“Hành động hay biểu thị thái độ của người dân, trên mãnh đất Việt Nam, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, và sự cho phép của các cấp có thẩm quyền. Từ trước tới giờ cũng có nhiều cuộc biểu tình thể hiện sự ủng hộ hay phản đối, nhưng phải nằm trong khuông khổ pháp luật. Là đại biểu quốc hội hay là người dân, chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật và cấp có thẩm quyền, cho nên sau này nếu tình hình căng thẳng, có chủ trương và được phép của “Trên”, công chức hay người dân sẽ thực hiện quyền của mình, tham gia để tỏ thái độ đồng tình hay phản đối trước những vấn đề chính trị diễn ra ở đất nước mình.” - ĐBQH Lê Văn Cuông.
Đỗ Hiếu (RFA, Bangkok) - Hình ảnh, âm thanh của ba cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra liên tiếp vào 3 ngày chủ nhật 5, 12 và 19 tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội và Saigon đã được trực tiếp phổ biến đến người Việt trong và ngoài nước qua đủ các phương tiện truyền thông đại chúng.
Mỗi cuộc tập họp quy tụ trên dưới một ngàn người, hầu như tất cả các thành phần xã hội đều tích cực hưởng ứng, dường như chỉ có các quan chức nhà nước và đại biểu quốc hội là không thấy có mặt, để cùng bày tỏ thái độ với dân chúng cả nước. Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày chi tiết.
Nhân dân sôi sục nhà nước nhún nhường
Không chấp nhận hành động khiêu khích của Bắc Kinh, xâm phạm lãnh hải Việt Nam, ngang nhiên cho tàu hải giám cắt cáp hai tàu thăm dò dầu khí Bình Minh và Viking của Việt Nam, ba cuộc biểu tình phản đối sự ngang ngược của Trung Quốc đã diễn ra trên các đường phố Hà Nội và Saigon với địa điểm tập họp là sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhấn mạnh xuống đường biểu tình lần thứ ba ở Hà Nội, vẫn tập họp được rất đông số người tham gia:
“Qua việc mà tôi đã chứng kiến ở quán café Trung Nguyên thì tôi thấy ngày 19 vẫn giữ được số lượng đông đảo và khí thế hùng hậu, như thế vẫn là tốt rồi, có gì đâu?”
Khi được hỏi vì sao không thấy bóng dáng các viên chức nhà nước và các đại biểu quốc hội, qua ba lần biểu tình liên tiếp, giáo sư Nguyễn Huệ Chi giải thích:
“Cũng đơn giản thôi, bởi vì quan hệ giữa mình với Trung Quốc vẫn trên danh nghĩa là hữu hảo, ràng buộc với nhau bởi những hiệp định này khác, cho nên những người trong tổ chức chánh quyền mà xuất hiện, tự khắc sẽ dể bị phía bên kia, đối phương họ chất vấn, khó cho mình. Họ tránh đi là vì thế. Số người ra ở đi hầu hết là tự phát, trong dân tính tự phát như thế là yêu nước rất cao.
Chứ nếu như được dẫn dắt bởi nhà nước hay một tổ chức nào đấy, tôi thấy không hay và cái đó sẽ không nói được nhiều như người ta tự xuất hiện. Cũng có thể, các quan chức có sự tránh né nào đó thì tôi không rõ, riêng tôi thì vì hai bên có những ràng buộc, mà người ta phải giữ, nếu không thì đối phương sẽ lên tiếng chất vấn và khó cho mình hơn.”
Luật sư, cựu thẩm phán tòa án tối cao Hà Nội, ông Trần Lâm giải thích, ở Việt Nam, người dân chưa được xuống đường, tuần hành, biểu tình, ba cuộc tập trung với quy mô lớn vừa rồi là việc hiếm thấy:
“Không cho các tổ chức quần chúng được tự động hô hào đi biểu tình, các tổ chức được phép của nhà nước mà hoạt động chỉ có trên hình thức thôi, khi có đấu tranh chính trị, không dám làm. Không có đảng phái nào khác và cấm không được biểu tình, không có cơ sở để đưa quần chúng xuống đường, làm sao người nọ gọi người kia mà thành được. Phải có tổ chức, có người cầm đầu đứng ra, ở Việt Nam hiện nay người ta ngăn cản việc đó. Trong nhân dân người ta cũng đã sôi sục lắm rồi, chứ không phải không có đâu, tự người ta hội họp với nhau rồi đi, những người khác thấy vậy thì đi theo, thành ra đám biểu tình, chứ quần chúng cấu kết với nhau vì những nguyên tắc chung của xã hội thì không có”.
Cái gì cũng phải có lệnh của “Trên”
Theo ông thì việc tham gia biểu tình của các quan chức và đại biểu quốc hội là chuyện không thể chấp nhận dưới chế độ cầm quyền hiện hữu:
“Không thể được, các ông viên chức nhà nước, đại biểu quốc hội, danh nghĩa thì nói là người của dân, thực chất vẫn là người của đảng và nhà nước. Nhà nước mà tổ chức biểu tình thì ông ấy sẽ đi hết, không thiếu ông nào cả, nếu tổ chức hay đảng phái nào khác thì ông ấy không dám đi, mà đảng phái cũng không dám tổ chức, vì sáng tổ chức thì tối bị bắt rồi, dù khẩu hiệu rất chính đáng, ví dụ như phải chống Trung Quốc, không để lấn áp ta, không để Trung Quốc lấy nước ta, dù hoàn toàn đúng đắn, hợp lý nhưng cũng không được biểu tình. Khi đã tập họp thành tổ chức rồi thì khó lắm, không dạy dổ được, không quản lý được. Các tổ chức phải làm theo đường lối của đảng, công việc đảng bảo làm gì thì làm, chứ không phải tự động mình thích làm gì thì làm.”
Đại biểu quốc hội Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông ủng hộ những cuộc biểu tình chống sự khiêu khích và chủ trương bành trướng của Bắc Kinh:
“Người Việt Nam, một lòng đoàn kết đứng lên chống quân xâm lược, vùa qua các vị đụng độ trên Biển Đông có liên quan đến chủ quyền của nước Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Viễt Nam, cương quyết đòi Trung Quốc chấm dứt ngay hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Vấn đề này, Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nhưng Trung Quốc luôn có ý đồ bành trướng ra Biển Đông. Việt Nam kiên trì đảm bảo mối quan hệ láng giềng, nhưng đã đến lúc, mọi sự kiềm chế có giới hạn của nó cho nên khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, người dân không ai bảo ai đã tập họp để thể hiện thái độ của mình trước hành đông của Trung Quốc. Tôi thấy đây là việc làm tự phát của người Việt Nam, phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam, cương quyết bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của tổ quốc, không để cho các thế lực nước ngoài xâm phạm vùng biển, vùng trời và đất liền của mình.”
Theo ông thì khi nào được phép của “Trên”, người dân, trong đó có các công chức mới được tham gia biểu tình:
“Hành động hay biểu thị thái độ của người dân, trên mãnh đất Việt Nam, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, và sự cho phép của các cấp có thẩm quyền. Từ trước tới giờ cũng có nhiều cuộc biểu tình thể hiện sự ủng hộ hay phản đối, nhưng phải nằm trong khuông khổ pháp luật. Là đại biểu quốc hội hay là người dân, chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật và cấp có thẩm quyền, cho nên sau này nếu tình hình căng thẳng, có chủ trương và được phép của “Trên”, công chức hay người dân sẽ thực hiện quyền của mình, tham gia để tỏ thái độ đồng tình hay phản đối trước những vấn đề chính trị diễn ra ở đất nước mình.”
Cuộc tập họp biểu tình phản đối Trung Quốc hôm chủ nhật 19 tháng 6 vừa qua tại Saigon bất thành, vì gặp sự ngăn cản mạnh mẽ của chánh quyền, người dân bị phân tán bằng đủ mọi cách, nhiều trường hợp bị công an “đóng chốt”, “cầm chân” quanh nhà xảy ra. Liệu phong trào “toàn dân xuống đường” có thể được khơi lại, trong những ngày tới hay không? Mời quý vị đón nghe vào buổi phát thanh sau.
No comments:
Post a Comment