Trở Về Trang chính

Thursday, August 25, 2011

Công lý trả đũa

Hai mẹ con Linh khi trao đổi với phóng viên tại nhà.

Theo blog Văn Công Hùng

-

Lời bình của Văn Công Hùng: Mình đã từng kêu là sao công an ta nhiều thế mà tội ác vẫn xảy ra, mà sao vẫn phải hô hào dân tự bảo vệ mình, mà sao dân vẫn phải tự đi bắt cướp, tự đi bắt đinh tặc, tự đi bắt bọn trộm chó rồi đánh đến chết để rồi… ra tòa và vào tù? Có lẽ là tại phân bố không đồng đều chăng, ví dụ như cứ một người biểu tình ở HN có đến mấy người kèm? Có cần thế không, hoặc là bọn thế lực thù địch nó đông quá nên quân ta bị hút hết vào đấy mà lơ là trật tự xã hội…

Hôm qua nay có 2 vụ xôn xao dân tình cả nước. Một là vụ thảm sát cả gia đình 4 người ở Bắc Giang, ba người chết tại chỗ, có cháu bé 18 tháng tuổi, 1 cháu 8 tuổi sống sót bị đứt lìa cánh tay. Kinh hoàng, trên cả kinh hoàng. Có cảm giác chúng ta chỉ đợi án xảy ra rồi phá án và… nhận thưởng mà không ngăn ngừa tội ác trước khi nó xảy ra? Vụ thứ 2 là cô bé nữ sinh tát công an bị xử tù giam.

Vụ này cũng nhiều ý kiến, mình ủng hộ ý kiến sau đây của nhà báo Đào Tuấn:

Đào Tuấn – Công lý trả đũa

8 năm trước, một “người đi bộ không đúng luật” gây chết người đã được đưa ra xét xử tại TP HCM. Vụ này có hậu quả nghiêm trọng là gây chết người. Đây là vụ đầu tiên của cả nước, mang tính chất án điểm dù không xử lưu động công khai. Án 9 tháng cải tạo không giam giữ. Suốt 8 năm nay, không có thêm vụ thứ hai dù những người đi bộ cản trở giao thông vẫn xảy ra như cơm bữa. Mới biết án điểm chả hề có tác dụng nếu nó chỉ trừng trị mà không có tác dụng giáo dục ý thức pháp luật của người dân.

Khi clip thiếu nữ tóc đỏ, mặt mày hung tợn đẩy dúi, tát cảnh sát giao thông được tung lên mạng, 99% người xem đều cảm thấy bất bình. Những bình luận đều cho thấy họ phẫn nộ trước hành vi quá chợ búa và vô giáo dục của một cô gái còn rất trẻ. Hành vi của cô cần được xử lý bằng pháp luật, để đảm bảo sự nghiêm mình của pháp luật.

Nhưng khi cô nữ sinh chưa đầy 18 tuổi mặc áo trắng, đứng lẻ loi trước vành móng ngựa và nhận bản án 9 tháng tù cho một cái tát, dù là cái tát vào biểu tượng pháp luật, thì dư luận lại bức xúc với bản án của các vị phán quan, cũng nhân danh pháp luật. 9 tháng tù cho một cái tát là một bản án quá nặng nề.

Sự nặng nề có ngay trong phần lập luận của bản án khi hành vi của cô được đánh giá là “nguy hiểm cho xã hội”, là “ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe” của những người thực thi pháp luật. Có đến mức độ như thế hay không? Có nguy hiểm đến mức nhất thiết “cách ly khỏi xã hội” hay không? Có lẽ phản ứng của hàng trăm người dân dự tòa và hàng ngàn comment trên mạng Internet trong 24h qua cũng đủ để trả lời: Đã không xuất hiện cảnh ném đá.

Nền pháp luật của thời đại văn minh khác với thời trung cổ ấu trĩ ở chỗ nó phải đặt giáo dục lên trên sự trừng phạt. Một bản án, dù là vô tư, cũng phải có lý, có tình. Nếu một bản án điểm, xử lưu động, gây phản ứng dư luận về sự nghiêm khắc đến hà khắc, nặng nề y như một sự trả đũa, thì liệu đó có phải là bản án phản tác dụng giáo dục ý thức pháp luật chung?

Nữ sinh 18 tuổi, nữ bị cáo đã khóc tại tòa. Cô nói cô hối hận. Cô bảo cô đã sống trong sự dằn vặt và sợ hãi. Và một chi tiết, tưởng nhỏ, là cô đã nhuộm lại mái tóc đen của mình.

Liệu có nên trừng phạt nặng nề một người đã nhận ra và hứa sửa chữa lỗi lầm của mình.

Theo blog Đào Tuấn

______________________

Thêm bài này nữa cho đủ bộ:

Hai cái tát, chín tháng tù và những khoảng trống

Phiên toà xử lưu động, cô gái trẻ lọt thỏm giữa đám đông, liên tục khóc. Hai tháng trước, cô là người đã tát một cảnh sát giao thông. Chín tháng tù giam là bản án nghiêm khắc dành cho cô gái tuổi chưa đầy 18…

Người cha của Linh bỏ mẹ con cô, lấy vợ khác từ lâu. Linh với mẹ và em trai ăn nhờ ở đậu nhà người quen. Cô vừa đi học vừa làm lễ tân cho một công ty, lương tháng 1 triệu đồng, người em trai làm công nhân. Hai năm trước, để vừa đi học, đi làm, mẹ con cô mua trả góp một chiếc xe máy, nay tiền chưa trả hết. Linh chưa biết chạy xe nên mỗi sáng, mẹ chở chị đi học, chở em đi làm, chiếc xe như đôi chân chung của cả ba mẹ con, cho đến ngày xảy ra vụ việc.

Ngày 2/7, những hàng chữ lạnh lùng trong hồ sơ vụ án cho thấy hai mẹ con: xe chở ba, chạy vào đường một chiều, gặp cảnh sát giao thông. Người mẹ không bằng lái, sợ mất cái đi lại nên cố tình dùng dằng dắt xe đi, vị cảnh sát đưa chân cản. Thình lình, Linh vung tay, hai cái tát trúng mặt người cảnh sát thực tập. Tát xong, Linh ngất xỉu. Rất nhanh, đoạn phim trên tràn ngập internet. Cô gái trẻ bị khởi tố vì chống người thi hành công vụ.

Ngày 23/8, toà án quận 12 đưa bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh ra xét xử lưu động. Phiên toà chậm trôi trong tiếng nấc của cô gái trẻ. Trước vành móng ngựa, bị cáo khai vì sợ bị giam xe, nên đã có hành động nông nổi. Sau gần hai tháng kể từ ngày bị khởi tố, cái giá cô phải trả không hề nhẹ, công ty không muốn tiếp tục công việc, cảm giác bị ghẻ lạnh khi ngồi trong lớp học, khi gặp người quen ngoài đường…

Trước giờ nghị án, người dự khán xôn xao với đề nghị mức phạt sáu đến chín tháng tù giam dành cho Linh của vị đại diện viện kiểm sát. Có phải trong bất cứ trường hợp nào, cứ hình phạt tương ứng hành vi là đủ sức răn đe đối với một bị cáo tuổi chưa đầy 18?

Hỏi chuyện Linh, rằng bị giam chiếc xe thì đóng phạt rồi lấy về, đâu đến nỗi phải xô xát với người đại diện công quyền, cô gái lí nhí “chiếc xe chưa trả hết tiền góp, chở tụi con đi học, đi làm, mẹ đi giới thiệu nhà đất”. Lương công nhân của hai chị em không trang trải nổi chi phí hàng tháng cho ba con người.

Phiên toà kết thúc bằng lời tuyên án bị cáo Linh phạm tội chống người thi hành công vụ, mức phạt chín tháng tù giam. Hai mẹ con ngất xỉu khi nghe xong bản án.

Sau phiên xử, những bình luận hằn học trên mạng có lẽ nhường chỗ cho lòng cảm thương đối với cô gái trẻ. Tính nghiêm minh của pháp luật phải được thực thi, nhưng đằng sau bản án cứ còn lại những khoảng trống và nỗi niềm.

Theo SGTT, Dân Trí

*****



Còn khi cảnh sát (bọn súc vật) đánh người này thì sao ? Công Lý đâu, sao không xử ??? Hay là "phe ta, phe nhà" rồi ..... im lặng ???

No comments:

Post a Comment