Trở Về Trang chính

Tuesday, June 21, 2011

Con ngáo ộp chính trị

Theo quan niệm của nhiều người, chẳng cần phải trang bị súng ống hay thành lập đảng phái có tôn chỉ mục đích mà cứ làm cái gì khác ý lãnh đạo tức là làm chính trị. Nào là biểu tình phản đối Trung Quốc, đình công, viết đơn thỉnh nguyện, đơn kiện quan, đều được coi là dính đến chính trị tuốt. Không hiểu cái quan niệm quái đản này được hình thành từ bao giờ, gây nên một nỗi sợ hãi bao trùm lên mọi tầng lớp xã hội. Họ cứ thế sống lầm lũi, chịu đựng, lựa chiều che gió, biết vô lý, bất công nhưng chẳng dám mở miệng ra...


1. Năm 2003, khu dân cư ven đường nơi tôi ở nhận được liên tiếp chừng chục cái thông báo trong vòng hơn một tháng của chính quyền địa phương yêu cầu dân tự phá dỡ nhà mỗi bên 15 mét theo chiều sâu, có thông báo ghi cả ngày giờ cưỡng chế cụ thể. Lý do đưa ra là khu này do dân lấn chiếm, làm nhà trên đất canh tác nên việc phá dỡ là vô điều kiện. Người dân đi khiếu kiện cử tôi làm đại diện cho họ. Tôi dẫn đầu bà con đi từ xã lên huyện, thành phố rồi đến tận Mai Xuân Thưởng (nơi TW tiếp công dân khi đó). Vũ khí duy nhất của chúng tôi là điều 50 của Luật đất đai. Tôi được một ông đe:

“Ông cẩn thận đấy, ông không sợ bị bắt à. Dính vào chính trị là phức tạp lắm”.

Cuối cùng thì cái vụ cưỡng chế ấy không xảy ra. Sau đó, dân được chính quyền gọi lên để kê khai làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thấy giải thích về mấy cái thông báo cưỡng chế mà không thực hiện nói trên.

2. Lại nhớ hồi mới đổi mới, xí nghiệp tôi đang trong tình trạng trì trệ có nguy cơ giải thể đến nơi thì được một giám đốc mới về vực dậy. Anh chị em công nhân đều phấn khởi. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, nghe có tin cấp trên định điều vị giám đốc này đi đơn vị khác. Tôi viết đơn lên Tư lệnh trưởng binh đoàn 11 đề nghị để giám đốc này ở lại. Khi đi lấy chữ ký, anh em công nhân hưởng ứng rào rào. Có một đội trưởng đắn đo mãi, thấy quân của anh đều ký cả nên cuối cùng anh cũng ký nhưng không khỏi lo lắng: “Thế này thì đi tù cả nút”. Sau khi nhìn thấy tôi trao đơn tận tay Tư lệnh trưởng, vị giám đốc bảo tôi: “Ông không sợ à?” Tôi hỏi: “Sao phải sợ?” Anh bảo: “Thì đi hay ở thì tổ chức đã quyết rồi, ông lại dám làm trái ý cấp trên”. Cũng vì thế, tôi bớt ngưỡng mộ anh đi một chút dù cuối cùng anh vẫn ở lại.

3. Vừa rồi, trong một buổi gặp mặt sau mấy chủ nhật biểu tình phản đối Trung Quốc, một cô bạn bảo: “Mấy đứa sinh viên không lo học cho thành tài lại đi lo chuyện chính trị, nay ký đơn, mai biểu tình”.

Tôi nói:

- Thì tuổi trẻ bây giờ mà có nhiệt huyết với đất nước như thế là đáng mừng chứ.

Cô trừng mắt:

- Còn cả anh nữa đấy. Động vào chính trị rồi có ngày làm khổ vợ con. Anh cứ viết truyện, làm thơ tình đi cho nó lành.

4. Tôi thừa nhận là nhiều lần, vợ tôi van xin đừng đơn từ báo chí gì nữa, động đến chính trị là khổ lắm. Tôi bảo: “Anh không đủ khả năng làm chính trị, việc anh làm chỉ để góp phần dù nhỏ đem lại công lý, dân chủ, làm cho xã hội tốt đẹp hơn mà thôi, chẳng có gì sai trái, bịa đặt hay vi phạm pháp luật cả”. Vợ tôi nói: “Đồng ý là anh không sai nhưng họ có quyền chức trong tay, họ làm gì chẳng được. Họ sẽ ngấm ngầm hại anh sau lưng. Cái khổ không chỉ mình anh chịu. Anh không thương anh thì thương lấy vợ con”.

Vợ tôi có lý của cô ấy. Đơn của tôi về đủ mọi chuyện cũng hàng cân từ cơ sở lên đến tận Chính phủ nhưng chẳng có cơ quan nào giải quyết. Công lý đâu không thấy, chỉ thấy bị gây khó dễ, bị trả thù vặt.

Thì ra vậy. Theo quan niệm của nhiều người, chẳng cần phải trang bị súng ống hay thành lập đảng phái có tôn chỉ mục đích mà cứ làm cái gì khác ý lãnh đạo tức là làm chính trị. Nào là biểu tình phản đối Trung Quốc, đình công, viết đơn thỉnh nguyện, đơn kiện quan, đều được coi là dính đến chính trị tuốt.

Không hiểu cái quan niệm quái đản này được hình thành từ bao giờ, gây nên một nỗi sợ hãi bao trùm lên mọi tầng lớp xã hội. Họ cứ thế sống lầm lũi, chịu đựng, lựa chiều che gió, biết vô lý, bất công nhưng chẳng dám mở miệng ra.

Hiện nay, xã hội ta đang sinh ra một loại người rất ích kỷ. Họ chỉ biết sống cho mình mà bàng quan với vận mệnh của non sông đất nước, với những ngang trái bất công đầy rẫy trong xã hội, lúc nào họ cũng sợ, không dám thể hiện ra điều mình nghĩ. Có ai bàn luận chuyện này chuyện khác thì họ bảo:

“Tôi không dính đến chính trị”.

Câu ấy cho tôi vài suy nghĩ:

Thứ nhất, họ đã được huấn luyện thành những cái máy, chỉ biết nghe và nói theo những gì đã được lập trình. Cũng có thể họ biết tất cả nhưng nói ra sẽ có hại cho địa vị của họ mà địa vị thì gắn liền với lợi ích vật chất trong khi họ mang sẵn trong người dòng máu ích kỷ.

Thứ hai, họ nói thế để bao biện cho sự hèn nhát của họ.

Có một cậu sinh viên mới ra làm việc được vài năm, cùng cơ quan với tôi buông ra một câu rất vô cảm sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 12/2007 thế này: “Mấy thằng sinh viên vớ va vớ vẩn, giăng biểu ngữ đi dọc phố hô khẩu hiệu, nhố nha nhố nhăng”.

Ý là cậu ta mới là người khôn ngoan, hiểu đời, còn các em sinh viên kia chỉ là những kẻ bốc đồng, làm những việc ấu trĩ và vô ích mà thôi. Tôi thực sự thất vọng cho việc xã hội ta đào tạo ra loại công chức như cậu ấy.

Cũng là để bao biện cho sự hèn nhát, nhiều người cho rằng mình có lên tiếng cũng chỉ là hạt cát. Họ cố tình không hiểu rằng, nhiều hạt cát có thể sa mạc hoá những vùng đất mầu mỡ, nhiều hạt muối sẽ làm nên biển cả.

Thứ ba là, tôi nhớ đọc ở đâu đó có một nhà văn hay nhà thơ nào đó viết, đại ý: “Chỉ có kẻ ngu mới cho là mình sống ngoài chính trị”

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến ấy. Nhưng những người biết tất cả mà lại bàng quan với những vấn đề trọng đại của đất nước, của dân tộc, với những số phận của những người dân lương thiện lầm than bị oan trái thì chắc chắn họ không phải là con người chân chính.

Cụ Nguyễn Khuyến có câu:
Nếu trơ như đá thì đâu khổ
Còn chút lương tâm mới khó nguôi.

Bây giờ, bao nhiêu người trơ như đá, bao nhiêu người còn chút lương tâm đây?

Nếu cho rằng cứ làm hay nói cái gì khác ý lãnh đạo tức là làm chính trị thì rõ ràng, họ biến chính trị thành con ngáo ộp để đe dọa mọi người, làm cho người ta không dám nói ra những điều mình thấy, mình cảm, biến người dân lẽ ra là những ông bà chủ thành một bầy cừu. Thử hỏi như thế, có lợi cho đất nước, cho dân tộc không hay là chỉ lợi cho những phe nhóm nào đó?.

Nguyễn Tường Thụy

No comments:

Post a Comment