Thực sự khi mới đọc những lời “bình luận” của ông Ngô Bào Châu tôi cũng muốn bỏ qua cho ông ta và tôi đã đi tản bộ ngoài bờ sông để quên đi những điều nhảm nhí.
Nhưng có một cái gì đó, đúng ra là có một cái mùi gì đó nó cứ phảng phất trong không khí, ban đầu tôi tưởng đó là thứ mùi do nước thải từ cái xóm nhà bên kia sông chảy xuống sông, nhưng lâu nay tôi vẫn thường tản bộ quanh đây sao không thấy?
Đó là một thứ mùi rất đặc biệt, nó ngai ngái, thơm không ra thơm, thối không ra thối, vừa giống nước đái heo vừa giống mùi nước hoa hảo hạng của Pháp. Cuối cùng chịu không nổi tôi đành quay trở về.
Ngay lúc đó trong đầu tôi chợt hiện ra đáp án: đó là cái mùi cơ hội.
‘Không thuyết phục’
Khi giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt.”, có lẽ ông Châu muốn nói rằng “Tôi thấy ông Cù Huy Hà Vũ cũng giống như bất cứ người nào, chẳng có gì đặc biệt, mà sao mọi người cứ làm rùm beng lên như thế?
Tức là ý ông Châu là “Đọc những lập luận của ông Vũ, tôi thấy chúng lỏng lẻo, không có chứng cớ, không thuyết phục.”
Ông Châu còn muốn ngụ ý những vấn đề ông Vũ nêu ra như: cho Trung Quốc lên Tây Nguyên khai thác bauxite, xâm hại mội trường, đe dọa an ninh quốc phòng, các vụ chiếm dụng thô bạo và bừa bãi đất của dân diễn ra khắp cả nước, vụ ông sếp công an khoe là đã đánh sập 300 trang mạng, vụ Đảng đứng trên luật pháp, đứng trên quốc hội nên đẻ ra tham nhũng tràn lan…đều do ông Vũ nói theo cảm tính, thiếu chứng cứ…
Mà cho dù có chứng cứ đi nữa thì nhà nước vẫn đúng, chẳng qua là ông Hà Vũ “chưa đủ trình độ” để hiểu những “ý đồ chiến lược lớn” của Đảng đó thôi.
Vậy thì có phải vì quần chúng hời hợt nên mới hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ?
Có thật ông Cù Huy Hà Vũ chưa đủ trình độ để hiểu những ý đồ chiến lược lớn của Đảng nên những lý lẽ của ông chưa đủ thuyết phục?
Tôi lại nghĩ những vấn đề ông Hà Vũ nêu ra đều là những sự thật hiển nhiên ai cũng biết.
Trí thức cũng biết, người bình dân cũng biết, chị bán vé số cũng biết, bác phu khuân vác ở bến tàu cũng biết, em bé đánh giày cũng biết mà không cần ai thuyết phục.
Nếu như ông Hà Vũ có lập luận dài dòng là vì nhu cầu tự biện hộ trước tòa chứ thực ra những vấn đề minh bạch như vậy thì làm gì phải đặt vấn đề thuyết phục hay không thuyết phục!?
Giáo sư Ngô Bảo Châu có quyền nói “những lý lẽ” Tiến sỹ Hà Vũ đưa ra “không thấy có tính thuyết phục đặc biệt”, nhưng ít nhất giáo sư cũng nên phân tích cụ thể: “Những lý lẽ” đó là gì? Vì sao giáo sư không thấy thuyết phục?
Điều này rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho người vắng mặt, hơn nữa một người đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ, một người không thể tự bảo vệ mình.
‘Đứng giữa’
Giai cấp cầm quyền và đám nhà giàu là những ông chủ còn đám dân đen nghèo khổ là tôi tớ.
Vì thế người trí thức chỉ có một chọn lựa: hoặc là anh đứng về phía dân đen để đấu tranh cho các quyền cơ bản của họ, cho miếng cơm manh áo của họ.
Tức là họ có thể đấu tranh với bất cứ hình thức nào tùy hoàn cảnh, thậm chí im lặng, chỉ đấu tranh trong suy nghĩ, trong nhận thức, nhưng đừng nước đôi, đừng hai mặt.
Nếu anh quay lưng lại với dân nghèo, phủ nhận cuộc đấu tranh của nhân dân thì có nghĩa là anh đồng lõa, thậm chí đứng hẳn về phía quyền lực để hưởng vinh hoa phú quý.
Đó là một vị trí không có thật, lập lờ, không sòng phẳng, thiếu minh bạch ... và thái độ đứng giữa, thái độ “phi chính trị” là ảo tưởng.
Đào Hiếu
No comments:
Post a Comment