Trong tất cả những vụ án chính trị, đặc biệt là đối với những vụ án lớn, trước khi mang ra xét xử, Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã thảo luận và quyết định bản án dựa theo báo cáo của Tổng cục an ninh, Bộ công an. Tòa chỉ làm nhiệm vụ dàn cảnh phiên xử và công bố hình phạt. Điều này đã biểu hiện rõ nhất trong phiên xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vào ngày 4 tháng 4 vừa qua.
Qua phiên tòa này, ngoài những điều lố bịch của Hà Nội như không cho thân nhân tham dự, ngăn cấm người dân tụ tập theo dõi bên ngoài phiên tòa, bắt giữ một số người không có lý do chính đáng, có hai điều sau đây đã làm lộ rõ bộ mặt phản dân chủ và coi thường công luận của đảng CSVN.
Thứ nhất là không cung cấp tất cả những dữ kiện được coi là bằng chứng cho Luật sư biện hộ, mà công an CSVN đã dựa trên đó để kết án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là “tuyên tuyền chống phá chế độ”. Khi Luật sư Trần Vũ Hải yêu cầu nhiều lần về việc này, thậm chí còn đề nghị là chỉ cung cấp riêng cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng được, đã bị chánh án “mời” ra khỏi phòng xử. Tức là tòa đã ngang nhiên “tước” quyền bào chữa của luật sư chỉ vì luật sư đòi hỏi một yêu cầu đúng theo luật lệ, nhưng lại là điều cấm kỵ đối với phía CSVN bởi không thể cung cấp điều vu khống của công an đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Thứ hai là sau khi 4 luật sư rời phiên tòa để phản đối chánh án từ chối cung cấp bằng chứng buộc tội, tòa vẫn tiếp tục diễn ra một chiều và kết án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù ở và 3 năm quản chế. Cách hành xử của chánh án phiên tòa cho thấy là họ không ngó ngàng gì đến việc thực hiện pháp lý theo đúng yêu cầu mà chỉ làm sao cho chóng kết thúc phiên tòa, theo đúng những dàn dựng và cáo buộc của chế độ đối với những ai dám nói lên quan điểm khác với đảng CSVN.
Đúng như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuyên bố trước tòa vào sáng ngày 4 tháng 4 rằng: “Đây là phiên tòa được nhà cầm quyền CSVN dựng lên để chống lại tôi”. Tại sao?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã kiện ông Nguyễn Tấn Dũng về vụ khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Trong quốc gia dân chủ, việc một công dân kiện một lãnh đạo quốc gia vi phạm hiến pháp là điều bình thường, nhưng trong chế độ độc tài toàn trị, việc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn kiện ông Dũng là hành động tấn công vào uy tín của đảng CSVN. Lý do là ông Dũng lên làm Thủ tướng không phải do dân bầu ra mà là do sự phân công trong bộ chính trị của đảng CSVN. Trong sự phân công đó, cả bộ chính trị phải chịu trách nhiệm liên đới với ông Dũng khi vai trò Thủ tướng của ông ta có vấn đề.
Hơn nữa, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã không chỉ vạch trần những vi phạm của ông Nguyễn Tấn Dũng mà còn phê phán đích danh một số Ủy viên bộ chính trị như ông Lê Thanh Hải, Bí thư thành ủy Sài Gòn liên hệ đến vụ tham nhũng nhà đất. Ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng công an và Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước đã có những ứng xử thiếu tư cách một lãnh đạo quốc gia. Với khả năng lý luận sắc bén và những chứng cớ tham nhũng của các bị cáo, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã vô hình chung làm cho những thành phần còn lại trong Bộ chính trị mất ăn mất ngủ, không biết bị khui ra và phê phán lúc nào.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có một sự liên hệ sâu đậm với đảng CSVN qua người cha của mình là nhà thơ Cù Huy Cận, một công thần của chế độ ở thập niên 40 và 50. Nhờ mối liên hệ đó, ông Vũ đã có được sự ủng hộ của một số nhân vật từng ở vị trí lãnh đạo trong đảng CSVN như cựu Tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tướng Nguyễn Nam Khánh; tướng Đồng Sỹ Nguyên… và một số trí thức. Sự ủng hộ này đã phần nào giúp cho những quan điểm của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tác động rất lớn trong nội bộ đảng CSVN, nhất là họ cùng có quan điểm chống ông Dũng đã để cho Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác Bauxite cũng như hèn kém đối với Bắc Kinh về các vi phạm trên biển Đông.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Ban Bí Thư đã có một loạt bài hướng dẫn nội bộ về những chỉ trích đường lối đảng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhất là hai vấn đề: Dân chủ đa nguyên để cứu đảng và kiện ông Nguyễn Tấn Dũng vi phạm hiến pháp. Sau loạt bài giải độc nội bộ, Bộ chính trị đã ra lệnh cho Tổng cục an ninh, Bộ công an phải bắt khẩn cấp Tiến sĩ Vũ để ngăn chận những tiêu cực có thể xảy ra trong việc tổ chức Đại Hội XI diễn ra vào tháng 1 năm 2011.
Tuy Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không nhân danh bất cứ nhóm nào, cũng như không liên hệ với bất cứ đoàn thể chính trị nào khi trình bày những quan điểm của mình; nhưng chính sự can đảm và thẳng thắng nêu lên các vấn đề “cấm kỵ” trong lòng chế độ độc tài, Bộ chính trị đảng CSVN thấy rằng ông đang tập hợp lực lượng để chống lại họ. Đây là cái lo của Bộ chính trị, nhất là đối với Nguyễn Tấn Dũng khi trực tiếp điều hành guồng máy hành chánh nhà nước bị quá nhiều nhược điểm. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không những là cái gai mà còn là mối đe dọa quyền lực Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng và chế độ CSVN.
Năm năm (2011 – 2016) tới đây là năm năm quan trọng của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nếu điều hành chính phủ suông sẻ, ít bị người khác chống đối và kiện tụng như ông Cù Huy Hà Vũ đã làm, đến năm 2016, tuy ông Dũng đã 67 tuổi, nhưng có thể vận động tập thể Bộ chính trị hiện nay bỏ phiếu để lưu giữ ông lại một nhiệm kỳ và trở thành Tổng bí thư thay thế Nguyễn Phú Trọng. Thành phần bộ chính trị hiện nay không có ai đủ bản lãnh để trở thành đối thủ tranh chức Tổng bí thư vào năm 2016 vói ông Nguyễn Tấn Dũng. Hiện nay, Trương Tấn Sang là nhân vật sáng giá nhưng nếu qua ngồi chơi xơi nước trong trách vụ Chủ tịch nước sau bầu cử Quốc hội vào ngày 22 tháng 5 tới đây, ông Sang sẽ lu mờ và ra đi như ông Triết mà thôi.
Đốn ngã một nhân vật để không làm cản trở con đường tiến lên nắm vị trí quyền lực số 1 ở trong đảng vào năm 2016 đã là thủ đoạn của ông Dũng trong việc dàn dựng ra phiên tòa trả thù Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vào ngày 4 tháng 4 vừa qua. Vào thời điểm diễn ra phiên tòa, Nguyễn Tấn Dũng trên đường từ Sài Gòn trở ra Hà Nội sau khi tham dự lễ trao huân chương cho các cán bộ của Bộ công an theo quyết định của Thủ tướng chính phủ vào ngày 3 tháng 4 tại Sài Gòn. Hình ảnh tương phản này, một lần nữa cho chúng ta nhận diện rõ hơn về con người Nguyễn Tấn Dũng và cả nhóm lãnh đạo Hà Nội đều là một nhóm người say mê quyền lực bất chấp công luận.
Trung Điền
7/4/2011
* Source: http://thongtinberlin.de/diendan/apr...ucuhuyhavu.htm
Trở Về Trang chính
▼
No comments:
Post a Comment