Nguyễn Quang Lập - Ông xuống đường để nói với các trí thức cùng thời, rằng đừng thản nhiên gác liêm sĩ lên xó bếp để vinh thân , đừng cố công chạy chọt nhặt nhạnh đủ các loại danh hiệu để che đậy sự bất tài, hãy xuống đường cùng đồng bào, đừng ngồi nhà nói những lời cao đạo. Nếu bạn đúng là trí thức bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng khi được sống cùng nhân dân, đi cùng nhân dân. Hạnh phúc đó hơn ngàn lần khi bạn có cả mớ hư danh...
Nguyên Ngọc năm nay đã bước sang tuổi tám mươi. Với 11 cuốn sách hơn năm nghìn trang ông viết, cùng với hơn hai nghìn trang ông dịch từ các tác phẩm Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera) và các tác phẩm của Jean-Paul Sartre, Jacques Dournes… Nguyên Ngọc có thể yên tâm gác bút, vui thú tuổi già. Nhưng không. Ông vẫn đi và viết. Nguyên Ngọc là một trường hợp hiếm hoi của văn chương Việt: càng già viết càng hay, càng sâu sắc càng thông tuệ.
Ông không thôi trăn trở về đất nước. Đất nước từ thời Đất nước đứng lên đến thời Đường chúng ta đi đầy gían khổ hy sinh nhưng chưa bao giờ làm ông day dứt như thế này. Từ năm 1965, trong tùy bút Đường chúng ta đi, ông đã cất cao câu hỏi : “Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến vậy không?” Chẳng ngờ đến thế kỉ 21, khi ông đến tuổi tám mươi, câu hỏi ấy vẫn làm ông mất ngủ. Biển Đông đang dậy sóng, biên giới đang nóng lên từng ngày. Trung Quốc, ông hàng xóm khổng lồ, một thời ông đã tin vô cùng về tình hữu nghị, nghĩa anh em trong cái gọi là phe ta, giờ đây đã làm ông vỡ mộng. Trái tim già nua của ông lại sôi lên nỗi đớn đau, uất ức.
Đớn đau uất ức không chỉ vì nước lân bang, chính vì nhìn thấy đồng bào ông bị đánh chết giữa ban ngày, bị đạp vào mặt khi họ xuống đường chỉ để thể hiện lòng yêu nước. Ông giật mỉnh thảng thốt: ” Vụ Nguyễn Chí Đức không hề nhỏ đâu, đặc biệt sau tuyên bố phủi tay của ông Nguyễn Đức Nhanh. Có gì như là dấu hiệu của sự tận cùng.”
Theo Cách mạng từ năm 18 tuổi, năm 1950 ông rời ghế trường trung học chuyên khoa (nay là trung học phổ thông), gia nhập Quân đội, tham gia trọn vẹn hai cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến ngày thắng lợi, ông không thể nhắm mắt làm ngơ trước “dấu hiệu tận cùng” đau buốt ấy. Và thế là Nguyên Ngọc đã xuống đường, sau 9 cuộc biểu tình ông đã không bước ra khỏi ngõ . Bên ông là nhà văn Vũ Ngọc Tiến cũng đã già như ông và người vợ của Cù huy Hà Vũ khổ đau tủi hận.
Ông xuống đường để cùng đồng bào cất cao tiếng thét của một người yêu nước trước những gì “ông bốn tốt” đã làm, cũng là muốn nói với đồng đội của ông, đồng chí của ông, rằng sự nhân nhượng đã chấm dứt, giờ đây hãy biết đứng thẳng lên- ” Người ta lớn bởi vì ngươi quì xuống/ hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên”. Giờ đây nếu ngồi yên cao giọng lý lẽ quanh co lại càng chứng tỏ điều này: sự bạc nhược đớn hèn.
Ông xuống đường để nhìn tận mặt những điệu cười khẩy của những ai gọi những người biểu tình là một lũ điên; để nói với những nhà văn cùng thời, rằng đừng ngồi phòng lạnh uống rượu Tây rồi vỗ tay hoan hô dân chúng biểu tình, còn bảo xuống đường thì có các vàng cũng không dám. Đừng làm thế, bởi vì đó không phải thái độ của nhà văn, càng không phải chính kiến của nhà văn đích thực.
Ông xuống đường để nói với các trí thức cùng thời, rằng đừng thản nhiên gác liêm sĩ lên xó bếp để vinh thân , đừng cố công chạy chọt nhặt nhạnh đủ các loại danh hiệu để che đậy sự bất tài, hãy xuống đường cùng đồng bào, đừng ngồi nhà nói những lời cao đạo. Nếu bạn đúng là trí thức bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng khi được sống cùng nhân dân, đi cùng nhân dân. Hạnh phúc đó hơn ngàn lần khi bạn có cả mớ hư danh.
Mình không biết Nguyên Ngọc có nghĩ như vậy không khi ông xuống đường. Nhưng nhìn dáng ông thấp bé lẫn trong đám đông, hình như không ai biết ông, không ai quan tâm đến ông… mình biết chắc chắn ngày hôm nay (14/8) Nguyên Ngọc rất hạnh phúc, hạnh phúc của một người biết mình là ai, có ai bên mình. Chỉ có nhà văn đích thực, một trí thức đích thực mới cảm nhận được hạnh phúc đó mà thôi.
No comments:
Post a Comment