Trở Về Trang chính

Wednesday, June 22, 2011

Bác bỏ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông

Nhà nghiên cứu nổi tiếng, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử" để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.  
Hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ tổ chức đã diễn ra từ sáng 20/6 (giờ địa phương) tại thủ đô Washington, Mỹ với sự tham dự của khoảng 150 học giả, nhà nghiên cứu, quan chức ngoại giao và phóng viên báo chí đến từ nhiều nước trên thế giới.

Sau phát biểu của ông Su Hao, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, trong phiên thảo luận đầu tiên về tuyên bố chủ quyền cũng như chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông, nhiều học giả quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng phản bác các lập luận của học giả Trung Quốc, đặc biệt là "cơ sở lịch sử" của tuyên bố chủ quyền đường chữ U.
Trong bài phát biểu ngay sau đó, ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc phụ trách chính trị và an ninh của Ban Thư ký ASEAN, nói: "Tôi không cho rằng Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền."
 
1906420282_bienDong1_e38a9.bmp
Các học giả tại hội thảo

Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, không đồng tình với cách giải thích của Trung Quốc về ý nghĩa của đường chữ U liên quan tới lịch sử. Ông nói: "Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS."

Tiến sỹ Dutton cũng nói rằng việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của UNCLOS.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử" để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.

Cũng liên quan đến khía cạnh luật quốc tế, bà Caitlyn Antrim, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, khẳng định tuyên bố đường 9 đoạn (đường chữ U) không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ.

Bà Antrim nói: "Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường chữ U đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu. Đối với các đảo không có cư dân sinh sống thì họ chỉ có thể tuyên bố lãnh hải, chứ không thể tính vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo đó."

Trong phiên thảo luận buổi chiều, các học giả Bonnie Glaser của Mỹ, Trần Trường Thủy của Việt Nam, Carl Thayer của Australia và Ian Storey của Singapore đã trình bày về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đưa ra cách giải thích cho các sự kiện này.

Trước câu hỏi của học giả Trung Quốc về việc tại sao các sự kiện giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Việt Nam lại xảy ra vào thời điểm này, tiến sĩ Trần Trường Thủy nói: "Đây cũng là câu hỏi của chúng tôi. Tại sao tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào thời điểm ngay trước khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Shangri-la".

Tại hội thảo, ngoài các học giả còn có bài phát biểu của Thượng nghị sỹ John McCain, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte và một số quan chức của Mỹ.

Về tình hình tại Biển Đông, Thượng nghị sỹ McCain nói: "Một trong nhưng nguyên nhân chính làm xấu thêm những căng thẳng tại Biển Đông và khiến cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại đây trở nên khó khăn hơn là thái độ hiếu chiến của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc muốn thúc đẩy."

Hội thảo sẽ tiếp tục trong buổi sáng ngày 21/6 với các phiên thảo luận về tính hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế an ninh trên biển hiện nay cho Biển Đông và các đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy an ninh trong khu vực.

No comments:

Post a Comment