Nguyễn Hưng Quốc - Sự im lặng của ông tiết lộ là ông và đảng Cộng sản do ông đứng đầu dường như đang muốn né tránh việc lãnh đạo đất nước trong lúc cả nước đang cần người lãnh đạo nhất...
Trong sinh hoạt chính trị Việt Nam những năm gần đây, sự kiện tàu Trung Quốc ngang nhiên tiến sâu vào hải phận Việt Nam, cắt dây cáp ngầm của tàu thăm dò dầu khí được hải quân bảo vệ của Việt Nam đến hai lần (lần đầu vào ngày 26 tháng 5 và lần sau vào 9 tháng 6) chắc chắn là những sự kiện nổi bật và quan trọng nhất.
Nổi bật và quan trọng vì nhiều lý do: Thứ nhất, sự uy hiếp của Trung Quốc trắng trợn đến độ Việt Nam không thể tiếp tục chịu đựng và nhịn nhục được nữa. Thứ hai, chính vì không thể chịu đựng và nhịn nhục nữa, Việt Nam đã lên tiếng. Hậu quả là, lần đầu tiên từ cả mấy chục năm nay, hai nước anh em xã hội chủ nghĩa công khai phê phán và công kích nhau. Chưa ai nổ súng, và có lẽ cũng chưa có ai sẵn sàng cho chuyện nổ súng, nhưng một số vụ nổ bằng miệng (chưa đáng gọi là võ mồm!) đã bắt đầu chớm xuất hiện tuy mức độ, nói chung, còn rất rụt rè và khiêm tốn, ít nhất là từ phía Việt Nam.
Tham gia vào trận nổ bằng miệng ấy, có nhiều lãnh tụ thuộc loại cao cấp nhất của Việt Nam. Xin lưu ý là, trước đây, những người ấy thường im lặng. Người ta thường từ chối phát biểu công khai với lý do là đề tài ấy rất tế nhị, chỉ nên bàn luận ở các bàn hội nghị bí mật. Người ta còn cấm báo chí lên tiếng nữa. Nay thì người ta thấy không thể không lên tiếng. Ngày 7/6, khi đến thăm huyện đảo Cô Tô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hi sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo". Ngày 8/6, tại Nha Trang, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Đồng thời, ông khẳng định:“Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”.
Ở cấp bộ trưởng, có hai nhân vật lên tiếng, giọng điệu nhẹ nhàng và chung chung hơn. Thứ nhất là Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ngày 5 tháng 6, tại Hội nghị An ninh châu Á tổ chức ở Singapore, Phùng Quang Thanh công khai nêu lên sự kiện tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám uy hiếp. Sau đó, tại cuộc gặp bên lề hội nghị với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Phùng Quang Thanh cũng "nhấn mạnh" (một cách khá lễ độ!): “Vụ việc tàu Bình Minh 02 đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại.” Thứ hai là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Vào ngày 8/6, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu (ASEM) tại Hungary, Phạm Gia Khiêm cho "một số vụ việc trên Biển Đông gần đây khiến các quốc gia thêm quan ngại về an toàn, an ninh trên biển".
Tuy nhiên, cho đến nay, người lên tiếng nhiều nhất về các biến cố trên biển Đông và về quan điểm cũng như chiến lược đối phó của Việt Nam trước sự uy hiếp của Trung Quốc chính là Trung tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Ông Vịnh vừa phát biểu chính thức tại Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (AFR) ở Indonesia vừa trả lời phỏng vấn của báo chí, cả báo chí ngoại quốc lẫn báo chí Việt Nam.
Thật ra, điều này cũng không lạ. Không phải bây giờ mà từ cả vài năm nay, dường như Trung tướng Vịnh bao giờ cũng là người hay đề cập đến vấn đề này nhất, dù, trước đây, phần lớn, ông chỉ tuyên bố chung chung về các chiến lược quốc phòng và an ninh chứ hiếm khi đề cập thẳng đến quan hệ càng ngày càng có nhiều sóng gió với Trung Quốc. Cũng cần thừa nhận là, trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, Trung tướng Vịnh là người ăn nói mạch lạc, khéo léo và có vẻ như có tầm nhìn chiến lược nhất. Có khi đó là lý do chính khiến ông được cử ra làm người phát ngôn chính về chiến lược của Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy có nhiều vấn đề:
Thứ nhất, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay vẫn chưa phải là xung đột quân sự và dường như cả hai bên đều chưa muốn quân sự hóa sự tranh chấp ấy. Các tàu Trung Quốc quấy rối và cắt dây cáp ngầm của Việt Nam được ngụy trang dưới hình thức tài hải giám. Về phía Việt Nam, cũng thế, cũng ngụy trang tàu hải quân dưới hình thức tàu bảo vệ. Cả hai phía đều cố kiềm chế. Và cả hai phía đều cho các cuộc tranh chấp ấy có tính dân sự. Như vậy, vấn đề là: Tại sao người phát ngôn lại là một viên tướng chứ không phải ai khác, ví dụ, một nhà ngoại giao, chẳng hạn?
Thứ hai, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho đến nay, tuy chưa bị quân sự hóa, nhưng lại có ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện, như vấn đề chủ quyền trên đảo và trên biển, vấn đề kinh tế biển, vấn đề quan hệ song phương giữa hai nước, từ đó, đến các vấn đề kinh tế, thương mại, xã hội, văn hóa, nghĩa là, có tính chất chính trị to lớn. Là vấn đề chính trị, tại sao người phát ngôn lại là một viên tướng?
Cuối cùng, như là hệ quả của các phân tích trên, vấn đề biển Đông rõ ràng là vượt ra ngoài thẩm quyền của các nhà quân sự, dù cho đó là một viên tướng và là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Một lúc nào đó, ví dụ, Việt Nam quyết định nổ súng vào tàu hải giám Trung Quốc, thì quyết định đó không thể xuất phát từ giới quân sự được. Trên nguyên tắc, nó phải xuất phát từ một người có chức vụ cao hơn. Thậm chí, chuyện đơn giản hơn: trong một cuộc phỏng vấn ở Singapore, Nguyễn Chí Vịnh phản đối việc dân chúng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 5 tháng 6: Với tư cách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chắc chắn ông không có thẩm quyền gì để can thiệp vào một cuộc biểu tình như vậy cả. Ông đồng ý hay không đồng ý thì cũng vậy. Quyết định ấy phải xuất phát từ người khác.
Người khác đó là ai?
Ở nước ngoài, người đó phải là tổng thống hoặc thủ tướng (trong trường hợp người đứng đầu quốc gia chỉ có vai trò tượng trưng, như ở Anh, Úc, Đức, Do Thái, Canada, v.v…).
Theo hệ thống quyền lực tại Việt Nam, người đó không phải là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mà là Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.
Thế nhưng, lạ, cho đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn im lặng. Không nghe tăm hơi gì cả.
Một số người có thể sẽ biện minh cho sự im lặng của ông: Ông không muốn nghiêm trọng hóa vấn đề. Đồng ý. Nhưng người ta vẫn có thể phát biểu mà vẫn tránh làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn. Vấn đề chỉ là cách nói mà thôi.
Ông im lặng, chúng ta có thể hiểu là: với ông, một, chuyện tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam, quấy rối Việt Nam là chuyện nhỏ; hai, chuyện dân chúng phẫn nộ trước những sự xâm phạm ấy cũng như lo lắng trước vận mệnh của đất nước cũng là chuyện nhỏ; ba, việc giải quyết sự tranh chấp với Trung Quốc chủ yếu thuộc vào giới quân sự, trong khi giới quân sự thì chủ trương tự kiềm chế đến tối đa.
Nhưng quan trọng nhất, sự im lặng của ông tiết lộ là ông và đảng Cộng sản do ông đứng đầu dường như đang muốn né tránh việc lãnh đạo đất nước trong lúc cả nước đang cần người lãnh đạo nhất.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment