Đất nước Việt Nam, trên từng ngọn núi, trong mỗi dòng sông, từ Chí Linh đến Bạch Đằng, từ Chi Lăng sang Vạn Kiếp đã thắm máu của bao thế hệ tổ tiên đổ xuống để giữ gìn trên bốn ngàn năm chứ không phải là gia tài của Mác, Lê Nin để lại. Do đó, đất nước Việt Nam là tài sản của dân tộc Việt Nam chứ không phải của đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại sao người dân Việt phải cúi đầu để xin Đảng ban phát từng chén cơm manh áo? Tại sao một trí thức trẻ muốn tiến thân trong xã hội phải tìm mọi cách kể cả luồn cúi, nịnh hót để được vào đảng Cộng Sản?…
*
Một đêm mơ tôi thấy mình và người thân đi dạo trên một ngọn đồi. Xa xa cuối chân đồi là một thành phố vừa lên đèn và trên trời đang treo một vầng trăng mười sáu. Cảnh đẹp như trong một cuốn phim tình cảm. Nếu đúng như các nhà tâm lý học nói, người ta thường mơ những cảnh mà họ đã thấy, những việc họ đã làm, thì ngọn đồi phải là một trong những nơi tôi đã sống hay đã đến. Vâng. Khi ngồi thật yên lặng để hồi tưởng, tôi biết ngọn đồi đó ở Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi tôi đã đến thăm trong những ngày còn nhỏ.
Quế Sơn là nơi cha mẹ tôi đã gặp nhau, đã thương và cưới nhau. Những ngọn đồi chập chùng, không cao lắm, có những bụi sim thấp và những hoa màu tím, có thể là nơi họ đã từng hò hẹn. Các cụ trong vài thế hệ trước, dù có lãng mạn cũng ít khi kể cho con cháu nghe nhưng từ ngày mẹ tôi mất cha tôi rất ít về vùng đồi núi đó. Phải chăng để khỏi nghe lòng đau xót khi “về đồi sim ta nhớ người vô bờ” như thế hệ chúng tôi sau này. Dù sao, cảnh núi đồi thơ mộng đã góp phần để lại cho hai người một tác phẩm, là tôi, trong thế gian này, tuy không kể ra, tôi cũng đoán biết cha mẹ tôi mơ mộng đến dường nào.
Giấc mơ dễ thương là một ví dụ để giải thích điều tôi muốn nói rằng tuổi thơ, tuổi thanh niên là thời gian đẹp nhất của một con người và không bao giờ phai đi.
Nhiều khoảng không gian trong ý thức bị phủ dày dưới lớp bụi thời gian nhưng kỷ niệm của tuổi thơ, ký ức thời tuổi trẻ dù dấn thân, khai phá hay nông nổi, sai lầm không bao giờ bị che khuất. Đó là thời gian duy nhất mang đến cho ta nụ cười, niềm hãnh diện nhưng cũng là thời gian duy nhất làm ta tiếc nuối, ăn năn khi ngồi đếm những ngày cuối của đời mình trôi đi trong buồn bã, chậm chạp trong một nhà dưỡng lão ở nước ngoài hay trên một chiếc giường tre, giường gỗ nào đó ở quê hương.
Thời gian tôi sống ở Mỹ dài hơn thời gian tôi sống ở Việt Nam. Nếu tính luôn những năm còn quá nhỏ không giữ lại được gì trong ký ức, thì còn dài hơn nữa. Về trách nhiệm, tôi rất nặng nợ với xứ này nhưng thành thật mà nói, về tình cảm, tôi yêu đất nước Việt Nam không chỉ hơn nước Mỹ thôi mà còn hơn nhiều thứ khác. Yêu nước thì nói mình yêu nước. Đó không phải là chức vụ, lương bổng, bạc vàng hay của cải gì mà sợ gọi khoe khoang. Tôi yêu Việt Nam, trước hết, cũng chỉ vì tôi yêu tôi trong một thời tuổi trẻ.
Với nước Mỹ, tôi nợ quá nhiều thứ. Tôi nợ đôi tay người lính hải quân Mỹ ôm tấm thân ốm o đói khát của tôi lên từ chiếc cầu dây mong manh đang đong đưa bên thành chiến hạm khi ghe tôi đang được vớt ngoài biển Đông. Tôi nợ cơ quan thiện nguyện chiếc áo ấm đầu tiên để che cơn rét khắc nghiệt miền Đông Bắc Mỹ. Tôi nợ người dân Boston bao dung, rộng lượng đã đưa vòng tay nhân ái ôm lấy tôi, một người tỵ nạn không thân nhân nào ở Mỹ. Thế nhưng dù nợ bao nhiêu, dù đã sống ở đây 30 năm và đã là công dân Mỹ có quốc tịch 24 năm, khi viết về thành phố Boston và đất nước Hoa Kỳ tôi vẫn quen dùng hai chữ “xứ người” và “đất khách”.
Bởi vì, trong trái tim, tôi là người Việt Nam.
Tôi là người may mắn, được học hỏi trong một nền giáo dục dân chủ, sống nhiều năm trong xã hội dân chủ để có cơ hội so sánh với nền giáo dục và xã hội Việt Nam tôi đã từng trải qua trước và sau 1975. Nhiều triệu người cùng thế hệ tôi trước đây và nhiều triệu tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không có may mắn đó.
Có thể các bạn trẻ không nhận ra, nhưng ngay trong phút giây các bạn đang sống, cuộc đấu tranh khốc liệt giữa khoa học và phản khoa học, giữa đúng và sai, giữa chân thật và giả dối, giữa cố gắng vươn lên và áp lực phục tùng đang diễn ra trong ý thức. Nếu không có điều kiện tiếp cận luồng ánh sáng văn minh khoa học, không được trợ lực từ các nguồn kiến thức khách quan, ý thức vươn lên của các bạn sẽ bị trấn áp, tinh thần độc lập sẽ bị triệt tiêu, các bạn sẽ không có cơ hội chọn đúng một lý tưởng tuổi trẻ và cuối cùng dẫn đến việc đánh mất cả cuộc đời mình.
Nói nhắc đến hai chữ lý tưởng, người ta thường nghĩ đến một con đường xứng đáng để đi, một mục đích để hiến dâng cuộc đời mình như Thomas Merton nói :”Nếu bạn muốn biết tôi là ai, đừng hỏi tôi sống ở đâu, hay tôi ăn thích ăn món gì, hay tôi chải tóc cách nào, nhưng hãy hỏi tôi sống vì mục đích gì.”
Lý tưởng được nhắc nhiều nhất tại Việt Nam là lý tưởng Cộng Sản. Từ chiếc loa treo trên trụ đèn đầu phố cho đến cương lĩnh chính thức của các đại hội đảng đều lập đi lập lại rằng con đường đẹp nhất là con đường Cộng Sản và lý tưởng đẹp nhất của một đời người là lý tưởng Cộng Sản.
Nhưng ý thức hệ Cộng Sản như đã chứng minh không phải là con đường đẹp nhất mà là chất độc tàn phá ý thức của con người một cách có hệ thống và bắt đầu ngay từ khi mới chập chững vào đời.
Hai phân đoạn dưới đây trích trong chương trình giáo dục mầm mon do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam phê duyệt 2009 so sánh với chương trình giáo dục mầm non tại Bắc Hàn dựa theo nghiên cứu của Andrea Matles Savada North Korea: A Country Study lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ:
Tại Việt Nam, ba đến bốn tuổi phải được dạy để biết “kính yêu Bác Hồ” và “thích nghe kể chuyện, nghe hát, đọc thơ, xem tranh ảnh về Bác Hồ.” Bốn đến năm tuổi phải “nhận ra hình ảnh Bác Hồ, lăng Bác Hồ, thích và thuộc một số bài hát, bài thơ về Bác Hồ.” Năm đến sáu tuổi phải “nhận ra hình ảnh Bác Hồ, chỗ ở, nơi làm việc của Bác Hồ, biết một số bài hát, bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ”.
Tại Bắc Hàn, tương tự như Việt Nam, một phần không nhỏ trong chương trình giảng dạy bậc tiểu học được dành để ca ngợi công ơn “Kim Nhật Thành Vĩ Đại” và “Đạo đức Cộng Sản”. Những sách giáo khoa bậc mẫu giáo và tiểu học Bắc Hàn gồm “Thời thơ ấu của Nguyên Soái Kim Nhật Thành”, “Ca ngợi công ơn lãnh tụ”, “Theo bước chân cha già Kim kính yêu”, “Xem hình ảnh lãnh tụ Kim Chính Nhất”.
Có tương lai nào khác hơn, ngoài vong thân nô dịch, dành cho các thế hệ măng non của đất nước?
Suốt hơn 80 năm từ khi có đảng Cộng Sản, bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã đánh mất tuổi thanh xuân trong “lý tưởng” hão huyền đó?
Con số có thể lên đến nhiều triệu. Đa số đã chết trong chiến tranh hay chết già nhưng một số không nhỏ vẫn còn sống.
Chủ nghĩa Cộng Sản như phần lớn nhân loại biết hôm nay là tai họa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại và bị hầu hết các quốc gia lên án. Số người chết do chủ nghĩa Cộng Sản gây ra nhiều lần lớn hơn các cuộc chiến tranh thế giới cộng lại. Đừng nói gì đến ngục tù Gulad, nạn đói Ukraine, thảm sát rừng Katyn ở châu Âu xa xôi, chỉ đọc những thảm cảnh xảy ra bên cạnh nước mình do Mao Trạch Đông và Pol Pot gây ra, hay đọc ngay trong biến cố Việt Nam như Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Cách Ruộng Đất và hỏi những người lớn tuổi tại miền nam về Kinh Tế Mới, về Cải Tạo Công Thương Nghiệp, về chính sách Tù Cải Tạo để biết hậu quả của chủ nghĩa Cộng Sản trầm trọng đến mức nào.
Và hôm nay, các cựu chiến binh của thế hệ “Điện biên” và cả “giải phóng miền nam”, những người đã đem tuổi thanh xuân hiến dâng cho “lý tưởng Cộng Sản” đang ngồi vuốt lấy nỗi đau riêng trong những khu nhà tập thể.
Họ cố ru giấc ngủ bằng niềm an ủi vì mình đã sống một cuộc đời có ý nghĩa. Họ tự nhủ lòng ít ra những hy sinh của họ cũng không oan uổng khi mục tiêu thống nhất đất nước cuối cùng đã đạt được. Vâng. Thống nhất đất nước là mơ ước có thật nhưng chỉ có thật trong lòng các cựu chiến binh già, trong Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, trong những người băng rừng vượt suối vào “giải phóng miền nam”, trong những thanh niên miền bắc đã chết ở Hạ Lào, An Lộc, chứ không có trong mục tiêu của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Có gia đình nào thật sự thương yêu nhau đã chọn lựa đoàn tụ bằng cách giết đi một phần ba số anh em, con cháu của mình không?
Chắc chắn là không. Dân tộc Việt Nam có thể phải tạm thời sống trong xa cách để chờ một cơ hội thuận tiện hơn để đoàn tụ. Nước Đức đã chọn và cả Triều Tiên sau một lần thử lửa 1950, cũng phải chọn. Đoàn viên dân tộc là một ước mơ bùng cháy trong lòng mỗi người Việt Nam, không nhất thiết phải là nam hay bắc. Câu hát “Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về, lòng khách tha hương vương sầu thương” cất lên trong nước mắt ở Sài Gòn sau 1954.
Chỉ có đảng Cộng Sản vì mục tiêu tối hậu Cộng Sản hóa Việt Nam mới có thể hành động mà không cần quan tâm đến tương lai đầy thảm họa đang chờ đợi các thế hệ Việt Nam. Khi phát động chiến tranh “thống nhất đất nước” bằng võ lực, lãnh đạo Đảng biết họ phải đương đầu với Mỹ, về quân sự, là một siêu cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, và về kinh tế, vừa bước ra khỏi thế chiến thứ hai như một quốc gia có lợi nhất. Nhưng mục đích Cộng Sản hóa đã ăn sâu vào từng huyết cầu, từng tế bào sống của lãnh đạo Cộng Sản làm ức chế mọi băng khuâng, do dự, đo lường hậu quả mà hầu hết các nhà lãnh đạo quốc gia khác phải có.
Sau 36 năm, những biệt thự, những cao ốc, những khu nghỉ mát khang trang mà các cựu chiến binh già không bao giờ có khả năng đặt chân đến, đã được xây bằng xương máu của các đồng chí, anh em họ đổ xuống trong các cuộc chiến tranh.
Ngoài một số rất ít quá công phẫn đã cất lên tiếng hét xung phong cuối cùng qua những lá thư tố cáo, phần lớn phải cam chịu để sống với số tiền hưu trí nhỏ nhoi mỗi tháng. Bán hết huân chương cũng không đủ tiền trả một tô phở 35 đô la mà các ủy viên trung ương và gia đình vừa ăn đừng nói chi những chiếc Porsche đắc tiền của các “đầy tớ nhân dân” đang đậu ngoài sân tiệm.
Dù biết bài ca của giai cấp công nhân đã trở thành bài ai điếu, nói theo ngôn ngữ của Mác, và số người nghe mỗi ngày một ít dần, đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục hát, tiếp tục hô nào lý tưởng Cộng Sản.
Đọc bài Lý tưởng Cộng sản sẽ thắp sáng thế kỷ 21 của tác giả Quang Thống đăng trong trang nhà của Hội Nhà Báo Việt Nam, trong đó có những câu nhạt nhẽo đọc lên chỉ càng thêm bực bội như “tất cả thế giới đều công nhận sự nghiệp đổi mới đất nước ở Việt Nam do Đảng cộng sản lãnh đạo đã đạt được những kỳ tích vang dội” hay kết luận “Chúng ta phấn chấn bởi một niềm tin mãnh liệt, rằng lý tưởng mà dân tộc ta noi theo đang không ngừng tỏa sáng, con đường đi tới ấm no hạnh phúc mà nhân dân ta khai phá, đang nở hoa kết trái”.
Bài viết được trao giải A của Giải Báo Chí Quốc Gia 2006 do Hội Nhà Báo Việt Nam tổ chức. Thì ra, không phải chỉ một người vô lương tâm mà cả một tổ chức đại diện cho 600 tờ báo cũng không có lương tâm như tác giả. Thời của “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” hay “mơ sáng mai thức dậy thành người Việt Nam” đã qua quá xa rồi. Ngay cả trong quán nhậu, những mẫu chuyện cười mỉa mai chế độ như thế có lẽ cũng không còn nghe ai kể nữa vì chẳng có ai cười.
Vì chén cơm manh áo, một người nhiều khi phải nói những điều mình không muốn nói, viết những điều mình không muốn viết, tuy nhiên phải biết đâu là giới hạn, biết đâu nên dừng lại. Nếu không giữ được chức năng nghề nghiệp và tư cách đạo đức của một người cầm bút, ít ra cũng không nên đầu độc con cháu trong gia đình mình. Tâm hồn tuổi thơ như những tờ giấy trắng trinh nguyên, hãy viết lên đó những câu ca dao đậm đà tình dân tộc, hãy vẽ lên đó hình trái tim thương yêu thay vì những khẩu hiệu giết người và búa liềm thù hận.
Với những tuổi trẻ may mắn học hỏi từ nhiều nguồn, những bài viết tuyên truyền đó là chẳng qua để quảng cáo cho một món thuốc giả, rẻ tiền, nhưng một số không ít các bạn cùng thế hệ sinh ra và lớn lên trong các quận huyện xa xôi, hẻo lánh như ở vùng rừng núi Quế Sơn quê tôi chẳng hạn, không có dịp tiếp xúc với ánh sáng khoa học, vẫn còn tin và tin đến độ chân thành.
Hôm nay, dù đang sống ở đâu trên trái địa cầu này và đang sinh hoạt trong một tổ chức chính trị nào, kể cả trong đảng Cộng Sản, một người Việt còn có chút ưu tư cho vận mệnh đất nước, còn biết tủi thẹn, xót đau trước quá nhiều thua thiệt của Việt Nam đối với phần lớn nhân loại, đều phải thừa nhận Việt Nam đang cần một sự thay đổi căn bản không chỉ trong hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội mà quan trọng hơn trong thượng tầng kiến trúc chính trị tư tưởng. Nói một cách vắn tắt, cuộc cách mạng dân chủ triệt để là con đường không thể nào thay thế tại Việt Nam.
Nhiều người nghe tới hai chữ cách mạng là nghĩ ngay đến Công Xã Paris, Cách Mạng Pháp, Cách Mạng Tháng Mười đẩm máu. Tôi, trái lại tin rằng, cuộc cách mạng dân chủ Việt Nam tuy sẽ rất khó khăn, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn với các tác động từ bên ngoài và vận động từ bên trong, khi xảy ra sẽ xảy ra trong nhanh chóng và không đổ máu bởi vì tuyệt đại đa số người dân, ở mức độ khác nhau, đều thấy những bất công phi lý đang diễn ra hàng ngày trên đất nước, đều chán ghét chế độ và đều có trong lòng chung một khát vọng dân chủ tự do.
Dân chủ không phải chỉ là cơ sở lý luận, hệ thống lý thuyết mà còn là những gì cụ thể, có thể nắm bắt, cầm lấy trong tay.
Dân chủ không phải là món hàng tiêu dùng xa xí dành cho những kẻ dư thừa nhưng là tất cả góc cạnh gần gũi, bình thường, quen thuộc của đời sống.
Dân chủ không phải là sản phẩm tư tưởng của Mỹ, Pháp, Anh, hay một đặc tính văn hóa của một màu da, chủng tộc riêng nào mà của con người từ khi mới cất lên tiếng khóc chào đời.
Đất nước Việt Nam, trên từng ngọn núi, trong mỗi dòng sông, từ Chí Linh đến Bạch Đằng, từ Chi Lăng sang Vạn Kiếp đã thắm máu của bao thế hệ tổ tiên đổ xuống để giữ gìn trên bốn ngàn năm chứ không phải là gia tài của Mác, Lê Nin để lại. Do đó, đất nước Việt Nam là tài sản của dân tộc Việt Nam chứ không phải của đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại sao người dân Việt phải cúi đầu để xin Đảng ban phát từng chén cơm manh áo? Tại sao một trí thức trẻ muốn tiến thân trong xã hội phải tìm mọi cách kể cả luồn cúi, nịnh hót để được vào đảng Cộng Sản?
Lý luận ba giòng thác cách mạng (cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho hoà bình dân chủ tại các nước bị trị) là cơ sở duy nhất để đảng Cộng Sản Việt Nam biện hộ cho vai trò thống trị của mình. Đó là lý luận áp đặt của kẻ cướp có súng đạn trong tay. Quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê về giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội không liên hệ gì đến bản chất của cuộc đấu tranh giành độc lập và mục tiêu xây dựng đất nước ấm no thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, hãy tạm giả thiết rằng lý luận ba giòng thác là đúng và cuộc chiến chống Mỹ cũng đúng luôn, thì sau 36 năm đưa dân tộc vào con đường cùng không lối thoát với một chế độ chính trị chà đạp mọi quyền căn bản của con người, một xã hội tham nhũng thối nát (Corruption Perceptions Index xếp Việt Nam vào hạng 116 trong 178 quốc gia, cùng hạng với ba quốc gia nghèo nhất Phi Châu Ethiopia, Guyana và Tanzania), một chính sách giáo dục ngu dân, nô dịch, chạy theo hư danh bằng cấp nhưng thiếu thực tài, một nền kinh tế lạc hậu trì trệ đi sau các nước trong vùng hàng mấy chục năm, đảng Cộng Sản Việt Nam có cần phải bị lật đổ và lật đổ càng sớm càng tốt hay không?
Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Giống như chính quyền tại các nước dân chủ, mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau. Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Facebook hay Twitter, không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay, trái tim và khối óc của tuổi trẻ Việt Nam.
Quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do đi lại, quyền được đứng ra lãnh đạo hay chọn lựa những người lãnh đạo đất nước là quyền dành cho mọi công dân và phải được tôn trọng bằng luật pháp chứ không phải là đặc quyền dành riêng cho đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Đảng sẽ không tự nguyện trao trả những gì họ đã đánh cắp mà phải giành lại từ tay họ. Như có lần tôi đã viết, lịch sử nhân loại chứng minh, những kẻ độc tài thường không bước xuống theo nguyện vọng nhân dân, họ chỉ chết già trong quyền lực hay bị lật đổ.
Một đời người trung bình sống bảy mươi năm, nhưng cho dù sống tám mươi, chín mươi hay một trăm năm cũng chỉ có một thời tuổi trẻ và khi qua đi, tuổi trẻ sẽ không bao giờ trở lại.
Trong bài viết về lý tưởng phụng sự xã hội được viết cách đây khá lâu tôi có phát biểu rằng, về ý nghĩa, lý tưởng là một mục đích sống cao đẹp của một đời người. Nếu chúng ta đặt qua một bên niềm tin tôn giáo hay sự giải thích dựa vào niềm tin tôn giáo, và nếu chúng ta không có một lý tưởng để sống, sự có mặt của chúng ta sẽ vô vị biết bao. Đời sống chỉ là sự lập lại một cách nhàm chán những công việc, những ngày, những tháng, những năm, những tiếng cười và nước mắt, những hơn thua và tranh chấp, cho đến cuối cùng một hơi thở hắt ra. Nhưng với một người sống có lý tưởng, sống có mục đích, những khoảnh khắc dù chỉ một vài giây phút cũng đầy ý nghĩa. Người có lý tưởng bao giờ cũng lạc quan và hy vọng bởi vì họ không chỉ sống cho hôm nay mà cho ngày mai và nhiều ngày mai sẽ tới.
Đừng đánh rơi tuổi trẻ.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment