Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã có chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược, Vụ Kế hoạch-Tài chính kiểm tra việc nhiều doanh nghiệp (DN) tăng giá thuốc quá cao.
Cụ thể, kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa công bố cho thấy hiện tượng tăng giá thuốc ồ ạt là có thật, hiện có đến 240 mặt hàng dược phẩm tăng 3%-30%.
Thế nhưng giống như các đợt kiểm tra trước, dù phát hiện các “đầu nậu” thuốc tăng giá nhưng thanh tra sở Y tế… lại không xử phạt được. Nguyên nhân là trước đó các DN này đã kê khai giá thuốc dự kiến với Bộ Y tế và ở đó họ đã kê mức giá vống lên nhiều lần để “đón đầu”. Chính vì thế dù phát hiện nhiều loại thuốc tăng giá nhưng mức giá mới này vẫn chỉ tương đương 70% giá họ kê khai tại cơ quan quản lý nhà nước.
Có vẻ như biện pháp kê khai giá đã bị “qua mặt” một cách dễ dàng, mà lý do chủ yếu là vào thời điểm kê khai, cơ quan quản lý dược đã không có ý kiến gì về con số DN đưa lên. Việc không có ý kiến gì có thể có hai lý do: Một là cơ quan quản lý không thể “quản” hết hàng vạn mặt hàng thuốc với đủ các loại tên biệt dược và hai là có sự “thông đồng”.
Cứ cho là lý do thứ hai khó có thể xảy ra, thì ở lý do thứ nhất đã thấy giải pháp quản lý hết sức hình thức. Lẽ ra sau khi có sự kê khai giá từ phía DN, cơ quan quản lý phải tiến hành phương thức chọn mẫu ngẫu nhiên, sau đó tiến hành bước so sánh, phân tích theo giá nhập khẩu (hoặc giá thành sản xuất), chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức và các loại thuế, phí liên quan. Nếu việc này được tiến hành nghiêm túc, chắc chắn không có DN dược nào “qua mặt” cơ quan quản lý được.
Thêm nữa, dù đã nhiều lần phát hiện phương thức này, không rõ vì sao lần này Thanh tra Sở Y tế Hà Nội mới công bố rộng rãi. Hơn nữa sự công bố ấy cũng chưa đầy đủ khi thiếu tên các chủ thể liên quan trực tiếp cùng các kiến nghị cụ thể để Chính phủ, người bệnh biết rõ đối tượng nào thực sự đang “té nước theo mưa” làm giàu trên xương máu người bệnh?!
No comments:
Post a Comment