán quyết trong toà án lương tâm của những con người đang là ngôi đền gìn giữ tinh hoa trí tuệ cho một dân tộc, nhất là khi dân tộc đó đang đứng trước những thử thách của các cuộc xâm lăng văn hoá và sự xói mòn các giá trị đạo đức... có thể quyết định số phận của cả một đất nước. Làm ngơ trước sự thật về nhân cách một con người, khi mà con người ấy đang cố, và đang được đám đông tri hô khoác lên mình chiếc áo tri thức và đạo đức để đại diện cho một dân tộc, đó chính là phán quyết lạnh lùng của mục đích cá nhân trước lương tri của người trí thức. Sự thật không phải là điều bí ẩn phải kiếm tìm, sự thật là điều hiển hiện mà con người phải đối diện để chấp nhận.

Xung quanh cái tên Cù Huy Hà Vũ là những cuộc chiến ngôn từ ầm ĩ, những lời nói nhục mạ trao đi đổi lại. Tôi chợt nhớ một câu văn ngắn của một văn hào tôi đã đọc trong sách giáo khoa phổ thông: "Rồi chiến tranh sẽ đi qua, rồi tiếng súng sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng cũng thôi gào thét, chỉ còn tấm lòng em chung thuỷ, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương". Cần rất nhiều lòng dũng cảm, cần lắm lắm một trái tim ngay thẳng, cần lắm lắm một lòng yêu sự thật để có thể chan chứa tình yêu thương - đó chính là nhân cách mà mọi xã hội, mọi đất nước đều cần để vươn lên.

Fukushima tan hoang sau cơn địa chấn và sóng thần, nhưng những người dân Fukushima vẫn trở về bãi đất trống hoang tàn với nghị lực mạnh mẽ và niềm tin vào ngày mai. Bởi trong những lúc khó khăn nhất, giữa sống và chết, từng người dân Nhật vẫn giữ gìn trọn vẹn nhân cách của mình. Với người Việt tự ngàn xưa, trải qua chiến tranh liên miên không dứt, rồi thiên tai, rồi nhân họa, mất tất cả rồi gây dựng từ tay trắng, cũng chỉ bằng nhân cách và trái tim chan chứa yêu thương mà thôi.

Người con trai của cụ Phan Châu Trinh, khi sức lực đã quá yếu, ông đã xin được về nước để chết, để có thể không là gánh nặng cho cha. Và cụ Phan, cho đến giây phút cuối của cuộc đời, vẫn chan chứa yêu thương những người dân Việt lầm than dốt nát, đau đáu một lòng "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Bởi nỗi đau lớn lao của cuộc đời người yêu nước ấy là nỗi đau dân trí. Còn gì đau đớn hơn khi tội ác hoành hành và lương tri bị xói mòn bởi sự ấu trĩ và dốt nát, khi số phận của nhân dân ngàn đời bị lợi dụng trong toan tính quyền lực và danh vọng của một số người được học.

Người trí thức Việt, xin đừng mất đi nhân cách ấy, xin đừng mất đi nỗi đau ấy, xin đừng đánh mất lương tri của dân tộc gửi gắm trong trí tuệ mình


Quý Thanh
http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2011/8/153766.cand