“Hiện giờ thì chúng em đã mất nhà, em phải đi ở nhờ bên nhà ông bà già vợ. Tiền nợ ngân hàng thì có thể gia hạn được, thế nhưng chỗ mình vay ngoài, người ta có tiền cho vay lãi cao, quá thời hạn thì bây giờ họ cầm giữ nhà, bảo là khi nào mày có tiền trả tao thì tao trả nhà cho mày, nếu không thì tao tịch thu nhà…”
*
Thanh Trúc, phóng viên RFA - Từ tháng Mười 2010, một số công nhân Việt do TTLC tức Công Ty Cổ Phần Xuất Khẩu Lao Động, Thương Mại và Du Lịch, đưa sang Thụy Điển làm nghề hái dâu theo mùa, phải trở về nước vì không có việc.
Công nhân lao động VN biểu tình ở Sarna- Sweden (1)-Ảnh do Ô.Văn Vũ cung cấp
Họ không được TTLC hoàn trả số tiền đặt cọc, còn gọi là tiền “chống trốn”, dù đã kêu đòi khiếu nại nhiều lần.
Đây là những người đi từ tháng Bảy 2010, với hứa hẹn của Công Ty Cổ Phần Xuất Khẩu Lao Động, Thương Mại và Du Lịch TTLC là sang Thụy Điển một ngày hái được tám chục ký dâu thì mỗi người có thể kiếm được hai ngàn rưỡi đến ba ngàn đô la một tháng.
Sang quá sớm, dâu chưa chín
Khi sang đến nơi và được đưa về thành phố Sarna của Thụy Điển, mọi người mới rõ là chưa có dâu chín để hái. Sau ba tuần, các công nhân Việt đứng ra phản đối, nội vụ được báo chí địa phương đăng tải qua bài phóng sự của ký giả Nils Schmidt:
“Chuyện này xảy ra tại nơi tôi ở và gần như ai cũng biết cả. Các công nhân này tới Thụy Điển sớm một tháng, có nghĩa là đến tháng Tám thì dâu mới chín nhưng họ lại đến giữa tháng Bảy. Họ được hứa hẹn nhiều lắm nhưng khi tới nơi thì không có việc để làm.
Và thế là mọi người qui trách nhiệm cho công ty TTLC đã đưa họ sang quá sớm, không có dâu để hái. Họ kể là phải tiêu nhiều tiền vào thức ăn cùng những tốn phí khác trong lúc chỗ ở thì rất tệ.”
Vì sự việc không được giải quyết rốt ráo, một số công nhân bỏ trốn sang các nước khác, một số trở về Việt Nam nhưng không được công ty TTLC hoàn trả lại tiền đã đóng gọi là tiền cọc hoặc tiền “chống trốn”. Anh Đoàn, quê ở Hưng Yên, kể lại:
Anh Đoàn: Nói chung chúng em xuất phát là nông dân và đa số đến 90% là cũng vay nợ như em. Chúng em sang đấy là hai trăm tám mươi tư người, đến Thụy Điển là hoàn toàn trái ngược với những gì công ty TTLC đã tư vấn cho bọn em.
Chúng em ở dưới hầm mà hầu như không có cửa sổ, năm sáu người chung nhau một cái toa lét, rất chật chội, điện nước không có, đến mùa rét là không có cả nước nóng, có khi còn cắt cả nước lạnh mấy hôm liền. Ăn mỗi một bữa thì được một nửa quả trứng gà, bữa thì được mấy cái chân gà.
Chưa trả một xu
Thanh Trúc: Anh trở về nước ngày nào?
Anh Đoàn: Chính thức là bắt đầu ngày 11 tháng Mười năm 2010, về nước thì công ty hẹn chúng em ra rất nhiều lần; bản thân chúng em được tổng giám đốc công ty là ông Hùng, thay ông Trần Lực, công nhận mở tài khoản cho chúng em mỗi đứa một trăm triệu tại Ngân Hàng Quân Đội ở Hà Nội. Nhưng bản thân chúng em về thì công ty không trả một xu nào cho đến tận bây giờ. Mới nhất là hôm mùng 9 vừa rồi, em ra nhưng công ty lại điện thoại nhắn tin là ông giám đốc bận mấy hôm, lại hẹn đến thứ Hai tuần sau.
Số tiền đặt cọc “chống trốn”, chúng em không trốn mà về nước là họ phải trả cả gốc cả lãi, nhưng đến giờ họ chưa trả cho một xu nào.
Thanh Trúc: Tổng cộng chi phí từ lúc làm giấy tờ cho tới lúc đi là bao nhiêu?
Anh Đoàn: Em cầm sổ đỏ cho Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, vay một trăm hai mươi triệu. Tổng chi phí chúng em đóng cho TTLC là một trăm linh bảy triệu, còn ăn học ở đây hơn một tháng là mất hơn chục triệu nữa, ăn ở đi lại chi phí là mất hơn chục triệu nữa, thế là vào tầm một trăm hai mươi triệu.
Thanh Trúc: Anh tính toán như thế nào khi đi Thụy Điển hái dâu ba tháng, trở về thì có đủ sở hụi trả lại tiền vay của ngân hàng?
Anh Đoàn: Chúng em là nông dân, ở Việt Nam thì khó khăn, thế nhưng công ty tư vấn cho chúng em là sang đấy làm trung bình tối thiểu một tháng hai nghìn bốn trăm đô, ba tháng là bảy nghìn hai trăm đô, nhân với giá trị ở Việt Nam thời đó là nhân hai mươi thì coi như là được một trăm bốn mươi tư triệu tiền Việt Nam, cộng với tiền thu lại sáu mươi triệu đặt cọc “chống trốn” mà công ty giữ để làm tin là chúng em đã có già hai trăm triệu.
Thì chúng em tính ba tháng trừ chi phí đi một trăm hai mươi triệu thì còn lời ra tám mươi triệu. Tám mươi triệu so với Việt Nam là lợi nhuận quá cao nên tất cả chúng em, những người nông dân, toàn là cắm nhà cắm đất với lại đi vay lãi cao ở ngoài để nộp cho công ty để đi.
Không tiền trả nợ mất nhà
Thanh Trúc: Anh đã không được TTLC trả lại số tiền “chống trốn”, cũng không được trả số tiền hỗ trợ hai chục triệu hay bốn chục triệu gì đó. Không có tiền trả nợ ngân hàng thì chuyện gì xảy ra?
Anh Đoàn: Hôm mùng 3 vừa rồi thì ngân hàng đã đến nhắc nhở gia đình em chuẩn bị tiền để cuối tháng này phải trả. Nếu không trả được, vì em đã làm cam kết giao sổ đỏ nhà đất cho ngân hàng, thì ngân hàng sẽ phát mại, coi như họ thu họ bán, họ trừ tất cả số mình vay nợ đi, còn dư đâu họ trả cho mình.
Gia đình nhà em đang không biết là ở đâu, đến giờ phút này em chưa nhận được một xu nào từ TTLC. Em ra tiếp xúc mấy lần với ông giám đốc Trương Bá Thu thì ý ông là chúng em coi như đấu tranh quyền lợi cho mọi công nhân thì họ không bằng lòng, họ thù chúng em.
Cũng từ Thụy Điển trở về một lượt với anh Đoàn, anh Cường ở Bắc Giang cho biết anh đã đôi ba lần đến công ty TTLC để xin thanh lý tiền “chống trốn” và tiền hỗ trợ không có việc phải về giữa chừng, thế nhưng:
“Ngày 25 tháng Mười em ra nhưng người ta ghi giấy hẹn, đến ngày 4 tháng Mười Một em ra lần thứ hai mà cũng cãi nhau, người ta đòi trừ vé máy bay, trừ của anh Đoàn với Ba là bảy mươi triệu, trừ em ba mươi triệu nhưng không đưa được ra một chứng cớ gì. Suốt từ ngày đấy em ra là toàn cứ trốn chứ không găp mặt.
Họ chưa trả một đồng nào tiền “chống trốn” mà em đặt cọc là năm mươi bảy triệu. Người ta hứa đền bù cho tất cả trong hợp đồng là một trăm triệu mà chưa nhận được đồng nào, kể cả tiền em lái xe ở bên đấy. Tiền đấy là do bố mẹ đẻ em đứng ra vay ngân hàng, tất cả một trăm hai mươi triệu, chi phí hết một trăm mười bốn triệu, còn mấy triệu em cầm đi tiêu đường là mang sang bên Thụy Điển.”
Người công nhân tên Ba, ở Bắc Giang, mà anh Cường vừa nhắc tới, thì thê thảm hơn vì đã mất nhà bởi không có tiền trả nợ:
“Lúc đi thì ở nhà vợ chồng em vay một số của ngân hàng, vay một số của lãi ngoài, có một cái xe Honda thì bán đi mà chung tiền vào cho nó đủ. Đi cái đợt vừa rồi đó tổng chi phí gần một trăm ba mươi triệu. Sáu mươi triệu tiền cọc của mình họ vẫn chưa trả cho mình. Khi chúng em về họ có đánh một thư xác nhận là vừa tiền hỗ trợ nhưng cầm thư đó về mà họ không giải quyết cho và vẫn giằng co đến bây giờ.
Hiện giờ thì chúng em đã mất nhà, em phải đi ở nhờ bên nhà ông bà già vợ. Tiền nợ ngân hàng thì có thể gia hạn được, thế nhưng chỗ mình vay ngoài, người ta có tiền cho vay lãi cao, quá thời hạn thì bây giờ họ cầm giữ nhà, bảo là khi nào mày có tiền trả tao thì tao trả nhà cho mày, nếu không thì tao tịch thu nhà.
Bây giờ chưa thanh lý hợp đồng chưa có tiền trả nợ thì đầu óc cũng chưa yên ổn để làm cái gì.”
Đó là hoàn cảnh eo hẹp mà ba công nhân ở Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc phải chịu đựng sau khi trở về từ Thụy Điển và không được công ty môi giới TTLC trả lại tiền cọc như đã hứa cùng với tiền đền bù hỗ trợ như cam kết khi về nước giữa chừng.
Chỉ giữ hộ
Tuy nhiên lúc gọi về Công Ty Cổ Phần Xuất Khẩu Lao Động, Thương Mại và Du lịch TTLC ở Hà Nội, thì cô Hương, phụ trách phòng Châu Âu trong TTLC, trả lời:
“Thứ nhất là công ty chúng tôi, nếu có thu tiền một khoản nào đó, thì đều phải có chứng từ hết. Vì vậy khi người ta phản ánh như vậy thì chúng tôi cũng phải chắt lọc xem cái người ta phản ánh là đúng hay sai.
Tại vì công ty chúng tôi là công ty nhà nước, chúng tôi không thể thu tiền mà không có chứng từ được. Cái việc có trả lại, thứ nhất, cái chi phí tôi nói chỉ hai ngàn hai trăm đô là toàn bộ chi phí mà người lao động đóng cho TTLC. Ngoài ra người ta có thể thế chấp để đảm bảo là hết thời vụ thì người ta quay về Việt Nam chứ không trốn ở lại Thụy Điển, không vi phạm hợp đồng với chúng tôi. Người lao động còn phải đặt cọc giấy tờ nhà đất hoặc một khoản tiền nào đó gọi là tiền thế chấp chứ không phải tiền bảo hiểm.
Những lao động đã về thì toàn bộ tiền thế chấp gởi công ty đương nhiên chúng tôi trả. Tôi không nói đấy là chi phí, đấy cũng không phải tiền của chúng tôi, chúng tôi chỉ giữ hộ thôi.
Còn những người đã vi phạm hợp đồng mà bây giờ mới quay trở về thì trước mắt chúng tôi tổ chức đưa về và tùy theo hợp đồng giữa người lao động với công ty chúng tôi sẽ tiến hành thanh lý.”
Phóng viên Nils Schmidt của báo Mora Tidning bên Thụy Điển thì quả quyết là hãy còn hai mươi tám công nhân trở về chưa được TTLC thanh toán chi trả đồng bạc nào.
Điều gây chú ý trước giờ là tranh cãi luôn xảy ra giữa công ty môi giới với người công nhân đi xuất khẩu lao động. Đa số trường hợp thì phần nhiều sự thiệt thòi luôn nghiêng về phía lao động nghèo chứ không phải phía nắm đàng chuôi tức các công ty môi giới.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-workers-duped-by-gov-and-agency-ttruc-03132011125441.html
No comments:
Post a Comment