Đỗ Hiếu (RFA) - Gần đây giới tiêu dùng tại Việt Nam cho hay đã có vô số khách hàng bị lừa vì mua nhằm hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Viet Nam”. Một sản phẩm nhập lậu từ nước láng giềng khổng lồ này sẽ kiếm lời lớn, khi đính nhãn hiệu “làm tại Việt Nam” vào, để gạt gẩm những người mua sơ ý.
Những sản phẩm xuất khẩu đều được gắn mảnh vải nhỏ “Made in Vietnam” mà ai cũng có thể tìm mua dễ dàng, tương tự như các hình thêu hàng hiệu nổi tiếng như “Cá Sấu”, “Jean Lewis”, “Louis Vuitton” hay “Versace” mà thực tế toàn là đồ giả, hàng nhái; chính vì thế mà các gian thương mua hàng từ Hoa Lục mang về Việt Nam, gắn mác vào, dễ tạo sự tin tưởng đối với khách hàng.
Ham lợi, gạt gẩm khách hàng
Trên thị trường Âu Mỹ, thời gian gần đây, hàng hóa do Việt Nam sản xuất được tiếng là rẻ, đẹp, bền, nhờ sự khéo tay và sáng tạo của chuyên viên, doanh nghiệp và công nhân Việt Nam. Lợi dụng yếu tố đó, các con buôn cho trà trộn sản phẩm đủ loại nhập từ Trung Quốc với giá rẻ, gắn hiệu “Made in Viet Nam” vào, rồi tung ra thị trường thu lợi gấp nhiều lần.
Một quần hay áo do Việt Nam sản xuất thật sự, nếu được bán ra với giá 200 ngàn đồng, thì hàng nhái trông bề ngoài y như vậy, làm bên Trung Quốc, chỉ mong bán được chừng 100 ngàn đồng với mác “Made in China”, nhưng một khi đính nhãn “Made in Viet Nam” thì được tính với giá gấp mấy lần.
Theo giải thích của chủ nhân các cửa hàng có bày bán sản phẩm của Trung Quốc, thì giới tiêu thụ vẫn tin rằng nên ủng hộ chủ trương người Việt dùng hàng Việt, vì hàng Việt rất tốt, an toàn so với hàng Trung Quốc, bị xem là “đồ mã” chỉ dùng được ba, bảy, hai mươi mốt ngày là vào sọt rác. Bán hàng Trung Quốc ngụy tạo thành hàng Việt Nam, con buôn sẽ kiếm được tiền lời gấp 3 hay 4 lần.
Ảnh hưởng hàng hóa, kinh tế VN
Trước tình trạng hư thực như thế khiến người tiêu dùng đâm ra nghi ngờ, mất niềm tin vào hàng hóa “Made in Viet Nam” vì không thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng dỏm, hàng “đội lốt”.
Từ Saigon, chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước mạnh mẽ phê phán hành vi gian lận thương mại này, gây tác hại đến kinh tế và ngành xuất khẩu của Việt Nam:
“Đúng là tình hình hiện nay có nhiều phức tạp tại vì nếu lấy hàng đề Made in Vietnam nhiều khi có vấn đề hạn ngạch xuất đi, điều đó không thuận lợi gì cho Việt Nam cả. Theo tôi, đây là hành động mà mình khó chấp nhận, vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, về mặt nào đó cũng xâm hại đến chủ quyền của mình, hàng xuất khẩu phải ghi “Made in Viet Nam”, hàng của họ (Trung Quốc) làm như vậy thì chất lượng không tốt, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.”
Cần triệt để bài trừ.
Theo ông thì hàng hóa Trung Quốc giả hiệu này còn mang một nguy cơ tiềm ẩn khác:
“Dĩ nhiên là chánh quyền phải quan tâm đến vấn đề này, hiện nay thì chánh phủ mới vừa hình thành sẽ có biện pháp, vì đây không phải là lần đầu tiên họ làm chuyện này, mình phải cảnh giác đối với các hành động mang tính chất chính trị hơn là kinh tế.”
Một người tiêu dùng cũng cho đây là một hành vi cần phải được nhà nước triệt để bài trừ:
“Cơ quan chức trách tức là nhà nước cần phải ngăn chặn chuyện đó, đừng để xảy ra, mình không thể ngăn cấm hàng Trung Quốc, cho họ nhập nhưng với điều kiện là phải để mác Trung Quốc đàng hoàng, phải triệt để kiểm soát như thế nào đó, đừng để hàng Trung Quốc làm nhái hàng Việt Nam, đừng để họ trà trộn, đem những hàng đó qua biên giới nước mình, dùng nhãn kiệu đó để lũng đoạn nền kinh tế của mình.”
Trong khi đó một tiểu thương thì đặt nghi vấn là biết đâu có thế lực nào đó đứng đằng sau những vụ hàng nhái, hàng dỏm, sản xuất bên Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam vào, để kiếm lời bất chính:
“Vấn đề đó báo chí Việt Nam cũng đã lên tiếng, mới cập nhựt thông tin, thấy chính xác, cái người chống tham nhũng, kêu gọi chống tham nhũng, ngược lại chính người đó tham nhũng thì có chống được hết hay không?
Thứ hai nữa, nói thì nói, mà làm thì cứ làm, chỉ có đồng tiền là trên hết, không còn gì để nói, gian lận thương mại, hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, mục đích là tiền thôi.
Ví dụ ở trong một khu vực nhỏ thôi, anh là chánh quyền thì ai làm gì anh cũng biết, chứ đừng nói chi chuyện lớn, khi chuyện đó quá mức thì mới đưa lên, bên nầy, triệt bên kia, mới đưa lên, tại sao để chuyện đã rồi, mới la, la để cho có la, vô tác dụng, phải chi chống từ đầu, đã bùng phát thành dịch rồi thì chả có tác dụng gì.”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói, nếu trong các cửa hàng Made in Viet Nam mà bán sản phẩm không phải của Việt Nam, nhưng lại gắn mác đó vào thì đó là hàng nhái, bị xem như một hành động vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý. Quyền của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin chính xác, trước những hành vi lừa đảo đó, khách hàng bị gạt có quyền khiếu nại với Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, phó Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà buôn bán lẻ cũng cho rằng đây là hành vi bán hàng không lương thiện, gạt gẩm khách hàng. Lên tiếng với VN Express, bà nhấn mạnh là có hai cách giải quyết, trước tiên là trực tiếp góp ý với chủ nhân những gian hàng đó, trong trường hợp họ không giải quyết thì có thể gởi kiến nghị về Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Qua một số ý kiến khác thì nói rằng, sở dĩ con buôn phải tìm cách lường gạt khách hàng, vì từ trên hai tháng qua khi bắt đầu nổ ra những cuộc biểu tình thường xuyên của người dân Hà Nội và Saigon để chống Bắc Kinh xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, phản đối thái độ khiêu khích của Phương Bắc thì phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc cũng được phát động, khiến việc làm ăn bị thua thiệt nên các shop phải nghĩ ra kế “trà trộn, nhập nhằng”.
No comments:
Post a Comment