Những tướng lãnh thời nay.
Nói đến thời nay thì cũng xin nhắc đến chút ít về chuyện thời xưa, cái thời mà còn đi học, nhất là thộc về lịch sử là môn học làm tôi “khó nuốt” nhất. Nguyên nhân chính là trong độ tuổi nhấp nhem, khi chỉ mới nhận ra được lờ mờ như thế nào là huyền sử hay chính sử. Mãi cho đến hình như năm lớp đệ tam hay đệ nhị trở đi, làm chủ được quan điểm của mình thì lúc đó môn học lịch sử mới bắt đầu níu kéo đến sự tò mò.
Vì lý do có tính toán mưu đồ quyền lợi về chính trị mà trong mỗi giai đoạn lịch sử nước nhà, người ta tô hồng, bôi đen đều có dụng ý. Cũng phải kể đến những nhận định thiếu khách quan nên sai lệch về lịch sử cũng không phải là ít. Những thế hệ theo sau không thắc mắc, không tìm hiểu, không phản biện, chỉ biết cúi đầu chấp nhận học, theo, cho nên lịch sử không còn trung thực.
Bỏ qua hết những chuyện thêu dệt đến khó tin, nhưng còn lại chúng ta vẫn có thể nhận ra không lầm những anh hùng dân tộc qua nhiều triều đại khác nhau. Đó là chuyện xưa.
Còn những tướng lãnh thời nay, chúng ta có thể kiểm chứng qua nhiều sách vở, tài liệu; còn có thể nhận định qua những việc làm thực tiễn. Nói chung có những cách nhìn khác nhau, nhưng chúng ta là nhân chứng sống nên rất dễ kiểm chứng. Đọc càng nhiều tài liệu từ nhiều phía thì nhận định về lịch sử càng sáng tỏ hơn.
Trong cuộc chiến cuối cùng của Vn, người ta không thể phủ nhận rằng có những vị tướng lãnh anh hùng ngàn đời vẫn còn ghi nhớ. Họ chấp nhận cái chết bằng cách tự sát khi mà không còn khả năng giữ được “thành”; họ không phản bội, sẵn sàng chết theo những đồng đội đã hy sinh. Đó là trường hợp của của mấy ông tướng vùng: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú; tướng sư đoàn gồm: Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ.
Lịch sử sẽ khắc ghi về những vị anh hùng này, không những về trách nhiệm mà còn nói đến việc bảo vệ chính nghĩa của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Chính nghĩa đó đã chứng minh qua việc: thế giới cộng sản sụp đổ; chính quyền cộng sản Vn sửa sai, đổi mới.
Năm tướng lãnh này là nạn nhân của đồng minh bất lương; là nạn nhân của những đồng đội hèn nhát.
Rõ nét nhất là trường hợp của tướng Phú, phải tuân lệnh cấp trên qua Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên, lòng người hoang mang làm cho tan đàn, xẻ nghé; rồi cấp trên của ông bỏ chạy. Tức là trách nhiệm không thuộc về ông, thế mà cuối cùng còn bị cái đám tướng lãnh chỉ biết cầm bút ở hậu phương cách chức. Cái chết của ông đã giãi bài được mọi điều và càng làm cho mọi người khinh bỉ thêm những đồng đội bất lương của ông.
Nhận định qua những trận đánh, những kế hoạch phòng thủ, cách điều quân, tương quan lực lượng, tổn thất chiến truờng, thắng, thua… không phải là chủ đề của bài viết. Tôi chỉ muốn nói đến tư cách của những người làm tướng.
Có một ông tướng cộng sản chuyển ngành làm chính trị, không có khả năng điều hành kinh tế; hiểu biết rất ngây thơ về chính trị, bao nhiêu sai lầm, chỉ nhận trách nhiệm qua loa rồi huề cả làng. Một ông tướng quân đội khác, thời cắp sách đến trường thì học kém, đạo đức chỉ là một tên “đào tường, khoét vách” lôi bè kết cánh, bị tố cáo, thế mà cũng được thăng quan tiến chức, lại còn được cử đi ngoại giao. Một tướng nữa còn được gọi là tướng đầu bạc (tức là đã già mà vẫn còn dại), ông này rất anh hùng (!), dám nhận trách nhiệm, kể công của mình là đánh sập mấy trăm trang báo mạng. Còn nhiều những ông tướng khác (đầu cũng đã bạc) giấu mặt, núp sau lưng cái đám đàn em đầu trâu mặt ngựa, chỉ đạo hà hiếp dân lành khi bị đụng chạm đến quyền lợi “quốc gia?”. Có những vụ bắt bớ, hà hiếp dân, đối xử giữa con người với con người tưởng chừng như loài người còn đang sống trong thời đại hoang dã. Rồi có tướng khai mang bằng cấp, lý lịch… Thống kê sơ bộ về những tướng lãnh mang đầy kỳ tích, những người đương thời đang nắm quyền quốc gia. Chắc chắn danh sách sẽ còn nhiều, dài lê thê.
Nhưng có một điều thật là lạ: phần đông những ông tướng cộng sản vì dân vì nước lại là những ông trướng đã về hưu (hết quyền hành, hết quyền lợi). Qua những bản kiến nghị đồng ký tên, những yêu sách có lợi cho quốc gia, dân tộc toàn là những ông tướng có tới bốn năm chục tuổi đảng và đến tám chín chục tuổi đời. Dân tộc Vn sao mà xui xẻo quá! Phải chi…
Tôi đã từng nghe có người nói: “Quân đội nhân dân Vn anh hùng, trong thời chiến, đánh giặc thì giỏi (?); trong thời bình bị hủ hóa bởi vật chất, tham nhũng nên không giữ vững đạo đức, lập trường”. Cách đổ thừa này khó mà thuyết phục.
Nếu người có tư cách, dù ở hoàn cảnh nào, lâm vào bất kỳ tình huống nào, họ vẫn luôn giữ tư cách, đạo đức vẫn trong sạch.
Một đất nước hiện thời được lãnh đạo bởi cả một tập đoàn vô trách nhiệm, cứ đổ lỗi do cơ chế; đảng viên bị vật chất hủ hoá, lôi cuốn bởi phần tử xấu, phần tử phản động phá rối đảng, chính quyền của nhân dân; lỗi là do hệ thống… Không ai dám nhận trách nhiệm, tự xử mình qua những việc làm sai trái. Kể công thì không thiếu, những khuôn mặt đã liệt kê, họ sẽ kể vanh vách.
Tư cách của những vị tướng lãnh được hình thành theo thời gian mà người đời sẽ nhận ra đó là do bản chất tốt hay xấu. Nhờ đó, những thế hệ sau sẽ ghi công đức hay nguyền rủa. Những người anh hùng, họ lập công chứ không kể công.
Nếu đổ thừa, năm vị tướng lãnh VNCH đã hy sinh, họ cũng có thể bảo rằng lỗi là do hệ thống; hoặc là: Khi Đồng Minh Tháo Chạy thì tụi tôi cũng… có cái quyền được chạy theo.
Nguyễn Dư
No comments:
Post a Comment