Tưởng Năng Tiến - Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập. - Hồ Chí Minh (3 tháng 9 năm 1945). Khi Hồ Chủ Tịch tuyên bố như trên, vào ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (chắc chắn) không ai có thể hình dung ra được là “nền giáo dục của một nước độc lập” nó mắc (tới) cỡ nào?
Gần hai phần ba thế kỷ sau, mãi đến ngày 7 tháng 5 năm 2011, cái giá này mới được ghi rõ - trên báo Sài Gòn Tiếp Thị:
“Tháng Bảy mới là thời điểm chính thức các trường đầu cấp nhận hồ sơ tuyển sinh, nhưng hiện nay tại Hà Nội, cuộc chạy đua vào lớp 1 đã lên đến đỉnh điểm. Dù không giấy mực hay tuyên bố chính thức ‘giá’ vào trường điểm là bao nhiêu, nhưng các bậc phụ huynh đều hiểu muốn cho con vào trường mình mong muốn đều phải mở hầu bao. Một suất vào trường điểm lên đến cả vài nghìn USD.”
Phóng viên Vĩnh Hà và Ngọc Hà, của Tuổi Trẻ Online, ví von:
“Vào Lớp Một Như Thi Hoa Hậu. Một bà mẹ sau khi biết con mình trượt trong đợt thi tuyển vào lớp 1 ở Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội đã than: Thế là con đã gia nhập đội quân thất trận...!”
Bà Lê Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết:
“Do quỹ phòng có hạn, năm học này nhà trường tuyển sinh 50 cháu vào lớp 2 nhà trẻ và 150 cháu lớp mẫu giáo. Tổng số học sinh nhận mới và cũ năm học 2011-2012 là 814 cháu, dù đã vượt chỉ tiêu nhưng nhà trường cũng chỉ đáp ứng được 47% nhu cầu của trẻ được đến trường.”
Cứ xem như thế thì trong cuộc chạy đua vào lớp một, năm nay, sẽ có rất nhiều các cô (hay cậu) bé tí hon thua cuộc. Các em thua không phải vì lý lịch xấu hơn, hoặc vì kém cỏi hơn chúng bạn mà chỉ vì bố mẹ mình... ít tiền hơn! Họ không có đủ khả năng tài chính để có thể (“lo lót”) cho con được tham dự vào “nền giáo dục của một quốc gia hoàn toàn độc lập.”
Chuyện tuyển sinh, với giá vài ngàn Mỹ Kim (chắc) chỉ là “cơn bão trong tách nước trà Hà Nội.” Tại nhiều nơi khác, cái giá để bước vào ngưỡng cửa học đường (thường) rẻ hơn nhiều hoặc chả phải tốn đồng xu cắc bạc nào ráo trọi.
Tuy thế, nạn lạm thu lệ phí (hay còn gọi là tự nguyện hoặc móc túi) vào đầu năm học cũng đủ khiến cho nhiều vị phụ huynh (túi rỗng) đành phải để cho con “gia nhập đạo quân thất trận.” Ký giả Nguyên Minh của báo Lao Động coi đây là những “khoản thu loạn và vô lý”:
“Một phụ huynh có con vào lớp 1 Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP.Nam Định) bức xúc phản ánh: ‘Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi được phát một tờ giấy in sẵn mẫu yêu cầu gia đình phải cam đoan không được thắc mắc đối với các khoản thu của nhà trường, trong đó có một khoản thu rất vô lý là: Đóng góp xây dựng thành phố với mức tiền 270.000đ. Tôi không hiểu vì sao một học sinh lớp 1 lại phải đóng tiền để xây dựng thành phố?’ Không chỉ có Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (Nam Định) cũng có mục này trong các khoản thu đầu năm.”
"Hoành tráng" hơn, phụ huynh khối lớp 1 Trường Tiểu học thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) phải đóng góp tới 23 khoản thu đầu năm, trong đó có cả quỹ quản trường; quỹ chăm sóc cây; giấy kiểm tra; tu sửa cơ sở vật chất (trong và ngoài khu vực); bảo hiểm điện; quạt; vật kỷ niệm; khăn bông; hao mòn đồ dùng, khăn trải bàn + lọ hoa...“
Nguồn: Báo Mới
Nói tổng quát, và nghiêm trang, theo lời giáo sư Hoàng Tụy: “Học sinh bỏ học nhiều, cơ hội được đi học đối với con em các gia đình nghèo còn khó...“
Nếu muốn biết nó khó cỡ nào thì hãy nhìn cách đến trường của trẻ con ở xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai, theo tường thuật của phóng viên Thiên Thư – báo Dân Trí:
“Hàng chục năm nay như một quy luật, để đến được lớp, trước tiên các em phải bơi qua 50m sông, tiếp đến là đi bộ hơn 5km đường đồi dốc rồi mới đến được lớp... Đã 35 năm nay, kể từ sau khi đất nước giải phóng, Ayun chưa có một học sinh nào tốt nghiệp được cấp 3. Ông Dương Mạnh Mẫn, chủ tịch xã Ayun cho biết: Người dân ở đây đã luôn ao ước có một cây cầu nhưng không biết làm thế nào. Vì kinh phí để xây một cây cầu là quá lớn đối với xã nghèo như Ayun.”
Nghèo, lẽ ra, không nên đi học. Đời sống có những nhu cầu ưu tiên sắp sẵn: ăn – học. Ăn lo chưa xong còn bầy đặt học hỏi làm chi cho nó thêm phiền. Tại một phiên chợ sớm, họp lúc nửa khuya và tan lúc trời vừa hừng sáng – tại thị trấn A Lưới, Thừa Thiên, Huế – phóng viên Như Ý và Văn Long đã ghi lại được nhiều hình ảnh mưu sinh (nhọc nhằn) của những bé thơ miền núi:
“Em Hồ Thị Nhơn, 5 tuổi (thôn Pơ Nghi 1, xã A Ngo) thức dậy từ 2h đêm với mớ rau má mang đi. Em Hồ Thị Hiền, học sinh THCS Hồng Quảng đang ngồi bên chậu hến. Hồ Thị Hiền tâm sự: ‘Buổi chiều, khi cô giáo cho lớp nghỉ là em lên cái suối xa để mò con hến, rồi chờ đến sáng sớm mai để đem xuống chợ.’ Mỗi lon hến tươi của Hiền có giá 1.000 đồng. Em vẫn đi mò thường xuyên, và sau mỗi buổi chợ em có được 10 đến 15 ngàn để giúp mẹ cải thiện bữa ăn gia đình và mua thêm sách vở.”
Dù không phải là thầy bói, tôi cũng biết là trên bàn tay của các em Hồ Thị Nhơn và Hồ Thị Hiền không có đường học vấn; hoặc, lỡ có, chắc cũng ngắn thôi. Không đứa bé nào có thể tiếp tục thức dậy mãi lúc hai giờ sáng để em hến đem rau ra chợ bán, xong vội vã đến trường, rồi tan trường lại lật đật đi hái rau mò hến .... cho buổi chợ hôm sau. Sức người, kể cả người miền núi chúng tôi, có hạn thôi chớ bộ. Sớm muộn gì các em cũng phải “gia nhập đạo quân thất trận” thôi.
Hình ảnh của “đạo quân thất trận” ở miền xuôi, xem chừng, cũng không sáng sủa hơn được bao nhiêu:
“Những thân hình gầy còm đen đúa, quần áo lấm lem, tay cầm móc sắt lủng lẳng sau lưng chiếc bao tải ùn ùn kéo vào bãi Nam Sơn nhặt rác. Dù dưới cái nắng hè chói chang, nhưng chúng vẫn không nản tới đây thu gom những thứ mà người ta bỏ đi...Với giá 3.000 đồng/kg nhựa, 4.300 đồng/kg sắt, 1.000 đồng/kg bìa carton và túi nilon. Cả buổi nhặt rác, lũ trẻ cũng có thể kiếm cho mình được hai tới ba chục nghìn đồng. Nhưng để đổi lại, ngày ngày, chúng phải sống chung với rác thải và hàng nghìn thứ dịch bệnh trên những đống rác như thế. Hơn nữa, việc học hành bị bỏ bê. Hầu hết không có đứa trẻ nào học cao hơn lớp 9. Những đứa trẻ nơi bãi rác này, nhìn đứa nào cũng mặt mày đen đúa, cáu bẩn và hôi hám vì cả ngày dầm mình cùng rác thải. Đứa nào cũng gầy còm vì hàng ngày chúng phải hít thở cùng cả một bầu không khí ô nhiễm nặng nề mà không hề có bảo hộ gì ngay cả chiếc khẩu trang.”
Cuối thế kỷ trước, có người đã viết những câu thơ về Đạo Quân Thất Trận như sau:
“Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận
Cán dậm chúi xuống mặt đường – Những nòng súng gỗ hết đạn
Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám
Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương.
Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào
Như mây trước cơn giông trôi nặng nề, oi bức
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu? Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người.”
Nguyễn Quang Thiều (1993)
Bây giờ, đất đai ở Việt Nam đã trở nên của hiếm. Bùn lầy, cá, ốc mất dần. Những “tấm áo rách lấp lánh vẩy cá, sặc mùi bùn, mùi tanh của ốc” là hình ảnh (lãng mạn) chỉ còn lại trong... thơ!
Chỉ riêng tại khu vực thuộc tỉnh Hà Tây cũ – theo Tiền Phong Online, số ra ngày 7 tháng 7 năm 2011 – trong 3 năm qua đã có tới 47% số mảnh đất nông nghiệp thuộc quyền sử dụng của nông dân đã bị thu hồi, phần lớn là do mở rộng địa giới Hà Nội.
Nông thôn đang thu nhỏ lại. Nông dân phải lần về đô thị, và đã hình thành một đạo quân thất trận (mới) của thế kỷ 21. Họ không chỉ bán mồ hôi mà còn phải bán luôn cả hình hài nữa – theo tường thuật của ký giả Nguyễn Bay:
“Một ngọn đèn dầu, cái giỏ nhựa đựng đồ nghề đấm bóp, giác hơi, chiếu cói, gối hoa trải sẵn hoặc chỉ là một tấm áo mưa. Thợ giác hơi quanh KCN Tân Tạo đa số là nữ với các ‘chiếu’ trên vỉa hè, ven đường, thậm chí chỉ một mô đất giữa ruộng; hoạt động từ 18g30 đến 3-4 giờ sáng...”
“Gần một năm nay, các ‘chiếu’ giác hơi ngày một dài thêm hàng cây số (đường đi Long An, An Sương). Lúp xúp trong bụi cây, bờ cỏ, chúng tôi nhận ra nhiều thợ vốn là công nhân... Những khi tan ca, họ lẫn vào dòng thợ ‘chào hàng’... Tiền công 10.000 - 15.000 đồng/lần, bằng nửa ngày công... làm thợ.”
Dẫy chiếu “ngày một dài thêm” vì vật giá mỗi lúc một tăng mà đồng lương thì không. Lương bổng công nhân Việt Nam không thể nâng cao hơn vì những người lãnh đạo ở xứ sở này đã lựa chọn một … quốc sách thấp – theo lời ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, vào ngày 9 tháng 7 năm 2011:
“Chúng tôi đã có cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan và tư vấn cho họ hãy trả lương cao hơn để tránh đình công. Họ nói là rất muốn trả cao hơn nhưng không thể vì quy định lương của Chính phủ Việt Nam quá thấp, các đối tác nước ngoài dựa vào đó kềm giá đơn hàng nên có muốn cũng không thể tăng hơn được”.
Từ nhiều năm trước Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có nhận định như sau:
“Việt Nam đã bỏ cuộc trong cuộc chạy đua tri thức và kỹ thuật, hoạt động kinh tế chỉ còn tập trung trong các ngành đòi hỏi những kỹ năng thấp (đồ gỗ, may mặc, giầy dép, thực phẩm …). Những sản phẩm này đang bị cạnh tranh rất gay gắt từ những quốc gia chậm tiến sẵn sàng chấp nhận đồng lương rẻ mạt.”
Ngày 3 tháng 9 năm 1945, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Hồ Chủ Tịch đã long trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập.”
Sáu mươi sáu năm đã trôi qua, ba thế hệ đã bị hy sinh: hy sinh chống Pháp để giành độc lập, hy sinh chống Mỹ để thống nhất đất nước, hy sinh làm những nông dân không có đất, và những công nhân không có tay nghề để đô thị hoá và công nghiệp hoá đất nước. Với đường lối giáo dục hiện nay, rõ ràng, Đảng và Nhà Nước đang tính hy sinh (luôn) thế hệ kế tiếp – thế hệ thứ tư!
Tình trạng đất nước, tuy thế, chưa lấy gì đáng lo cho lắm – theo như ý kiến của TS Vũ Minh Khương:
“Khó khăn trong quyết định của mỗi người chúng ta hôm nay không phải là làm cách gì để đất nước tiến lên mà là làm gì để chúng ta không lùi tiếp nữa, bởi đường lùi của chúng ta còn rộng rãi thênh thang lắm.”
“Ông cha chúng ta để lại cho chúng ta đất đai ở vị thế đẹp và nhiều tài nguyên quý giá. Thế giới lại thương cảm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế hệ chúng ta chỉ cần cho nhượng thuê đất trong các dự án đầu tư dễ dãi, bán tài nguyên, và vay nợ quốc tế cũng đủ sống xênh xang được 20-30 năm nữa. Ta nhượng đất của ông cha làm sân golf và dân ta sẽ không thể đói nhờ nghề nhặt bóng và đánh giày…”
Dân tộc này, như thế, không những vẫn có thể tồn tại mà còn đủ điều kiện để “sống xênh xang 23-30 năm nữa” lận.
"Không có gì quí hơn độc lập tự do."
Tôi biết thằng nói ra câu đó.
Tôi biết nó, cả nước này biết nó.
Việc nó làm, tội ác nó ra sao? (N.C.T)
No comments:
Post a Comment