Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-08-23
Quyết định thu hồi khu đất ở Ấp Mỹ Lợi, Xã Mỹ An, Huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang được đưa ra từ mấy năm trước, nhưng do chính sách bồi thường di dời không thoả đáng, nên có một số bà con phản đối.
Sau đó chính quyền điạ phương Huyện Chợ Mới ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với những hộ không chịu nhận tiền bồi thường, và mới hôm 18/08 ba mươi ba hộ này nhận được thông báo về lệnh cưỡng chế vào ngày 25/08 tới đây nếu như họ vẫn kiên quyết bám trụ. Quỳnh Như hỏi chuyện một số bà con trong số 33 hộ gia đình nhận được thông báo này.
Đền bù không thỏa đáng
Trước tiên là một người dân đã có 4 đời sinh sống tại xã Mỹ An. Gia đình ông đã có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 năm nay. Với nhân khẩu cả thảy trong gia đình hiện nay là 7 người, gia đình ông rất lo lắng trước thông báo mới đây của Ủy Ban Nhân dân Huyện Chợ Mới về lệnh cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 25/08 tới đây.
Quỳnh Như: Chào ông, lệnh cưỡng chế để thu hồi đất vào ngày 25/08 tới đây là của cấp nào ban hành, và khi được thông báo này bà con định làm gì?
Người dân: Quyết định cưỡng chế là do Uỷ ban Nhân dân Huyện đưa ra là vì Uỷ ban Huyện đưa ra quyết định thu hồi đất, nhưng việc thu hồi đất và đền bù hỗ trợ không thoả đáng cho bà con. Vì khi bà con nhận số tiền đó thì không thể tìm một nơi tái định cư để sống và tạo dựng cuộc sống mới thành ra bà con cứ đợi có một chế độ đền bù mới có thể phù hợp với cuộc sống hiện giờ. Nhưng chính quyền của Huyện Chợ Mới và Tỉnh An Giang ra quyết định cưỡng chế mà không cần biết gì đến cuộc sống của bà con, nên bà con cũng vẫn phản đối.
Quỳnh Như: Tại sao bà con phản đối quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương và không chịu di dời?
Người dân: Khi nhà nước cũng vẫn công nhận quyền sử dụng ruộng đất của dân, mà lý do tại sao những người trưng dụng mặt bằng đó mà lại cưỡng chế bà con để lấy đất. Bà con cũng đem đơn khiếu nại, nhưng khiếu nại tới đâu thì cũng vẫn như vậy thôi. Khi có một văn bản của Bộ Tài nguyên-Môi trường gởi về, xác định việc của tỉnh làm như thế không giải quyết thoả đáng cho bà con, phải giải quyết lại để tránh tình trạng gởi đơn vượt cấp và đồng loạt như vậy, nhưng mà Ủy ban Tỉnh cũng vẫn êm ru để cưỡng chế thì bà con bây giờ bức xúc quá nhưng cũng không biết phải làm sao nữa.
Quỳnh Như: Trước đây bà con mình có được thông báo cụ thể là chính quyền thu hồi đất để làm gì không và mới đây khi địa phương thông báo với các hộ gia đình về lệnh cưỡng chế vào ngày 25/08 sắp tới thì có giải thích gì không?
Khi bà con nhận số tiền đó thì không thể tìm một nơi tái định cư để sống và tạo dựng cuộc sống mới thành ra bà con cứ đợi có một chế độ đền bù mới có thể phù hợp với cuộc sống hiện giờ.
Người dân Mỹ An
Người dân: Cưỡng chế là yêu cầu tháo dỡ và di dời những cây trồng, nhưng mà cây trồng lâu năm của mình làm sao mà di dời được, kiểu như là họ ép buộc mình đi khỏi đó để họ làm những việc mà họ muốn làm. Bà con bây giờ cũng chưa biết họ muốn làm gì nữa tại vì khi quy hoạch trước đây họ không đưa ra quy hoạch chi tiết.
Bà con không biết lấy đất để làm những cái gì, nhưng theo như trong giấy tờ họ nói là để làm khu công nghiệp gì đó, nhưng khu công nghiệp hay cụm công nghiệp gì thì cũng phải thoả thuận với bà con chứ đó là cái vấn đề kinh doanh. Những người khác kinh doanh thì cũng phải thoả thuận với bà con để kinh doanh chứ đâu phải để làm những việc quốc phòng gì đâu mà phải ép buộc bà con như vậy. Không lẽ là bị các nhà đầu tư núp bóng chính quyền để ép dân.
Quỳnh Như: Như vậy hiện nay gia đình ông và những bà con khác định sẽ làm gì khi quyết định cưỡng chế giao đất vừa được thông báo đến các hộ là ngày 25/08 này sẽ thi hành?
Người dân: Thì bà con chỉ biết giữ đất của mình thôi. Bà con vẫn có những biểu ngữ đề là “đất mất thì người mất, đất còn thì người còn”. Tại vì đây là chỗ chôn nhau cắt rún của bà con từ ngày xưa tới nay, cũng giống như tui vậy. Chứ biết sao bây giờ, nếu nhận tiền đền bù cái này đi ra chỗ khác mua không được, rồi làm sao sống bây giờ, làm sao để tái định cư, tái sản xuất. Bà con thì đã quen với cuộc sống canh tác, vườn tược, thì ra làm gì bây giờ. Thêm cái nữa, đồng tiền Việt Nam bây giờ trượt giá nữa.
Dân quyết giữ đất
Quỳnh Như cũng nói chuyện với một phụ nữ mà gia đình chị cũng nhận được thông báo phải di dời để giao đất cho điạ phương, nếu không sẽ bị cưỡng chế để thu hồi đất.
Người dân: Hồi lúc đó thì trao quyết định cưỡng chế còn bây giờ thì là thông báo cưỡng chế. Thông báo rằng quyết định lúc trước đã có hiệu lực. Không phải người ta hù đâu mà là làm thiệt đó, chuyến này chắc có thể là cưỡng chế thực sự tại vì thấy người ta phô trương lực lượng dữ dằn lắm.
Hổm rày các ban ngành họp liên tục để triển khai kế hoạch cưỡng chế dân. Người ta bảo mình di dời nhà. Người ta nói 7giờ ngày 25/08 nếu mình không đi thì người ta sẽ đưa lực lượng xuống tháo gỡ nhà cây trên mặt đất thì sẽ cưa di dời đi hết.
Quỳnh Như: Xin cho biết tại sao gia đình chị không chấp hành lệnh di dời của Ủy Ban Nhân dân Huyện Chợ Mới? Người dân: Tại vì của cải, đời sống của mỗi người ở đây dựa vào vườn mỗi năm. Dân ở đây thường chỉ có một công, hoặc hai công, người nào có nhiều quá là năm công, ba công thôi, chức đâu có ai được có nhiều quá đâu. Cho nên nếu họ đến vì cuộc sống thì chắc phải là chống lại để giành lại sự sống, chớ còn đâu biết dựa vào đâu nữa bây giờ.
Quỳnh Như: Như chị vừa nói thì trước thông báo của Ủy ban Nhân dân Huyện Chợ Mới về lệnh cưỡng chế thu hồi đất, gia đình chị và các hộ khác vẫn sẽ tiếp tục bám đất, vậy cụ thể mình có định làm gì không?
Nếu mà lực lương vô cưa cây thì ở đây sẽ đánh. Thí dụ như nếu bị bắt thì giữa dân và chính quyền sẽ xô xát với nhau, chứ không còn con đường nào để chọn cả, cũng như là dân ở đây giành lại sự sống thôi.
Người dân Mỹ An
Người dân: Có chứ. Nếu mà lực lương vô cưa cây thì ở đây sẽ đánh. Thí dụ như nếu bị bắt thì giữa dân và chính quyền sẽ xô xát với nhau, chứ không còn con đường nào để chọn cả, cũng như là dân ở đây giành lại sự sống thôi.
Quỳnh Như: Thưa chị vấn đề khiếu kiện của bà con ở đây kéo dài đã mấy năm mà vẫn chưa được giải quyết thoả đáng, vậy bà con mình có nhờ các cơ quan báo, đài trong nước lên tiếng không?
Người dân: Có, mà thấy chắc cũng như là chính quyền người ta bênh nhau, rốt cuộc phần thiệt thòi thì dân ôm lấy thôi, cũng nhờ báo đài nhiều lắm nhưng thấy không được gì hết trơn.
Chúng tôi cũng tìm cách liên lạc với chính quyền địa phương, nhưng điện thoại reo nhiều lần và không thấy có người nhấc máy trả lời.
No comments:
Post a Comment