Trở Về Trang chính

Tuesday, March 1, 2011

Tại sao cuộc nổi dậy ở Ai Cập Làm Trung Quốc lo ngại?

Why Egypt should worry China” (Barry Eichengreen), Người dịch: Nguyễn Quốc Khải)vấn đề thất nghiệp và khiếm dụng ngày càng trở nên nghiêm trọng trong giới thanh niên tốt nghiệp đại học… Khả năng của giới trẻ bất mãn – đặc biệt là giới trẻ được giáo dục ở đại học – sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng để tổ chức đã được phơi bầy rõ ràng mới đây ở Tunisia, Ai Cập, và những nơi khác…

Giới trẻ chủ động trong cuộc nổi dậy ở Tunisia, Ai Cập, và các nơi khác ở Bắc Phi và Trung Đông. Những phương tiện truyền thông đại chúng (Internet, Twitter, Facebook) được sử dụng tối đa để thông tin, liên lạc và tổ chức biểu tình.

Cách giải thích thuần túy kinh tế về những biến cố tại Tunisia và Ai Cập sẽ quá đơn giản – tuy nhiên một kinh tế gia cũng có thể toan tính làm chuyện đó. Những biến động tại hai nước này – và những nơi khác trong thế giới Ả Rập – phần lớn phản ảnh sự thất bại của chánh quyền trong việc phân chia lợi tức.

Một cảnh trong cuộc nổi dậy ở Egypt

Thiếu khả năng phát triển kinh tế không phải là một vấn đề. Tại cả hai nước Tunisia và Ai Cập, chánh quyền đã tăng cường chính sách vĩ mô và đã thi hành những biện pháp nới rộng nền kinh tế. Những cải tổ của hai nước này đã đem lại những kết quả tốt. Kể từ năm 1999, kinh tế đã tăng trưởng trung bình 5.1% hàng năm tại Ai Cập và 4.6% tại Tunisia – chắc chắn không phải là mức tăng trưởng như của Trung Quốc, tuy nhiên có thể so sánh với những nước đang nổi lên và thành công về mặt kinh tế như Brazil và Nam Dương.

Vấn đề là giới trẻ không được hưởng lợi ích gì từ sự phát triển. Tỉ lệ của những công nhân dưới 30 ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Triển vọng kinh tế của lớp người này bị giới hạn. Bất cứ ai đến thăm vùng này sẽ nghiệm thấy rằng những hướng dẫn viên du lịch có trình độ học quá cao.

Với khu vực công nghệ tân tiến thiếu mở mang, những công nhân trẻ với ít kỹ năng và ít học bị xô đẩy vào khu vực tự làm những việc tay chân để nuôi sống mình và gia đình. Tham nhũng lan rộng. Mọi người tiến thân bằng những quen biết cá nhân như con cái của những sĩ quan và chánh khách, ngoại trừ một thiểu số khác.

Người ta có thể nhẹ da cả tin rằng một nền kinh tế phát triển cao độ như Trung Quốc sẽ có thể phải đương đầu với những vấn đề tương tự. Nhưng đã có những dấu hiệu báo trước. Trong điều kiện thiếu những tự do chính trị, tính chất chính thống của chánh quyền Trung Quốc dựa vào khả năng cải thiện mức sống và tạo cơ hội kinh tế cho đại quần chúng. Cho đến nay, đại đa số quần chúng này có ít chuyện để than phiền. Nhưng điều này có thể thay đổi bất ngờ.

Trước hết, vấn đề thất nghiệp và khiếm dụng ngày càng trở nên nghiêm trọng trong giới thanh niên tốt nghiệp đại học. Kể từ 1999, khi chánh quyền Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh giáo dục đại học, số sinh viên tốt nghiệp đã gia tăng bẩy lần, nhưng số việc làm đòi hỏi kỹ năng cao và trả lương cao không theo kịp.

Thật vậy, Trung Quốc có đầy rẫy những bài tường thuật về những sinh viên đã tốt nghiệp tuyệt vọng vì không kiếm được việc làm tốt. Báo chí và “blog” viết về những đám sinh viên đông như kiến vừa tốt nghiệp sống chen chúc trong những căn hầm tại những thành phố lớn, trong khi tìm kiếm việc làm một cách vô vọng.

Hậu quả này một phần phản ảnh chế độ giáo dục thiếu uyển chuyển tại Trung Quốc. Sinh viên học một môn duy nhất trong bốn năm ở đại học, như kế toán hay điện toán. Hậu quả là sinh viên ra trường có ít kỹ năng để có thể xin việc làm ở những nơi khác trong trường hợp việc làm mong ước không có. Ở Trung Quốc có khuynh hướng đẩy sinh viên học những ngành như kỹ sư, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc bây giờ bắt đầu chuyển từ biến chế sang dịch vụ.

Như vậy, Trung Quốc cần cải tổ nhanh chóng nền giáo dục. Sinh viên cần có những kỹ năng uyển chuyển, chương trình huấn luyện tổng quát, và được khuyến khích có óc phán xét và suy nghĩ một cách sáng tạo.

Ngoài ra, những dân quê thiếu nghề chuyên môn, ít học, di dân đến các thành phố bị giới hạn vào những việc làm thứ yếu. Không có giấy phép cư trú tại các khu vực thành thị, nên những người dân quê này không được bảo đảm việc làm tối thiểu và quyền lợi như những công nhân khác. Và vì nay đây mai đó, những người dân quê này không được huấn luyện trong nghề.

Tình trạng khó khăn của người dân di cư ra thành phố nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thay đổi hệ thống giấy phép cư trú ở Trung Quốc gọi là “hukou”. Một vài tỉnh và thành phố đã bãi bỏ hệ thống này mà không gặp hậu quả to lớn nào. Những nơi khác có thể làm theo.

Sau cùng, Trung Quốc cần phải nghiêm chỉnh đối với vấn đề tham nhũng. Quen biết cá nhân hay còn gọi là “guanxi” vẫn còn là một yếu tố cần thiết để tiến thân. Những người di dân từ miền quê ra tỉnh và những sinh viên tốt nghiệp với văn bằng của những trường đại học thứ yếu không có những quen biết cá nhân như thế. Những lớp người bị thiệt thòi này sẽ bất mãn nếu họ tiếp tục thấy con cái của những viên chức cao cấp trong chính quyền làm ăn khá hơn.

Khả năng của giới trẻ bất mãn – đặc biệt là giới trẻ được giáo dục ở đại học – sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng để tổ chức đã được phơi bầy rõ ràng mới đây ở Tunisia, Ai Cập, và những nơi khác. Vào tháng trước, chính phủ Ai Cập còn có thể đóng hệ thống Internet và nhà cầm quyền Trung Quốc còn có thể cấm cản chữ “Egypt” của tiếng Trung Quốc trên hệ thống Twitter Sina. Nhưng trong các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trong khu vực ngân hàng, những người bị quy luật chi phối thường đi trước những người làm ra quy luật một bước. Những việc cấm đoán như trên sẽ ngày càng khó khăn để thi hành.

Nếu các nhà cầm quyền ở Trung Quốc không nhanh chóng tìm cách giải tỏa những nỗi bất bình của dân chúng và để ngăn ngừa những nguồn gốc gây ra bất mãn, họ sẽ phải đương đầu với sự nổi dậy ở ngay đất nước của họ – một cuộc nổi dậy sẽ rộng lớn hơn và cương quyết hơn là cuộc biểu tình phản đối của sinh viên mà họ đã đàn áp tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

© Nguyễn Quốc Khải (Bản tiếng Việt)
© Đàn Chim Việt
http://www.danchimviet.info/archives/28798

No comments:

Post a Comment