Tran Trung Dao - Khám Nghiệm Một Hồn Ma
Khám Nghiệm Một Hồn Ma
Giới lãnh đạo đảng cộng sản có thể không tin có ma nhưng có biệt tài tạo ra ma, ma thật, ma giấy, ma anh hùng, ma phản động, ma Trường Sơn, ma Côn Đảo, ma theo nghĩa đen và ma theo nghĩa bóng, ma trong chiến tranh và ma của thời bình. Cửa hàng tổng hợp của đảng trưng bày đủ loại ma, đủ kiểu ma. Lịch sử loài người cho đến nay, chưa có một đảng chính trị nào tạo ra được nhiều ma hơn đảng cộng sản. Đừng nói chi xa xôi, chỉ riêng lãnh tụ cộng sản Pol Pot, một thời là đàn em thân thiết của Hà Nội, sau khi nắm quyền đã biến gần một nửa nước ra ma. Riêng tại Việt Nam, tài năng của giới lãnh đạo Đảng không chỉ dừng lại ở chỗ tạo ra ma mà còn làm cho cả nước, từ một em học sinh trung học (ngoại trừ em Nguyễn Phi Thanh) cho đến nhà trí thức học nhiều hiểu rộng, từ các cô gái ở Trại Phục hồi Nhân phẩm Thủ Đức cho đến các ông bà đại biểu Quốc hội, đều sợ ma.
Trong tất cả con ma mà Đảng vẽ ra, hung dữ nhất, tội lỗi nhất, đáng ghê tởm nhất và đe doạ đến “độc lập, tự do, hạnh phúc” của dân tộc Việt Nam nhất là “ma Việt Nam Cộng hoà”. Trong suốt 31 năm qua, “ma Việt Nam Cộng hoà” là hiện thân của mọi thứ tội ác trên đời.
Qua nét vẽ của Đảng, “hồn ma Việt Nam Cộng hoà” có ba đặc điểm lớn nhất là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân đế quốc Mỹ”.
Trước hết bàn qua về tham nhũng. Tham nhũng là sâu mọt của xã hội, dù là xã hội chìm đắm trong chiến tranh trước 1975 hay chịu đựng trong “độc lập, tự do, hạnh phúc” sau 1975, dù là quan chức thuộc chính quyền miền Nam sống nhờ bằng viện trợ Mỹ ngày xưa hay cán bộ đảng viên trong thời kỳ độc tài cộng sản như hiện nay.
Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Chẳng những có mà còn vô cùng trầm trọng.
Mười lăm năm trước, những ngày máu trong người tôi còn rất nóng, giống như một ông đồ trẻ, mỗi năm đến dịp 30 tháng 4, tôi thường viết một bài thơ. Bài thơ năm 1992 là một bài thơ dài, ngôn ngữ chất đầy những căm giận, hằn học dành cho những thành phần tham nhũng thối nát đã từng lãnh đạo miền Nam, và dĩ nhiên cũng không quên hàng ngũ lãnh đạo cộng sản độc tài đang thống trị cả nước sau 1975. Tôi gọi chung cả hai là những tập đoàn bán nước.
Đoạn đầu của bài thơ dành cho giới lãnh đạo tham nhũng miền Nam, tôi ghi lại cảnh chen lấn trước cổng toà đại sứ Mỹ:
… Khi những chiếc trực thăng
Sắp sửa rời thành phố
Trong đám người bon chen lố nhố
Tôi thấy dường như nhiều con chuột cống Sài Gòn
Cũng cố kiếm đường đi
Chúng cõng trên mình những chiếc va-li
Chứa đầy đô-la vàng bạc
Dành dụm từ thời đi buôn gạo lậu
Giấu diếm từ thời lo bão lụt miền Trung
Tôi thấy chúng nghiêng mình
Hai gối run run
Trước những anh cảnh binh người Mỹ
Chúng nói gì tôi nghe không kỹ
Chỉ thấy họ lắc đầu
Rồi bước vô trong
Có lẽ lại là chuyện hối lộ để được đi đông
Ngoài chuyện ấy chúng còn biết gì hơn nữa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa
Cầu mong cho chúng được đi mau
Những con chuột cống nầy
Gặm nhấm đã lâu
Và bán nước từ khi còn rất trẻ
Thuở Tây qua chúng đầu quân rất lẹ
Tây bỏ đi chúng theo Mỹ vì tiền
Những chuyện về chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc thiêng liêng
Chúng đọc biết bao lần nhưng chưa hề hiểu nghĩa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa
Thầm cầu mong cho chúng được đi nhanh…
Ngoài tôi ra, hình như chưa có ai đọc toàn bài thơ này trước công chúng. Một phần vì khá dài, phần khác vì không muốn đụng chạm, nhưng quan trọng hơn ít người muốn khơi lại những điều mà họ cho là tiêu cực đã qua. Bạn bè có người còn nhắc tôi nên chuẩn bị vài cái kho để chứa mũ vì theo họ tôi chỉ trích giới lãnh đạo tham nhũng miền Nam còn nặng hơn các nhà thơ cộng sản. Tôi không quan tâm điều đó. Tôi đọc bài thơ bất cứ khi nào tôi có dịp, lần đầu tại Đại học North Carolina State và sau đó tại những thành phố, cộng đồng, tổng hội sinh viên mà tôi đã đến thăm. Tôi cũng không quên in bài thơ trong tập thơ đầu tay của tôi, Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười, xuất bản cuối năm 1992 ở San Jose, California. Vẫn biết quá khứ là một câu chuyện buồn đáng quên đi nhưng tôi không chủ trương xấu che tốt khoe. Không thể chỉ đổ thừa những điêu tàn đổ nát trong chiến tranh hay sự thất bại của chính quyền miền Nam cho Mỹ. Từ một người dân thường đến ông tổng thống, từ mỗi người lính đến mỗi ông tướng, nếu biết thành thật với lương tâm, biết sửa đổi nếu sai lầm, đất nước sẽ còn có cơ hội tốt đẹp hơn. Ngạn ngữ Tây phương có một câu rất hay: “Sự thật là chính sách tốt nhất”.
Tôi đã ngồi ở đó, trong nhà thờ ở khu Tân Sa Châu trong những ngày sôi sục của Phong trào Nhân dân chống Tham nhũng năm 1974 và lắng nghe các lãnh đạo của phong trào đọc bản tuyên cáo số 1 mở đầu bằng câu nói của Mạnh Tử: “Vua coi dân như chó ngựa thì dân coi vua như thù nghịch”. Sau khi tuyên cáo được đọc xong, tôi và bạn bè đứng dậy vỗ tay lớn đến nỗi một vị linh mục đã phải bước xuống chỗ chúng tôi nhắc nhở không nên vỗ tay trong nhà thờ. Ngoài ra, bao nhiêu tội tham nhũng của những cấp lãnh đạo miền Nam từ trung ương đến địa phương được tiết lộ qua các phóng sự điều tra của báo chí Sài Gòn về các tệ nạn buôn gạo, bán tôn, lính ma, lính kiểng, con ông cháu cha, đã làm tôi ghê tởm.
Tôi đã sống ở đó, trong giờ phút hấp hối của Sài Gòn, đứng nhìn cảnh các ông quan lớn của chế độ chen lấn nhau vào cửa toà đại sứ Mỹ, cảnh những chiếc trực thăng lần lượt rời thành phố bỏ lại sau lưng bao nhiêu đồng đội, anh em, những người mà 24 giờ trước đó họ đã thề nguyền sống chết. Tôi đã chứng kiến buổi sáng ngày 29 tháng 4, bên này cầu Tân Thuận, góc Ngã Tư Bảy Hiền, những người lính dù, biệt động quân với viên đạn cuối cùng trong nòng súng vẫn cố gắng giữ những gì còn giữ được mà không biết rằng trong giờ phút đó cựu Phó Tổng thống của họ đang nhâm nhi lon bia lạnh trên chiến hạm Hoa Kỳ. Tôi đã đứng ở lan can nhà nhìn đêm tự do cuối cùng của thành phố thân yêu, xa xa vẫn còn vài chiếc trực thăng nã những tràng đại liên vào các đơn vị cộng quân đang thắt chặt vòng vây dọc ven đô trong lúc các tư lịnh của họ đang lần lượt an toàn đáp xuống các phi trường trên đất Thái.
Đó là những thể hiện của “hồn ma Việt Nam Cộng Hoà” mà bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản dùng để chỉ chế độ chính trị tại miền Nam trước 1975. Từ một học sinh mới bắt đầu tập đọc cho đến một ông tiến sĩ, từ các chú “tân cán binh” đang ngồi trong trường đại học cho đến các bác “cựu cán binh” tóc đã bạc màu đều hiểu giống nhau như thế. Tôi chẳng những không tranh cãi mà còn góp phần tố cáo tội trạng của “hồn ma” đó và làm những gì có thể làm được để ngăn không cho “hồn ma” đó sống lại. Nhiều người cho rằng vì thiếu 300 triệu viện trợ đặc biệt nên chính quyền miền Nam sụp đổ, nhưng với tôi, cho dù Mỹ có viện trợ thêm 3 tỉ đô la đi nữa, rồi miền Nam cũng mất thôi. Miền Nam, với nhiều nhà lãnh đạo tham nhũng, thiếu tầm nhìn xa, chỉ biết sống trong xa hoa trên mồ hôi nước mắt của đồng bào, trên máu xương của đồng đội, rơi vào tay cộng sản là một điều không thể nào tránh khỏi.
Nhưng “hồn ma” đó có phải là Việt Nam Cộng hoà (VNCH) không? Cho đến nay, một số người hoặc vì không có cơ hội nghiên cứu sinh hoạt chính trị tại miền Nam, không phân biệt được sự khác nhau giữa chính quyền và chế độ chính trị hoặc vì nghe riết những lời tuyên truyền của Đảng đến độ nhập tâm, đã đồng hoá chính quyền của các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh với VNCH.
Khác với tình trạng tham nhũng hiện nay phát xuất từ trong tim trong máu của chế độ chính trị tập trung quyền lực, bản chất và giá trị đích thực của VNCH không nằm trong các hiện tượng tham nhũng vừa nêu, không nằm trong tay ông Thiệu, ông Kỳ, mà nằm trong hiến pháp dân chủ nhất của vùng Đông Nam Á. Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hoà “Dân chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân” phát xuất từ “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hoà của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”
Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hoà, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, do ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hoà để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”.
Hiến pháp 1967 tốt đẹp đến nỗi ông Lý Quý Chung, trong Hồi ký không tên, xuất bản tại Sài Gòn trước ngày ông qua đời, dù chê bai các chính quyền miền Nam tàn tệ, cũng không thể nói xấu bộ luật tối thượng của chế độ cộng hoà như một diễn đàn để ông ta thực thi dân chủ: “Quốc hội lập hiến kéo dài một năm đã cung cấp cho tôi một môi trường học tập đấu tranh chính trị tại nghị trường và từ diễn đàn này, tôi cũng có cơ hội bày tỏ công khai qua mạng lưới báo chí Sài Gòn các quan điểm của mình đối với chính quyền, đối với các vấn đề dân chủ, chiến tranh, hoà bình v.v…” Trong suốt 30 năm ở lại Sài Gòn, với tư cách nhà báo, không biết ông Chung đã có bao nhiêu cơ hội để “bày tỏ công khai” “các vấn đề dân chủ, chiến tranh, hoà bình” như ông đã làm thời VNCH?
Về căn bản, không có nhiều khác biệt giữa Hiến pháp VNCH 1967 và Hiến pháp Nam Hàn 1948 được tu chỉnh lần cuối vào năm 1987. Cả hai hiến pháp đều dựa trên chế độ cộng hoà, phân quyền rõ rệt, thích hợp với đà tiến hoá của văn minh nhân loại. Dân chủ không phải là món quà của ông thần tài đem đặt ngay trước cửa nhà mà là chiếc máy lọc từ nước đục sang nước trong, từ phong kiến lạc hậu đến văn minh tiên tiến, và trong quá trình đó hai quốc gia VNCH và Nam Hàn, đều đã phải trải qua những kinh nghiệm máu xương trên con đường dân chủ hoá đất nước. Giống như miền Nam Việt Nam, Nam Hàn cũng có đảo chính, ám sát, độc tài, quân phiệt, lệ thuộc vào Mỹ, nhiều sư đoàn quân Mỹ đóng dọc biên giới, và giống như người dân Nam Hàn, người dân miền Nam Việt Nam cũng vừa học dân chủ và vừa tập sống dân chủ với tất cả những khó khăn thử thách. Bao nhiêu điều đáng tiếc đã xảy ra bắt đầu từ các chính biến 1960, 1963 cho đến các cuộc đảo chánh, chỉnh lý nhiều năm sau đó. Mặc dù trải qua một giai đoạn đầy biến cố cộng với các chính sách của Mỹ thay đổi quá nhanh trong một thời gian ngắn, các giá trị dân chủ vẫn như ngọn hải đăng giúp giữ con thuyền chính trị miền Nam không nghiêng đổ, không lạc hướng cho đến khi các cuộc tổng tấn công dồn dập của nhiều chục sư đoàn quân cộng sản với vũ khí vượt trội do hai đế quốc cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và các nước cộng sản Đông Âu cung cấp. Và 12 giờ 10 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975, cây dân chủ vừa mới đâm chồi trổ lá ở miền Nam đã bị những chiếc tăng T54 xô ngã.
Cơ hội là điểm khác nhau chính giữa Nam Hàn và Nam Việt Nam. Nam Hàn có cơ hội để biến những ước mơ của dân tộc Triều Tiên gói ghém trong hiến pháp của họ để ngày nay là nước giàu mạnh nhất nhì châu Á. Miền Nam Việt Nam thì không. Chế độ cộng hoà tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hoà hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi. Hãy hỏi các ông các bà dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Phan Xuân Huy v.v. còn đang sống ở Việt Nam, ai đã ban cho các ông bà đó quyền bất khả xâm phạm của dân biểu để xuống đường, để gián tiếp hoạt động nội thành cho cộng sản? Hãy hỏi các “lãnh tụ sinh viên”, các chuyên viên biểu tình gây rối trong thành phố, ai đã bảo vệ, che chở cho các anh, các chị dù biết các anh chị hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn Gia Định? Câu trả lời mà một người có hiểu biết chính trị căn bản nào cũng biết, đó là Hiến pháp VNCH. Các anh chị còn sống sót đến hôm nay cũng nhờ hiến pháp đó. Đảng Cộng sản Việt Nam độc diễn và trấn áp không phải 4 năm như ông Thiệu mà 31 năm liên tục, các anh chị thử ném một trái bom xăng vào trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản xem sao?
Các cấp lãnh đạo cộng sản đã triệt để lợi dụng Hiến pháp VNCH để cài người vào hoạt động công khai ngay giữa lòng chế độ. Ngày nay, các tài liệu của Đảng đều xác nhận hoạt động của các phong trào chống đối chính quyền VNCH chẳng phải là tự phát chống bất công, độc tài, độc diễn gì mà đều được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Sài Gòn Gia Định, như báo Phụ Nữ ngày 21 tháng 8 vừa qua khoác lác về các hoạt động thuộc phái nữ của họ: “Được sự chỉ đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định và Ban phụ vận Thành ủy, có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức công khai và bán công khai của thành phố như các nghiệp đoàn, Đoàn nữ Phật tử, Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh… Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ phát triển nhanh chóng, tập hợp rộng rãi, đông đảo nhiều tầng lớp phụ nữ, từ giới trung lưu, lôi cuốn cả những chị em là viên chức trung và cao cấp của chính quyền Sài Gòn, cả vợ các sĩ quan cao cấp trong chính quyền Mỹ Thiệu, cả giới nữ công nhân, tiểu thương…”
Trong cương vị điều hành một thành phố mà buổi tối thì “Đại bác đêm đêm dội về…” và ban ngày thì “Dậy mà đi, ai chiến thắng không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần…” thì chính quyền phải làm gì? Phản ứng tự nhiên của bất cứ một giới chức nào có trách nhiệm giữ gìn anh ninh trật tự xã hội là đem xe cây và vòi rồng đến dẹp. Không chỉ miền Nam trước đây mà ngay tại những nước dân chủ lâu năm như Canada, Mỹ, Anh, Pháp, đốt một chiếc xe cũng có thể làm cho các anh chị vào tù dù chiếc xe bị đốt là xe của anh chị, đừng nói chi là xe của nhà nước hay xe của người khác. Miền Nam có tất cả sắc thái của một xã hội dân chủ đang từng bước đi lên. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính. Nếu trước 1975, vì thiếu cái nhìn về cả hai bên của cuộc chiến và bức xúc trước xã hội nhiễu nhương, việc kết án chính quyền là “trấn áp” có thể còn thông cảm được, thế nhưng sau 31 năm sống dưới chế độ độc tài đảng trị tàn bạo gấp triệu lần hơn vẫn có kẻ biện minh cho hành động đốt xe, bắt cóc, ném bom xăng vào thương xá, ném lựu đạn vào nhà hàng ăn uống thì quả thật là vô cảm.
Đặc điểm thứ ba Đảng tuyên truyền là miền Nam chỉ biết “ôm chân Mỹ”. Tôi đã viết về vấn đề này nhiều lần. Thật mệt mỏi nếu lại phải lần nữa đem so sự lệ thuộc vào Mỹ của chính quyền miền Nam và sự lệ thuộc vào Liên Xô, Trung Quốc của Đảng Cộng Ssn và cũng chẳng sướng ích gì khi phải đọc lại bảng kê khai vũ khí, quân trang, quân dụng mà hai đế quốc cộng sản đổ xuống Việt Nam. Cho dù sự lệ thuộc vào cường quốc là điều không tránh khỏi trong thế giới phân cực của thời kỳ Chiến tranh Lạnh vừa qua thì chọn lựa cường quốc nào sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn? Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn, hầu hết các nước chọn lựa hay do điều kiện chính trị thế giới đẩy đưa, đã đứng về phía tự do dân chủ như Nhật Bản, Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v. đều trở nên các quốc gia ổn định và phát triển nhờ chính sách đối ngoại thân Mỹ một cách khôn khéo, trong lúc các nước theo chân Liên Xô, Trung Quốc như Bắc Việt, Cu Ba, Bắc Hàn thì kết quả ra sao không cần phải phân tích. Không ai từng chống Mỹ quyết liệt hơn cố tổng thống Anwar Sadat nhưng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Ai Cập, năm 1976, ông đã bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do cho dù ông biết trước sự chọn lựa đó có thể trả giá bằng nhiều rủi ro như ông tiên đoán trong diễn văn đọc trước Quốc hội Israel ngày 20 tháng 11 năm 1967. Một số người có thể cho rằng Hiến pháp VNCH cũng do người Mỹ nhúng tay vào. Dù điều đó đúng thì đã sao? Hiến pháp của quốc gia Nhật Bản hiện đại cũng do bàn tay của Mỹ nhưng ngày nay tướng McArthur chẳng những không bị oán ghét mà còn được nhân dân Nhật xem như là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nước Nhật hiện đại. Dân chủ là một kỳ quan được nhân loại bồi đắp qua nhiều thời đại chứ không phải là tài sản riêng của quốc gia nào. Học hỏi cái hay cái đẹp của các nước tiên tiến để áp dụng vào cuộc cách mạng dân tộc và phát triển đất nước như cụ Phan Chu Trinh từng thống thiết kêu gào gần trăm năm trước, luôn luôn là điều đáng khuyến khích.
Phân tích để thấy, chế độ cộng hoà tuy không còn hiện diện tại miền Nam, nhưng các giá trị dân tộc, nhân bản và khai phóng thể hiện trong Hiến pháp VNCH vẫn còn đó. Gia tài quý giá đó chẳng những không rã mục theo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh mà ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới Bắc Nam để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc. Nếu ai cho tôi là cường điệu hãy tạm gác qua bên các định kiến Bắc Nam, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hoà trên trang đầu của Hiến pháp mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung của Hiến pháp VNCH 1967 thôi, tôi tin người đọc sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến. Việc lặp lại những lời tuyên truyền cũ mèm của Đảng cho rằng chế độ cộng hoà tại miền Nam là “sản phẩm do chính quyền Mỹ tạo ra trong Chiến tranh Lạnh” chẳng khác gì chê lớp rong rêu ngoài vỏ một con trai. Có người thích viện dẫn tác phẩm của các nhà phân tích chính trị, quân sự thế giới bàn về lý do sự sụp đổ của chính quyền miền Nam; nếu thế, trong số hàng trăm tác phẩm đó có tác phẩm nào kết luận rằng chính quyền miền Nam sụp đổ vì đã “trấn áp” nhân dân hơn nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc, hay cộng sản thắng bởi vì nhân dân miền Bắc được hưởng nhiều quyền tự do căn bản hơn nhân dân miền Nam không?
Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt đầu sau khi đất nước bị chia đôi mà đã có từ hàng trăm năm trước. Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng hoà sau này. Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc đã được đổi bằng mồ hôi nước mắt của nhiều người. Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, gạt bỏ lòng “căm thù Mỹ Ngụy”, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Tiếc thay, viên ngọc và viên sỏi khác nhau khi nằm trong tay người thợ bạc nhưng lại giống nhau khi nằm trong tay mấy cậu bé bắn chim.
Đó là sự thật không thể chối cãi. Tôi viết ra không phải để “chiêu hồi” ai cả. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường như nhiều triệu người Việt khác dù thời gian tôi sống ở nước ngoài cũng sắp sửa lâu bằng thời gian ở trong nước. Đúng ra, “chiêu hồi” là một mặc cảm không nên có trong những người soi gương mỗi ngày mà vẫn không thấy mình lầm lỗi điều gì. Dù sao, tôi thừa nhận sự tồn tại trong cách nhìn khác nhau giữa những người tuy cùng quan tâm đến đất nước, về một số vấn đề, một số hiện tượng đang xảy ra tại Việt Nam, và có thể trong cả những định nghĩa thế nào là danh dự của một dân tộc và thế nào là phẩm giá một con người. Với tôi, giới lãnh đạo Đảng phải chịu trách nhiệm về sự sa đoạ đạo đức, lạc hậu giáo dục, tham nhũng kinh tế, áp bức chính trị, thế nhưng vẫn có người cho rằng Đảng sai chỉ vì độc quyền lãnh đạo nhưng không phải vì thế mà phải chịu trách nhiệm về các hậu quả sai lầm do chính sách Đảng đề ra. Với tôi, câu chuyện vô cùng thương tâm và hình ảnh của cô Đoàn Nhật Linh thân thể máu me nằm loã lồ trên đường phố Đài Loan là một sỉ nhục dân tộc nhưng có thể với người khác đó chỉ là chuyện bình thường như nắng sớm chiều mưa, chẳng có gì phải ầm ĩ.
Tham nhũng nơi nào cũng có nhưng khác với các quốc gia dân chủ, tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng và ngày nào Đảng Cộng sản còn độc quyền lãnh đạo đất nước thì ngày đó tham nhũng còn tồn tại. Câu chuyện Bùi Tiến Dũng là một trong hàng ngàn biểu hiện của đảng tính “vừa hồng vừa chuyên” trong tham nhũng. Bùi Tiến Dũng thuộc tầng lớp đảng viên trẻ, có bằng cấp đại học, cựu sĩ quan quân đội nhân dân, tổng giám đốc một dự án lớn của nhà nước, nếu không bị xui xẻo từ chuyện cá độ mà trở thành “đồng chí bị lộ” thì với lý lịch đó, con đường vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị của anh ta cũng rộng đâu có thua gì “đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên” trong thơ Tố Hữu. Từ trường hợp Bùi Tiến Dũng, chúng ta có thể suy ra, các lãnh đạo Đảng đang lớn tiếng hô hào chống tham nhũng một cách ồn ào hiện nay chẳng qua cũng chỉ là “các đồng chí chưa bị lộ” mà thôi.
Tôi viết không phải để “tuyên truyền” hay trả thù vì tôi không có kẻ thù, dù thù cá nhân hay thù tập thể. Tôi viết không phải với tư cách một người lính miền Nam vì tôi chưa bao giờ cầm súng, chưa hề bắn giết ai và chưa sống một ngày ở Vĩnh Phú, Hàm Tân, An Điềm, Suối Máu. Tôi viết không phải để trả nợ vì tôi không nợ ai ơn nghĩa và cũng không ai thiếu tôi hình phạt. Tôi viết cũng không phải để rồi mong trở lại với việc phân chia Nam Bắc như xưa, không, với tôi, dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất và tất cả các hiệp định Patenôte, Geneva hay Paris đều là những chiếc còng của thực dân và đế quốc áp đặt trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam.
Tôi tự gán cho mình cái trách nhiệm phải nói ra những điều mình nghĩ để may ra các em nhỏ miền Nam sinh ra sau cuộc chiến, nếu đọc được sẽ vơi bớt nỗi tủi hổ vì Đảng đã dạy các em rằng ông nội em, ông ngoại em, cha em, chú em đã từng là kẻ giết người cướp của, từng đi đánh thuê cho đế quốc, từng làm tay sai cho ngoại bang. Tôi hy vọng sáng mai đây khi bước ra đường các em sẽ nhìn người thương phế binh miền Nam đang lê lết chuỗi ngày tàn trên quê hương ruồng bỏ bằng cặp mắt khác hơn. Các em, thay vì bước nhanh như hôm qua, sẽ ngồi xuống bên cạnh người lính già miền Nam tàn phế kia và nghe ông kể lại những chặng đường bi tráng mà ông và đồng đội đã trải qua, từ đó các em sẽ hiểu ra rằng cha chú các em đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến tự vệ đầy chính nghĩa mà họ không có chọn lựa nào khác. Các em sẽ lớn lên trong tự tin và hy vọng thay vì mặc cảm tội ác ba đời mỗi khi đọc lại lý lịch mình.
Tôi viết để mong các em nhỏ miền Bắc sinh ra sau cuộc chiến nếu đọc được hy vọng các em sẽ biết sự thật và chân lý không phải chỉ là những lời Đảng dạy. Đảng không giúp các em “sáng mắt sáng lòng” mà làm các em thành những kẻ mù loà đi lùi giữa nền văn minh nhân loại mỗi ngày mỗi mới. Trong nền giáo dục, nói như nhà thơ Lý Đợi, làm cho các em “biết chữ mà không biết nghĩa”, có thể các em không dễ dàng tin những điều tôi viết, nhưng ít ra cho các em thấy một phía khác của vấn đề để tìm tòi, học hỏi, so sánh và qua đó các em sẽ thấy mục tiêu đích thực mà đất nước Việt Nam cần phải đến là gì. Tuổi trẻ Việt Nam phải có cơ hội đọc và hiểu một cách khách quan từ nhiều phía về bản chất, nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam. Tôi sẵn sàng lắng nghe các em phê bình, mắng mỏ, miễn là những điều em nói phát xuất từ suy nghĩ của các em chứ không phải sao chép từ tài liệu học tập của Đoàn, của Đảng như nhiều người khác.
Lịch sử để lại cho thế hệ trẻ Việt Nam một chiếc áo rách và một cuộn tơ rối để may chiếc áo mới, nhưng từ cuộn tơ rối vò kia cho đến khi thành chiếc áo là một quá trình dài, đòi hỏi ở các em không chỉ lòng yêu nước, sự kiên nhẫn mà còn phải có một tư duy độc lập, khách quan khi đánh giá những vấn đề thuộc về quá khứ trên con đường đi đến tương lai.
Trần Trung Đạo
Theo http://www.trantrungdao.com/?p=24
No comments:
Post a Comment