Thôi thì coi như những ghế ngon ghế tốt đã được 100% cử tri nào đó nhất trí trước khi dân ta bị nắm đầu đi xoa cái bụng bầu của đảng. Còn loe ngoe mấy cái ghế làm kiểng đảng sẽ để dành cho vài anh công dân ngoài đảng nhưng ngoan ngoãn như lừa. Quốc hội khóa XIII nằm trong trọn trong tay Nguyễn Tấn Dũng. Vinashin, Bauxite Tây Nguyên, Rừng đầu nguồn sẽ im lặng đi vào dĩ vãng. Tương lai sẽ là Đường sắt Cao tốc và bất cứ đề án nào xài tiền như nước, lợi nhuận riêng rủng rỉnh và nợ to như núi – gãy đòn gánh toàn dân sẽ được “quyết” chẳng cần “bàn”.
*
“Tôi quan tâm đến việc phát biểu như thế nào chứ không phải phát biểu bao nhiêu vấn đề. Vào Quốc hội mà không nói thì vào làm gì!“. ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết trong một cuộc phỏng vấn đã tuyên bố như vậy. Giờ thì ông không cần phải lo nhiều về chuyện ấy nữa. Quốc hội khóa XIII sẽ không có ghế dành cho ông.
Ông Nguyễn Minh Thuyết được dư luận xem như là nhân vật của năm 2010. (Rất tiếc ông không được báo ta bình bầu là nhân vật xuất sắc nhất vì không biết nhờ công ty rác vận động). Ông là một trong số hiếm hoi các ĐBQH đã đứng lên chất vấn nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia. Ông đã đặt thẳng vấn đề cho thuê rừng đầu nguồn với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phát biểu 7 phút của ông vào ngày 1-11-2010 được xem là 7 phút sự thật đã làm chấn động Quốc hội trong đó ông đã can đảm đưa vấn đề trách nhiệm Vinashin “Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm”…
Hôm qua, ngày 14 tháng 3, 2011 thời ông Thuyết đăng đàn làm đúng nghĩa vụ đại diện cho dân bị chấm dứt. Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị với 240 cử tri đại diện cho toàn thể cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 61 ứng cử viên của khối đơn vị này. Ở đâu ra 61 người này? Xin thưa: 9 người do Bộ Chính trị giới thiệu + 33 người do Ban Bí thư giới thiệu + 19 người do Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu = 61. Tất cả đều do đảng ta. 240 cử tri đại diện không biết có ai là phó thường dân không, nhưng cũng không thành vấn đề. Đề nghị 61 và thông qua 61 thì còn gì để nói!.
Trong khi đó thì Văn phòng TƯ đảng cũng thực hiện công tác “lấy ý kiến cử tri” , chủ tọa là ngài Tổng bí thư – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. 100% số cử tri có mặt nhất trí giới thiệu 2 vị ứng cử ĐBQH khóa XIII. Con số 100% là con số thần kỳ của đảng.
Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành tổ chức hội nghị “lấy ý kiến cử tri” với sự chủ tọa của ngài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cũng với 100% số cử tri có mặt, nhất trí giới thiệu 5 người ứng cử ĐBQH khóa XIII, bao gồm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo thông tin của Dân Trí, lẫn Đất Việt, 1 Phó Chủ tịch Quốc hội, 5 Chủ nhiệm các UB của Quốc hội không có trong danh sách giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tới do đã quá tuổi quy định. Theo Dân Làm Báo biết thì tiêu chuẩn tuổi tác của ĐBQH là phải 21 tuổi trở lên và không thấy quy định nào để cho ông Nguyễn Minh Thuyết sinh năm 1948 (63 tuổi) phải về vườn. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sinh Hùng sinh năm 1946 vẫn được 100% cử tri nhất trí kia mà.
Thôi thì coi như những ghế ngon ghế tốt đã được 100% cử tri nào đó nhất trí trước khi dân ta xoa cái bụng bầu của đảng. Còn vài cái ghế làm kiểng đảng sẽ để dành cho vài anh công dân ngoài đảng nhưng ngoan ngoãn như lừa. Quốc hội khóa XIII nằm trong trọn trong tay Nguyễn Tấn Dũng. Vinashin, Bauxite Tây Nguyên, Rừng đầu nguồn sẽ im lặng như quá khứ. Tương lai sẽ là Đường sắt cao tốc và bất cứ đề án nào xài tiền như nước, lợi nhuận riêng rủng rỉnh và nợ to như Trường Sơn gãy đòn gánh toàn dân sẽ được “quyết” chẳng cần bàn.
Ghi lại đây những chất vấn của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết làm… kỷ niệm vì sẽ không biết đến bao giờ nó mới xảy ra lần nữa.
Dân Làm Báo
—
Chất vấn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thưa Thủ tướng, thời gian qua, dư luận rất bức xúc về việc một số tỉnh cho tổ chức nước ngoài thuê đất rừng biên giới, đất rừng đầu nguồn. Đề nghị Thủ tướng cho biết trước khi cho thuê rừng ở những vùng nhạy cảm như vậy, các tỉnh có xin ý kiến Chính phủ không? Trách nhiệm quản lý của Chính phủ như thế nào ?
Cũng trong thời gian qua, dư luận rất bất bình về việc các cơ quan quản lý nhà nước duyệt xếp luwong cho lãnh đạo Tổng công ty SCIC và một số lãnh đạo Bộ Tài chính ở mức cao bất thường, có người tới gần 1 tỷ đồng/năm, trong khi doanh nghiệp này làm ăn không hiệu quả. Đề nghị Thủ tướng cho biết đây có phải là hình thức tham nhũng không, trách nhiệm thuộc về những ai, Chính phủ đã xử lý như thế nào (trong đó có xử lý kỷ luật)?
Thưa bộ trưởng,
– Theo Bộ trưởng, những tổ chức cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên kém hiệu quả, thậm chí lãng phí, vô tổ chức trong thời gian qua? Bộ TN-MT có kế hoạch như thế nào để khắc phục tình trạng trên tiến tới xây dựng ngành kinh tế TN-MT
Chất vấn Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân:
- Cán bộ, viên chức ngành giáo dục và đông đảo cử tri cả nước đều đánh giá cao tâm huyết của Phó Thủ tướng trong quản lý điều hành chỉ đạo ngành giáo dục. Tuy nhiên một số cán bộ viên chức trong ngành và cử tri băn khoăn về việc thực hiện một số lời hứa của đồng chí (ví dụ đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương) và hiệu quả của một số cuộc vận động mà đồng chí phát động (ví dụ: “Hai không”, “trường học thân thiện, học sinh tích cực”..v..v)
Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:
Chất lượng lao động xuất khẩu hiện nay rất thấp, hoạt động của các tổ chức xuất khẩu lao động có rất nhiều yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong việc này? Bộ có giải pháp gì để khắc phục?
Bộ LĐ-TB-XH đã làm gì để phát hiện, xử lý các trường hợp chủ DNNN trốn tránh đóng BHXH cho công nhân, ngược đãi, nợ lương công nhân, bỏ trốn v.v… và để cải thiện điều kiện sinh hoạt, làm việc cho người lao động? Thời gian tới, Bộ sẽ áp dụng những biện pháp gì để pháp luật về lao động được thi hành nghiêm chỉnh, đời sống người lao động được cải thiện?
Chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Thuyết gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng:
Câu hỏi thứ nhất, cử tri và đồng bào cả nước, đại biểu Quốc hội rất xúc động trước hình ảnh đồng bào ở một số địa phương ở tỉnh Kon Tum phải đu trên dây cáp để vượt sông PôKô. Chúng tôi xin hỏi Bộ trưởng là những ai phải chịu trách nhiệm về việc chậm khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 cuối năm ngoái để xảy ra tình trạng như thế, từ khi báo chí nêu lên Bộ trưởng đã cử người đi kiểm tra chưa và Bộ sẽ áp dụng những biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này.
Câu hỏi thứ hai của tôi là qua tổng hợp tin tức tôi rất băn khoăn về đối tác thực sự của đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Giả sử Quốc hội thông qua nghị quyết, nhất trí với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam mà sau đó về phía Nhật Bản cũng là ngân hàng thế giới, không sẵn sàng cho vay tiền như cảnh báo của một số vị có trách nhiệm ở phía Nhật Bản cũng như ngân hàng thế giới mà lại có một nước khác có thể sẵn sàng cho vay tiền và sẵn sàng làm với một giá rẻ hơn thì Chính phủ có sẵn sàng giao hợp đồng làm cho công ty của nước đó không? Vì con đường này là con đường huyết mạch của đất nước cho nên chúng tôi rất quan tâm.
Vấn đề thứ ba, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội tháng 3 năm nay, tôi có hỏi Bộ trưởng tổng vốn xây dựng đường vành đai 3 của Hà Nội sau khi điều chỉnh thiết kế là bao nhiêu, trội lên bao nhiêu thì Bộ trưởng có nói sẽ kiểm tra và sẽ có trả lời sau. Nhưng chắc Bộ trưởng rất bận nên chưa trả lời được. Cho nên chúng tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết tổng vốn là bao nhiêu, nếu ngay ngày hôm nay Bộ trưởng chưa có điều kiện để trả lời thì Bộ trưởng gửi văn bản để trả lời cho chúng tôi biết.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:
Tôi được biết Bộ trưởng hiện nay đang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty SCIC, tôi xin hỏi điều đó có đúng không. Trên thế giới này và ngay ở Việt Nam ta có Bộ trưởng nào đồng thời kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty, kể cả công ty tư nhân không.
Trích đoạn phát biểu 7 phút:
Trong thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ. Vâng, thực sự là nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường học, bệnh viện,… – những nhu cầu rất thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào.
Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.
Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định “có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước”. Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra…
*****
1 Phó Chủ tịch và 5 Chủ nhiệm UB của Quốc hội không tái cử
(Dân trí) – 1 Phó Chủ tịch Quốc hội, 5 Chủ nhiệm các UB của Quốc hội không có trong danh sách giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tới do đã quá tuổi quy định.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận sẽ không tái cử khoá tới (Ảnh: Việt Hưng)
Ngày 14/3, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tại các cơ quan của Quốc hội. 240 cử tri đại diện cho toàn thể cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 61 ứng cử viên của khối đơn vị này.
Cơ cấu ứng viên gồm 9 người do Bộ Chính trị giới thiệu, 33 người do Ban Bí thư giới thiệu và 19 người do Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu.
Trong danh sách này, nhiều đại biểu hiện đang giữ vị trí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội không tiếp tục tham gia Quốc hội khóa tới như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ & môi trường Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình, Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên & nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết…
*
Lấy ý kiến cử tri nơi công tác những người ứng cử ĐBQH
Ngày 14/3, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với những người ứng cử ĐBQH khóa XIII. Dự hội nghị có Tổng bí thư – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang.
Hội nghị đã nghe Thông báo của Bộ Chính trị về việc giới thiệu các vị là lãnh đạo Đảng tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIII và việc tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Trung ương Đảng theo đúng quy trình, thủ tục luật định; báo cáo tóm tắt tiểu sử và quá trình công tác của từng vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIII; nghe giới thiệu các tiêu chuẩn ĐBQH, những người không được ứng cử ĐBQH, theo quy định tại Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội.
Hội nghị đã tiến hành biểu quyết với 100% số cử tri có mặt, nhất trí giới thiệu 2 vị ứng cử ĐBQH khóa XIII.
* Chiều 14/3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về những người ứng cử ĐBQH khóa XIII. Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hội nghị đã nghe giới thiệu các tiêu chuẩn ĐBQH, những người không được ứng cử ĐBQH… Các cử tri tham dự hội nghị đã nghe giới thiệu danh sách 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và tóm tắt tiểu sử, quá trình công tác của từng người. Hội nghị đã tiến hành biểu quyết với 100% số cử tri có mặt, nhất trí giới thiệu 5 người ứng cử ĐBQH khóa XIII, bao gồm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
* Sáng cùng ngày, Văn phòng Quốc hội cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về những người ứng cử ĐBQH khóa XIII tại các cơ quan của Quốc hội. Hội nghị đã nghe giới thiệu danh sách 61 người ứng cử ĐBQH khóa XIII, bao gồm 9 ứng cử viên do Bộ Chính trị giới thiệu; 33 ứng cử viên do Ban Bí thư giới thiệu và 19 ứng cử viên do Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu.
Theo danh sách, có 3 trong số 4 Phó chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp tục được giới thiệu tái cử là bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu và ông Huỳnh Ngọc Sơn. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên sẽ không tái cử khóa này. Tương tự, nhiều vị Chủ nhiệm các Ủy ban cũng sẽ nghỉ do quá tuổi, gồm: ông Lê Quang Bình (Ủy ban Quốc phòng, An ninh), ông Nguyễn Văn Thuận (Ủy ban Pháp luật), ông Hà Văn Hiền (Ủy ban Kinh tế), ông Đặng Vũ Minh (Ủy ban KH-CN-MT), ông Trần Thế Vượng (Trưởng ban Dân nguyện). Một số vị Phó chủ nhiệm Ủy ban cũng sẽ không tái cử, trong đó có ông Nguyễn Minh Thuyết (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội)…
Hội nghị đã biểu quyết với 100% số cử tri có mặt, nhất trí thông qua danh sách 61 ứng viên tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIII.
Mạnh Đồng
*
Cử tri VPCP nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 ứng cử viên ĐBQH Khóa XIII
Chiều nay (14/3), Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác về 5 đồng chí là Lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Cử tri VPCP nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 đồng chí lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII – Ảnh Chinhphu.vn |
Theo sự giới thiệu của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng; các Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thiện Nhân và Hoàng Trung Hải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc là những đồng chí đang công tác và sinh hoạt tại các đơn vị thuộc VPCP sẽ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Thực hiện các quy trình về bầu cử đại biểu Quốc hội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác về 5 đồng chí là Lãnh đạo Chính phủ và VPCP nêu trên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Tại Hội nghị, cử tri thuộc các đơn vị của VPCP đã phát biểu ý kiến thể hiện sự nhất trí tuyệt đối về việc giới thiệu 5 đồng chí là Lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn và Chủ tịch Công đoàn VPCP, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Nguyễn Tiến Dũng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác những người ứng cử đại biểu Quốc hội của VPCP |
Căn cứ theo các tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, các ý kiến cử tri VPCP đều bày tỏ các đồng chí được giới thiệu nêu trên hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn và rất xứng đáng là đại biểu của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta.
Các đồng chí đều thể hiện phẩm chất chính trị tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân; thể hiện năng lực lãnh đạo xuất sắc, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, đặc biệt là sự nắm bắt, phân tích tình hình, quyết đoán, quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, các đồng chí đều có những đóng góp quan trọng và quyết định, góp phần đưa đất nước vượt qua những thách thức, khó khăn, giành những thành tựu to lớn, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, các đồng chí đều được tín nhiệm bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
Các cử tri tại VPCP phát biểu ý kiến bày tỏ sự nhất trí tuyệt đối giới thiệu 5 đồng chí lãnh đạo Chính phủ và VPCP tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII – Ảnh Chinhphu.vn |
Các đồng chí luôn gần gũi lắng nghe, quan tâm, động viên, chăm sóc đội ngũ cán bộ, công chức trong đơn vị và đều là những tấm gương sáng về tinh thần làm việc, trách nhiệm, tận tụy trong công việc, là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị.
Các cử tri đã nêu lên nhiều ví dụ tiêu biểu cho phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo, tính nhân văn, tuân thủ nguyên tắc trong công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng; về sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đối với VPCP trong thực hiện nhiệm vụ là cơ quan tham mưu tổng hợp và phục vụ cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các cử tri VPCP đã biểu quyết nhất trí 100% giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII.
Theo VGP News
No comments:
Post a Comment