2011-07-26
Mặc dù bị trấn áp dữ dội trong hai lần biểu tình trước, nhưng đợt biểu tình lần thứ 8 vào ngày 24/7 vừa rồi tại thủ đô Hà Nội vẫn diễn ra khá thành công với hàng trăm người tham gia xuống đường.
Người dân biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 24-07-2011.
Trong khi đó tại Sài Gòn, những người yêu nước đã không thể tập hợp và thực hiện được một cuộc biểu tình để phản đối Trung Quốc như người dân ở thủ đô. Nguyên nhân tại sao lại có sự khác biệt này? Đâu rồi khí thế hừng hực của người dân Sài Gòn trong đợt biểu tình đầu tiên với con số tham gia lên đến hàng ngàn người?
Khánh An tìm hiểu ý kiến của những người trong cuộc và tường trình.
Chăm sóc Sài Gòn kỹ hơn?
Những ngày này, trong khi Hà Nội liên tục cập nhật những diễn tiến sôi động của các ngày chủ nhật xuống đường thì tại Sài Gòn, lác đác vài nhóm bạn trẻ vẫn kiên trì tập trung ở khu vực trung tâm thành phố vào mỗi sang chủ nhật để chờ một dấu hiệu để xuống đường, cho dù kết quả cuối cùng có thể chỉ là “biểu tình ngồi”, ngồi chờ hết giờ rồi ra về. Đã nhiều tuần liền, những thanh niên yêu nước ở Sài Gòn không có lấy một cơ hội để có được một buổi tập trung “cho ra hồn” .
Trong này đa số là các bạn trẻ sinh viên, gốc gác không nhiều. Ngoài Hà Nội đa số là gốc gác không, lại được sự hỗ trợ của tầng lớp trí thức và cựu cán bộ.
Một bạn trẻ ở SG
Không giống như Hà Nội chỉ bị đàn áp, bắt bớ chủ yếu trong hai tuần lễ 10 và 17/7, ở Sài Gòn hầu như tuần nào cũng có một vài thanh niên bị bắt bớ, đánh đập, hoặc chí ít cũng được “mời uống trà” ở đồn công an hay được “chăm sóc” tận tình tại nhà. Ngọn lửa hừng hực khí thế của lần xuống đường đầu tiên vào ngày 5/6 vì thế cũng dần dần nguội lạnh. Đến hôm chủ nhật 24/7 thì Sài Gòn đã gần như im ắng trong khi những người cùng chí hướng tại Hà Nội có được một buổi xuống đường tuần hành thành công hơn mong đợi.
Nói về lý do Hà Nội thành công hơn Sài Gòn trong những lần tổ chức biểu tình gần đây, một bạn trẻ đã nhiều lần tham gia biểu tình ở Sài Gòn cho rằng:
“Hà Nội người ta được cái giới nhân sĩ mạnh, với lại cái gốc ngoài Hà Nội, theo mình nghĩ, từ trước tới giờ khác ở trong này. Trong này đa số là các bạn trẻ sinh viên, gốc gác không nhiều. Ngoài Hà Nội đa số là gốc gác không, lại được sự hỗ trợ của tầng lớp trí thức và cựu cán bộ, chiến sĩ nhiều.”
Thiếu vắng những gương mặt lớn
Tại sao Sài Gòn lại thiếu vắng hẳn những gương mặt nhân sĩ trí thức trong những lần biểu tình sau? Là một trong những nhân sĩ trí thức tham gia xuống đường lần đầu tiên ở Sài Gòn hôm 5/6, nhà văn Nguyễn Viện cho biết lý do vắng mặt của mình trong các lần xuống đường gần đây:
“Chủ nhật vừa rồi cũng như các chủ nhật trước, tôi đều được các ông công an “chăm sóc” kỹ ở nhà. Điều đó có nghĩa là tôi không được, không có khả năng đi ra được tới Sài Gòn cho nên cũng không tận mắt chứng kiến tình hình như thế nào. Nhưng theo những thông tin tôi biết được, trong Sài Gòn, việc trấn áp của lực lượng an ninh đối với người biểu tình có vẻ mạnh mẽ hơn ngoài Hà Nội. Cũng như tình trạng của những người có thể đi biểu tình được như một số người đại khái “được nhà nước quan tâm” thì gần như không có điều kiện để đi ra Sài Gòn. Các bạn trẻ, theo tôi biết, họ cũng tập trung ở ngoài đó khá đông và họ cũng chờ đợi một diễn tiến nào đó để có thể biểu tình được nhưng có lẽ sự có mặt của các lực lượng an ninh còn đông hơn, thành ra những cuộc biểu tình ở Sài Gòn đã không xảy ra được.”
Sự thiếu vắng những gương mặt cột trụ lớn như Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Viện… đã khiến cho những thanh niên kiên trì xuống đường vào những chủ nhật sau đó không khỏi cảm thấy bơ vơ, nhất là khi so sánh với Hà Nội có hẳn một danh sách các trí thức tên tuổi liên tục lên tiếng kêu gọi và cùng xuống đường với người dân thủ đô.
“Đúng là bơ vơ. Hơi đáng tiếc. Nói chung (phong trào) cũng bị yếu đi, cũng mong muốn có được sự hỗ trợ tinh thần như vậy nhưng không có được, rất đáng tiếc. Ở trong này có những nhân sĩ nhưng có lẽ là bị siết chặt quá. Chứ trong này nếu có một vài nhân sĩ đứng ra thì cũng có thể thành công.”
Nhà văn Nguyễn Viện cũng thừa nhận sự vắng mặt của đội ngũ nhân sĩ trí thức chính là một trong những yếu tố khiến cho phong trào biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn không thành công.
“Yếu tố này tôi cho cũng là một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của các cuộc biểu tình ngoài Hà Nội mà Sài Gòn không có được. Ở Sài Gòn trong những người biểu tình lần đầu tiên vào ngày 5/6 cũng như ngày sau đó thì hầu như đều có mặt của những người có uy tín trong xã hội. Nói chung sự có mặt đó đã làm chỗ dựa cho những anh em trẻ, nhưng tiếc là sau đó không biết vì lý do gì mà họ đã không có mặt. Tôi không biết là họ có bị bên ngành an ninh chăm sóc hay không, điều đó tôi không dám khẳng định, nhưng tôi thấy sự thiếu vắng của họ trong các cuộc biểu tình sau thì có lẽ đó là một trong những lý do mà những cuộc biểu tình trong Sài Gòn không thành công.”
Chỉ muốn bày tỏ lòng yêu nước
Trong khi đó, Luật sư Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng là người đã tham gia tuần hành trong lần đầu tiên cho rằng lý do phong trào biểu tình ở Hà Nội mạnh hơn tại Sài Gòn là vì Hà Nội có những điều kiện mà Sài Gòn không có được như đội ngũ nhân sĩ trí thức đông hơn và hoàn cảnh dễ tập hợp hơn so với Sài Gòn. Ông giải thích tiếp:
Ở trong này có những nhân sĩ nhưng có lẽ là bị siết chặt quá. Chứ trong này nếu có một vài nhân sĩ đứng ra thì cũng có thể thành công.
Nhà văn Nguyễn Viện
“Ở Sài Gòn hoàn cảnh có khác, khác ở chỗ tụi tôi quan niệm rằng đã tổ chức thì phải tổ chức cho thật quy mô và phải dự kiến những tình huống xảy ra. Thành ra tụi tôi cũng rất thận trọng trong việc này. Với lại tụi tôi cũng quan niệm rằng lâu lâu có một sự kiện gì lớn thì trong này mới lên tiếng. Còn tất nhiên thủ đô Hà Nội thì điều kiện các anh ấy thuận lợi hơn.”
Một lý do khác mà nhiều người tham gia tuần hành cho là yếu tố khiến cho phong trào biểu tình ở Sài Gòn không được sôi nổi như ở Hà Nội là vì chính quyền có phần đàn áp mạnh tay và liên tục hơn đối với người Sài Gòn vì lo sợ những diễn tiến phức tạp ngoài tầm kiểm soát có thể xảy ra trong các cuộc biểu tình tại Sài Gòn. Bạn trẻ tham gia tuần hành ở trên cũng thừa nhận điều này:
“Cái đó cũng có thể, tại vì Sài Gòn đúng là phức tạp hơn. Nếu tình hình không siết chặt thì dễ dẫn đến nhiều vấn đề vì lịch sử cũng đã như vậy rồi.”
Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Viện, nếu yếu tố trên thực sự tồn tại thì đây là một sự e ngại hoàn toàn phi lý:
“Theo tôi, sự nghi ngại đó của chính quyền đối với người Sài Gòn là vô căn cứ, vì tất cả những người biểu tình hiện nay đều chỉ có một mục đích duy nhất là chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc, chống lại sự gây hấn của Trung Quốc. Tôi nghĩ là không ai có một ý đồ nào khác ngoài việc biểu tỏ lòng yêu nước đối với sự gây hấn của Trung Quốc.”
Nói tóm lại, có thể còn nhiều nguyên nhân khác tồn tại đằng sau những thể hiện bên ngoài của chính quyền đối với các cuộc tuần hành của những người yêu nước ở cả hai đầu đất nước. Nhưng theo LS. Lê Hiếu Đằng, biểu tình là một trong những quyền công dân mà nhà nước Việt Nam nên chấp nhận và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền này. Thậm chí theo ông, ở vào thời điểm hiện tại, khi mà người láng giềng tham lam Trung Quốc liên tục có những hành động xâm lấn trên Biển Đông, thì việc người dân xuống đường tuần hành ôn hòa còn là một thế mạnh mà một chính quyền khôn ngoan cần phải biết tận dụng.
No comments:
Post a Comment