Trở Về Trang chính

Tuesday, July 26, 2011

Thư cho con

Giáo Già

Từ 8 Cuộc Biểu Tình Sôi Nổi Vừa Qua, Xin Gởi Những Bông Lài Ngào Ngạt Thơm Ðến Ðiếu Cày Và Phạm Thanh Nghiên

Ngày 24 tháng 7 năm 2011

H,

Các hãng thông tấn quốc tế AFP, RFI, BBC, RFA... và nhiều Blogs đồng loạt loan tin biểu tình rầm rộ diễn ra tại Việt Nam trong ngày 24.7.2011 với rất nhiều hình ảnh sống động, song song với những Youtube trên khắp các diễn đàn Internet. Riêng Thụy My của đài RFI cho biết:

“Ngày 24/07/2011, ít nhất 300 người đã biểu tình tại Hà Nội chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Ðông. Ðây là cuộc xuống đường lần thứ 8 phản đối Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ nhân viên công an có hành động thô bạo với người biểu tình vào tuần trước [Xem hình: Ðàn áp người biểu tình phản đối Trung quốc ngày 17.7.2011. RFA Screenshot]. Hãng thông tấn Pháp AFP nhắc lại hai cuộc biểu tình trước đó đã bị chính quyền Hà Nội đã giải tán bằng vũ lực, do đã có thỏa thuận với Bắc Kinh là sẽ “định hướng dư luận”... Nhiều người mặc áo thun có in biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo, để phản đối đường yêu sách 9 đoạn hình chữ U do nhà cầm quyền Trung Quốc tự ý vạch ra, đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Ðông. Ðiểm đặc biệt nữa là, những người biểu tình mang các biểu ngữ đề tên những người lính đã hy sinh trong các trận đánh chống lại quân Trung Quốc tấn công vào các đảo do Việt Nam đang chiếm giữ trên Biển Ðông. Có biểu ngữ ghi rõ: ‘74 binh sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974, 64 binh sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988’... Hãng AFP ghi nhận, trong số các biểu ngữ có cả tấm ảnh chụp lại cảnh một nhân viên công an đạp vào mặt một người biểu tình đang bị khiêng lên xe buýt vào tuần trước. Ðoạn video ngắn này đã nhanh chóng được phổ biến trên internet, gây nên một làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng. Nhà văn Nguyên Ngọc trên blog Nguyễn Xuân Diện đã viết: ‘Ðánh dân yêu nước, chỉ có mỗi một tội là biểu lộ lòng yêu nước, chống ngoại xâm, nhất thiết phải bị nghiêm trị.’ Blog này vốn là nơi tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình, và quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức... Theo blog Ba Sàm, thì tuy công an tiếp tục chặn lối vào Ðại sứ quán Trung quốc và gọi loa yêu cầu giải tán, nhưng không có những hành động thô bạo như tuần trước. Cũng theo blog này, thì có từ 500 đến 600 người tham gia tuần hành một cách hòa bình, thu hút nhiều người đi đường tham gia”.
Sau đó, người theo dõi đoạn Youtube được đưa lên các diễn đàn đã nhận diện được danh tính, chức vụ, địa chỉ làm việc của hai kẻ đã hành hung dã man người biểu tình ngày 17.7.2011. Ðó là một thượng tá tên Canh chỉ huy cho đại úy công an tên Minh của quận Hoàn Kiếm co chân đạp lên mặt người biểu tình tên Nguyễn Trí Ðức. Tác giả có tên là Người Buôn Gió cho biết:

“...Mình để ý thêm về Ðức, hóa ra Ðức là một người yêu Ðảng, yêu chính phủ cực kỳ. Cậu tin tất cả những ai bị Ðảng và Nhà nước bắt đều là đáng tội hết. Kể cả những người phản đối Trung quốc mà bị bắt Ðức cũng cho rằng phải thế nào mới bị Nhà nước đối xử thế, còn đại khái như Ðức đây, công khai, đường hoàng thế thì ai động vào. Ðến thằng bạn Nguyễn Tiến Nam bị ''dính'' Ðức còn có thái độ không nhân nhượng, lập trường kiên quyết là vậy... Rút cục là ông trời thế nào lại run rủi để anh Minh an ninh lấy chân đạp vào mặt Ðức mấy phát. Ðời oái ăm là thế. Ông trời cũng khéo lựa chọn. Một người yêu nước kiểu Hồng Vệ Binh, tấm lòng trung trinh, son sắt, một lòng tin vào Ðảng, Nhà nước, Chính quyền mà lại nỡ bị đối xử như vậy... Nhưng gạt qua mọi thứ bên lề, thì Nguyễn Trí Ðức vẫn là người tha thiết với chủ quyền đất nước, với lãnh thổ của quê hương. Trong anh, tình cảm đó cực kỳ mãnh liệt, hầu như không có buổi nào anh không miệt mài đi chung với đoàn người để biểu lộ lòng yêu nước. Ðiều đó càng làm tăng thêm giá trị hình ảnh Nguyễn Trí Ðức [tên thật là Nguyễn Chí Ðức?] ngửa mặt nhận cái đạp tàn nhẫn, thô bạo của anh Minh... ”
Cuộc biểu tình lần này [24.7.2011] theo yêu cầu của một số người được đưa lên các diễn đàn điện tử, nhứt là trang mạng “Nhật Ký Yêu Nước”, trang mạng đã lên tiếng kêu gọi biểu tình chống Trung quốc xâm lược ngay từ đầu, nay đề nghị các cô các bà mặc áo dài để thể hiện hình ảnh của một cuộc biểu tình ôn hòa, văn minh và đẹp vì “tà áo dài vừa nói lên sự dịu dàng, mong muốn hòa bình của người Việt Nam, vừa tỏ thái độ cương quyết chống bọn bá quyền Bắc Kinh”. Thực tế sau đó cho thấy:

“Chỉ vài ngày sau khi ý tưởng trên được đưa ra, đã có hơn 100 thành viên tỏ ý thích ý tưởng này. Ai cũng thừa nhận cùng với chiếc áo thun mang chữ NO-U (tạm dịch là “nói KHÔNG với đường lưỡi bò”) hoặc với hai gạch tréo đường lưỡi bò, chiếc áo dài truyền thống bên cạnh sẽ mang lại một hình ảnh “biết nói”, một hình ảnh rất Việt Nam cho cuộc biểu tình chống xâm lược của những người yêu nước”.
Nên, để hưởng ứng lời kêu gọi đó, người ta đã thấy xuất hiện một số áo dài trong đoàn biểu tình, trong đó có Cô Trịnh Kim Tiến [xem hình]. Cha cô là ông Trịnh Xuân Tùng đã bị công an đánh gãy cổ và sau đó giam tại trụ sở công an phường Thanh Liệt, quận Hoàng Mai (HN). Cuối cùng, ông đã qua đời ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Bệnh viện Việt - Ðức. Hôm nay, cô tạm gác thù cha, xuống đường cùng đồng bào Hà Nội biểu tình phản đối TQ. Ðây là lần thứ 5 cô tham gia các cuộc biểu tình chống Trung quốc tại Hà Nội.

Trong lần biểu tình trước Blogger Người Buôn Gió vui vẻ ghi “Qua blog anh Gió thấy ca sĩ Khánh Linh cũng có mặt trong đoàn người biểu tình làm mình quá bất ngờ và xúc động. Từ trước đến giờ đã xem cô ấy hát nhiều nhưng đối với mình hình ảnh cô ấy có mặt trong đoàn người ngày 12.6.2011 ấy là lung linh và đẹp nhất” [xem ảnh của Người Buôn Gió]. Tuy nhiên, có người than phiền là trong lúc đoàn biểu tình đi qua có khá đông người thờ ơ đứng nhìn, rồi lặng lẽ bỏ đi. Nhưng, lần này, khi đoàn người hô vang các khẫu hiệu chống Tàu, át cả tiếng loa của cảnh sát đe dọa trừng phạt, thì mọi phương tiện lưu thông trên đường như xe hơi, xe máy đã dừng lại, gửi xe và tham gia vào đoàn biểu tình. Không khí cực kỳ sôi nổi, hào hùng. Có một thanh niên đã nhanh chóng cung cấp các thùng nước suối cho đoàn biểu tình... Và cũng có vô số người ngồi trước conputer theo dõi, hân hoan chờ đợi ngày N tiến hành cuộc cách mạng Bông Lài... Blog BaSam ghi nhận:
“Lúc 10 giờ 26 phút đoàn vây quanh người nghệ sĩ già Tạ Trí Hải, cùng hát vang bài NỐI VÒNG TAY LỚN trên nền nhạc violin của nghệ sĩ. Từ KS Phú Gia đến Thụy Tạ, tất cả các xe cộ đã dừng lại để hưởng ứng cuộc biểu tình, cùng hô vang các khẩu hiệu và hát các bài ca ái quốc. Rất nhiều học sinh các trường phổ thông đang kéo đến hòa vào cuộc biểu tình”.

Các cuộc biểu tình liên tiếp từ đầu tháng 6 [5.6.2011] đến gần cuối tháng 7 [24.7.2011] khiến dư luận nhớ tới các cuộc biểu tình chống Tàu cộng 4 năm trước [2007] được người cựu bộ đội Nguyễn Văn Hải, tức nhà báo Nguyễn Hoàng Hải, cũng là Blogger Ðiếu Cày, sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do [CLBNBTD], đã cùng với sinh viên học sinh biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa vào tháng 12.2007 trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn. Sau đó, được thả ra, ông đã cùng với nhóm CLBNBTD và một số văn nghệ sĩ biểu tình trước Nhà hát thành phố vào ngày 19.1.2008, ngày mà 34 năm trước Hoàng Sa đã bị mất vào tay Trung Cộng, nhân dịp Trung cộng tổ chức Thế vận hội mùa hè Olympic ở Bắc Kinh năm 2008. Dịp này, ông và các thành phần tham gia đều mặc áo, và trưng bày biểu ngữ, có hình 5 vòng tròn biểu tượng Olympic là 5 chiếc còng số 8 [xem hình] khiến Tàu cộng bất mãn ra lịnh cho Cộng sản Việt Nam tìm cách triệt hạ ông.

Mặt khác, CLBNBTD cũng đã có những bài viết nói lên những điều bất công, sai trái trong xã hội khiến Ðiếu Cày trở thành cái gai đối với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, Ðảng và Nhà nước cũng không chấp nhận sự tụ tập thành nhóm, dù cái nhóm đó chỉ có năm bảy người, với hai bàn tay không. Nói về ông, một người bạn đã viết: “Anh đã cùng với các bằng hữu mở ra một mặt trận thông tin qua trang blog Ðiếu Cày, trang mạng Dân Báo, trang blog Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Mỗi người dân phải là một chiến sỹ thông tin! Mỗi tất đất trên cạn, mỗi hòn sỏi dưới bờ đều phải được thông tin khi bị rơi vào tay ngoại bang. Mọi thái độ buôn đất bán biển, mọi âm mưu dâng hiến gia sản của tổ tiên phải được vạch trần và lên án. Ðiếu Cày đã tự làm dài thêm bản cáo trạng cho chính mình. Anh đã chạm nọc và trở thành cái gai của những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống. Tuy vậy Ðiếu Cày vẫn ung dung, cười và gọi những việc mình làm là: chơi blog”.
Cũng vì vậy nó đã khiến Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tìm đủ mọi cách để triệt hạ, khiến Ðiếu Cày trở thành blogger Việt Nam đầu tiên bị bắt và kết án tù dài hạn: 3 năm rưởi [30 tháng]. Ngoài ra, ông còn bị phạt một tỷ đồng tiền Việt Nam về tội truy thu thuế (mà lẽ ra công ty mắt kính Sài Gòn thuê nhà ông mới phải nộp vì theo hợp đồng cam kết thì bên công ty này phải chịu trách nhiệm đóng thuế!). Ông cũng bị Nhà nước tịch thu một căn nhà ở quận 1 trong thời gian ông bị tù đày, người vợ cũ và cả hai con của ông thì thường xuyên bị công an xách nhiễu đủ mọi cách.

Trong tù, CSVN tìm đủ mọi cách khủng bố tinh thần ông, ngay cả việc làm đê tiện nhứt chúng cũng không từ nan là để ông phơi mình cho muỗi rừng U Minh chích hút máu khi ông ngủ, nhưng ông vẫn không khuất phục. Ðến khi ông mãn hạn tù chúng đánh lừa gia đình và bè bạn đi đón ông ở cửa trại giam, lén đưa ông đến trại giam khác, và tiếp tục cầm tù ông với một tội danh mới là “Tuyên truyền chống phá Nhà nước”. Nhưng, chúng cũng không tìm ra chứng cớ buộc tội ông, cho dầu chúng đã thô bạo hành hung và xông vào khám xét ngôi nhà của người vợ cũ của ông là bà Dương Thị Tân, để mong tìm ra bất cứ cái gì có thể ghép tội ông; trong lúc hai năm rưỡi qua ông ngồi trong tù, có ở nhà đâu, mà có cái gì để khám xét, chưa kể nếu ông có ở ngoài nhà tù thì trên thực tế ngôi nhà này cũng không phải là nơi ở của ông.

Không tìm ra chứng cớ buộc tội ông, chúng cứ tiếp tục giam ông, bất kể việc làm này vi phạm luật pháp do chúng đặt ra. Ðã vậy, trong suốt thời gian ông bị tiếp tục giam giữ, gia đình hoàn toàn không được phép gặp, vợ ông không được thông báo bất cứ lý do gì khiến cho đến nay ông vẫn bị giam giữ. Ðã vậy, theo quy định cho phép tiếp tế đồ cho tù nhơn hai tháng một lần, trong suốt thời gian 9 tháng, có nhiều lần sau khi cán bộ tiếp nhận đồ tiếp tế xong thì sau đó lại gọi lên trả về. Mới đây, khi mang đồ tiếp tế cho ông, vợ ông, bà Dương Thị Tân, đã nghe cô tiếp dân ngày hôm đó là Trung tá Ðặng Hồng Ðiệp nói “ông Hải mất tay?”, nên bà đã làm đơn khiếu nại trường hợp của chồng gởi Cơ quan An ninh Ðiều tra (thành phố HCM) và Bộ Công an, ngày 17.07.2011, đòi hỏi làm rõ vụ việc [phóng ảnh đính kèm].
Ðọc được đơn khiếu nại này Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã viết thành một bài văn ngắn đưa lên mạng nói rằng:

“Thật bàng hoàng khi đọc lá đơn Khiếu nại của bà Dương Thị Tân gửi Cơ quan an ninh điều tra (thành phố HCM) và Bộ Công an, ngày 17/07/2011, được đưa lên mạng vào ngày 21/07/2011, trong đó có thông tin Trung tá Ðặng Hồng Ðiệp cho biết “Anh Hải bị mất tay”. Nếu như thông tin đó là đúng thì đó có thể là nguyên nhân chính lý giải cho việc tại sao cơ quan công quyền lại phải giam giữ lén lút, che giấu mọi thông tin về anh Nguyễn Văn Hải suốt gần 09 tháng qua như thế. Nhưng thông tin anh Nguyễn Văn Hải “bị mất tay” vẫn chưa đủ, vẫn là kiểu mập mờ, rất thiếu minh bạch, khuất tất như trong đơn bà Tân yêu cầu phải cho biết rõ việc anh Nguyễn Văn Hải bị “mất tay ở đâu và trong trường hợp nào”. Và còn mức độ mất ra sao, mất đến cẳng tay hay đến cánh tay, một tay hay cả hai tay? Như vậy sau hàng tháng trời đi lại, truy vấn ráo riết, không mệt mỏi, bà Dương Thị Tân, các con và những người yêu mến Nguyễn Văn Hải, Ðiếu Cày, cũng đã được biết chút ít về tình trạng của anh, nhưng lại là tình trạng thân thể anh không còn nguyên vẹn...”

Ngoài ra, khi trả lời phỏng vấn của Ðài Á Châu Tự Do [RFA] bà Dương Thị Tân nói:

“Hôm 5tháng 7, tôi đi gửi đồ tiếp tế như thông báo họ cho. Cũng như mọi khi, sau khi gửi đồ xong, tôi ra yêu cầu người trực tiếp dân ngày hôm đó trả lời một số câu hỏi của tôi. Trong đó tôi có hỏi về tình hình sức khỏe cũng như tình trạng pháp lý của ông ấy vì đã giam giữ đến 9 tháng rồi mà chưa có thông báo gì cho gia đình tôi cả. Cô tiếp dân ngày hôm đó là Trung tá Ðặng Hồng Ðiệp nói rằng: “Nếu chúng tôi không có thông báo thì làm sao chị biết là ông Hải mất tay?”. Tôi nói là gia đình tôi vẫn không nhận được bất cứ một thông tin gì cả. Cô nói: “Nếu không nhận được thông tin gì thì ai báo cho chị biết việc ông Hải mất tay?”. Cô hỏi tôi hai lần như thế. Ngày hôm đó tôi mới biết, tôi nghĩ là có thể cô ấy nghĩ là tôi đã biết rồi. Lúc bấy giờ thực sự tôi rất choáng, không hỏi được thêm gì cả. Vì thế tôi mới làm đơn khiếu nại, yêu cầu họ trả lời cho gia đình tôi biết. Nếu ông Hải mất tay thì mất tay trong trường hợp nào, ở đâu? Hoặc là còn sống hay không?”[ Giáo Già in đậm và gạch dưới].

Song song với Ðiếu Cày, dư luận cũng không quên cô Phạm Thanh Nghiên [xem hình], nhà đấu tranh đòi Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, bạn thân của nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân, người bị CSVN bắt bỏ tù khi đang ngồi biểu tình tọa kháng tại nhà. Xin được nhắc lại nơi đây một số dữ kiện để thấy rõ hơn sự khiếp nhược của đám Thái thú CSVN trước áp lực của Tàu cộng:
Ngày 17 tháng 6 năm 2008, cô chính thức đệ đơn lên chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xin biểu tình. Lời lẽ trong đơn rất rành rọt:

“Chiếu theo quy định dưới luật trong Nghị định 38/CP, chúng tôi làm đơn này xin tổ chức một buổi biểu tình. Mục đích, ý nghĩa, thời gian và địa điểm như sau:
1. Mục đích, ý nghĩa: Yêu cầu Chính phủ có biện pháp kiềm chế lạm phát (Các băng rôn có những câu mang nội dung trên);
2. Thời gian: trong khoảng 13 h 30’ đến 15h vào ngày 16/7 năm 2008;
3. Ðịa điểm: Tập trung để xuất hành trước cửa Bưu điện Bờ hồ, sau đó đi vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm;
4. Thành phần tham gia: Tất cà người làm công ăn lương, trong đó có cán bộ công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang v.v... (và bất cứ cá nhân, tập thể nào có nhu cầu);
5. Số lượng người tham gia: Lúc cuộc biểu tình hình thành và xuất phát sẽ có khoảng 200 người. Sau này số người tham gia không tính trước được; vì lạm phát ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân;
6. Cuộc biểu tình này diễn ra trên tinh thần ôn hòa, chúng tôi không cho phép người tham gia biểu tình do chúng tôi tổ chức đập phá các cửa hàng, nhà băng... như tại các nước Âu, Phi, Mỹ Latinh, hoặc Thái Lan khi Chính phủ quốc gia họ bất lực trong việc kiềm chế lạm phát và khủng hoảng kinh tế, cũng không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội và giao thông công cộng;
7. Chúng tôi đề nghị cơ quan công quyền cắt cử lực lượng cảnh sát giám sát và bảo vệ cuộc biểu tình khi đó “theo đúng quy định của pháp luật”. Cương quyết trừng phạt những cá nhân có hành vi ngăn cản hoặc phá hoại cuộc biểu tình ”.

Thái độ đàng hoàng như vậy, nhưng yêu cầu của cô lại bị từ chối. Không được phép biểu tình công khai giữa nơi công cộng, cô bèn có ý định biểu tình tại nhà. Nhưng, trước khi thực hiện ý định này, được tin các ngư phủ bị tàu Trung cộng cướp bóc, đòi tiền chuộc và bắn giết trên biển Ðông, trong lãnh hải của Việt Nam, cô quyết định đến tận nơi thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ những gì cô có thể giúp đỡ được. Sau chuyến đi đó, về lại nhà, cô viết bài “Uất Ức - Biển Ta Ơi!”, đề tháng 3 năm 2008. Chính bài viết này đã khiến Trung cộng thêm uất ức cô. Có một trí thức yêu nước nổi tiếng thán phục:

“Tôi không biết chị Nghiên và cũng chưa một lần đối diện hay đìện đàm cùng chị Nghiên, nhưng tôi theo dõi rất kỹ những việc chị Nghiên làm cho người Việt Nam trong nước, đặc biệt là ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở biển Ðông. Năm 2005 lũ giặc cướp biển Ðông tự do bắn giết ngư dân VN ta trong phần lãnh hải thuộc về chủ quyền VN; nhưng nhà nước không dám mỡ miệng lên tiếng phản đối lũ giặc cướp man rợ phương Bắc. Chị Nghiên lặn lội đường xa đi từ Hải Phòng về Thanh Hóa thăm hỏi, an ủi những gia đình ngư dân VN bị bọn hải tặc biển Ðông giết hại, chị Nghiên chụp hình, viết phóng sự “nóng hổi” phổ biến trên Internet toàn cầu tố cáo bộ mặt dã man của bọn bành trướng Bắc Kinh và đòi công lý, lẽ phải cho những ngư dân VN thấp cổ bé mồm. Nhẽ ra nhà nước CHXHCN VN phải trao tặng chị Nghiên huy chương vàng về tinh thần yêu nước, yêu nhân dân mới đúng lẽ nhưng lại ngược đãi trù dập chị Nghiên... Chị Nghiên đúng là một nữ anh thư thế kỷ XXI xứng đáng con cháu Bà Trưng Bà Triệu. Và tinh thần yêu nước của nữ anh thư Phạm Thanh Nghiên bất diệt !!! ” [trích từ bài viết của Nguyễn Thanh Giang, Hà Nội, ngày 15.3.2011]

Sau đó, ngày 13.9.2008, trước ngày biểu tình tại gia, cô viết bức tâm thư cho biết:

“...Trong sự ý thức về trách nhiệm của một công dân Việt Nam, trong tinh thần Tổ Quốc trên hết, tôi quyết định sẽ tọa kháng ngay trước nhà của tôi khởi từ ngày 14 tháng 9 năm 2008 trở đi để phản đối hành động bán nước, dâng hiến Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung quốc cách đây 50 năm. Lý do tôi phải chọn hình thức đấu tranh này là vì tôi đã từng nộp đơn xin phép nhà nước để được biểu tình, để được làm theo đúng pháp luật quy định của nhà nước, hầu không bị công an vô cớ đàn áp và vu khống như những lần tham dự biểu tình trước, nhưng đơn xin phép của tôi cũng đã bị bác bỏ, và bản thân tôi lại bị hành hung. Tôi khiếu tố và đơn khiếu tố ấy cũng bị tòa từ chối không giải quyết. Tôi không còn lựa chọn nào khác trừ phương thức đấu tranh tọa kháng ngay tại nhà tôi để thể hiện quyền bày tỏ thái độ của tôi, một quyền mà chính hiến pháp nhà nước trong điều khoản 69 cũng đã ghi rõ. Và lần này, nếu nhà nước đàn áp, sách nhiễu hay sử dụng bạo lực với tôi, hay thậm chí án tù với tôi, thì ít ra tôi cũng đã thể hiện qua chính sự an nguy của tôi cho cả thế giới được biết sự thật của đất nước này là không hề có tự do ngôn luận, cho dù là ngay tại chính nhà mình sở hữu.

Tôi cũng tọa kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của nhà nước này trước ngoại bang phương bắc nhưng lại hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của công dân Việt Nam. Ðây chỉ là một việc làm nhỏ bé mà cá nhân tôi có thể làm được trong lúc này. Nhưng dù là một hành động nhỏ bé, nhưng với tinh thần đất nước là của chung, tôi xin kính khẩn kêu gọi mọi tầng lớp công dân Việt Nam, quý bác, quý chú đã từng hy sinh cuộc đời của mình cho nền độc lập của đất nước, các anh chị và các bạn trẻ đang mong ước đất nước Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu với cộng đồng nhân loại, hãy cùng với tôi bày tỏ thái độ và lòng yêu nước của mình ngay tại chính nhà của quý vị, bất cứ ngày nào khởi từ ngày 14 tháng 9 này trở đi, nếu như quý vị cũng như chúng tôi bị ngăn cấm, không thể đến được nơi biểu tình ở Hà Nội vào 14/09 trước sứ quán Trung Quốc.
Mục đích duy nhất của hành động tọa kháng của tôi là bày tỏ lòng yêu nước và nhắc nhở cho chính tôi và đồng bào của tôi về mối nhục mất đất, mất biển và tôi mong mỏi được sự hỗ trợ và đồng thuận của nhiều người qua những hành động cụ thể. Nếu tôi bị bắt giam thì chắc chắn “tội” của tôi, và đó là là tội duy nhất của tôi, là đã dám công khai bày tỏ lòng yêu nước của mình. Và nếu vì yêu nước mà bị giam cầm thì tôi rất sẵn sàng và hãnh diện đón nhận bản án tù ấy bất cứ lúc nào. Và nếu như tôi bị bắt giam trước khi tôi có cơ hội toạ kháng tại nhà như ước muốn, thì tôi sẽ tọa kháng phản đối trong nhà tù. Ðối với tôi những khó khăn này rất là nhỏ bé so với những hy sinh của các bậc tiền nhân, của các vị cha chú đi trước tôi đã trải qua trong sự nghiệp bảo vệ đất nước”.

Sau đó, cô Phạm Thanh Nghiên đã tọa kháng tại nhà với biểu ngữ phản đối Trung quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam, biểu ngữ yêu cầu chính phủ Hà Nội có thái độ cứng rắn đối với việc Trung Quốc lấn chiếm đảo Trừơng Sa và Hoàng Sa. Cô bị công an bắt giam. Hai năm sau, tin từ các hãng AFP, AP và đài VOA cho biết: “Trong phiên tòa kéo dài nửa ngày 29.1.2010, ở Hải Phòng, các nhà ngoại giao và báo chí quốc tế chỉ được theo dõi qua màn hình tại một phòng kế bên phòng xử, nhà bất đồng chánh kiến Phạm Thanh Nghiên, một nhà báo tự do và cũng là một blogger bị tuyên án 4 năm tù kèm 3 năm quản thúc tại gia”.

Chuyện biểu tình chống Tàu cộng của những nhà dân chủ đã diễn ra từ mấy năm trước. Tấm gương bất khuất sáng chói của Ðiêu Cày, của Phạm Thanh Nghiên và bao nhiêu bloggers bất khuất khác truyền đến bây giờ, được thêm cuộc cách mạng Bông Lài từ Tunisia, Ai Cập..., từ các quốc gia Bắc Phi, Trung Ðông truyền tới, cộng với sự nhập cuộc của giới trẻ, của cao trào “tự diễn biến” trong hàng ngủ đảng viên cộng sản ý thức “đại họa mất nước”, nhứt là sau chuyến đi Bắc Kinh bằng đầu gối của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, rồi trở vê Việt Nam tự bịt miệng [hay bị đám Thái thú ngồi ở Bắc Bộ phủ Hà Nội bịt miệng?] khiến cuộc đàn áp biểu tình đến lần thứ 8 của công an được coi như cuộc trắc nghiệm ngoạn mục sự “bó tay” của CSVN trong việc đàn áp; đồng thời nó cũng trắc nghiệm khả năng huy động rộng rãi khắp cùng mọi nơi; và mau lẹ trong khoảnh khắc; tuổi trẻ bước lên thực hiện cuộc cách mạng Bông Lài, bước lên làm lịch sử chuyển đổi độc đảng độc tài, Dân chủ hóa Việt Nam, hình thành một Quốc gia Việt Nam dân chủ Pháp trị, đưa đất nước hội nhập vào trào lưu tự do dân chủ toàn cầu.

Xin được gởi đến Phạm Thanh Nghiên và Ðiều Cày những Bông Lài ngào ngạt thơm niềm tin Tự do Dân chủ Pháp trị tỏa khắp nhà tù, đến toàn đất nước Việt Nam.

Hẹn con thư sau,

Giáo Già

No comments:

Post a Comment