Trở Về Trang chính

Friday, March 25, 2011

Tự ứng cử không phải là trò chơi dân chủ

Đào Tuấn - Câu này là của ông Đặng Văn Khoa, còn gọi là “Hội đồng Khoa” trả lời nhà báo Đoan Trang 5 năm trước, ngay sau khi ông “tự nguyện” viết đơn xin rút khỏi cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII.

Một người không thể đóng hai vai

Từ chối công việc với mức lương hàng ngàn USD để có nhiều thời gian hơn cho công việc của một ĐBQH, “Thật sự mong muốn được đóng góp một cách trong sáng, không vụ lợi, không tham vọng chính trị” trong tư cách một đại biểu của dân. Nhưng khi phải viết đơn “xin rút”, ông Khoa đã đưa ra lý do lãng xẹt: Một người không thể đóng hai vai. Rằng: Bản thân và gia đình chưa thu xếp được. Cứ tin vào lý do “không có thời gian” – có ý nghĩa như một điểm tựa mà dù sao ông Khoa cũng đã nói ra, lại càng thấy ông là người có trách nhiệm. Và vì thế, 5 năm trước, dư luận có lý do để tiếc cho một đại biểu thực tâm, thực tài, mà họ gửi gắm.

Không một người “không có thời gian” nào lại tự ứng cử ĐBQH, dù lý do xin rút vì “Không có thời gian” lại là lý do phổ biến nhất trong việc họ xin rút. Một trường hợp “Không có thời gian” khác là ông Đàm Xuân Anh, 37 tuổi, thạc sĩ ngành kinh tế phát triển, giám đốc Công ty TNHH Thi Anh, người đã giành tới 97,56% số phiếu tín nhiệm của cử tri. Nhưng cũng như ông Hội đồng Khoa, ông Anh cũng “bất ngờ” xin rút. Và cũng với lý do thời gian: “Đang tham gia giảng dạy tại một số trường, vừa nghiên cứu khoa học, làm luận án tiến sĩ… nên không đủ điều kiện làm tốt nếu trúng cử ĐBQH”.

Có lẽ những lá đơn xin rút vì “không có thời gian” sẽ hợp lý hơn rất nhiều nếu người viết, và ký bên dưới, là một vị bộ trưởng, một chủ tịch tỉnh… Nhưng thực tế cho thấy chưa có bất cứ vị bộ trưởng nào xin rút vì lý do thời gian, vì “Một người không thể đóng hai vai”. Không lẽ công việc quản lý của một bộ trưởng vẫn cho ông 3-4 tháng họp Quốc hội. Hoặc các vị Bộ trưởng thì khoẻ hơn các ông hội đồng! Có lẽ lý do dễ thuyết phục nhất là vì họ đã được phân công.
Nếu muốn có một quốc hội thực sự chuyên nghiệp, thực sự đại diện cho nhân dân, muốn có một quốc hội phân biệt tương đối rõ ràng giữa lập pháp và hành pháp thì có lẽ nên giảm tối đa số đại biểu QH hai vai. Và khi cuộc bầu cử là thực sự dân chủ thì có lẽ sẽ không còn những lá đơn xin rút vì: “Không có thời gian”, hay “Không đủ sức khoẻ”.

Tín nhiệm

Một người đương thời khác, cũng tên Khoa, năm đó cũng viết đơn ứng cử đại biểu QH. “Là người trong ngành, tôi thấy giáo dục có quá nhiều tồn tại. Do vậy, ra ứng cử để muốn nói lên tiếng nói trung thực nhất cùng Quốc hội khắc phục triệt để những bất cập, tồn tại đó…” – thầy Đỗ Việt Khoa từng phát biểu nhiệt tình và đầy tâm huyết. “Chẳng có ưu điểm gì nhiều ngoài tính trung thực, thẳng thắn, gần gũi thầy cô, học sinh, sẵn sàng online chia sẻ mọi vấn đề với các thầy cô và các em học sinh… Mặt khác, tôi còn biết sử dụng máy tính và Internet” – như lời ông tự nhận xét, ông Khoa cũng hứa sẽ “tăng cường tiếp xúc cử tri hơn”, sẽ thường xuyên trao đổi với cử tri qua mail, chat, sẽ “công khai địa chỉ nhà riêng để tiện trao đổi” bởi việc tiếp xúc cử tri là “điểm thiếu” của nhiều ĐBQH khóa trước.

Ông Khoa nói rất đúng bởi một một đại biểu mà không thường xuyên tiếp xúc với dân, không hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, không gần dân thì đại biểu đó nên làm Bộ trưởng.

Kết quả như thế nào thì ai cũng biết. Ông Khoa được 0% tín nhiệm của các cử tri tại nơi công tác. Con số 0% này có nhiều điều đáng nói: Nếu các vị thực sự là những người đương thời chống tham nhũng, lại chống ở chính nơi mà mình công tác, xin ở nhà đắp chăn cho khoẻ. Ngay cả các vị đã trúng rồi mà còn muốn tái cử thì cũng nên nhớ một câu: Đánh đĩ 9 phương… Mà tốt nhất là không chống gì cả.

Rào cản này cũng ứng ngay với ứng viên tự ứng cử họ Cù khi ông bị đánh trượt từ vòng gửi xe.

Bởi thế, những chiến sĩ trên mặt trận chống tham nhũng mà tự ứng cử thì hầu như không có tí cơ hội nào, dù đó là người đương thời, dù được tặng huân chương. Nhiều khi đơn giản vì bà con thấy ghét, hoặc bị bảo phải ghét.

Theo quy định trong Luật bầu cử, việc tự ứng cử cực kỳ đơn giản. Bất kỳ ai muốn tự ứng cử chỉ cần nộp vào Ủy ban bầu cử Ðơn xin ứng cử kèm sơ yếu lý lịch và một bản tiểu sử tóm tắt. Không cần ký quỹ, cũng không cần thu thập chữ ký như quy định rắc rối và “phi dân chủ” của bọn khoai tây. Nhưng rõ ràng nhìn vào con số 1, trong hơn 360 người tự ứng cử, trúng cử đại biểu QH, cho thấy đường đến nghị trường của các ứng viên tự ứng cử không dễ tí chút nào.

Trên tường nhà ông Hội đồng Khoa treo một bức thư pháp “Đức tâm thánh thiện gia đình thịnh. Tài trí thanh liêm Tổ quốc hưng” do bà con cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh tặng.

Có lẽ, cần phải sửa hai từ “Tổ quốc”.

Đào Tuấn

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5267

No comments:

Post a Comment