Duy Dũng - Chúng tôi trở lại Thôn Câu Hà xã Điện Ngọc sau vụ cưỡng chế giải tỏa gây bất bình dư luận trong và ngoài nước. Trên con đường liên tỉnh từ Non Nước vào Hội An, qua khỏi ngã tư Điện Ngọc một đoạn thì sẽ đến thôn Câu Hà. Ngay chỗ đường vào trường dạy nghề Việt- Hàn. Một không khí căng thẳng bao trùm cả một xóm nghèo vừa qua cơn tang thương.
Người chỉ đường luôn cảnh giác và cho biết, khu này ban ngày người ta đi làm hết, chỉ có ban đêm mới có người về trọ. Sáng ra họ lại đóng cửa đi làm.
Chính xác là có 17 ngôi nhà bị cưỡng chế san phẳng. 17 ngôi nhà phía bên trái từ ngoài đường liên tỉnh vào trường dạy nghề Việt-Hàn. Còn dãy nhà bên phải thì chưa gì nhưng ai cũng e dè khi chúng tôi đề cập đến.
Không như các tin tức ban đầu loan tải thì hiện nay khu này còn trên 1000 ngôi nhà nữa sắp sửa có nguy cơ bị ép cưỡng chế.
Anh T. cho chúng tôi hay là anh đến đây mua nhà giấy tay. Mới mua trước tết số tiền hợp với thu nhập lao động thấp của vợ chồng anh. Khi cất nhà thì phía chính quyền không có ý kiến gì. Bây giờ họ thông báo giải tỏa. Ai không tự tháo dỡ thì họ cưỡng chế và chịu chi phí cưỡng chế.
Bà L. thì can đảm hơn và cho chúng tôi biết khu này thuộc quy hoạch treo hơn 10 năm nay rồi. Dân chúng vào đây sang giấy tay và cất nhà lên ở. Phía Hợp tác xã có đến kéo điện cho bà con dùng hẳn hoi. Bây giờ đi là bất công với người dân. Theo bà L. thì người dân sẵn sàng chấp hành giao đất cho nhà nước nhưng phải cũng có tình chút chứ. Ít ra cũng phải hỗ trợ hay đền bù người ta. Tự nhiên mất nhà tay trắng ai mà không xót của.
Liên lạc với chính quyền Điện Ngọc thì chúng tôi được biết là dân đến đây ở bất hợp pháp nên phải chịu mọi thiệt hại. Nhưng bất ngờ là chị Dưng, người có nhà bị đập cưỡng chế vừa qua có đưa ra một giấy tờ mua bán và có chữ ký xác nhận của UBND xã Điện Ngọc và có giấy đóng tiền thuế chuyển nhượng mua bán đất hẳn hoi.
Ông C. một công an viên thì cho hay, hôm giải tỏa cưỡng chế thì có rất nhiều công an bị người dân tấn công nhưng nặng nề nhất là công an tên T. bị chọi đá trúng đầu. Phía công an đang điều tra ai chọi đá nhằm vào anh T.. Người dân cho hay, hôm cưỡng chế ngày 18.7 vừa qua thì phía công an rất hung dữ. Nếu công an bị thương gì đó thì cũng do công an đánh nhầm người của họ chứ không có ai chọi đá hay tấn công công an hàng hàng lớp lớp cả.
Quay trở lại thôn Câu Hà vào chiều tối, lúc này mọi người đi làm về nhiều. Và không khí cởi mở hơn. Người ta thay nhau nói lên các bức xúc của mình. Hơn 1000 căn nhà còn lại với số phận cá nằm trên thớt. Họ đang ngồi trên đống lửa. Dân lao động nghèo, không có tiền mua đất chỗ khác, mua đất ở đây vừa túi tiền bây chừ bị đuổi tay trắng biết về đâu?
Còn số phận của 17 căn nhà bị cưỡng chế san bằng bây chừ ra sao? Mỗi người chạy mỗi nơi. Ai có bà con họ hàng thì nương tựa, ai ở xa thì bỏ hết về quê làm lại từ đâu. Gia đình chị Dưng nói rưng rưng nước mắt: "cháy nhà còn cái nền làm nhà mới, chứ bây giờ thì về đâu? Chồng con chị Dưng mấy hôm nay như người điên".
Gia đình Anh Mỹ thì điêu đứng hơn. Anh Mỹ là người đứng quay phim cảnh công an cưỡng chế đập nhà. Bị công an phát hiện thì nhào vô cướp điện thoại di động và đánh anh Mỹ nặng nề. Về đến nhà còn 5 cái dấu roi điện trên lưng. Người chị của anh Mỹ thương em nhào vô can cũng bị công an đánh dã man. Người anh của anh Mỹ chỉ lên tiếng nói công an không được đánh dân cũng bị bắt về đồn công an xã Điện Ngọc. Chiều cùng ngày thì họ được thả về nhà nhưng bị công an đe dọa là không được trả lời báo chí trong và ngoài nước. Ba anh chị em của anh Mỹ mua lô đất này có đóng thuế hẳn hoi giờ bị giải tỏa trắng. Hiện anh Mỹ về nhà an dưỡng trong gia đình người thân tại Điện Ngọc.
Video Công an cưỡng chế đập nhà dân, đánh người tàn bạo tại thôn Câu Hà
Anh D. Một doanh nghiệp gần chỗ giải tỏa cưỡng chế này cho hay anh chứng kiến ngay từ đầu vụ cưỡng chế 17 căn nhà ở đây. Phía công an rất hung dữ. Việc công an đánh người rất dã man là không thể chấp nhận. Theo anh D. thì vùng đất Điện Ngọc này rất nhiều liệt sĩ có con cháu làm cán bộ khắp nơi. Phía công an đã không tôn trọng người dân. Ông Q. Giám đốc một doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng cho biết ông rất bức xúc hành động côn đồ của công an hôm 18.7 vừa qua. Với ông Q. thì hình ảnh công an hôm ấy không khác gì côn đồ. Không bao giờ ông quên được các hình ảnh này trong ký ức.
Về phía người dân cho hay là từ hôm đập nhà cưỡng chế đến nay có một phóng viên của báo Công an Thành phố Đà Nẵng vào chụp hình. Có phỏng vấn vài người, họ nêu lên nguyện vọng được ở lâu dài tại đây nhưng chưa thấy tin tức gì. Một vài phóng viên nước ngòai có gọi về phỏng vấn một số người tại đây. Rất nhiều người biết rằng tin tức họ bị cưỡng chế đã được đưa lên mạng.
Trở lại thành phố Đà Nẵng cũng đã khuya. Vùng đất anh hùng Điện Ngọc, quê hương của 7 "chiến sĩ diệt Mỹ" lừng danh, đã đi vào văn thơ của nhà văn Nguyên Ngọc với tác phẩm "Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc" đã không còn bình yên nữa rồi. Về đâu hơn 1000 căn nhà còn lại ở Thôn Câu Hà sắp bị cưỡng chế trắng? Có còn ai nhớ đến con cháu của những anh hùng Điện Ngọc nữa không?
Nghe như ruột gan mình có ai cứa. Đau !
No comments:
Post a Comment