Trở Về Trang chính

Tuesday, August 2, 2011

Hoa Kỳ lại có nguy cơ lâm vào suy thoái

Tỷ giá trao đổi hối đoái tại Tokyo, 1/8/2011, sau khi tổng thống Mỹ Obama nói lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thỏa thuận được về trần nợ công.

Tỷ giá trao đổi hối đoái tại Tokyo, 1/8/2011, sau khi tổng thống Mỹ Obama nói lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thỏa thuận được về trần nợ công.
REUTERS/Yuriko Nakao

Trong khi Mỹ đang bị đe dọa vỡ nợ công, các số liệu tăng trưởng vừa được công bố lại làm cho tình hình thêm u ám. Theo dòng thời sự, Le Monde dành bài phân tích sự việc này với dòng tít cảnh báo : « Bóng ma suy thoái đang ngấp nghé trở lại Hoa Kỳ ».

Tờ báo ví von tình hình hiện tại ở Hoa Kỳ giống như trạng thái một đường ống bị bóp nghẹt hai đầu : một bên là sự ách tắc về mặt thể chế và một bên là những con số tăng trưởng đầy thất vọng. Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế đồng ý với giả thuyết cho rằng : lòng tin về khả năng nước Mỹ sẽ có thể duy trì được vai trò là nhân tố chủ chốt của thị trường thế giới và vai trò của nước nắm giữ loại hối đối chính trong các giao dịch mậu dịch trên thế giới, sẽ bị lung lay.

Nói về tăng trưởng, tình hình rất u ám. Các chuyên gia dự kiến mức 1,8% ở quý hai, thế nhưng theo số liệu công bố hôm thứ Sáu, con số này chỉ có 1,3%. Hồi quí một, tỷ lệ được dự báo lúc đầu đến 1,9%, nhưng sau đó lại được chỉnh xuống còn có 0,4%, tức thấp hơn khoảng 5 lần. Sự điều chỉnh quá mức này gây lo ngại cho giới kinh doanh, làm thay đổi đánh giá của các chuyên gia đối với nền kinh tế Mỹ.

Sự chỉnh sửa theo hướng giảm xuống cũng đã từng xảy ra trong ba năm trước đây. Việc đó cho thấy suy thoái đến hiện tại vẫn chưa kết thúc và cho thấy cần thiết xác định lại con đường sắp tới mà nước Mỹ phải trải qua để có thể tìm lại vị thế lãnh đạo kinh tế của mình.

Tỷ lệ tăng trưởng quí một là 0,8%. Trong khi đó, do dân số tăng trưởng, để cho tỷ lệ tăng GDP được xem là « dương » đối với Hoa Kỳ, thì nó phải vượt mức 1%. Như vậy, dù có chấp nhận sử dụng từ « Suy thoái » hay không, thì suy thoái cũng đã diễn ra hồi quí một.

Trong lĩnh vực việc làm, phần đông chuyên gia cho rằng đấy sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ. Thế nhưng, cho đến hiện tại lĩnh vực này vẫn chưa khởi sắc, còn quá nhiều tập đoàn dự định tiếp tục cắt giảm lao động. Tính trung bình, 01 việc làm có đến 05 ứng viên giành nhau.

Trong bối cảnh đó, Le Monde cho hay, nhận định chung nhất của giới chuyên gia là : Hy vọng phục hồi trong quí hai đã tiêu tan, rất khó vượt mức 2% trong giai đoạn sáu tháng cuối năm.

Syria : chính phủ tiếp tục đàn áp, phương Tây lại đánh võ mồm

Đến với tình hình xung đột tai Syria, Liberation có bài nhận định : « Chiến tranh tổng lực tại Syria ».

Tờ báo cho biết, hôm qua, để giành lại quyền kiểm soát, quân đội chính phủ tấn công nhiều thành phố. Tại Hama, thủ phủ của phong trào phản kháng, có ít nhất 100 thường dân thiệt mạng. Ở những thành phố khác cũng có người chết. Tổng số người dân bị sát hại hôm qua lên đến 140 người. Trên trang web của lực lượng nổi dậy chạy dòng chữ « Syria đang tắm máu ».

Thành phố Hama đã bị bao vây hơn một tháng. Hôm qua, quân đội chính phủ tấn công vào thành phố này bằng xe tăng bọc thép và vũ khí hạng nặng. Chính phủ Damas như vậy quyết tâm giành lại quyền kiểm soát bằng mọi giá trước lễ Ramadan chính thức bắt đầu vào hôm nay.Theo một trí thức dấu tên của Syria, vì trong thời gia lễ Ramadan, ngày nào cũng được xem như ngày thứ sáu, ngày cầu nguyện hàng tuần mà ở đó phe nổi dậy sẽ lên tiếng mạnh mẽ nhất.

Liberation cho biết, cuộc tấn công đàn áp hôm qua như thêm dầu vào lửa. Người biểu tình đã bày tỏ quyết tâm sẽ tiếp tục hành động. Các cuộc biểu tình trả thù cũng đã được dự kiến vào mỗi tối ngay sau lễ cầu nguyện đêm trong tháng Ramadan.

Trên phương diện ngoại giao, hành động trấn áp này lại càng làm xấu thêm hình ảnh của của chính phủ Damas. Đại diện tòa đại sứ Mỹ tại Syria phẫn nộ cho biết : « Chính phủ Syria giết dân của họ, dùng xe tăng tấn công thành phố của nước họ, thật là phi lí ». Tổng thống Mỹ Obama tối qua cũng cho biết lấy làm « kinh tởm về cuộc đàn áp biểu lộ bản chất của chính phủ Damas ». Ngoại trưởng Pháp ông Alain Jupé nhận định : « Hơn bao giờ hết, nhà cầm quyền Syria phải biết rằng họ sẽ trả giá cho hành động của họ ».

Chính phủ Damas cho biết tiến hành tấn công Hama vì ở đó có những nhóm vũ trang bắn vào dân. Thế nhưng, một nhà ngoại giao Mỹ tại Syria bác bỏ lí lẽ này và cho hay : « Chỉ có một băng nhóm vũ trang lớn ở Syria, đó là chính phủ Damas. Băng nhóm này đang cướp phá các thành phố của chính họ, đang gieo rắc kinh hoàng cho những người mong muốn đấu tranh một cách hòa bình ».

Mùa xuân Ả Rập chưa đạt được kết quả như mong muốn

Bảy tháng đã trôi qua kể từ lúc bắt đầu mùa xuân Ả Rập, thế nhưng tình hình hiện tại ở những nước có liên quan vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể. Đó là nhận định của nhật báo cộng sản L’Humanité qua bài viết : « Một mùa xuân chưa kết thúc ».

Đầu tiên chúng ta đến với một số nước bị cuốn vào mùa xuân Ả Rập như Syria, Libya, Yemen, Barein, Jordania và Maroc. Theo L’Humanité, do hoàn cảnh lịch sử xã hội đặc thù của mỗi nước, nên cách thức vận hành của các phong trào nổi dậy cũng khác nhau. Tuy thế, nhìn chung, đến hiện tại tình hình vẫn không tiến triển gì cho lắm.

Tình hình tại Syria ngày một rầm trọng, chính phủ dù chấp nhận đôi chút cải cách, nhưng đàn áp vẫn tiếp diễn. Chỉ mới hôm qua, riêng thành phố Hama đã có khoảng 100 người dân bị quân đội chính phủ sát hại. Cuộc chiến ở Libya với sự can thiệp của phương Tây đang bị sa lầy. Quân đội Ả Rập Xê Út được sự hậu thuẫn của Washington đã can thiệp vào Barein để bảo vệ chính phủ độc tài đương nhiệm. Sự hé mở cho nền dân chủ ở Maroc vẫn mới như muối bỏ biển …

Ở Tunisia, nước khởi nguồn mùa xuân Ả Rập, đã có một vài bước tiến đáng kể. Nhiều kế hoạch cải cách đã được thông qua, trong đó có một thỏa thuận về nền cộng hòa. Hơn nữa, vụ án xét xử Ben Ali và phe phái của ông ta vẫn tiếp tục, nhiều bản án đã được tuyên.

Bên cạnh những tiến bộ đó, do kinh tế khủng hoảng, do thiếu sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các lực lượng phản cách mạng có điều kiện trỗi dậy và tổ chức các vụ xung đột bạo lực, đến mức mà cuộc cách mạng bị đe dọa, và người dân lại phải xuống đường để bảo vệ cách mạng.

Tình hình ở Ai Cập có vẻ bi quan hơn. Đến hiện tại các đạo luật bị cách mạng cho là « bóp nghẹt tự do » vẫn còn tồn tại. Hôm 23/3, một đạo luật cấm đình công lại được thông qua. Tuy một vài quan chức chính phủ cũ bị cách chức, nhưng chính phủ chuyển tiếp vẫn chần chừ trong việc xét xử ông Moubarak.

Châu Á phát hành trái phiếu lạm phát

Liên quan đến kinh tế Châu Á, Les Echos cho hay : gần đây loại thị trường trái phiếu gắn liền với các chỉ số lạm phát đã khởi sắc tại một số nước Châu Á, nhất là ở Thái Lan.

Với tỷ lệ lạm phát cao hơn 4%, các nước Châu Á có vẻ thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu đi vay nợ nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư không bị tác hại bởi lạm phát.

Hàn Quốc cũng đã lao vào thị trường này. Với tỷ lệ lạm phát 5,6%, Hồng Kong đã cho phát hành trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát với thời hạn là 3 năm và dành cho giới tư nhân.

Hồi tháng 7, Thái Lan đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm gắn với chỉ số giá tiêu thụ với mức khoảng 1 tỷ euro. Một chuyên gia nhận định : « Như vậy, chỉ với một biện pháp đó, Thái Lan đã thực hiện được 5% chương trình tài chính của năm ». Chuyên gia này cũng cho biết : « Khi một nước phát hành loại trái phiếu như vậy, đó là một thông điệp đảm bảo tín nhiệm đối với khả năng kiểm soát được lạm phát của ngân hàng trung ương ».

Sắp tới Thái Lan có thể tiếp tục phát triển lĩnh vực này bằng việc cho phát hành trái phiếu với nhiều thời hạn khác. Les Echos cũng đăng số liệu mới nhất về tỷ lệ lạm phát tại ở một số nước Châu Á, trong đó thấp nhất là Đài Loan với mức 1,93%, cao nhất là Việt Nam với mức 22,2%. Còn các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Philippine thì giao động trong khoảng từ gần 4% đến hơn 8%.

Người Hồi Giáo tại Pháp sùng đạo hơn xưa

Tháng chay Ramadan của người Hội Giáo chính thức bắt đầu từ hôm nay. Nhân đó, nhật báo Công Giáo La Croix đăng tải kết quả điều tra của tổ chức IFOP về người Hồi Giáo ở Pháp.

Theo Ifop, hiện tại , có đến 71% người theo đạo Hồi tại Pháp cho biết sẽ tuân thủ nghiêm chỉnh qui tắc của tháng Ramadan từ đầu đến cuối tháng. Thanh niên từ 18-24 tuổi và những người trên 55 tuổi là hai lứa tuổi năng động nhất, đến 73% lượng người tham gia. So với năm 1989, số người cho biết sẽ hành lễ Ramadan tăng đến 10 điểm.
Việc đến thánh đường cầu nguyện đều đặn vào thứ sáu trong tuần cũng tăng lên : năm 1989 chỉ có 16%, năm 2011 là 25%. Sự gia tăng này mạnh nhất đối với tuổi trẻ. Còn về giới tính, thì theo điều tra, có đến 84% phụ nữ cho biết không đến thánh đường vào thứ Sáu.

Hiện tại ở Pháp có 3,5 triệu tín đồ Hồi Giáo. Cộng đồng này đã cắm rễ sâu vào xã hội Pháp. Đa số họ là tuổi trẻ : 62% dưới 35 tuổi, trong khi toàn dân Pháp là 29% . Thành phần xã hội nghề nghiệp của họ cũng đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là công nhân chiếm đến 33% dân Hồi Giáo.

Họ cũng khá quan tâm đến chính trị. Trong cuộc thảo luận về luật thế tục, về khăn trùm Hồi Giáo hay về bản sắc dân tộc Pháp vừa qua tại Pháp, họ cũng đã thể hiện được dấu ấn của mình. Theo Ifop, năm 2009, chỉ trong vòng một tháng kể từ lúc bắt đầu cuộc thảo luận, chỉ số tín nhiệm của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đối với người Hồi Giáo tại Pháp đã giảm từ 27% xuống còn 17%.

Trang nhất các báo Pháp ngày 01/8/2011

Le Monde, Liberation, Le Figaro, Les Echos đều dành trang nhất cho chủ đề nợ công tại Hoa Kỳ. Các tờ báo tập trung phân tích tình hình khó khăn hiện tại của nền kinh tế Mỹ và việc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang « kéo co » tại lưỡng viện quốc hội về việc nâng trần nợ công do chính phủ đề nghị.

Đáng chú ý là trong khi Le Monde có vẻ bi quan khi đưa ra số liệu chứng minh khả năng tái suy thoái của nền kinh tế Mỹ, thì Les Echos có vẻ lạc quan hơn khi nhận định, tổng thống Obama có thể đạt được thỏa thuận với đảng Cộng Hòa hiện đang chiếm đa số tại Hạ Viện, và từ đó có thể thấy, viễn cảnh vỡ nợ đang xa dần.

No comments:

Post a Comment