Trở Về Trang chính

Wednesday, August 24, 2011

Giấu giếm với đảng viên

Xích Tử
-

Tuần qua, các chi bộ đảng Cộng sản Việt Nam nhận được một văn bản dài 12 trang, có in tiêu ngữ Ban Tuyên giáo trung ương thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng, ghi ngày 26.8/2011, thuộc loại văn bản MẬT.

Văn bản mở đầu với cách đề dẫn về mối quan hệ Việt Trung 61 năm qua với những thăng trầm; trong đó, trước 1975 là hữu hảo, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”; sau 1975 xấu đi nhanh chóng. Tiếp đó là những thông tin về quan hệ kinh tế (thương mại, đầu tư từ 1991 đến nay).

Vào phần I, văn bản tiếp tục với đề mục “Những hoạt động của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông”, chỉ đề cập đến những biểu hiện và hoạt động khiêu khích, gây hấn, phá hoại, bắt bớ khủng bố ngư dân Việt Nam trên biển cùng những hoạt động lập pháp, tăng cường lực lượng để bành trướng chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc. Các sự kiện từ Tuyên bố 4/9/1958 đến việc đánh chiếm Hoàng Sa 1/1974, chiếm một phần Trường Sa từ 1976 đến 1988 không hề được nói đến.

Điều này trái với cách tiếp cận và trình bày ở phần III, khi nói đến “Những việc ta đã làm…” thì lại có nói đến những hoạt động từ tháng 4/1975; trong đó có chi tiết tiếp quản 5 đảo ở Trường Sa từ chính quyền VNCH (trong văn bản gọi là “quân đội Sài Gòn quản lý”), sau đó mở rộng đến 21 đảo vào năm 1990. Con số 5 đảo mâu thuẫn với 6 đảo trong một tài liệu tuyên giáo khác; ngay cả con số 21 cũng chẳng lấy gì chắc chắn so với các tài liệu từ các nguồn khác.

Phần còn lại của văn bản tập trung nói lên sự khôn khéo và thắng lợi của chúng ta trên mặt trận ngoại giao trong quan hệ song phương và đa phương, khu vực và thế giới, việc tham gia tích cực và có hiệu quả các diễn đàn, hội thảo, việc tăng cường lực lượng vũ trang. Tất cả chứng tỏ trước hết sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phần còn lại là của nhân dân, trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở đó, tài liệu dự báo tình hình tương lai và khẳng định các chủ trương, trong đó nhấn mạnh “phấn đấu không để xảy ra xung đột vũ trang”, tránh “làm đổ vỡ quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc”, “tránh để rơi vào thế đối đầu trực tiếp về quân sự”.

Với mấy dòng sơ lược trên, có thể thấy một văn bản của Trung Ương được truyền đạt đến 3.750.000 đảng viên, dù chuẩn bị cả mấy năm, đã không minh bạch và có nhiều bất cập về đối sách, thiếu chính xác trong thông tin và có nhiều nội dung diễn đạt thiếu tính tuyết phục.

1. Văn bản hoàn toàn không nói gì đến những sự việc xảy ra ở Biển Đông, liên quan đến Biển Đông trong quan hệ Việt – Trung từ 1958 đến 1988 vốn đã diễn ra trong thực tế lịch sử; các tài liệu liên quan đã được công khai hoặc lộ ra trên các trang mạng. Đặc biệt trong đó có Tuyên bố của Trung Quốc vể chủ quyền biển 4/9/1958, Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ Tuyên bố đó ngày 14/9/1958, việc Trung Quốc dùng hải quân đánh chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của VNCH ngày 19/1/1974 mà phía VNDCCH hoàn toàn im lặng, việc Trung Quốc lại dùng vũ lực lấn chiếm thêm một số đảo ở Trường Sa năm 1988 mà số liệt sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam đến nay vẫn chưa được phía nhà nước công khai mặc dù phía Trung Quốc đã đưa lên mạng đoạn video clip ngày 14/3/1988 khiến hàng triệu người Việt Nam, trong đó có đảng viên vô cùng xúc động và căm phẫn.

Những thông tin, tài liệu đó nhiều đảng viên đã biết và bày tỏ thắc mắc, nhưng tài liệu đã cố tình bỏ qua.

Công hàm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng
gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14/9/1958

2. Tài liệu có quá nhiều ý công khai khẳng định lập trường chủ hoà. Biện pháp ngoại giao, giải quyết qua thương lượng, bằng con đường hoà bình, cố gắng giữ môi trường hoà bình là những phương hướng, lập trường đúng về chính trị ngoại giao, cả về chiến lược và thực thi chiến lược, có thể tuyên bố công khai; còn tránh cái này cái khác (đối đầu, xung đột, chiến tranh…) hoặc bình tĩnh, linh hoạt, chủ động, “dĩ nhất biến, ứng vạn biến”, giữ ổn định hoà bình để phát triển kinh tế đất nước v.v…là chuyện chiến thuật, ở trong nhà, đóng cửa dạy nhau. Khi công khai những chủ trương đó ra là lạy ông tôi chủ hoà, sợ chiến tranh (có chắc gì tài liệu này không đến tay phía Trung Quốc).

3. Rất nhiều đảng viên cao cấp đã có kiến nghị bằng văn bản gởi Bộ Ngoại Giao về việc công khai thông tin chuyến đi Bắc Kinh của Đặc phái viên của lãnh đạo Việt Nam – Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đến nay vẫn chưa có kết quả đầy đủ. Tuy nhiên, trong tài liệu thì lại đánh giá đó là thắng lợi. Bộ Ngoại giao, Ban tuyên giáo trung ương có quyền đánh giá như vậy, song việc đưa Bản Tuyên bố chung có nội dung khác nhau giữa Tân Hoa xã và các phương tiện thông tin Việt Nam mà Bộ Ngoại giao không có một thao tác cải chính nào đồng thời với hành động qua con đường ngoại giao vẫn là món nợ với đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam.

4. Tài liệu, khi viết “Việc làm của Trung Quốc trong những năm qua…đã vi phạm nhận thức chung của lãnh đạo hai nước” là một kiểu nói nếu không nguỵ biện thì cũng vụng về. Cách phân hoá lãnh đạo Trung Quốc với phần Trung Quốc còn lại có vẻ hài hước; từ đó tạo nên một ranh giới phân biệt chẳng có chút giá trị chính trị nào cả trong cơ cấu chính trị của cả hai nước là lãnh đạo và phần còn lại – nhân dân, bao gồm cả đảng viên cấp dưới. Không lẽ các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc không hề biết gì về những động thái lập pháp, những hoạt động ngoại giao, những phát ngôn học giả, những hành động gây hấn, khiêu khích, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng có liên quan đến Biển Đông của bộ phận còn lại của Trung Quốc sao? Từ chỗ mù mờ đó, văn bản viết tiếp một câu chẳng có chút logic nào “Nhận thức chung được tôn trọng và tuân thủ thì hoà bình, ổn định trên Biển Đông sẽ được duy trì, tranh chấp giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông sẽ từng bước được giải quyết”. Đây là kiểu suy luận nhân quả giữa con gà và cái trứng.

5. Tương tự, văn bản có quá nhiều câu đoạn trùng lặp, chứng tỏ bút lực của Ban Tuyên giáo quá yếu. Chúng ta có thể tìm rất nhiều chỗ lặp đi lặp lại ý vừa bảo vệ chủ quyền, vừa giữ vững hoà bình ổn định để phát triển đất nước; chủ động, linh hoạt, khôn khéo, khách quan v.v… cùng với câu kết luận biện chứng hơi ngô nghê “Thực tiễn cho thấy, nếu quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tốt đẹp thì các tranh chấp dễ giải quyết; ngược lại sẽ rất khó khăn, thậm chí dẫn đến xung đột đối đầu”. Đã quan hệ tốt đẹp thì làm gì còn tranh chấp (mới) để mà khó hay dễ giải quyết?

6. Liên quan đến Biển Đông, nhiều đảng viên đã có chất vấn, nghi ngờ về việc mất diện tích biển trong việc phân định Vịnh Bắc Bộ, song tài liệu cũng đã tránh hẳn vấn đề này.

Nói chung, một văn bản được truyền đạt trong nội bộ đảng theo chế độ mật như vậy là không đạt yêu cầu. Nó yếu trong chất lượng văn bản, đồng thời vẫn giấu diếm, lừa dối đảng viên trong nhiều vấn đề. Thông tin về các vấn đề đó, ngoài nguồn chính thống, phần lớn người ta đã biết rồi. Do vậy, việc truyền đạt một văn bản không đáp ứng như vậy là sự chế áp thông tin, thiếu công khai và dân chủ trong đảng.

Xích Tử

No comments:

Post a Comment