Trở Về Trang chính

Friday, August 26, 2011

Dửng dưng và bất lực

1. Sự dửng dưng đầy nguy cơ

Xin bắt đầu từ chuyện về những “hiệp sĩ bắt cướp” ở TP.HCM, ở Bình Dương… mà gần đây việc anh Nguyễn Tăng Tiên bị xã hội đen trả thù đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Sau những thành tích bắt trộm cướp được báo chí đưa tin, được tặng các loại bằng khen giấy khen… thì đã có người hy sinh, người bị bọn tội phạm trả thù dã man, người thì bị thương tật không đủ sức lao động… Nhìn chung gia cảnh của những “hiệp sĩ” rất khó khăn vì họ là lao động chính trong gia đình. Tương tự “hiệp sĩ bắt cướp”, những người dám nói lên sự thật, đấu tranh chống tiêu cực như thầy giáo Đỗ Việt Khoa, kỹ sư Lê Văn Tạch đã phải chịu nhiều hệ lụy từ việc làm ngay thẳng của mình.

Không thể không tự hỏi, vì sao được nhiều người cảm phục và tôn vinh nhưng những con người đã hành động “mình vì mọi người” lại thường đơn độc trong việc làm dũng cảm của họ? Ai sẽ bảo vệ khi họ bị trả thù? Vì sao họ không có cuộc sống ổn định như họ xứng đáng được có vì những điều thiện họ đã làm cho xã hội?

Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm phải trả lời!

*

Trên các phương tiện truyền thông thường xuyên có tin “tức” về những hành vi xấu, thậm chí là độc ác của những người – bình – thường, những người mà ta không nghĩ rằng họ có thể tranh cướp mấy trái dưa hấu, vài thùng bia khi xe vận tải gặp tai nạn, có thể thản nhiên lấy tiền của người vừa bị bọn cướp “chuyên nghiệp” cướp hụt. Những người mà thấy người bị tai nạn chỉ hiếu kỳ đứng xem mà không hề cứu giúp, hàng ngày chứng kiến cảnh bạo hành gia đình, hành hạ trẻ em… nhưng rồi lại tặc lưỡi bỏ qua… Cũng vậy, hàng ngày ta cũng có thể bắt gặp những con người – trông – bình – thường nhưng sẵn sàng thực hiện hành vi lừa đảo như giả bệnh tật, giả tai nạn, giả người tu hành… lợi dụng lòng từ thiện, lợi dụng lòng tin của người khác để kiếm lợi (và món lợi kiếm được không hề nhỏ). Tham lam từ trái dưa thùng bia, lừa bịp để lấy vài ngàn đồng đến lừa đảo tham nhũng tiền triệu tiền tỷ cũng chỉ một bước chân, có “cơ hội” là điều đó xảy ra, và xã hội mặc nhận như một điều bình thường!

Không thể không tự hỏi, vì sao những con người – bình – thường lại có những suy nghĩ và hành động mà theo chuẩn mực đạo đức thông thường là không thể chấp nhận được?

Câu trả lời vẫn bị bỏ ngỏ, đối với mỗi người, và với mọi người.

*

Những câu hỏi chúng ta luôn đặt ra mỗi ngày rồi cũng luôn bỏ qua. Vì ai cũng cho rằng đó không phải chuyện của bản thân mình, chưa phải là chuyện của người thân, vì đó là chuyện của thiên hạ. Chúng ta ngại không muốn can thiệp vào những việc trái tai gai mắt, ngại phải “dây” vào kẻ xấu vì sẽ gặp phiền phức, khi đó cũng không ai bênh vực mình… Cứ thế, “chủ nghĩa MAKENO” làm cho mọi giá trị đảo lộn, tốt xấu không còn phân biệt, rồi con người trở nên dửng dưng với cái xấu, dửng dưng với lẽ phải, với sự thật! Thật đáng sợ vì sự dửng dưng làm cùn mòn những tình cảm tốt đẹp, làm chai lỳ cảm xúc, làm tầm thường tất cả những gì đẹp đẽ và cao quý. Sự dửng dưng làm cho tâm hồn con người trống rỗng, tình yêu thương và những điều lương thiện không có nơi bén rễ nảy mầm. Trái lại, khỏang không đen tối ấy là nơi che dấu sự độc ác và bất lương. Một gia đình, một xã hội mà mọi người dửng dưng với nhau chính là môi trường chứa đầy nguy cơ cho cái ác lộng hành.

Ý thức cộng đồng đang băng hoại từ sự dửng dưng như thế!

2. Ngôn từ bất lực, bạo lực lên ngôi

Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể thấy vô số tin “tức” về hành vi bạo lực trong xã hội, mà nguyên nhân nào có gì to tát: va quệt xe cộ ngòai đường, lời qua tiếng lại trong quán cà phê… thế là đánh nhau; một cái “nhìn đểu” cũng đủ là nguyên nhân giết người. Thậm chí người thi hành công vụ cũng có hành vi bạo lực dẫn đến hậu quả nặng nề như vụ công an đánh chết người vì “không đội mũ bảo hiểm”, và gần đây an ninh hàng không “khống chế một cách thái quá” khiến hành khách đòi khởi kiện VNA.

Không thể không tự hỏi: vì sao bây giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau… dễ dàng đến thế?

Bắt đầu việc dẫn đến bạo lực bao giờ cũng là màn đôi co cãi cọ, lớn tiếng rồi chửi bới xúc phạm nhau. Dường như người ta không có đủ ngôn từ để giải thích mọi việc một cách từ tốn rõ ràng? Dường như người ta không cho rằng ngôn từ có thể giúp giải quyết sự việc một cách êm đẹp?

Khi ngôn từ bất lực thì người ta sử dụng bạo lực.

Lòai người trải qua hàng triệu năm để hòan thiện ngôn ngữ. Lời nói thay thế “sức mạnh cơ bắp” để con người có thể sống hòa bình với nhau. Ông bà mình cũng dạy “học ăn học nói”. Khi lời nói không còn được coi trọng, khi ấy bạo lực lên ngôi.

Có lẽ rất cần một lời nhắc nhở hiện diện khắp nơi “đề nghị đồng bào hết sức bình tĩnh và hết sức kìm chế”, khi không/ chưa hiểu rõ nhau muốn nói gì!

Từ sự dửng dưng của ý thức cộng động đến sự bất lực của tòan xã hội chỉ là một khỏang cách mong manh.

Tác giả: Nguyễn Thị Hậu – Vanchuongviet

No comments:

Post a Comment