Trở Về Trang chính

Saturday, August 27, 2011

Ai sợ ai?

Tin từ “vietnamnet.vn” cho biết, ngày 3.4.2011, tại Saigon, Bộ Công an đã tổ chức long trọng buổi lễ để Nguyễn Tấn Dũng thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước trao “Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Ðại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Huân chương Quân công hạng Nhì và hạng Ba tặng 1 tập thể và 4 cá nhân khác”.

Dịp này Dũng cũng trao tặng “Huân chương chiến công cho 2 tập thể và 9 cá nhân của Bộ Công an”. Ðồng thời 4 tập thể và 26 cá nhân khác cũng nhận được bằng khen của Thủ tướng [xem hình]. Ðây là cách Thủ tướng mua chuộc công an để chúng chỉ biết “còn đảng còn mình” và chuẩn bị cho cuộc đàn áp số người tham dự phiên xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vào ngày hôm sau, 4.4.2011. Ðồng thời, chỉ đạo Chánh án Nguyễn Hữu Chính “nhắm mắt” xử cho xong bản án đã được “bỏ túi”, bất cần đó là hành động vi phạm luật pháp, bất kể mọi sự phản đối có thể dấy lên từ nhiều phía.

Hôm sau, ngày 5.4.2011, phóng viên Khánh An của đài RFA, trong một bài viết dài đã nói: “Chưa bao giờ một phiên toà xét xử một nhà bất đồng chính kiến lại thu hút sự chú ý và tham gia của công chúng Việt Nam nhiều như phiên tòa diễn ra vào sáng 4.4 tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, xét xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về tội: “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, kết thúc với bản án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế”. (xem hình đường phố chung quanh khu vực tòa án. RFA).

Không được vào phòng xử nói là công khai, đứng ở bên ngoài, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật sư Lê Quốc Quân, Blogger Paulus Lê Sơn, trưởng nhóm cựu sinh viên Vinh, Nguyễn Văn Tâm; sinh viên Thái Văn Dung, Blogger Cánh chim không mỏi..., cùng một số người khác nữa bị công an hành hung và bắt giữ. Anh Paulus Lê Sơn, một giáo dân Hà Nội cho biết “Khi bị bắt anh đã bị công an đánh đập và lấy hết vật dụng trên người. Anh bị giam gần 24 tiếng đồng hồ và bị hỏi cung, bị ép phải ký vào tờ khai; rất có thể anh sẽ bị bắt lại và bị truy tố với một tội danh nào đó”. Một số lớn người bị lực lượng bảo vệ bắt dồn lên xe buýt và chở đi xa khỏi khu vực tòa án rồi thả xuống, có người bị bắt đem về đồn công an, thậm chí một số trường hợp còn bị bắt theo kiểu vu khống móc túi, ăn trộm... như trường hợp của sinh viên Nguyễn Xuân Kim bị đánh đập nhiều lần kể từ khi bị bắt cho đến lúc được thả ra, vào khoảng 2:30 sáng hôm sau. Anh Kim cho biết:

...Người ta bắt vào đấy rồi người ta đánh, tra hỏi đủ thứ rồi dẫn về phường. Lúc bắt về thì trước tiên, người ta chả cần hỏi gì cả, người ta đánh trước đã, rồi người ta hỏi: ‘Ai sai mày tới đây chụp ảnh? Mày chụp ảnh để làm gì?’, rồi người ta dẫn Kim về chỗ làm việc của công an Quận Hoàn Kiếm. Vào trong đấy người ta cũng tra hỏi rồi đánh tiếp, rồi bắt viết một bản tường trình... Người ta đánh, đánh cả người già. Người ta đánh và chửi thậm tệ. Vừa mới lên là người ta đã chửi một cách vô văn hóa theo kiểu côn đồ ấy. Người ta bảo là ‘Tù nhân chính trị là chúng mày’. Mình bảo ‘Tôi có làm gì đâu mà gán ghép, chụp mũ cho người ta là tù nhân chính trị’, thì họ bảo là ‘Tao là trời, tao là Ðảng, chúng mày phải nghe tao. Bây giờ chúng mày có làm không? Không làm là tao cưỡng chế đấy’. Thế là chúng nó đánh và cưỡng chế cả 4 người phải lăn tay vào để cho công việc làm của nó.

Mặt khác, Diễn đàn “danlambao” cũng cho biết một người dân kể lại khá rành rọt khi họ đứng gần đám công an chỉ huy, nên nghe người chỉ huy điểm danh từng người cần bắt, qua bộ đàm, điện thoại, cho đám công an trá hình côn đồ, và đám mang băng đỏ bắt người, liên tục báo về: “Ðm, tưởng bắt được thằng Lê Quốc Quân rồi vì thấy thằng này cũng hói trán, hóa ra đ. phải”. Rồi cảnh chửi tục lẫn nhau: “Ð.m. tưởng bắt được quân nó hóa ra bắt nhầm quân mình rồi, chúng nó cứ trà trộn vào đ. biết thằng nào là quân nó, thằng nào là quân mình”. Một lúc sau, tiếng họ reo lên: “Ðã bắt được thằng Lê Quốc Quân và thằng Phạm Hồng Sơn rồi”. (xem hình REUTERS: Luật sư Lê Quốc Quân (đeo kính) cùng với một số người khác đã bị nhân viên công lực đánh đập hôm 4.4.2011 tại khu vực gần Tòa án Nhân dân Hà Nội trong lúc tìm cách theo dõi phiên tòa xử ông CHHV)

Nó đã khiến Giáo sư Toán Ngô Bảo Châu [xem hình trích từ danlambao], người từng được Nhà nước coi như đứa con cưng của chế độ, phải lên tiếng, trong bài viết tựa đề “Về sự sợ hãi”, đăng trên trang blog “Thích Làm Toán” của ông:

Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.

Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này [người trích im đậm và gạch dưới].

Ðối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.

Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn [người trích im đậm và gạch dưới].

Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Sau đó, trò mua chuộc công an lại được tiếp tuc. Theo tin của TTXVN, ngày 11.7.2011, tức 1 ngày sau khi công an trấn áp đoàn biểu tình lần thứ 6 tại Hà Nội, ngay tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống Lực lượng An ninh Nhân dân (12/7) và đón nhận Huân chương HCM. Dịp này, Ðảng và Nhà nước đã tặng Tổng cục An ninh I và Tổng cục An ninh II Huân chương HCM để ghi nhận những đóng góp to lớn vào “sự nghiệp cách mạng của Ðảng”. Cũng dịp này Ðảng và Nhà nước đã trao tặng thêm mấy Huân chương rất đáng lưu ý:
  • Huân chương Quân công Hạng Nhất cho Trung tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Công an [vừa được cử nhiệm chức Bộ trưởng Công an, thay thế Lê Hồng Anh để tăng cường thêm một tướng công an nữa ngồi vào Bộ Chánh trị];
  • Huân chương Quân công Hạng Ba cho các Trung tướng Tô Lâm, Trung tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Ðảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Ðức Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I.

Chuyện mua chuộc công an được một lần nữa lập lại vào ngày 19 tháng 8 khi Sở công an Hà Nội quyết định thăng cấp cho 4732 “công an nhân dân”; để tối 20 và sáng ngày 21/8/2011, Trung tướng Nguyễn Ðức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, huy động mọi lực lượng công an, dân phòng, các lực lượng trong “toàn hệ thống chính trị” và các phương tiện chống bạo động để quyết tâm phá tan lực lượng biểu tình tự phát được các diễn đàn điện tử... loan báo là sẽ được tiến hành vào sáng ngày 21.8.2011 [xem biếm họa của Babui trích từ danchimviet.info].

Các cuộc họp kín từ cấp nọ đến cấp kia. Khắp Hà Nội, từ thành phố đến quận, huyện, phường, tổ dân phố (nghe nói cán bộ dân phố được phát 30.000 đồng/ngày) chỉ nhằm đè bẹp bằng được những người biểu tình tự phát. Tin được truyền qua email của nhiều người cho biết:

“Tôi mới được anh bạn thân làm bên an ninh cho biết sáng nay có một cuộc họp tuyệt mật do Thành ủy HN chủ trì. Các thành phần tham gia gồm Sở CA Hà Nội, Quân khu Thủ Ðô (đại diện tăng thiết giáp và đặc nhiệm dù cùng dự), An ninh, Tuyên giáo, PCCC, 1 đại biểu Ðảng ủy Sở Y tế Hà Nội. Có chủ trương đàn áp mạnh nếu cần thiết (khi chỉ thị trực tiếp từ BCT đến người có trách nhiệm của Hà Nội) nhưng tuyệt đối tránh gây thương vong. Các công cụ cho phép dùng là dùi cui, hơi cay, vòi rồng, đạn cao su. Cuộc họp có nhắc rút kinh nghiệm vụ đạp mặt vì cho là không cần thiết, gây ảnh hưởng xấu. Có một xe tăng được đưa từ Ba Vì về ém trong khuôn viên Nhà khách Bộ Quốc phòng số 1 Phạm Ngũ Lão (mang tính chất đe dọa). Lữ đoàn dù đặc nhiệm bảo vệ Tung ương được quán triệt tình hình từ 1 tháng nay và được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Vội báo cho anh em chúng ta biết đề phòng. Ðã dấn thân vì Tổ Quốc là chấp nhận thôi. Không tài nào chợp mắt nổi. Mong trời sáng mau để chúng ta bên nhau. Tổ Quốc Việt Nam anh hùng và bi thương không thể mất. Ðả đảo Trung Cộng xâm lược!”

Email có nhắc tới Quân khu Thủ Ðô nên Giáo Già cũng không quên chuyện Ðảng và Nhà nước đã mua chuộc lòng trung thành của quân đội khi chỉ thị Nguyễn Tấn Dũng mau lẹ ban hành quyết định bổ nhiệm chức vụ, thăng quân hàm cấp tướng cho cán bộ cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam; và cho Quân ủy Trung ương; và Bộ Quốc phòng tổ chức trao quyết định đó cho các đương sự vào ngày 3.7.2011, thời gian trùng hợp với các cuộc biểu tình tự phát đang diễn ra ở khắp Việt Nam, từ Sài Gòn đến Hà Nội, nói là chống Trung cộng xâm lăng Việt Nam, nhưng cũng có cơ nguy biến thành cuộc tự phát cách mạng tương tự như các cuộc cách mạng Bông Lài ở Tunisia, như Mùa Xuân Ả Rập ở Ai Cập, như cuộc nổi dậy ở Lybia... Thành phần lãnh đạo quân đội CSVN được thụ hưởng gồm có:
  • Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
  • Trung tướng Lương Cường, Chính ủy Quân khu 3 và thiếu tướng Ðào Duy Minh, Chính ủy Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
  • Thiếu tướng Nguyễn Thanh Thược, Phó chính uỷ Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 3;
  • Thiếu tướng Ðinh Văn Cai, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính uỷ Quân khu 9;
  • Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Phó Chính uỷ Quân khu 1 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính ủy Quân khu 1;
  • Ðại tá Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính ủy Quân khu 5 và được thăng quân hàm cấp thiếu tướng;
  • Ðại tá Ðỗ Căn, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó chính uỷ Quân khu 3 và được thăng quân hàm thiếu tướng.

Từ sau các cuộc họp kín đó, Tướng Công an Hà Nội Nguyễn Ðức Nhanh đã huy động hết bộ máy quân, dân, chính, đảng ở địa phương, chia nhau thành nhóm 5-6 người, đến nhà từng người đã từng tham gia biểu tình trước đó [mà chúng đã biết mặt biết tên, đã được vô số công an thu hình đầy đủ, nhứt là những nhơn vật nổi tiếng được quần chúng kính trọng] để “vận động”, đe dọa đủ các kiểu. Chúng đã lưu manh đến độ dùng người thân trong gia đình vận động, kiềm chế... khiến cho nhiều gia đình mâu thuẫn nhau, tranh cãi nhau về lòng yêu nước... Giáo sư Ngô Ðức Thọ nói rằng “không biết họ làm công tác dân vận thế nào mà cả vợ và con ông đều không để ông đi ra khỏi nhà, lại còn giấu hết quần áo của ông...”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết cá nhân ông đã “được công an thăm nhà,” và Nhà văn Võ Thị Hảo cũng nói với đài BBC về việc bà phải “miễn cưỡng tiếp tới hai đoàn thể địa phương tới nhà riêng trao đổi về 'lệnh cấm' của chính quyền TP Hà Nội vào cả buổi sáng và buổi chiều cùng ngày”... Nhưng chúng đã không ngăn được cuộc biểu tình tự phát vào sáng ngày 21.8.2011 như lời kêu gọi đã được truyền đi trên các diễn đàn diện tử...

Cuộc biểu tình vừa diễn ra năm mười phút, sau 9 giờ sáng, là các lực lượng công an chìm nổi, cùng dân phòng, thanh niên xung kích... đã ập tới, xô đẩy, giằng co, bắt bớ những người biểu tình, từng toán 4-5 cán bộ khóa tay kẹp cổ từng người biểu tình đẩy lên xe bus đậu sẵn, chở đi về đồn công an, trong đó có cả 3 mẹ con từ Ðức về tham dự [theo tường thuật của người cùng bị bắt, khi vào trong đồn cô gái lớn, trong hình mặc áo đen cầm biểu ngữ dứng giữa, phẫn uất lớn tiếng với công an: "You are all policemen, It’s terrible what you treat us, you know?”]... Tin được phóng viên Trọng Thành của đài RFI loan đi cho biết “Sự kiện đáng chú ý sáng nay là xung quanh khu vực hồ, nhiều sân khấu ngoài trời do tổ chức đoàn Thanh niên Cộng sản Hà Nội phụ trách đã được dựng lên tại các địa điểm mang tính lịch sử của Hà Nội, như: khu vực tượng Lý Thái Tổ, tượng đài Cảm tử, quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục và Nhà hát Lớn [xem hình]. Theo những người quan sát tại chỗ cho biết nhiều thanh niên tham gia biểu diễn đã có mặt từ rất sớm, ngay dưới trời mưa, để chuẩn bị các tiết mục trình diễn... để thu hút sự chú ý của dân chúng, nhằm thực hiện kế hoạch ‘phản biểu tình’;” nhưng chẳng có mấy người xem, ngoài các đoàn viên thanh niên cộng sản mặc áo xanh với vài người hiếu kỳ đi ngang qua và cảnh sát giữ trật tự.


Theo AFP, ngoài các biểu ngữ thường thấy trong các lần biểu tình trước, lần này có thêm một biểu ngữ so sánh Trung Quốc với phát xít Ðức [với hình lá bài có đầu 2 tên độc tài Mao Trạch Ðông và Hitler = CHINAZI].



Có đến 50 người bị bắt giữ, khiến ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của Human Rights Watch, trong một bản tuyên bố, đã nói “Những người biểu tình đã không làm gì sai trái, công an phải thả họ vô điều kiện”. Ðồng thời, tùy viên báo chí của Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Beau J. Miller, cũng cho biết như sau:

Chúng tôi quan ngại về việc câu lưu một số cá nhân mà duờng như chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Không thể bắt giữ những cá nhân vì thực thi quyền tự do tụ tập, vì như thế là trái với những cam kết của Việt Nam đối với những công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho những cá nhân thực thi các nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người.

Ðiểm cần lưu ý là ông tân Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam, David Shear [xem hình], người đã nói tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 4 rằng “Hiện vẫn có quan ngại sâu sắc về việc bỏ tù những người bất đồng chính kiến, hạn chế truyền thông và mạng internet và việc sách nhiễu các nhóm tôn giáo”. Ông vừa tới Hà Nội hôm 20.8.2011, tức 1 ngày trước ngày xảy ra cuộc biểu tình tự phát nêu trên, nên ông có mặt tại Hà Nội lúc cuộc biểu tình tự phát đang diễn ra. Do vậy, lời nói của ông Tùy viên báo chí Bean J. Miller có trọng lượng đặc biệt, nhứt là khi công an đã bắt giam một số lớn người biểu tình, cầm tù quá qui định 3 ngày chưa chịu thả ra.

Ngoài ra, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Ðại sứ CSVN tại Bắc Kinh cũng vừa lên tiếng với BBC rằng ông không tán thành hành vi can thiệp, giải tán, bắt bớ người biểu tình yêu nước chống Trung cộng trong cuộc tuần hành lần thứ 11 tại Hồ Gươm, hôm Chủ Nhật 21.8.2011; và phản bác một số báo chí trong nước. Tướng Vĩnh khẳng định người dân có quyền biểu tình theo Hiến Pháp. Ông nói với Quốc Phương của BBC Việt ngữ rằng: “Tôi đã từng nói: con run xéo lắm phải quằn. Càng đàn áp thì phẫn nộ càng tăng và càng lan rộng. Có thể đến một lúc là không kiểm soát được”.

Ðể minh họa cho thực cảnh bi đát của công an và công dân, ngày 20.8.2011, 1 ngày trước ngày biểu tình tự phát lần thứ 11 bị công an thẳng tay trù giập [21.8.2011], biên tập viên Mặc Lâm của đài RFA đã có bài viết về “Nhà xuất bản Giấy Vụn của hai người bạn Bùi Chát và Lý Ðợi” và tập thơ của Trúc Ty mang tên “Trước khi thành giấy vụn”, xuất bản năm 2010, trong đó có bài “Công dân & công an”; xin được trích lại như sau: [Xem bìa tập thơ “Trước khi thành giấy vụn”. RFA photo]

Công an có quyền bắt công dân. Công dân thì không bao giờ có quyền bắt công an. Mặc dù công an là công bộc của công dân.

Và mặc dù, chính công an cũng là công dân. Nhưng khi công an là công an thì hắn không còn là công dân nữa vì hắn là công an. Công dân chỉ có quyền bắt công an khi công an không còn là công an mà cũng không còn là công dân.

Nếu công an không còn là công an nhưng vẫn còn là công dân thì công dân không có quyền bắt. Chỉ có công an mới có quyền bắt công an không còn là công an nhưng còn là công dân.

Nhưng công an bắt công an không còn là công an nhưng vẫn còn là công dân rất hiếm khi xảy ra nhưng vẫn xảy ra.

Nhưng công an bắt công dân vẫn còn là công dân thì không hiếm khi xảy ra.

Chính tôi đã từng chứng kiến [trên mạng] cảnh công an bắt công dân vẫn còn là công dân. Không những vậy, chính tôi chứng kiến công an còn đánh công dân thê thảm và dí súng vào mồm công dân.
Công dân chỉ có thể bắt và đánh thê thảm và dí súng vào mồm công an khi công dân trở thành công an và đổi lại công an trở lại làm công dân.

Tôi, một công dân, ước chi tôi và tất cả công dân như tôi trở thành công an, và ước chi tất cả công an trở thành công dân như tôi. Ðể tôi và những công dân như tôi (đã trở thành công an) có thể thoải mái bắt và đánh thê thảm và dí súng vào mồm công an (đã trở thành công dân).

Mong tất cả công dân và công an hết sức thông cảm cho ước muốn dã man của tôi.

Những điều được trình bày, cho thấy hiện tại CSVN sợ nhứt 7 điều:

1. Sợ Trung cộng trong nỗi sợ của kẻ nô lệ sợ chủ nô, của tên Thái thú sợ Bắc triều;

2. Sợ Mỹ trừng phạt rồi bỏ rơi khiến sự nghiệp của gia đình Thái thú và tập đoàn tư bản đỏ gắn liền với Mỹ, những kẻ có con em du học ở Mỹ đã thành danh hay chưa, thành công dân Mỹ hay chưa, ở lại Mỹ hay trở về Việt Nam có được chỗ ngồi “béo bở”, chưa kịp rửa sạch những đồng tiền đỏ gian tham có thể bị tiêu tan theo độc đảng độc tài;

3. Sợ “Diễn biến Hòa bình” và sợ “Tự Diễn Biến” trong hàng ngũ đảng viên, cán bộ...;

4. Sợ công an không còn trung thành với chế độ nên phải tìm cách mua chuộc bằng mọi cách;

5. Sợ quân đội sẽ không còn trung thành với chế độ, sẽ đứng về phía nhân dân khi tiến hành cuộc cách mạng thời @;

6. Sợ đến hốt hoảng, khiến bọn tay sai ở hải ngoại không kềm chế được lời nói, như lời tác giả Kiều Phong Lê Tất Ðiều trong bài viết có đoạn như sau: “...Cho đến một hôm, Nguyễn viết Ty, chủ nhiệm Ðoàn Kết (báo của Việt cộng ở Pháp) chịu không nổi nữa, hắn viết cho ông Võ văn Ái và tờ Quê Mẹ những dòng nguyên văn như sau: “Kể từ nay tôi rất mong ông Võ văn Ái và ban biên tập Quê Mẹ đóng miệng chó lại – chứ không có ngày sẽ vỡ mặt và bị tống cổ về Việt nam ăn cứt, Chủ báo Ðoàn Kết Nguyễn viết Ty, 70 Rue Magazine 75006 Paris quyết liệt tranh đấu”. Những lời lẽ trên đây được in trên tờ Ðoàn Kết, in nguyên thủ bút của tác giả. Có lẽ chủ báo Nguyễn viết Ty cẩn thận, sợ không đăng chữ viết tay của mình lên thì không ai dám tin là hắn lại có được những câu văn chương xuất thần bay bướm lả lướt như vậy...”

7. Sợ các cuộc biểu tình tự phát của nhân dân khởi đi từ cuộc cách mạng thời @; sẽ như cuộc cách mạng Bông Lài ở Tunisia, như Mùa Xuân Ả Rập, như cuộc nổi dậy của quần chúng kết thúc 42 năm cai trị đất nước Lybia của nhà độc tài Gaddafi.

Trong lúc Ðảng và Nhà nước sợ đủ thứ thì trái lại, về phía quần chúng, chỉ nhìn qua 11 lần biểu tình tự phát của người dân, từ Sài Gòn đến Hà Nội, mọi người đều thấy cuộc trắc nghiệm tự phát thời @ của người dân đã thành tựu ngoạn mục, khiến công an lúng túng không biết đường đối phó; và người dân đã lần hồi bớt sợ công an, bớt sợ Ðảng và Nhà nước, chỉ dấu của hết sợ trong thời gian không xa, khi “Ðại Họa Mất Nước” bị đập tan và cuộc cách mạng thời @ tràn lan như sóng thần sau động đất, như cuồng lưu sau cơn mưa bão đầu nguồn. Thật vậy, thực tế của các diễn biến từ đầu tháng 6 cho đến nay cho thấy:


 Ở Sài Gòn, sau vài cuộc trắc nghiệm biểu tình tự phát ồ ạt tuy chỉ tiến hành được các cuộc “biểu tình ngồi”; và mới đây, theo nguồn tin VRNs cho biết, công an vừa tiến hành cuộc “bắt nguội” sinh viên Paul Nguyễn Minh Nhật khi anh vừa làm bài xong, độ 9:30 sáng ngày 27.08.2011, bị 4 công an bắt đưa đi trên một chiếc xe màu trắng. Ðược biết, chính Paul Nguyễn Minh Nhật là người đã bị bẻ cổ ngay trên xe công an, lúc trưa ngày 05.06.2011, gần nhà văn hoá Thanh Niên, Sài Gòn [xem hình trên trích từ danlambao]; nhưng âm vang của cuộc cách mạng @ vẫn âm ỷ như đóm lửa chờ mồi cháy đống củi đã chất cao;

 Phần Thủ đô Hà Nội thì mỗi lần tự phát biểu tình là mỗi lần có mặt những con người kiên cường bất khuất, những trí thức lão thành phản tỉnh xuất hiện bên cạnh những sinh viên, học sinh, những thanh niên đã thành danh, trong đó có những đảng viên cộng sản sẵn sàng thách đố thái độ nô lệ giặc Tàu của đám thái thú chỉ biết đi bằng đầu gối trước kẻ thù của dân tộc; cho dầu họ có bị đạp mặt như đảng viên Nguyễn Chí Dũng, bị giam cầm đánh đập như binh nhì Nguyễn Tiến Nam, Vũ Quốc Ngữ...

 Mặt khác, mỗi lần tự phát biểu tình cũng là mỗi lần xuất hiện thêm những khuôn mặt mới không còn sợ sệt công an, những người đặt lòng yêu nước lên trên tất cả; và lúc nào cũng có mặt các nữ lưu như Bùi Thị Minh Hằng, Ðặng Bích Phượng (còn được gọi là Phương Bích) tuyệt thực trong nhà giam, quá hạn tạm giam, cho đến khi CSVN bị áp lực ngoại giao, đặc biệt là từ Tòa Ðại sứ Mỹ, buộc chúng phải thả ra vào chiều ngày 25.8.2011... [Xem hình Chị BùiMinh Hằng (áo dài) và chị Phương Bích (áo đen). Ảnh: Nguyễn Lân Thắng]

Như vậy thì ai sợ ai trong cuộc chiến đập tan Ðại Họa Mất Nước, giải thể độc đảng độc tài, Dân chủ hóa Việt Nam? Bức biếm họa của Babui được trích từ danlambao cho thấy chỉ cần một que diêm, chỉ cần các cuộc biểu tình tự phát vào các ngày Chúa Nhựt, là thấy rõ ai sợ ai.

Vấn đề còn lại chỉ là thời gian, như thời gian thử thách nhà độc tài Gaddafi trước lực lượng nổi dậy ở Lybia; mà Tòa án Hình sự Quốc tế đang từng ngày chờ đợi xét xử những tội phạm tàn sát dân tộc mình.



Giáo Già

No comments:

Post a Comment