Phùng Nguyên (TP) - Những năm đầu thời kỳ Đổi Mới, nhiều bài báo chống tham nhũng gây chấn động dư luận, như: Sự thật về nhà ở của một quan chức hàm bộ trưởng, vụ Thủy cung Thăng Long, vụ Bí mật quốc gia bị bán... có chung tác giả là nhà báo Trần Đình Bá - báo Quân đội Nhân dân.
Trò chuyện với PV Tiền Phong nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, Trần Đình Bá tiết lộ, ông từng đòi hối lộ... 1 tỷ USD. Nhà báo Trần Đình Bá tâm sự:
Từ khi đất nước đổi mới, với tốc độ phát triển kinh tế, tôi nhìn thấy một tình trạng chắc chắn sẽ xảy ra, đó là đất đai sẽ được sử dụng nhiều để xây khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn. Anh nào khéo chạy sẽ chiếm được những miếng đất ngon. Đó là kẽ hở cho tham nhũng. Tôi dám khẳng định, tham nhũng đất đai là loại tham nhũng lớn nhất hiện nay.
Nhiều nhà máy, khu công nghiệp mọc lên, dẫn đến phải mua nhiều thiết bị nước ngoài. Trong chuyện này có nhiều kẽ hở để người ta ngã giá, ăn chia với nhau.
Tôi có nhiều bài viết chống tham nhũng trong hai lĩnh vực này. "Góp đất vườn thú để xây khách sạn: Stop". "Thủy cung Thăng Long - những điều nhức nhối", "Một ngày nướng 5 triệu USD", "Bí mật quốc gia bị bán"…
Tôi tự bỏ tiền túi, viết kịch bản, thuê đạo diễn làm một phim có đề tài chống tham nhũng. Trong phim nói đến một câu chuyện có thật: Tập đoàn Daewoo Hàn Quốc rao bán một nhà máy 50 triệu USD không nước nào mua. Nhưng Công ty Hanel ở Hà Nội lại mua với giá 100 triệu USD.
Những dự báo của tôi về tham nhũng trong đất đai và xuất nhập khẩu đáng buồn là không những đúng mà đang rất nhức nhối.
Tôi cho rằng, nhà báo có chức năng cực kỳ quan trọng là phát hiện, dự báo được những cái xấu và có thể xấu sẽ xảy ra. Từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của cái xấu.
Để viết những bài báo đó, ông có nguyên tắc nghề nghiệp nào?
Tôi có những nguyên tắc của mình, đó là thông tin đưa lên mặt báo phải đảm bảo chính xác; phân tích chứng minh có lý có tình; động cơ bài viết phải hết sức xây dựng. Nếu làm được những điều đó thì bảo đảm rằng bạn đọc và cơ quan chức năng đồng tình ủng hộ.
Một trong những cái khó nhất của viết báo chống tham nhũng là tài liệu, chứng cứ. Ông làm thế nào có được những tài liệu độc?
Với tôi, cần thông tin vụ việc gì thì trước hết tôi nghiên cứu những vấn đề luật pháp và chính sách liên quan vụ việc đó. Tôi cũng dựa vào linh tính nghề nghiệp để làm sao xác định được lĩnh vực nào, nhân vật nào tham nhũng. Khi xác định được mục đích, tôi đưa ra đề cương tìm tài liệu. Hầu hết những vụ tôi làm là những vụ cực lớn, lấy tài liệu không dễ. Vụ cần nhiều tài liệu nhất là vụ Thủy cung Thăng Long. Một Cty TNHH làm dự án Thủy cung Thăng Long 20 ha cạnh phủ Tây Hồ. Công ty này không có chuyên ngành về xây dựng, vốn đăng ký 4,2 tỷ đồng nhưng khi dự án được cấp, kiểm tra trong tài khoản chỉ có 150.000 đồng.
Nhưng vì sao họ lại được cấp dự án? Qua điều tra, tôi thấy vì họ đã vận động được bộ máy khổng lồ của Hà Nội, của nhiều bộ, ngành liên quan, kể cả Chính phủ. Khi công an vào cuộc điều tra thì ngay vị trưởng đoàn bị đình chỉ và thuyên chuyển công tác. Trong quá trình thu thập tài liệu, tôi có được nhiều văn bản thư từ liên quan Thủy cung Thăng Long của Phó Chủ tịch, Chủ tịch TP Hà Nội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc. Đặc biệt, có một bức thư của Cố vấn Lê Đức Anh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và phát biểu của Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt với nội dung yêu cầu làm rõ vụ việc này và không né tránh bất kỳ ai. Thu thập xong tài liệu, tôi viết bài "Thủy cung Thăng Long - những điều nhức nhối" . Sau đó vụ án này được đưa ra xét xử và dự án Thủy cung Thăng Long bị hủy bỏ. Nếu dự án này trót lọt, thì chủ dự án sẽ thu được số tiền tương đương 7 tấn vàng. Nếu không có sự kiên quyết của Cố vấn Lê Đức Anh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, vụ án chắc chìm xuồng.
"Không chặt chẽ thì chết"
Hẳn ông đã đối diện "viên đạn bọc đường" và cả những sự đe dọa trả thù?
Một số nhà báo, kể cả tổng biên tập, đưa ra chiêu bài chống tham nhũng để tham nhũng. Tôi có nhiều ví dụ cụ thể nhưng không tiện nói ra. Họ đã vì lợi ích của mình mà từ bỏ nhiệm vụ chống tham nhũng, đó là một thực trạng nhức nhối của báo chí Việt Nam. Một quan chức bị tôi phanh phui trên mặt báo hành vi tham nhũng đã nhờ một người bạn của tôi đến gặp tôi để "đàm phán". Tôi nói với bạn tôi: về bảo với ông ta đưa đến đây 1 tỷ USD thì tôi sẽ không viết nữa. Tôi nói vậy vì thời điểm đó (năm 1994) không có một quan chức tham nhũng nào ở Việt Nam có nổi 1 tỷ USD. Đừng bao giờ đưa tiền ra nói chuyện với tôi. Tôi đã đố bạn tôi “tìm một nghìn năm mà thấy thằng Bá ăn tiền của thằng nào”. Khi tôi viết vụ Petechim mua thiết bị dầu khí, không mua giá 29 triệu USD mà mua 34 triệu USD, có người đến "mua" tôi nhiều tiền. Anh Phạm Chuyên (lúc đó là Phó Giám đốc Công an Hà Nội - Trưởng ban chuyên án Petechim) đề nghị tôi nhận tiền để có chứng cứ bắt chúng. Tôi bảo, thế thì anh Chuyên làm giấy đi, đóng dấu vào, nói là nhờ tôi với ba điều kiện: khi chúng trao tiền có ba lực lượng giám sát gồm bạn bè tôi, quân đội và công an. Anh Chuyên bảo: Sao anh chặt chẽ thế. Nhưng không chặt thì chết. Nói không sợ bị trả thù thì không đúng, nhưng khi đã dấn thân vào và thấy lợi cho cái chung thì tôi quyết tâm làm và đưa ra nhiều phương án và chuẩn bị lực lượng để đối phó, và phải luôn thận trọng giữ gìn vì có rất nhiều cạm bẫy. Thậm chí có kẻ còn âm mưu dùng "mỹ nhân kế" với tôi, nhưng tôi tránh xa…
Khi những vị quan chức phải ra đứng trước vành móng ngựa vì những bài báo của ông, ông có cảm giác thế nào?
Tôi thấy rất buồn. Có đêm nằm, tôi bật khóc. Khóc vì nghĩ đến bố mẹ họ, vợ con họ, những người đã phải đau khổ, xấu hổ, dằn vặt vì họ.
Không ít nhà báo chống tham nhũng bị vô hiệu hóa
Ông có thể lý giải vì sao làng báo ngày càng ít những nhà báo dấn thân chống tham nhũng một cách quyết liệt, dũng cảm và đem lại kết quả tích cực cho xã hội?
Có hai lý do. Thứ nhất, gần như chưa có một hành lang pháp lý nào để bảo vệ người chống tiêu cực nói chung và nhà báo chống tiêu cực nói riêng. Gần đây có nhiều nhà báo bị trả thù. Cơ quan pháp luật sẽ làm gì với những vụ như thế. Rõ ràng nhiều vụ trả thù nhà báo nhưng cơ quan pháp luật còn xử lý thiếu kiên quyết khiến cho các nhà báo nản lòng. Không ít nhà báo tham gia chống tham nhũng bị vô hiệu hóa ngay tại cơ quan mình, thậm chí bị vô hiệu hóa từ cơ quan pháp luật.
Thứ hai, thời buổi cơ chế thị trường, nhà báo cũng bị tác động nhiều. Tôi biết không ít nhà báo bị vô hiệu hóa bằng tiền. Đó là một thực tế rất đau lòng cho nghề báo chúng ta.
Theo ông, nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ làm sao tránh được những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc và không bị đồng tiền "vô hiệu hóa"?
Không khó lắm, nhưng không phải dễ. Đã có những quy ước về đạo đức nhà báo, nhưng tôi cho rằng nhà báo do đặc trưng nghề nghiệp của mình, phải đặt cho mình những nghĩa vụ cao hơn. Nhà báo phải xác định được bổn phận của mình, từ đó tính toán mọi hành động, biết kìm chế cám dỗ. Cám dỗ vật chất trong cơ chế thị trường rất lớn, nếu không biết kìm chế thì những đòi hỏi đó không có điểm dừng, dễ rơi vào vòng xoáy thị trường. Nhà báo viết theo thị trường sẽ tính toán đưa một vụ tham nhũng lên mặt báo có bao nhiêu tiền, không đưa thì được bao nhiêu tiền...
Ông có quan hệ gần gũi với một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về giá trị của những mối quan hệ ấy với nhà báo ?
Chưa bao giờ tôi lợi dụng mối quan hệ ấy cho cá nhân. Nếu tôi lợi dụng thì không bao giờ có chuyện nhiều năm liền tôi không được lên quân hàm. Tôi chỉ cần những mối quan hệ ấy cho nghiệp vụ trong những bài báo chống tham nhũng của mình.
*
Trần Đình Bá sinh năm 1947 ở Thanh Chương - Nghệ An, đi bộ đội tham gia chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Sau nhiều năm làm báo Quân đội Nhân dân, chưa đến tuổi, nhưng Trần Đình Bá lại chủ động viết đơn xin nghỉ hưu. Lá đơn nghỉ hưu viết rất ngắn, có đoạn: "Mấy năm qua, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của cuộc sống, làm băng hoại nhiều giá trị đạo đức thiêng liêng, làm xói mòn nhiều chuẩn mực của công tác cán bộ. Tôi trở thành loại cán bộ, đảng viên, sĩ quan quân đội, nhà báo không thích hợp với quan chức tham nhũng và cơ hội, vì vậy tôi viết đơn này xin nghỉ hưu". Sau đó, Trần Đình Bá nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.
Người bạn đời của nhà báo Trần Đình Bá ngồi bên cạnh chồng, mỉm cười nói: "Hồi tôi làm ở Văn phòng Chính phủ, bỗng nhận được tin: ông Bá chết rồi. Tôi hớt hải chạy sang báo Quân đội Nhân dân thì thấy chồng mình đang ngồi uống bia hơi bên đường. Sau này mới biết, có kẻ tham nhũng bị ông Bá "đánh" nên tung tin trả thù".
Hiện nhà báo Trần Đình Bá đã về hưu nhưng vẫn chưa "rửa tay gác kiếm", thỉnh thoảng lại thấy một bài báo phanh phui tham nhũng với lý lẽ sắc bén, số liệu chính xác, ngôn từ quyết liệt không né tránh trên báo Cựu Chiến binh. Về hưu, Trần Đình Bá lập cơ sở sản xuất rượu Hương Rừng, sống với tâm thế của một người đã quá hiểu sự đời. Còn sung sức, nhưng nghe nói ông đã mua cho hai vợ chồng hai chỗ ở công viên Vĩnh Hằng trên Ba Vì. Cuốn sách mới xuất bản của ông, lấy câu thơ của K. Simonop làm đề từ "Ta vui với đời, ta chiến đấu". Trần Đình Bá uống cạn chén rượu "của nhà trồng được", bảo: "Mình luôn phải thỏa mãn với mình, không tham vọng, nhưng biết ước mơ. Nếu tham vọng thì dễ vấp ngã. Nhà báo phải dấn thân nếu vì lợi ích chung, còn nếu vì lợi ích riêng thì gọi là liều. Luôn đề cao cảnh giác. Cảnh giác với bản thân mình là khó nhất và cần nhất, vì Phật dạy: chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng bản thân mình".
Phùng Nguyên
No comments:
Post a Comment