Trở Về Trang chính

Saturday, August 13, 2011

Khi nào mới có dân chủ?

Nguyễn Hưng Quốc
-

Không hiếm người, để bảo vệ cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay và để chống lại các phong trào tranh đấu đòi hỏi dân chủ, đưa ra lập luận: Một, đồng ý dân chủ là tốt và cần thiết; hai, mỗi nước, trong những hoàn cảnh nhất định, có những con đường đi đến dân chủ khác nhau, bởi vậy, không thể dùng một mô hình dân chủ nhất định nào đó, kể cả ở những quốc gia được xem là tiến bộ và dân chủ nhất, để áp đặt lên các nước khác; và ba, riêng ở Việt Nam, quá trình dân chủ hóa cần được tiến hành một cách cẩn thận, từng bước, từng bước một, để tránh gây nên hỗn loạn, ảnh hưởng không những đến đà phát triển kinh tế mà còn đến toàn bộ đời sống của dân chúng, thậm chí, tương lai của đất nước.

Xin nói ngay, những lập luận như vậy không phải chỉ thấy ở Việt Nam. Hầu như bất cứ nước độc tài nào cũng nói thế. Từ châu Phi đến châu Á. Từ các nước Hồi giáo ở Trung Đông đến các nước cộng sản cuối cùng còn lại trên thế giới. Ở đâu cũng có một lập luận giống nhau: dân chủ hóa quá nhanh chỉ dẫn đến khủng hoảng trên mọi mặt, và cuối cùng, một nền độc tài có khi còn tàn bạo hơn.

Một điều khác cũng cần được nhấn mạnh là những lập luận như thế không phải chỉ được đề xuất bởi nhà cầm quyền, những kẻ muốn tiếp tục duy trì quyền lực và những tham vọng cá nhân vô giới hạn của mình mà còn được ủng hộ bởi một số học giả độc lập và có rất nhiều thiện chí. Viết thế, tôi nghĩ, trước hết, đến Bernard Lewis, một học giả Hồi giáo nổi tiếng. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ The Jerusalem Post ngày 25 tháng 2 năm 2011, nhân các vụ dân chúng xuống đường ào ạt đòi hỏi dân chủ ở Tunisia, ông nhấn mạnh: dân chúng ở các nước Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi chưa sẵn sàng cho một chế độ dân chủ theo nghĩa là một chế độ được xây dựng trên các cuộc bầu cử tự do. Ông nêu lên hai lý do. Một lý do thuộc về lịch sử: trên thế giới, không hiếm trường hợp các cuộc bầu cử như vậy chỉ dẫn đến sự ra đời của bạo chúa. Bằng chứng đầu tiên là Hitler, kẻ lên cầm quyền nhờ một cuộc bầu cử tự do và công bình ở Đức vào năm 1932. Bằng chứng thứ hai là cuộc bầu cử khác, cũng rất tự do và công bình, ở Turkey năm 1950, cũng dẫn đến sự ra đời của chế độ độc tài Adnan Menderes hết sức khắc nghiệt. Một lý do khác thuộc về thực tế: ở phần lớn các quốc gia Hồi giáo hiện nay, nếu có bầu cử tự do và công bình, những kẻ có nhiều khả năng chiến thắng nhất là các nhóm Hồi giáo cực đoan vốn được tổ chức một cách chặt chẽ nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất trong dân chúng.

Về lý mà nói, những lập luận ở trên không có gì sai cả. Không có gì hoang tưởng cho bằng việc đòi Việt Nam – hay bất cứ nước độc tài nào khác – phải dân chủ như là Mỹ, Úc, Pháp hay các nước Âu châu khác. Nền dân chủ ở các quốc gia ấy không phải tự nhiên mà có và cũng không phải nhất thành bất biến. Nó là kết quả của một lịch sử đấu tranh dằng dặc cả mấy trăm năm của dân chúng ở các nước ấy. Nó cũng là kết quả của những tương tác từ bao nhiêu yếu tố khác nhau, từ chính trị đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhiều yếu tố trong đó nếu không vắng mặt thì cũng què quặt ở Việt Nam. Có thể ví dân chủ như một giống cây. Mang từ miền này đến miền khác, nó cần đất đai, khí hậu, sự chăm sóc và cả thời gian nữa. Để thích nghi. Và để phát triển. Dân chủ không phải là chiếc xe ngoại cứ việc nhập về giờ trước là giờ sau đã có thể chạy bon bon trên đường phố được ngay.

Không sai về lý thuyết nhưng cái “dụng” của những lập luận như trên thì lại rất khác nhau. Trong khi một số học giả chỉ chứng minh cái khó của quá trình dân chủ hóa, các nhà độc tài lại muốn nhấn mạnh đến tính bất khả của nó. Trong khi các học giả muốn tìm kiếm những biện pháp dân chủ khác hữu hiệu hơn là việc tranh đấu cho các cuộc bầu cử tự do và bình đẳng, các nhà độc tài lại muốn gạt bỏ mọi nỗ lực dân chủ hóa để tiếp tục duy trì quyền bính và quyền lợi của mình.

Xin lấy Việt Nam làm ví dụ.

Giới cầm quyền lúc nào cũng rêu rao: nếu dân chủ tức khắc, Việt Nam sẽ hỗn loạn ngay. Kết luận: để tránh hỗn loạn, Việt Nam cần độc đảng và độc tài.

Nhưng lập luận như thế thì lại sa vào ngụy biện.

Thứ nhất, có chắc là Việt Nam sẽ hỗn loạn nếu có dân chủ ngay tức khắc? Đó chỉ là một giả thuyết. Sử dụng một giả thuyết để chứng minh, trong trường hợp này, chỉ là một sự hù dọa.

Thứ hai, liệu một sự hỗn loạn có đáng sợ bằng sự độc tài? Việt Nam thường nêu những hỗn loạn tại Thái Lan trong mấy năm vừa qua để khủng bố tinh thần dân chúng. Nhưng hầu như ai cũng thấy những cái gọi là hỗn loạn ở Thái Lan không có gì đáng sợ so với tất cả những gì người dân nước ấy có được. Biểu tình ư? Đình công ư? Một số trường hợp bạo động ư? Nhưng kinh tế Thái Lan vẫn phát triển tốt; xã hội Thái Lan nói chung vẫn yên bình; tính chất dân chủ trong sinh hoạt chính trị Thái Lan vẫn được bảo đảm dù với một mức độ rất “Á châu”.

Thứ ba, nếu việc dân chủ hóa hàm chứa nguy cơ hỗn loạn thì vấn đề là phải tìm cách loại trừ, giảm thiểu và khắc phục các nguy cơ ấy chứ không phải là từ chối dân chủ. Những cách thức như vậy khá nhiều. Trong số đó, cụ thể nhất là xây dựng dần dần các cơ chế dân chủ và vun trồng một nền văn hóa dân chủ. Không có những sự chuẩn bị như thế, tất cả mọi sự hứa hẹn đều chỉ là những sự lừa dối.

Ở Việt Nam hiện nay, đã có bất cứ nỗ lực nào nhằm thực hiện những điều đó? Tôi e là không. Tất cả những gì giới cầm quyền đang làm và muốn làm là cố gắng làm thui chột văn hóa dân chủ và trì hoãn việc xây dựng các cơ chế dân chủ.

Để người Việt Nam vĩnh viễn không bao giờ sẵn sàng cho dân chủ cả.

No comments:

Post a Comment