Sông Kôn - Ông Trương Tấn Sang, sau khi được cử tri bầu làm Đại Biểu Quốc Hội và được Quốc Hội bầu làm Chủ tịch nước, sáng nay, ngày 10/08/2011 ông có buổi tiếp xúc trở lại với cử tri Quận 1 TP Hồ Chí Minh, nơi ông đã ra ứng cử. Và ông đã nói với các cử tri rằng: “Có hai gạch đầu dòng tôi không quên được. Một là các đại biểu trúng cử hứa gì với dân. Hai là người dân muốn gì với Nhà nước và với đại biểu Quốc hội, thì những người đã trúng cử chắc chắn rằng sẽ ghi nhớ và làm cho kỳ được”.
Cái gạch đầu dòng: “Một là các đại biểu trúng cử hứa gì với dân” là ông nói đến lời hứa diệt trừ bầy sâu khi xưa:“Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này”.
Rất hân hoan khi nghe ông nói là làm cho kỳ được, nhưng mà ông làm bằng cách nào đây? Ở một cái cơ chế mà bầy sâu nó bầu ông lên làm chủ tịch thì ông diệt nó bằng cách nào. Chỉ có một cách là ông hãy làm cho nó chuyển biến cái cơ chế đó. Sáng nay có nghe ông nói đến từ CHUYỂN BIẾN: “Còn tình trạng tham nhũng và lãng phí sẽ cố gắng hết sức tạo sự chuyển biến đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”. Nhưng không biết ông cố gắng chuyển biến cái cơ chế hay là chuyển biến cái con người để diệt trừ cái tham nhũng. Chắc chắn là ông sẽ làm chuyển biến cái cơ chế thôi, bởi vì về con người thì Đảng Cộng sản đã là một bầy sâu rồi thì tìm đâu ra người không phải là sâu để mà ông chuyển biến để phòng trừ tham nhũng!?
Tham nhũng, lãng phí, lạm phát, đạo đức suy đồi mà các cử tri sáng nay đã kiến nghị với ông nó cũng từ cái cơ chế mà ra hết. Với cương vị chủ tịch nước ông giải quyết được cái cơ chế thì dân Việt Nam đã mừng lắm rồi, biết ơn ông lắm rồi. Khi chuyển biến được cơ chế rồi thì những cái khác dân sẽ có cách giải quyết ông không phải bận tâm đến nữa. Nếu không chuyển biến được cơ chế thì không bao giờ giải quyết được những vấn đề dân kiến nghị, bỡi lẽ cái Đảng Cộng Sản đã là một bầy sâu rồi chớ đâu có phải một con sâu.
Cái gạch đầu dòng: “Hai là, người dân muốn gì với Nhà Nước và với Đại biểu Quốc Hội”. Điều người dân muốn thì người dân đã tỏ rõ bằng chín cuộc biểu tình rồi. Đó là vấn đề Biển Đảo. Ông nhấn mạnh: “đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan trực tiếp đến công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đúng vậy, có công nghiệp hóa hiện đại hóa thì dân Việt Nam mới đủ mạnh để giữ được Biển Đông, và ngược lại giữ được biển đông thì dân Việt Nam mới có nguồn dầu lửa làm vốn liếng để mà công nghiệp hóa hiện đại hóa. Việc này nó: “liên hệ trực tiếp” và “hết sức hệ trọng” như lời ông nói. Mất Biển đông thì nước Việt Nam mãi mãi là một nước Nông Nghiệp và Đảng cũng chỉ mãi mãi tự hào khoe khoan cái thành tích lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu gạo, cà phê mà thôi.
Cũng trong sáng nay, ông đã nói: “Chúng ta phải giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời phải đảm bảo môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước”. Giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là vấn đề tất yếu của mọi người dân Việt Nam rồi, không ai có thể bàn cãi nữa, nhưng làm việc đó đồng thời phải bảo đảm môi trường hoà bình để xây dựng đất nước thì phải thế nào đây? Ai cũng biết để để tránh một cuộc chiến xảy ra thì phải có một trong hai điều kiện, thứ nhất là một trong hai bên phải có một bên chịu thua, đầu hàng, sợ sệt, theo nịnh bợ. Thứ hai là phải cân bằng lực lượng giữa hai bên. Với điều kiện thứ nhất: chịu thua nịnh bợ thì đảm bảo được môi trường hòa bình để phát triển nhưng không thể nào đảm bảo được độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có điều kiện thứ hai là cân bằng lực lượng giữa hai bên để tránh cuộc chiến. Với điều kiện hiện tại, để cân bằng lực lượng quân sự với Tàu, nước ta không có cách nào khác là tìm kiếm liên minh quân sự với nước khác. Khi cân bằng về lực lượng quân sự, Tàu không dám đánh ta, sẽ không xảy ra chiến tranh, sẽ đảm bảo môi trường hòa bình mà phát triển đất nước.
Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng: giặc Tàu, giặc Mỹ chẳng tin giặc nào. Ý đó không ai cãi. Khi xưa vị chủ Chủ tịch nước đầu tiên cũng biết là: giặc Tưởng, giặc Tây chẳng tin giặc nào nhưng vị chủ tịch nước đã sáng suốt nhận ra giặc nào trước mắt, giặc nào ngàn năm mà đã chấp nhận để cho giặc nào vào nước ta đánh đuổi giặc nào. Câu chuyện sáng suốt của vị chủ tịch nước đầu tiên thì vị chủ tịch nước cuối cùng (xin lỗi ông nhé, ông làm tổng thống oai hơn làm chủ tịch nước đấy ) có thừa để biết.
Nghe những lời ông nói sáng nay với cử tri, nhân dân đã hiểu ra Trương Tấn Sang là người như thế nào rồi. Cầu chúc công việc của ông diễn ra như ý muốn!
Bài đăng trên Vnexpress chiều nay:
Chủ tịch nước: 'Cải cách tiền lương một cách nghiêm túc'
Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 10/8 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, 3 vấn đề lớn của đất nước cần phải giải quyết là lạm phát; tham nhũng, lãng phí và biển đảo.
Ngày 10/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 gồm các ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và ông Hoàng Hữu Phước - Tổng Giám đốc công ty Doanh thương Mỹ Á đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Ảnh: Tá Lâm |
Tại buổi tiếp xúc, ông Huỳnh Công Thành trăn trở trước tình trạng đạo đức xuống cấp của thanh thiếu niên và cần có biện pháp căn cơ. Vị cử tri này lấy dẫn chứng từ một quán bar ngay cạnh nhà, thường xuyên mở cửa đến 2 giờ sáng, thỉnh thoảng lại có tiếng kêu la thất thanh vì đánh nhau.
“Trước cổng quán bar, một anh ôm 2-3 em nũng nịu đến gần sáng. Các cô gái ăn mặc lả lơi rất mất thuần phong mỹ tục. Mà đến người trong ngành cảnh sát cũng đánh nhau như vụ trung úy cơ động ẩu đả với cảnh sát giao thông ở quận Bình Thạnh vừa qua. Các đại biểu Quốc hội cần thảo luận để chấm dứt tình trạng này”, cử tri Thành kiến nghị.
Đồng quan điểm, cử tri Thành Lê (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cho rằng, để chấm dứt tình trạng đạo đức xuống cấp của một số thanh thiếu niên hiện nay cần bắt đầu từ giáo dục. “Giáo dục tốt sẽ sinh ra những đứa trẻ tốt và ngược lại”, ông tri này nói.
Liên quan đến tiền lương, một nữ cử tri bức xúc trước việc giá cả tăng vọt trong khi đồng lương không tăng khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công nhân. “Chính phủ phải có bước đột phá về cải cách tiền lương, không thể để tình trạng lương tăng nhỏ giọt”, nữ cử tri này bức xúc.
Trong buổi tiếp xúc, nhiều kiến nghị và đóng góp ý kiến của cử tri cũng đã được gửi gắm đến Chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội, chống tham nhũng, lãng phí, kiềm chế lạm phát… Ngoài ra, vấn đề biển Đông cũng được các cử tri quan tâm đặc biệt.
Cử tri Huỳnh Công Thành kiến nghị với Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Tá Lâm. |
Chia sẻ những bức xúc, lo ngại của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: “Có hai gạch đầu dòng tôi không quên được. Một là các đại biểu trúng cử hứa gì với dân. Hai là người dân muốn gì với Nhà nước và với đại biểu Quốc hội, thì những người đã trúng cử chắc chắn rằng sẽ ghi nhớ và làm cho kỳ được”.
Theo Chủ tịch, hiện nay 3 vấn đề lớn cần giải quyết là lạm phát; tham nhũng, lãng phí và biển đảo. Đối với việc lạm phát tăng cao và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, Quốc hội sẽ tập trung giải quyết trong một đến hai năm đầu của nhiệm kỳ khóa 13. Còn tình trạng tham nhũng và lãng phí sẽ cố gắng hết sức tạo sự chuyển biến đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Trước bức xúc của cử tri về tình hình biển Đông, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan trực tiếp đến công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta phải giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời phải đảm bảo môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước.
Trả lời bức xúc của cử tri về tiền lương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong khóa 13 này, phải đặt việc sửa đổi, cải cách tiền lương một cách nghiêm túc trước Quốc hội và phải làm dứt khoát.
“Trong tình hình lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay, rõ ràng việc điều chỉnh lương cơ bản, phụ cấp… không theo kịp với cuộc sống. Nếu tư duy cũ mà làm những cái cũ là không thoát ra được chính sách tiền lương hiện nay”, Chủ tịch nước nói.
Tá Lâm
No comments:
Post a Comment