Trần Quang Hạ - Việt Nam bắt đầu đổi mới giữa thập niên 80, nhưng mãi nhiều năm sau dấu hiệu nền kinh tế năng động mới thực sự xuất hiện. Nhà máy xí nghiệp mọc lên khá nhanh, hầu hết vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta bắt đầu được nghe cụm từ "kinh tế thị trường", "định hướng xã hội chủ nghĩa".
Kết hợp giữa hai đối thủ tư bản và cộng sản mới đầu có vẻ như không tưởng, nhưng đã xảy ra trên đất nước tôi như một định mệnh khó thay đổi. Đã có rất nhiều chuyện không vui xảy ra trong cái thị trường thiếu vắng luật lệ nhưng thừa dư kỷ luật. Tàn phá môi sinh, tận dụng lao động, cạn kiệt tài nguyên... những nhà tư bản dễ dàng tìm thấy lợi nhuận trong môi trường kinh doanh béo bở.
Nguyên tắc áp bức đấu tranh của Marx ngày xưa không ứng dụng được ở đây.
Marx chỉ đấu tranh với một kẻ thù, còn chúng tôi bị đè đầu bởi hai thế lực: cái đầu của mấy ông vốn nước ngoài và bàn tay sắt bọc nhung của nhà nước.
Như cô gái ế ẩm lâu ngày vớ được thằng chồng giàu sụ, đám cưới lặng lẽ nhưng những cuộc truy hoan cứ mặn nồng cuồng bạo. Tính toán lời lỗ đã có cái đầu thằng đàn ông mại bản, kèm kẹp răng đe đã có bàn tay người phụ nữ nổi tiếng điêu ngoa. Thế là cái gia đình ấy rất yên ắng, chẳng có ai dám mở miệng than van.
Nếu có nhà viết sử nào cần tìm một xã hội tư bản sơ khai để đi thực tế, tôi giới thiệu họ vào những khu công nghiệp chế xuất rải rác trên khắp miền đất nước.
Ở đó, bữa cơm công nhân đáng giá chưa quá 25 xu Mỹ, ngày làm lụng từ 12 đến 14 tiếng. Công nhân làm việc quần quật mà đời sống vẫn cứ vẫn long đong.
Thế có ai ép buộc họ phải làm tăng ca, giãn ca không? Thưa không, chính cái nghèo mãn tính buộc họ phải tự nguyện. Thế chủ có trả 1,5 lần giờ bình thường không? Thưa có. Lương ở đây chỉ bằng 1/6 lương công nhân các nước khu vực, không tăng ca thì làm sao sống nổi với đồng lương triệu rưỡi trong thời kỳ
bão giá?
Hằng ngàn cuộc đình công đã xảy ra nhưng cuối cùng cũng được sắp xếp ổn thỏa. Điều kỳ lạ là trong hàng ngàn vụ đình công, không có lấy 1 vụ do công đoàn tổ chức. Công đoàn chỉ là cái bung xung hòa giải.
Hơn ai hết, người cộng sản biết sức mạnh của giai cấp mà họ tiếm danh. Họ cần sức lao động của người công nhân nhưng sợ hãi sự lớn mạnh của lực lượng ấy.
Nhóm chữ "công đoàn độc lập" bỗng dưng trở thành tội lỗi, phản động. Người ta phải dè chừng mỗi khi đề cập tới. Bản án khắc nghiệt dành cho ba thanh niên trẻ Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương là một bằng chứng tội ác. Nhà nước thẳng tay triệt hạ chỉ vì muốn tháo gỡ những ngòi nổ có thể làm bung vòng kim cô xiềng xích.
Sự thoả hiệp giữa tài phiệt và độc tài diễn ra trên qui mô nhà nước. Người ta sẵn sàng dập tắt mọi cuộc đấu tranh của người lao động - Họ, những người trực tiếp làm ra của cải xã hội - tập thể mà đảng Cộng Sản nhân danh để thâu tóm quyền lực, đang bị bóc lột đến tận xương tận tủy.
Cuộc sống chung bất chính thực chất là một sự thỏa hiệp tối tăm. Làm sao thay đổi được, câu trả lời là ở tôi và bạn.
No comments:
Post a Comment