Mẹ Nấm - Bài viết này tôi đã chuẩn bị để chia sẻ ở "Sự kiện truyền thông Công Giáo" tại Dòng Chúa Cứu Thế - 38 Kỳ Đồng - Sài Gòn vào ngày 05/06/2011 vừa qua. Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam, xin đăng lại để tặng bạn bè tôi - những bloggers đóng vai trò truyền thông trên các trang mạng xã hội.
------------
Nhận thức của con người đối với hiện tượng xã hội được hình thành thông qua đức tin và ngũ quan. Nhu cầu của con người được xác lập để tồn tại, phát triển và chống lại sự trì trệ, ngăn cản. Một trong những điều con người cần, hay nói cách khác nhu cầu thực sự của con người là thông tin.
Như mọi người đã biết, thông tin tồn tại và có tác dụng nhờ: Nguồn tin, truyền tin (nhờ giá thông tin) và điểm đến của thông tin (để xử lý).
Ba yếu tố đó tạo nên sự có mặt và tác dụng của thông tin.
Trong thời đại hiện nay,các phương tiện và các tiện ích xuất hiện bắt đầu từ những nhu cầu của con người. Mà nhu cầu của con người thì thay đổi theo hướng phát triển của thời gian. Internet là một trong những “văn minh nhân loại” được nảy sinh và phát triển từ nhu cầu thông tin của xã hội.
Ta hãy xét ngược lại một chút.
Khi “thông tin chưa bùng nổ”, sự tìm kiếm thông tin phụ thuộc rất nhiều vào thời gian và loại hình nghề nghiệp xã hội. Khi một tờ báo đến với tay người đọc, thì sự việc xảy ra mà báo chí đưa tin có khi đã thay đổi theo hướng khác hoặc đã kết thúc. Hơn thế, bản chất của sự việc chưa chắc được phản ánh trên báo, hiện tượng có khi bị mô tả sai…lại còn phụ thuộc vào thái độ và tiến độ làm việc của những người làm công tác thông tin như : viết tin, đưa tin.
Trong khi đó, nhu cầu của xã hội lại yêu cầu hơn thế. Mâu thuẫn bắt đầu từ nội tại.
Khoa học kỹ thuật phát triển, những tiện ích phục vụ cuộc sống theo đó hiện đại dần lên.
Thông tin bắt đầu “bùng nổ” đúng nghĩa.
Cùng với sự phát triển kỳ diệu của Internet, đã hỗ trợ tích cực cho nhu cầu tìm kiếm thông tin, giao lưu, kết ban.. để chia sẻ cảm xúc và trao đổi quan điểm của con người ngày một phát triển hơn. Internet đã đáp ứng được những thiếu sót, khiếm khuyết mà các loại hình thông tin trước đây mắc phải. Giải quyết được vấn đề thời gian, độ chính xác trung thực…
Tuy thế, không phải thể chế nào cũng có thể để sự phát triển và khai thác điểm mạnh của Internet một cách đúng đắn. Đã có sự ngăn chặn của nhà quản lý, thực chất của vấn đề, do yếu kém về quản lý mới sinh ra biện pháp ngăn chặn, cấm đoán và bưng bít. Thậm chí triệt tiêu. Bỏ qua cái gọi là đi ngược với văn minh nhân loại, thì đây chính lại là một trong những tác động làm cho một hình thức sử dụng internet khác ra đời. Đó là blog.
Blog là từ tổ hợp của các từ web và log. Theo từ điển tiếng Anh Merriam Webster, log là bản ghi chép (record) về nhiệm vụ, các sự kiện hoặc các hoạt động thường ngày. Vì thế, Blog nghĩa là bản ghi chép về nhiệm vụ, các sự kiện hoặc các hoạt động hàng ngày. Trước đây các blog chỉ chứa liên kết, nhưng ngày nay, blog đã hàm chứa nhiều chức năng khác như quản lý nội dung thông tin phản hồi hay lời bình (track back), ảnh đại diện (avatar), hình ảnh, âm nhạc,... Như thế, đến lúc này rất khó có thể định nghĩa chính xác và đầy đủ blog là gì. Bởi vậy, nên đưa nó vào dạng khái niệm mở để tiếp tục bổ sung theo thời gian, bởi tác dụng của nó đối với cuộc sống ngày càng theo đó mà đa dạng.
Sau đây là một vài đặc điểm của các Blog -Trang nhật ký cá nhân dạng mở.
Blog có thể là nơi đánh dấu sự kiện, đưa tin cập nhật sự kiện hay công việc của cá nhân hay một nhóm cá nhân. Bởi vậy, có thể tại đây chủ nhân của trang này ( gọi là blogger) có quyền thể hiện , bày tỏ quan điểm cá nhân. Khi đã trình bày dưới dạng nhật ký, blogger có thể có những quyền và trách nhiệm nhất định đối với blog. Có thể cho phép người khác đọc hoặc không, có thể tranh luận với nhau nếu muốn ( có điều kiện đi kèm).
Với thực tế tình hình xã hội hiện nay. Nhu cầu xã hội về thông tin đã không được đáp ứng hoặc không đầy đủ bởi luồng thông tin truyền thống và chính thống. Như đã nói trên, do cơ chế quản lý bắt đầu từ ý muốn của nhà cầm quyền, nhà quản lý. Họ, đã vin vào những hệ lụy của thông tin bùng nổ để đặt ra những quy định không mấy dễ chịu và đúng đắn. Nếu không muốn nói là sai và đi ngược văn minh và phát triển. Kìm hãm sự phát triển. Sự tranh thủ của blog đã phát huy tác dụng. Điều này, gây không ít phiền hà thậm chí rắc rối cho chính người cập nhật thông tin hoặc tranh luận trao đổi trên blog với nhau. Nói cách khác, bloggers đã bị gây khó dễ bởi thể chế và cơ chế.
1. Thông tin trên blog và những tác dụng như thế nào?
Một sự kiện xã hội đơn thuần được đăng tải lên blog, để có những người không trực tiếp chứng kiến mà vẫn biết được.
Một sự kiện chính trị xã hội, có ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng mà bị “truyền thông chính thống” khóa cửa, không đưa tin, thậm chí đưa tin không đúng sự thật. Tác hại đối với xã hội là không thể kể hết, tức thì, blog đã giải quyết được vấn đề đó. Mâu thuẫn giữa blog và báo chí truyền thông chính thống vì thế mà nảy sinh.
Với một sự kiện, nếu chỉ đưa tin hoặc được truyền từ một “luồng”, sự phân tích đánh giá của xã hội là rất hời hợt. Chưa nói đến nhầm lẫn…Nhưng với blog, đã có sự tranh luận (tùy mục đích) và các đánh giá đa chiều, vậy lúc này blog đã thể hiện rất đúng tác dụng tích cực của nó.
Tóm lại, blog là một “cú” đột phá của những người sử dụng internet, đã khai thác đúng vị trí của nó đối với cuộc sống xã hội. Ví dụ, nhu cầu trao đổi, biện luận hay phản biện, giải thích hay giải trình, rồi trao đổi tâm tư, tình cảm cũng không phải là ít.
2. Người viết blog, họ là ai?
Blogger, chủ trang blog. Blog có những tác dụng gì đối với xã hội, hoặc gây ra tác hại gì thì trách nhiệm là của họ. Chất lượng thông tin trên Blog phụ thuộc vào thái độ, trình độ và điều kiện của bloggers. Chính họ chịu trách nhiệm với tác dụng và nội dung thông tin có trên blog. Cái này hơn hẳn tình trạng báo chí hiện nay, bởi có sự kiểm duyệt và quản lý của nhà cầm quyền. Như thế, không có nghĩa thông tin trên blog là hay hoặc giá trị hơn, điều đó phụ thuộc những yếu tố của bloggers như đã nói trên.
Chúng ta đang cố gắng xây dựng một xã hội thực sự văn minh, trong đó nhu cầu cuộc sống được đáp ứng đủ. Trình độ dân trí ngày một cao hơn…và quan trọng, một xã hội dân chủ thực sự phải được thiết lập. Nhu cầu cấp thiết nhất của con người đối với xã hội hiện nay. Thái độ, trình độ của blogger góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng những nhu cầu đó của xã hội đối với chính chúng ta. Hội tụ đủ các yếu tố và điều kiện, hình thành một xã hội hoàn chỉnh.
Không nên có quan niệm rằng, blog và các trang mạng xã hội đó là xã hội ảo, không có thật. Càng không nên thỏa hiệp với những o ép, hay sự ngăn chặn làm cho cộng đồng blog bị suy yếu, bị giảm hoặc bị triệt tiêu tác dụng tích cực của blog!
Mọi sức mạnh có cơ sở từ hiểu biết và đoàn kết nhất trí, cùng bàn bạc, cùng tranh luận tích cực, trọng thị.
Nhân đây, tôi kêu gọi cộng đồng blog hay xiết chặt tay, đoàn kết và cùng học hỏi trao đổi lẫn nhau. Nhằm xóa đi những rào cản trong tiến trình xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh, không chỉ là "xã hội ảo" trên internet...
Hãy tin vào sức mạnh đoàn kết và công lý.
Đức tin luôn soi sáng chúng ta.
Trên thực tế, blog phát triển nhanh và có nhiều tác dụng hơn thế. Trong thời gian chia sẻ có khuôn khổ ở “Sự kiện truyền thông Công giáo” lần này, tôi chỉ có tham vọng nói lên thái độ của mình đối với blog, blogger và những cư xử của chính quyền đối với họ...
Vượt ra những khuôn mẫu của blog, là kiến thức khoa học...là tác phẩm nghệ thuật, thậm chí là loại hình trường học đặc biệt mà không có đặc điểm chung với các loại khác.
Hãy làm tất cả vì một xã hội lành mạnh.
Tất cả các bloggers hãy vì sự tiến bộ và văn minh nhân loại mà "gõ phím"
Blog, sản phẩm của trí tuệ và tâm hồn!
Blogger chân chính là những người sử dụng blog vì một xã hội lành mạnh và tiến bộ thực sự.
No comments:
Post a Comment