Trở Về Trang chính

Monday, August 22, 2011

Hoài Vọng Bạch Đằng Giang

Minh Văn

Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, hễ có sự xâm lăng bờ cõi của giặc phương Bắc thì lại có anh hùng hào kiệt nổi lên chống lại, thời nào cũng vậy. Dân tộc Việt chúng ta tự hào về điều đó.
Nay giặc ngoại xâm phương bắc lại xâm chiếm bờ cõi, chiếm biển đảo và gặm nhấm đất liền của tổ quốc. Giặc ngang nhiên bắt bớ và bắn giết ngư dân nước Việt mà nhà nước không làm được gì để bảo vệ lãnh thổ và người dân của mình. Giới cầm quyền trong nước không có một Ngô Quyền anh dũng mà chỉ thấy toàn lũ Việt gian bán nước Kiều Công Tiễn, một lòng cấu kết với nhau dâng Biển Đông cho giặc. Đã vậy còn nhẫn tâm đàn áp nhân dân mình biểu tình phản đối quân xâm lược. Ngày xưa tinh thần chống ngoại xâm của tiền nhân ta khôn ngoan, dũng mãnh biết bao!
Sử ghi rằng: nhận được lời cầu cứu của Kiều Công Tiễn, Lưu Cung bèn chụp ngay cơ hội tốt, phong con là Vạn Thắng Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ, và mang quân sang đánh cướp nước ta. Lưu Cung cũng tự mình đem một cánh quân khác đến đóng ở Hải Môn để tiếp viện và chờ dịp tiến sâu vào nội địa. Vua Hán say sưa ôm mộng chiếm nước Việt một cách dễ dàng với đội quân hùng hậu của mình.
Hoằng Tháo chỉ huy thủy quân và được lệnh cho đoàn chiến thuyền hùng hổ tiến vào cửa sông Bạch Đằng.
Lúc bấy giờ, Ngô Quyền được sự ủng hộ của nhân dân một lòng quyết đánh quân ngoại bang xâm lược. Tin quân Hoằng Tháo tiến vào phía sông Bạch Đằng tới tấp được báo về. Ngô Quyền bình tĩnh, tự tin nói với các tướng tá: “Hoằng Tháo mang quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt; quân ta sức còn mạnh địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Song họ có lợi ở thuyền lớn, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vát nhọn đầu mà bịt sắt. Thuyền của họ nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả”.
Vì được nhân dân ủng hộ, lệnh của Ngô Quyền vừa ban ra, nhân dân lập tức dồn lại thực hiện. Chẳng bao lâu cọc gỗ bịt sắt nhọn được chở về đầy sông và cắm chặt xuống lòng sông Bạch Đằng. Công cuộc chuẩn bị kháng chiến vừa xong thì chiến thuyền của giặc cũng vừa đến. Bấy giờ là mùa đông năm 938, một thời điểm mà sẽ mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt chúng ta.
Nước triều từ từ dâng, chiến thuyền của giặc ồ ạt kéo từ biển vào cửa sông Bạch Đằng. Thực hiện kế hoạch đã định, một số chiến thuyền nhẹ của ta lao về phía giặc đánh bên trái, phá bên phải. Giặc đánh trả rất mạnh, thuyền của ta giả cách thua, rủ nhau tháo chạy. Giặc được thế hô quân đuổi gấp, kéo thuyền qua hàng cọc mà không hề hay biết. Nước bắt đầu rút, giờ quyết định đã đến. Ngô Quyền tự chỉ huy đại quân đổ ra từ 3 phía, đánh giết dữ dội. Chiến thuyền giặc hốt hoảng tán loạn, mất cả đội hình. Chủ tướng Hoằng Tháo cũng mất bình tĩnh. Giữa lúc đó thì cọc bịt sắt nhô lên khỏi mặt nước. Chiến thuyền to lớn, nặng nề của giặc và chạm vào nhau bị lật úp và đắm xuống nước. Những chiếc tháo chạy bị va vào cọc, bị nước cuộn xuống đáy sông hay vỡ ra từng mảng. Giặc càng hốt hoảng, thuyền bị đắm càng nhiều. Quân giặc chết đuối quá nửa. Một số chiến thuyền thoát được, đua nhau chạy nhanh về nước. Cuộc tiến quân bằng đường thủy của quân Nam Hán bị đánh tan tành. Vạn Thắng Vương Hoằng Tháo không những không nhất thắng mà còn bị giết ngay trong trận.
Tin thua lớn báo đến tai Lưu Cung. Y khóc lóc thảm thiết, bỏ mộng xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi.
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nhà sử học Ngô Thời Sĩ (thế kỷ 18) cho rằng: “Thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào uy thanh lẫm liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng là vũ công cao cả, vang dội đến ngìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu!”. Chiến thắng này còn có ý nghĩa vạch thời đại, hoàn toàn chấm dứt thời kỳ bị đô hộ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc lâu dài.
Lịch sử Việt Nam chúng ta thời nào cũng oai hùng lẫm liệt, chưa bao giờ chịu khuất phục ngoại bang. Vậy mà ngày nay sinh ra một tập đoàn bán nước hèn hạ, ru rú bám giữ lấy quyền lực mà làm ngơ với an nguy của tổ quốc. Hiểm ác đối với dân mình nhưng lại hèn hạ với giặc ngoại xâm. Họ nhẫn tâm dâng một phần lãnh thổ cho giặc mà tiền nhân đã đổ biết bao xương máu để gây dựng.
Chỉ có nhân dân là vẫn như xưa, lòng yêu nước chưa bao giờ phai nhạt mà còn mạnh mẽ theo thời gian. Người dân cùng nhau xuống đường phản đối quân xâm lược, đòi chính quyền phải ra tay bảo vệ lãnh thổ quê hương. Tiếc thay, chính quyền bây giờ toàn là bọn Thái Thú hèn hạn thời hiện đại, không những không bảo vệ lãnh thổ mà còn nghe theo giặc đàn áp nhân dân mình. Dù bị đàn áp từ phía những kẻ cầm quyền cùng dân tộc, nhưng người dân Việt vẫn kiên gan biểu tình phản đối ngoại xâm, quyết đòi cho được chân lý. Hồn thiêng sông núi hãy về đây cùng nhân dân chống lại quân xâm lược. Đâu rồi Ngô Vương Quyền anh hùng đảm lược, quyết một lòng lãnh đạo nhân dân chống giặc, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng? Hỡi hồn thiêng nước Việt, hãy về đây! Hỡi quân xâm lược, hãy nhớ lấy bài học trận chiến Bạch Đằng năm xưa!
Nhìn Bạch Đằng Giang dậy sóng, những cuộn sóng thủa nào đã dìm quân xâm lược ngông cuồng xuống đáy sâu, lòng bồi hồi xúc động. Nghe như đâu đây tiếng giáo gươm và tiếng quân reo hò dậy đất từ ngàn xưa vọng về, oai hùng và sống động. Ngẫm thế sự ngày nay mà lòng không khỏi hoài vọng, tiếc nuối đến những ngày xa xưa:
“Bạch Đằng còn đó trơ trơ
Mà người năm cũ bây giờ nơi nao?”

No comments:

Post a Comment